Những hạt sạn ở không gian đi bộ Hồ Gươm

Sau nửa tháng hoạt động trở lại, phố đi bộ Hồ Gươm lại trở thành điểm hẹn văn hóa, du lịch cuối tuần của nhiều người dân và gia đình. Tuy nhiên, nơi đây còn tồn tại một vài hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong hoạt động kinh doanh của một số cá nhân, cơ sở.

“Chướng tai gai mắt”

Những ngày qua, mặc dù thời tiết nắng nóng, người dân từ khắp nơi vẫn kéo về không gian đi bộ Hồ Gươm để tham gia các hoạt động vui chơi, theo dõi các chương trình văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của công chúng ở mọi lứa tuổi, nhiều dịch vụ kinh doanh, vui chơi giải trí đã hoạt động trở lại sau thời gian dài “ngủ đông” vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhiều hoạt động kinh doanh tự phát mọc lên gây phản cảm. Dễ thấy nhất là những hình ảnh quán nước di động khu vực đền Bà Kiệu. Chỉ với vài chai nước, 2 - 3 chiếc ghế nhựa và thùng xốp thay cho bàn, người bán có thể kinh doanh bất chấp lực lượng bảo vệ nhắc nhở. Khách hàng ngoài việc dừng chân nghỉ ngơi, uống nước còn xả rác, hút thuốc lá ngay nơi công cộng.

 Người dân đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm (ảnh to); Hình ảnh kém văn minh tại phố đi bộ (ảnh nhỏ). Ảnh: Thanh Hải - Lại Tấn

Người dân đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm (ảnh to); Hình ảnh kém văn minh tại phố đi bộ (ảnh nhỏ). Ảnh: Thanh Hải - Lại Tấn

Buổi chiều, khi người dân tập trung nhiều nhất trong ngày, hoạt động kinh doanh bắt đầu “bung sức” với đủ các loại hình. Khu vực ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng là hình ảnh những chiếc xe bán thịt nướng, hoa quả dầm bày la liệt.

Chủ quán ra sức mời chào, quạt than khói bay mù mịt. Trong khi đó, khu vực Hàng Khay, Đinh Lễ là tụ điểm của hoạt động kinh doanh cho thuê xe cân bằng, xe ô tô điện, xe máy điện để trẻ em tự lái. Hoạt động này không những tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người đi bộ mà còn cho chính các em nhỏ điều khiển các phương tiện đó.

Hơn nữa, điều khiến nhiều du khách lắc đầu ngao ngán là hình ảnh chủ các cửa hàng kinh doanh chỉ “lùa” khách; ôm bàn, ghế chạy khi thấy có sự xuất hiện của lực lượng chức năng nhưng khi vắng mặt lực lượng này đâu lại vào đó. Còn với loại hình kinh doanh dịch vụ vui chơi như ô tô, xe máy dành cho trẻ em, người cho thuê khi thấy cơ quan chức năng thì cất “cần câu cơm” vào nhà, khi không thấy lại bày ra hoặc cho thuê từng chiếc theo yêu cầu.

Điểm qua một số hình ảnh trên cho thấy, hành vi ứng xử của cả người dân và chủ cơ sở kinh doanh đều đang tồn tại những bất cập. Thương hiệu của phố đi bộ Hồ Gươm, hình ảnh người Hà Nội văn minh, thanh lịch phần nào bị ảnh hưởng.

Đòn bẩy từ quy tắc ứng xử

Sau dịch Covid-19, không gian đi bộ quanh Hồ Gươm được xem như điểm tựa để thúc đẩy các hoạt động văn hóa, du lịch của Thủ đô. Tuy nhiên, với thực trạng kể trên, ngành văn hóa, du lịch Hà Nội cần nhiều giải phải để khắc phục những tồn tại đó. Được biết, trong tháng 6, Sở VH&TT Hà Nội sẽ triển khai các nội dung liên quan đến quy tắc ứng xử tại phố đi bộ Hồ Gươm.

Theo đó, Sở VH&TT Hà Nội sẽ tổ chức lễ ra quân thực hiện chuỗcác hoạt động tuyên truyền; trưng bày ảnh về các hành vi ứng xử đẹp của Thủ đô trong dịch Covid-19. Cùng với đó, Sở VH&TT Hà Nội sẽ tổ chức 3 - 5 đội tuyên truyền tại khu vực phố đi bộ gồm: Đội ra quân bảo vệ môi trường; đội tuyên truyền bằng hình thức phát tờ rơi kết hợp hoạt náo viên; đội thuyết trình quy tắc ứng xử và phát quạt có in nội dung tuyên truyền. Ngoài ra, Sở VH&TT Hà Nội sẽ đặt pano tuyên truyền quy tắc ứng xử tại các khu vực tập trung đông người tại Hồ Gươm.

Ngoài biện pháp kể trên, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm. Những biện pháp quyết liệt sẽ góp phần chấn chỉnh hành vi ứng xử chưa đạt chuẩn, góp phần xây dựng thương hiệu của một không gian đặc trưng của Thủ đô.

Minh An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhung-hat-san-o-khong-gian-di-bo-ho-guom-386008.html