Những hệ lụy từ xung đột Mỹ - Trung

Giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đang vào hồi quyết liệt thì Washington gia tăng thách thức quân sự với Bắc Kinh trên các vùng biển tranh chấp. Chưa hết, Mỹ đang cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ của họ. Xung đột Mỹ - Trung đã leo thang trên mọi mặt trận và hệ lụy của nó khiến kẻ khóc, người cười.

Cuộc chiến tổng lực

Bắt đầu từ tháng 7/2018, Mỹ chính thức áp thuế bổ sung với 34 tỷ USD hàng hóa đến từ Trung Quốc. Phản ứng ngay tức thì, Trung Quốc cũng áp thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa đến từ Mỹ. Đến ngày 23/8, bất chấp phái đoàn Trung Quốc đang có mặt tại Washington để đàm phán thương mại, Mỹ áp thuế bổ sung thêm 16 tỷ USD với 279 hàng hóa đến từ Trung Quốc.

Bắc Kinh phản đối kịch liệt, cảnh báo sẽ trả đũa bằng cách áp thuế bổ sung lên 16 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Ngay sau đó, ngày 24/9, Mỹ áp mức thuế 10% với hơn 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và mức thuế có thể tăng lên tới 25% vào năm sau, cao gấp 10 lần mức thuế trung bình mà Mỹ áp với hàng nhập khẩu từ các nước khác.

Trong cuộc chiến không ngừng leo thang này, Washington tung ra các đòn quái chiêu hơn. Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ áp thuế với tất cả hàng hóa đến từ Trung Quốc, nếu Bắc Kinh tiếp tục có những động thái "ăn miếng trả miếng" với Washington. Trong bối cảnh ấy, giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh "không còn đạn để bắn", bởi cán cân thương mại Mỹ - Trung chênh lệch tới 347 tỷ USD.

Nhưng Mỹ không chỉ tấn công Trung Quốc bằng việc áp thuế. Washington quyết chặn nguồn dầu khí nhập khẩu của Bắc Kinh. Chính Washington đã ngừng xuất một lượng dầu khí không nhỏ cho Trung Quốc (khoảng 20% lượng dầu nhập khẩu của nước này).

Chưa hết, Mỹ còn ráo riết ngăn chặn nguồn dầu từ Iran và Venezuela tràn vào Trung Quốc bằng các hình thức cấm vận. Ngoài ra, Washington lôi kéo hàng loạt đồng minh tham gia vào cuộc chiến chống lại Bắc Kinh.

Việc ký kết lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vừa rồi là một ví dụ. Điều đặc biệt trong thỏa thuận mới giữa Mỹ, Canada và Mexico (USMCA) cho phép Mỹ ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của

Ottawa và Mexico để thực hiện một thỏa thuận thương mại tự do với một quốc gia có “nền kinh tế phi thị trường”. Cái mà Washington nhấn mạnh đến "nền kinh tế phi thị trường" ở đây chính là kinh tế Trung Quốc.

Nếu một trong những thành viên của bộ ba vẫn phạm một tội lỗi như vậy, thì hai nước kia sẽ có thể phá vỡ hợp đồng và tạo ra một liên minh song phương trong vòng 6 tháng. Trong tương lai, Washington dự định sẽ ký thỏa thuận với Tokyo và Brussels những điều khoản tương tự như vậy.

Về chính trị, Tổng thống Donald Trump trực tiếp công kích Trung Quốc tại Đại hội đồng LHQ vừa qua. Tổng thống Mỹ cáo buộc Bắc Kinh có những hành động can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Phó Tổng thống Michael Pence cũng cáo buộc Trung Quốc phá hoại lợi ích của Mỹ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc trộm cắp công nghệ.

Phát biểu tại Viện Hudson ở Washington, Pence đã lên án hành động đàn áp người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, kế hoạch để đạt được sự thống trị công nghệ vào năm 2025 và sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh.

Theo Walter Russell Mead, một thành viên của Viện Hudson, bài phát biểu của Michael Pence thể hiện sự thay đổi lớn nhất trong quan hệ Mỹ - Trung kể từ năm 1971, khi Henry Kissinger đến Bắc Kinh. Nói cách khác, Washington bắt đầu cuộc chiến tranh lạnh thứ hai.

Trên thực tế, Washington siết chặt quản lý người Trung Quốc ở Mỹ, đe dọa trục xuất hàng loạt Hoa kiều, sinh viên gốc Hoa và phong tỏa tài khoản của họ.

Mới đây, ngày 10/10, Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo của tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) Xu Yanjun bị cáo buộc đánh cắp những bí mật của các nhà sản xuất máy bay Mỹ. Ông này bị bắt ở Bỉ, hiện đang tạm giam ở Mỹ chờ xét xử. Trường hợp của Xu không phải là duy nhất. Vào tháng Chín, công dân Trung Quốc có tên Ji Chaojun, sống ở Chicago đã bị bắt. Ông này bị buộc tội bán thông tin cho tình báo Trung Quốc.

