Những 'hạt giống thiên lương' đã nảy mầm thiện nguyện

Khi phong trào hiến mô, tạng mới ra đời đã vấp phải không ít những hoài nghi, băn khoăn của cộng đồng... Thế rồi, từ hành động của những cá nhân đơn lẻ, cộng đồng dần hiểu ra giá trị của nghĩa cử nhân văn. Hạt mầm thiên lương đã lan tỏa, được cộng đồng nhân lên thành những 'cánh đồng thiện nguyện' đầy xúc động, nhân văn.

Tình yêu thương lan tỏa và nhân lên

Trong hành trình 27 năm thực hiện kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam (từ ngày 4-6-1992) và 13 năm thực hiện Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (2006) thì điều khiến mọi người cảm phục, trân quý nhất chính là nghĩa cử hiến mô, tạng của người cho bị chết não. Giai đoạn đầu thực hiện, cộng đồng còn e ngại vì muốn người thân ra đi nguyên vẹn.

Tuy nhiên, với nghĩa cử cao đẹp đầy nhân văn của gia đình nhiều người hiến đã khiến suy nghĩ đó dần thay đổi. Điều này thể hiện rõ ở số người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời tăng lên rõ rệt-đặc biệt số ca hiến đa tạng cũng tăng dần theo thời gian.

Theo thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, năm 2013, Trung tâm ra đời nhưng ở thời điểm đó, quan niệm về hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam còn hạn chế, nhiều người còn hoài nghi và e ngại khi đề cập tới việc hiến tặng mô, tạng. Tuy vậy, sau một thời gian-đặc biệt trong năm 2018, sau khi bé Hải An hiến tặng giác mạc lúc qua đời đã có hàng nghìn người đến trung tâm đăng ký sẵn sàng hiến mô, tạng sau khi chết não.

Đến nay, cả nước đã có trên 19.300 người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chết não. Cùng đó, đã có 3.378 ca ghép tạng được thực hiện, trong đó có 3.223 ca ghép thận, 125 ca ghép gan, 26 ca ghép tim và nhiều ca ghép giác mạc, góp phần mang lại sự sống cho nhiều người bệnh hiểm nghèo. Đây chính là kết quả của việc yêu thương được gieo hạt, nảy mầm, lan tỏa và nhân rộng…

Những ngày này chắc hẳn sẽ là ngày tết đoàn viên vui nhất với gia đình 6 bệnh nhân được hồi sinh nhờ các tạng tim, gan, phổi, lách của anh Dương Hồng Quý ở Ninh Bình. Chắc hẳn mọi người còn nhớ hình ảnh “nụ hôn cuối cùng” đã trở thành huyền thoại, bất tử mà chị Hoàng Thanh Phương (vợ anh Quý) đã trao cho chồng trước giây phút bác sỹ BV Việt Đức thực hiện kỹ thuật lấy-ghép tạng đồng thời cho những bệnh nhân khác. Đó là hình ảnh vô cùng thiêng liêng, lay động triệu triệu con tim, chạm vào lòng trắc ẩn của muôn người khiến nhiều người rơi nước mắt.

Không dễ gì để trong giây phút ấy, người vợ đưa ra quyết định này. Nhưng chị Phương cứ trăn trở bởi khi còn sống, mỗi lúc đọc báo, xem ti vi về những trường hợp hiến tạng chồng chị đều cảm động và bày tỏ mong muốn hiến tạng nếu không may mình gặp nạn. Hơn nữa, chị cũng biết đến sự hi sinh của cô gái trẻ, vợ Thiếu tá Lê Hải Ninh-người cùng nơi chôn nhau cắt rốn với chị do vậy, chị đã quyết định đặt bút ký đồng ý hiến tạng chồng để tiếp nối sự sống của anh và nối dài sự sống cho người khác...

Yêu thương lan tỏa khi hành động hiến tạng của bé gái 7 tuổi ở Hà Nội mang tên gọi Hải An đã khiến nhiều người lớn khâm phục và rơi nước mắt. Bé còn rất nhỏ nhưng đã hiểu chuyện, kiên cường chiến đấu với bệnh tật, lại còn động viên an ủi khi thấy mẹ buồn. Lúc mẹ bé nói chuyện hiến tạng của mọi người, bé đều bày tỏ sự đồng tình khi hiến tạng của mình. Do tuổi của bé còn nhỏ nên bác sỹ sỹ chỉ có thể lấy giác mạc để ghép (tháng 2-2018), giúp mang lại ánh sáng cho 2 người khác. Với mẹ bé Hải An, sự ra đi của con đã không vô nghĩa, bé vẫn sống theo một cách khác và đôi mắt vẫn dõi theo cuộc đời tươi đẹp này.

Câu chuyện này gây xúc động mạnh đến mức, sau đó đã có hàng nghìn người đến trung tâm đăng ký sẵn sàng hiến mô, tạng sau khi chết não. Tháng 7-2018 bé Vân Nhi, 12 tuổi ở Hà Nội cũng được mẹ đăng ký hiến giác mạc sau thời gian dài chiến đấu với bệnh tật. “Từ câu chuyện cảm động của bé Hải An, gia đình đã có nguyện vọng được hiến tạng. Khi con còn nhận thức được, gia đình đã nói chuyện hiến tạng và Vân Nhi hoàn toàn đồng ý. Tuy không nói được nhưng con đã mỉm cười. Ánh mắt của con thể hiện niềm mong mỏi làm được một việc tốt, có ý nghĩa”, chị Nguyễn Thị Hải Vân - mẹ bé Vân Nhi bày tỏ.

