Những hậu quả nghiêm trọng khi cha mẹ cãi nhau trước mặt con

Mối quan hệ của bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm sinh lý của con cái. Cha mẹ bất hòa, căng thẳng, thậm chí cãi nhau, đánh nhau sẽ để lại cho trẻ những sang chấn tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tai hại khôn lường khi cha mẹ cãi nhau trước mặt con cái

Hầu hết bố mẹ nào cũng nhận thấy rằng việc cãi nhau trước mặt con là điều không nên xảy ra. Nhưng một khi có một xung đột giữa hai vợ chồng, theo bản năng, họ không có khả năng kiềm chế cảm xúc. Từ đó, những cuộc cãi cọ vẫn nổ ra như thường. Và con trẻ là người phải hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất.

Nêu ý kiến trên Zing.vn, một bạn trẻ viết: "Nhớ lại hồi xưa, bố mẹ cãi nhau, hai anh em chỉ biết ôm nhau khóc. Có một lần bố còn tát mẹ một cái, lúc đó mình cảm thấy thế giới này như sụp đổ. Thế nên làm bố làm mẹ đừng bao giờ đánh cắp sự bình yên và một cuộc sống tươi đẹp trong mắt trẻ thơ".

Một bạn trẻ khác cho biết: "Hồi bé chứng kiến ba mẹ cãi nhau... thật sự rất buồn! Lúc đó chỉ muốn trốn và bỏ nhà đi để không phải thấy ba mẹ gây nhau nữa. Một bạn trẻ khác lại kể rằng: Hồi học cấp 3 bố mẹ cãi nhau, mình bỏ nhà đi lang thang trên ga mất 2 ngày"...

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam, trong nhiều năm làm tư vấn, can thiệp những vấn đề tâm lý liên quan đến trẻ em bà nhận thấy rằng, nguyên nhân các vấn đề tâm lý của trẻ em (ngoại trừ việc lạm dụng và bỏ bê nghiêm trọng) là cha mẹ có những cuộc cãi vã trước mặt con cái họ. TS Kim Quý đã từng tiếp cận với một cậu bé 15 tuổi tự ti và nhút nhát. Cậu bé này thi trượt vào một trường công lập của bậc THPT, trong khi trước đó cháu đã từng là học sinh giỏi khi học cấp 2. Cậu bé này mắc phải triệu chứng trầm cảm, chán ghét và có biểu hiện của việc hủy hoại bản thân. Tìm hiểu nguyên nhân thì cậu bé cho biết, bố mẹ cháu thường xuyên cãi nhau và nói nhiều về việc ly hôn.

Theo các chuyên gia, bố mẹ thường nghĩ trẻ con không để ý đến những lần tranh cãi của người lớn. Nhưng kỳ thực, chúng luôn dõi theo mối quan hệ đó. Việc cha mẹ bất hòa, căng thẳng, thậm chí cãi nhau, đánh nhau sẽ để lại cho trẻ những sang chấn tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Một nghiên cứu cho thấy, đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tranh cãi gay gắt của cha mẹ. Trẻ từ 1 đến 19 tuổi có thể nhạy cảm với những xung đột trong hôn nhân của cha mẹ. Khi chứng kiến bố mẹ chúng cãi nhau công khai, em bé dù mới 6 tháng tuổi đã có phản ứng cảm xúc mạnh ví dụ như nhịp tim tăng cao hơn so với lúc chứng kiến cảnh mâu thuẫn của những người lạ. Còn trẻ ở lứa tuổi lớn có thể bị ảnh hưởng lớn hơn, đặc biệt thường có biểu hiện bên ngoài như hung hăng, thù địch và bạo lực hơn, còn bên trong thì tự kỷ, lo lắng, buồn phiền và thậm chí có ý nghĩ tự tử.

6 hậu quả khi cha mẹ cãi nhau trước mặt con

Giảm hiệu suất nhận thức: Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên tạp chí Phát triển trẻ em cho thấy rằng, căng thẳng liên quan đến việc sống trong một ngôi nhà có xung đột cao sẽ làm giảm hiệu suất nhận thức của trẻ. Khi cha mẹ căng thẳng thường xuyên, trẻ em gặp khó khăn hơn trong việc điều chỉnh sự chú ý và cảm xúc. Khả năng giải quyết vấn đề và tiếp thu các thông tin mới cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trẻ trở nên hung hăng: Chứng kiến cha mẹ bất hòa, thậm chí đánh nhau sẽ làm tăng nguy cơ trẻ đối xử với người khác bằng sự thù địch. Khi thấy bố mẹ cãi nhau trước mặt trẻ, trẻ em sẽ học được rằng cãi nhau là cách giải quyết vấn đề. Từ đó trẻ em sẽ bắt chước cha mẹ và giải quyết các vấn đề cá nhân của chúng bằng cãi vã và đánh nhau. Hành vi hung hăng này có thể khiến trẻ gặp rắc rối ở trường học, ảnh hưởng đến các mối quan hệ bạn bè của trẻ.

Trẻ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm: Nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Cambridge (Anh) tìm hiểu 238 người từ 15 đến 18 tuổi. Họ được đề nghị thực hiện một bài kiểm tra để đánh giá khả năng xử lý những thông tin có liên quan đến cảm xúc. Theo đó, những người có kết quả thấp nhất khi làm bài kiểm tra trên thì nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp bốn lần so với những người khác. Thống kê cho thấy, những người này thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau trong khoảng thời gian hơn sáu tháng và trước khi lên 6 tuổi.

Tăng nguy cơ lạm dụng chất kích thích ở tuổi vị thành niên: Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sống trong một ngôi nhà có mức độ xung đột cao sẽ làm tăng tỷ lệ hút thuốc, uống rượu và sử dụng cần sa ở trẻ.

Trẻ gặp rắc rối về thể chất: Khi thấy cha mẹ cãi nhau, trẻ cảm thấy buồn bã, lo lắng. Cảm giác này có thể sẽ được chuyển thành bệnh đau đầu hoặc đau dạ dày. Khi buồn bã, trẻ không muốn ăn hoặc ngược lại, ăn quá nhiều để đối phó. Lo lắng sẽ khiến trẻ khó ngủ vào buổi tối khi phải suy nghĩ về các mâu thuẫn đã xảy ra trong ngày.

Nhìn nhận tiêu cực hơn về cuộc sống: Trẻ em được nuôi dưỡng trong những ngôi nhà có cha mẹ thường xuyên xảy ra bất hòa sẽ hình thành những quan điểm tiêu cực về mối quan hệ trong gia đình. Trẻ cũng có nhiều khả năng nhìn nhận bản thân theo cách tiêu cực.

Những ảnh hưởng đến trẻ khi chứng kiến bố mẹ cãi nhau:

- Lo lắng, buồn phiền.

- Không tự tin.

- Cô đơn, tự kỷ.

- Trở nên hung hăng, bạo lực.

- Có suy nghĩ tự tử.

Ngân Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/nhung-hau-qua-nghiem-trong-khi-cha-me-cai-nhau-truoc-mat-con-20191127200755329.htm