Trao đổi với tờ Washington Post, các quan chức Mỹ cho rằng, chiến dịch chống lại Trung Quốc như trên là chưa có tiền lệ.

Về quân sự, Mỹ thẳng tay trừng phạt Trung Quốc vì… mua vũ khí của Rosoboronexport, công ty Nga đang bị Washington cấm vận. Trong khi đó, Washington quyết định bán cho Đài Loan 1,3 tỷ USD vũ khí và điều tàu khu trục USS Decatur đến tuần tra khu vực các đảo Gạc Ma, Ga Ven mà Trung Quốc lấn chiếm ở Trường Sa.

Sau sự kiện tàu Trung Quốc suýt lao vào USS Decatur, Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường lực lượng hải quân trên biển Đông nhằm “chặt đường lưỡi bò” do Trung Quốc vẽ ra - Tờ National Interest cho biết.

Ngoài ra, Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng (NDAA) 2019 trị giá 176 tỷ USD vừa được Quốc hội Mỹ thông qua hôm 1/8 và được Tổng thống Donald Trump ký hôm 13/8 được cho là động thái quyết liệt của Mỹ trước thái độ hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông.

Kẻ khóc, người cười

Cuộc chiến tổng lực của Mỹ nhằm vào Trung Quốc khiến thế giới chao đảo. Vào ngày thứ Năm (11/10), thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm mạnh: Shanghai Composite Index giảm 6%, Nikkei (Nhật) - 3,9%, Hang Seng Index (Hongkong) - 4%, Kop (Hàn Quốc) - 4,4%, Taiex (Đài Loan) - 6,3%...

Chứng khoán Mỹ cũng rơi vào tình cảnh tồi tệ. Theo tin từ Bloomberg, việc bán tháo cổ phiếu diễn ra trên diện rộng đã đẩy chỉ số S&P 500 xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua, chỉ số Dow Jones mất 836 điểm, chỉ số Nasdaq bay mất hơn 4%.

Trung Quốc, tất nhiên là nước phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề. Theo các nhà phân tích Nga ở Teletrade, kinh tế Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ suy thoái trầm trọng so với dự kiến.

Chứng khoán sụt giảm kéo theo số người giàu ở Trung Quốc cũng “bốc hơi”. Theo đánh giá của tạp chí Hurun Report, số cá nhân siêu giàu - những người có ít nhất 2 tỷ nhân dân tệ tài sản, tương đương 209 triệu USD - giảm xuống còn 1.893 người trong năm nay, giảm 11% so với con số 2.130 người vào năm 2017.

Xung đột Mỹ - Trung khiến bán đảo Triều Tiên trở thành con tin của hai cường quốc. Kể về một cuộc trò chuyện với Kim Jong-un trong khuôn khổ chuyến thăm Triều Tiên lần thứ 4, hôm thứ Hai (7/10), Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng đã đồng ý cho phép các thanh tra quốc tế đến địa điểm thử hạt nhân.

Một dấu hiệu tích cực khác: Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên "đã bắt đầu lên kế hoạch" cho hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, Washington lo ngại trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước, Trung Quốc, nước đóng vai trò quan trọng trong vấn đề Triều Tiên khó có thể có được tiếng nói chung với Mỹ. Và như vậy, bán đảo Triều Tiên nghiễm nhiên trở thành con tin của xung đột Mỹ - Trung.

Ngoài ra, khi xung đột Mỹ - Trung leo thang, Nga sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất. Moskva có điều kiện củng cố mặt trận Syria, thoải mái bán vũ khí và quan trọng hơn cả là họ sẵn sàng thế chân Mỹ, "bơm" cho Trung Quốc lượng dầu đáng kể, chiếm tới 20% lượng dầu nhập khẩu của nước này. Cuộc xung đột Mỹ - Trung xem ra còn dài và mục tiêu của Washington không dừng lại ở bao vây kinh tế mà còn tấn công Trung Quốc trên mọi mặt trận có thể.

Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc cho biết, trong tháng 7/2018, mức tăng sản lượng công nghiệp Trung Quốc tương đương với tăng trưởng 6% năm, bằng mức tăng trưởng công nghiệp tháng 6/2018. Doanh số bán lẻ trong tháng 7/2018 tăng 8,8%, trong khi tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 6 là 9%.Tỷ lệ thất nghiệp tại các thành phố của Trung Quốc trong tháng 7/2018 đã tăng lên 5,1%, từ mức 4,8% trong tháng 6.

Duy Long (Tổng hợp)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nhung-he-luy-tu-xung-dot-my-trung-3958778-b.html