Và gần đây nhất vào dịp đầu năm 2019, một bé trai 4 tuổi có bố là người Việt, mẹ là người Nhật khi về Việt Nam chơi không may bị tai nạn giao thông không qua khỏi đã được cha mẹ đăng ký hiến giác mạc. Bác sỹ Nguyễn Hữu Hoàng, GĐ Ngân hàng Mắt, BV Mắt Trung ương người đã trực tiếp thực hiện 3 ca lấy giác mạc chia sẻ: Khi chứng kiến người mẹ trẻ cúi xuống ôm, hôn tạm biệt con và thì thầm “Chiến binh của mẹ! Con giỏi và kiên cường lắm, giờ hãy tặng lại giác mạc để giúp những người khác tìm lại ánh sáng nhé chàng trai” thì nhiều người trong phòng hồi sức tích cực đều rơi nước mắt…

Nụ hôn của người mẹ trẻ dành cho “chiến binh” nhỏ tuổi trước khi thực hiện lấy giác mạc mãi là hình ảnh lay động mạnh trái tim cộng đồng. (Ảnh: BS Hoàng)

“Gieo yêu thương, gặt hạnh phúc”

Những người khi quyết định hiến tạng của người thân để cứu người khác đều không so tính thiệt hơn, được mất. Thế nhưng như lẽ tự nhiên ở đời, người gieo nhân tốt sẽ gặt quả ngọt, gieo yêu thương sẽ gặt hạnh phúc; người làm việc thiện, tự điều thiện sẽ tìm đến với họ.

Như trường hợp bà Cấn Thị Ngần (57 tuổi, ở Hà Nội) khi đồng ý hiến đa tạng của cậu con trai Trịnh Đình Vàng là lao động chính trong gia đình để cứu sống và mang lại ánh sáng cho 6 người khác thì bà lại có thêm 5 “người con” mới được tái sinh nhờ tim, thận, giác mạc của Vàng. Họ đã tìm về để chia sẻ, khỏa lấp nỗi trống trải, cô đơn trong lòng người mẹ. Và cùng với mọi người, họ đã làm nốt phần việc còn dang dở của anh Vàng là khoác thêm lớp áo mới cho cho ngôi nhà chưa kịp sơn.

Hay như bà Võ Thị Ánh Phụng (48 tuổi, quê Bến Tre) khi hiến đa tạng của cậu con trai 20 tuổi không may bị tai nạn giao thông cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng để sự ra đi của con có ý nghĩa. Nhưng hoàn cảnh, sự hi sinh của bà khiến những bác sỹ của Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy không thể ngồi yên.

Chứng kiến bà Phụng hàng ngày chở người con còn lại trên xe để mưu sinh khắp các ngóc ngách. Lo sợ tương lai nghèo khó không dứt khỏi mẹ con họ, bác sỹ của Trung tâm Điều phối ghép bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy đã nhận cậu bé 8 tuổi làm con nuôi và vận động mạnh thường quân tài trợ tiền để hỗ trợ cháu học đến hết phổ thông.

Quen cuộc sống nay đây mai đó, không tiếp xúc với con chữ nên thời gian đầu cháu bé khó thích nghi trường lớp. Các bác sỹ không bỏ cuộc mà chở bé đến nhà cô giáo để nhờ cô kèm mong cháu theo kịp bạn bè… Khi cháu dần quen thì bà Phụng tiếp tục việc đưa đón con và cháu bé dần tiến bộ, hòa nhập được với bạn bè, trường lớp. Người mẹ này thêm công việc đưa đón con hàng ngày nhưng bà cảm thấy ấm lòng vì trên hành trình của 2 mẹ con đã có những người đồng hành hết lòng hỗ trợ.

Với gia đình anh Dương Hồng Quý, Thiếu tá Lê Hải Ninh không chỉ nhận được Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” do Bộ Y tế trao tặng mà điều cao cả hơn là sự cảm phục, trân trọng của mọi người. Hơn thế, 2 người vợ đều cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản khi đã lựa chọn cho người chồng thương quý của mình một cuộc sống khác. Họ biết cho đi là còn mãi, sự sống tiếp tục nối dài sự sống…

Để tri ân gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh, BV Trung ương Quân đội 108-nơi thực hiện kỹ thuật lấy, ghép tạng của Thiếu tá Ninh, đã trao tặng thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu cho người thân trong gia đình Thiếu tá Ninh; đồng thời cam kết tuyển dụng các con của anh làm việc tại BV Trung ương Quân đội 108 nếu sau này các cháu theo sự nghiệp y khoa và có nguyện vọng làm việc tại BV.

Mùa của cây cối nảy lộc, đâm chồi, mùa gieo hạt đang rộn ràng khắp đất trời. Trong tiết xuân rất xuân này, chúng ta tin rằng, khi những hạt giống thiên lương được gieo xuống thì sẽ được gió xuân phơi phới mang đi muôn nơi để nhanh chóng nảy thành mầm thiện nguyện. Những điều tốt đẹp cứ thế được lan tỏa, nhân mãi lên để cuộc sống này sẽ còn mãi tình người tươi đẹp…

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-hat-giong-thien-luong-da-nay-mam-thien-nguyen-136172.html