Những hiện vật 'biết nói' về báo chí Quảng Ninh

Ở Quảng Ninh hiện nay cũng như tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam có hàng trăm hiện vật ghi dấu chặng đường phát triển của báo chí Vùng mỏ.

Những hiện vật này còn nằm rải rác tại các kho lưu trữ của Trung tâm Truyền thông tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh, các chi hội nhà báo địa phương, các Trung tâm Truyền thông và Văn hóa cấp huyện, bộ sưu tập tư nhân của các nhà báo.

Một điểm nữa là ở Quảng Ninh có nhiều hiện vật về báo chí và nhà báo được lưu trữ tại phòng truyền thống của các mỏ, bộ sưu tập của các cộng tác viên là cán bộ tuyên truyền tại nhiều đơn vị ngành Than. Trong đó, có nhiều máy ảnh, ống kính, phim, máy phát thanh, ghi âm v.v.. của các nhà báo không chuyên.

Máy ghi âm từng được sử dụng trong hệ thống truyền thanh mỏ Mạo Khê.

Máy ghi âm từng được sử dụng trong hệ thống truyền thanh mỏ Mạo Khê.

Tại không gian báo xuân hàng năm tổ chức ở Thư viện tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh còn đưa đến công chúng, độc giả không gian trưng bày, giới thiệu những tư liệu, hiện vật lịch sử gắn với sự ra đời và phát triển của báo chí Quảng Ninh, ấn phẩm báo chí của tỉnh qua các thời kỳ lịch sử. Ban Tổ chức đã trưng bày nhiều hiện vật gắn liền với sự phát triển của báo chí Quảng Ninh qua các thời kỳ, như: Loa phát thanh, radio, máy ảnh, máy quay, điện thoại, điện đàm, băng đĩa, máy ghi âm, chân máy camera, chân micro, ống kính, đèn flash máy ảnh, loa truyền thanh, đầu dựng phim... của các thế hệ phóng viên, các ấn phẩm báo chí của Quảng Ninh thời kỳ đầu…

Ông Phạm Văn Triển, Phó Giám đốc Phụ trách Thư viện tỉnh, cho biết: Sau khi tổ chức hội báo xuân, chúng tôi đã trưng bày các hiện vật liên quan đến báo chí Quảng Ninh tại khu vực tầng lửng của Thư viện. Hiện vật liên quan đến phương tiện tác nghiệp của các nhà báo, các tác phẩm báo chí xưa v.v.. Những tác phẩm này được trưng bày trang trọng trong tủ kính để phục vụ bạn đọc và du khách tham quan.

Hiện vật lưu trữ tại Thư viện Quảng Ninh.

Thư viện tỉnh còn bổ sung trên 200 loại báo, tạp chí; đồng thời đã đóng bìa lưu 7.424 quyển báo, tạp chí khác đã được xuất bản trong hơn nửa thế kỷ qua. Trong đó có hàng ngàn trang báo của thế hệ những người làm báo Quảng Ninh.

Xuất phát từ tâm huyết muốn giữ gìn, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí và được Thủ tướng phê duyệt quyết định thành lập từ năm 2017. Bảo tàng Báo chí Việt Nam có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử Báo chí Việt Nam. Nhiều hiện vật đã được các nhà báo, nhà hảo tâm hiến tặng, tạo nên cái nhìn tương đối tổng quát về lịch sử báo chí.

Một số hiện vật về báo chí tại mỏ Cọc Sáu.

Thời gian gần đây, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức hiến tặng các tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Theo đó, 13 hội viên nhà báo của tỉnh đã hiến tặng các tư liệu, hiện vật mà bản thân lưu giữ được trong quá trình tác nghiệp báo chí qua các thời kỳ. Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí của tỉnh cũng đã hiến tặng một số tư liệu, hiện vật, gồm: Máy quay phim M.1000, bức tranh Bác Hồ đọc báo Quảng Ninh, các bức ảnh tác nghiệp mang dấu ấn của báo chí Vùng mỏ, bức ảnh trụ sở báo Than - cơ quan báo chí của tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Vùng mỏ xuất bản bí mật những năm 1928-1929, các số báo mang dấu ấn của báo chí Vùng mỏ, báo chí Quảng Ninh...

Đây là kết quả của quá trình phát động đợt sưu tầm, hiến tặng tư liệu, hiện vật nhằm thiết lập khu vực trưng bày về báo chí Quảng Ninh tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam của Hội Nhà báo Quảng Ninh. Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ không chỉ thuần túy lưu giữ những hiện vật, tư liệu mà còn có nhiệm vụ kể lại theo cách của mình cho các thế hệ người làm báo và công chúng về những tờ báo, những người làm báo trong từng giai đoạn lịch sử đã sống và làm việc như thế nào, đã làm tròn bổn phận “thư ký thời đại” ra sao thông qua các tác phẩm để lại của họ.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/nhung-hien-vat-biet-noi-ve-bao-chi-quang-ninh-2923605.html