Những hệ lụy từ kế hoạch năng lượng khẩn cấp của EU

Tuần vừa qua, thị trường đã chứng kiến Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen có những đề xuất nằm trong kế hoạch năng lượng khẩn cấp của EU.

Theo đó, bà Ursula von der Leyen đã đề xuất rằng các chính phủ cần áp đặt mức trần đối với doanh thu của các nhà khai thác năng lượng và tăng thuế lợi nhuận bất thường đối với các Big Oil.

Được gọi là sự "đóng góp đoàn kết", mục đích của loại thuế lợi nhuận mới giống như mục tiêu của mức trần doanh thu, bao gồm quản lý chi phí năng lượng trong môi trường lạm phát tăng cao, cũng như sẽ thu được một khoản tiền để phân bổ cho những hộ gia đình thu nhập thấp.

Trên thực tế, giống như các kế hoạch lớn khác, có rất nhiều những hậu quả không mong muốn với kế hoạch này, và một trong những điều đáng tiếc nhất là sự nản chí trong việc đầu tư vào dầu khí ở thời điểm mà các khoản đầu tư vào ngành này trên toàn cầu đã thấp hơn so với dự báo nhu cầu.

Người đứng đầu bộ phận chiến lược năng lượng toàn cầu của JP Morgan mới đây đã đề cập tới điều kể trên trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

Ông Malek nói: "Nếu bạn đang lập kế hoạch cho ngân sách vốn của mình, bạn phải suy nghĩ cẩn trọng về việc sẽ có một rủi ro mới. Nó thúc đẩy các ông lớn chi trả tiền mặt cho các cổ đông khi họ sử dụng dòng tiền tự do mà lẽ ra có thể được sử dụng cho việc đầu tư".

Theo kế hoạch, EU đang tìm cách huy động khoảng 140 tỷ USD từ thuế lợi nhuận của các nhà máy phát điện năng lượng tái tạo và buộc các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch chia sẻ lợi nhuận.

Phản ứng trước đề xuất của Ủy ban châu Âu, Giám đốc điều hành của công ty hóa dầu tích hợp đa quốc gia Áo OMV Alfred Stern đã cảnh báo rằng mức thuế thu nhập theo kế hoạch của EU có thể có tác động rất lớn, đồng thời cho biết thêm rằng căn cứ cho đề xuất đánh thuế lợi nhuận vào các công ty dầu từ ba năm qua là không công bằng vì đây không phải là thời kỳ bình thường.

Ông Stern đã nói với các nhà báo: "Chúng tôi sẽ để mắt đến điều đó, vì nó có thể có tác động lớn". Tuy nhiên, Stern nói rằng, rất khó để đánh giá tác động chính xác của khoản thuế khi các chi tiết cụ thể của đề xuất vẫn chưa được công bố.

Ông Stern lưu ý rằng, ba năm qua bao gồm hai năm đại dịch khi rất nhiều công ty trong ngành dầu khí phải vật lộn để tồn tại, chứ nói gì đến việc thu được lợi nhuận, khi giá dầu giảm xuống 25 USD/thùng.

Theo một dự thảo đề xuất được công bố hôm 14/9 vừa qua, các công ty năng lượng sẽ phải nộp mức thuế 33% trên bất kỳ khoản lợi nhuận nào trong năm hiện tại, cao hơn 20% so với mức trung bình của ba năm qua.

Nếu những gì vị chuyên gia của JP Morgan dự đoán là chính xác, điều này có nghĩa là an ninh năng lượng thấp hơn cho tương lai với sản lượng dầu và khí đốt từ các nước khác ngoài nước Nga ít hơn. Điều quan trọng là liệu khoản thuế này sẽ tồn tại được trong nhiều năm hay nhanh chóng bị dỡ bỏ một khi số tiền được huy động, ông Malek nhấn mạnh.

Ông Malek nói: "Đó không phải là con số tuyệt đối, mà là sự không chắc chắn, không thể đoán trước được. Có nguy cơ điều này sẽ tái diễn".

Reuters dẫn lời một số nhà phân tích nói rằng, nhiều khả năng mục tiêu nhắm tới của mức thuế mới sẽ là các nhà máy lọc dầu ở châu Âu vì có rất ít hoạt động thượng nguồn diễn ra ở EU.

Cần lưu ý rằng, loại thuế mới chỉ là một đề xuất của EC và vẫn chưa được tất cả các thành viên EU thông qua.

Về phần mình, Giám đốc điều hành của S&P Global phụ trách ngành khí đốt tại EMA, Laurent Ruseckas, nói rằng các đề xuất do bà Von der Leyen đưa ra "tất cả đều cực kỳ phức tạp" và "sẽ không thể tiến hành và thực hiện kịp thời gian cho mùa đông ngay cả khi có sự đồng thuận chính trị đằng sau chúng - điều mà hiện vẫn chưa có được".

"Việc có được sự đồng ý với các mục tiêu và biện pháp của toàn EU là hợp lý, nhưng không cho phép quốc gia linh hoạt về cách đạt được điều đó, chúng ta có nguy cơ phá vỡ các thị trường mà chúng ta đang cố gắng khắc phục", một nhà ngoại giao châu Âu nói với FT.

Bình An

Theo Oil Price

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nhung-he-luy-tu-ke-hoach-nang-luong-khan-cap-cua-eu-666097.html