Những hạt cát lung linh...

Lội bộ mấy quả đồi, băng qua nhiều rẫy thanh long muốn rã cả chân. Vùng đất mà mang giày thì rất khó đi vì cát lún và những hạt cát lọt vào trong. Cởi giày thì dính gai xương rồng, lưỡi long và vô số các loại gai nhọn khác. May mắn là có đôi dép rọ trong balo, nhờ vậy đôi chân trở nên mạnh mẽ và bạo dạn hơn.

Ngôi chợ nhỏ của vùng quê với hơn hai chục hàng quán được dựng theo kiểu ki ốt. Ở đó họ bán mọi thứ, từ thực phẩm tươi sống như thịt, cá và các loại thực phẩm khô kể cả thời trang, y tế cũng được gom vào cái chợ nhỏ ấy.

Phía cuối chợ là vài quán nhỏ bán đồ ăn sáng, một quán cà phê với mấy bộ bàn ghế gỗ và những chiếc võng ở một bên.

Khách ăn sáng, uống cà phê phần lớn là người dân lao động ở đây. Những chiếc xe máy cà tàng vừa đi rẫy, vừa thồ phân bón và chở tất tần tật các nhu yếu phẩm từ chợ vô rẫy, từ rẫy ra chợ.

Ở đây, nhà nào có máy cày, có xe công nông thì nhà đó được gọi là nhà giàu. Còn nhà nghèo là những gia đình mà phương tiện di chuyển, hỗ trợ sản xuất là những chiếc xe máy cà tàng như mô tả ở trên.

Gặm xong ổ bánh mì, uống hết ly cà phê đá tôi hỏi chị chủ quán về địa danh là điểm cuối trong chuyến nhật trình công việc của mình. Chị chủ quán bảo: Từ đây vô tới trong ấy hơn chục cây số nữa, anh kêu xe ôm chở đi chớ lội bộ hông có nổi đâu.

Lội gì nổi nữa. Nguyên ngày hôm qua và gần cả buổi sáng hôm nay toàn cuốc bộ rồi. Chừ mà lội bộ chục cây nữa là mắc võng ngủ giữa rừng luôn chớ đi chi nổi.

Như đoán được suy nghĩ của tôi, chị chủ quán nói: Anh muốn đi xe ôm để tui gọi anh ni cho. Ảnh ni vừa chạy xe ôm và làm đủ thứ hết, ảnh tội và hiền lắm. Chứ anh là người lạ tới, với ở đây chừ cũng có mấy thằng "dặt dẹo" nhìn mà ghê. Tụi nó toàn lội trong rẫy đi cắt trộm dây điện của người ta, ăn trộm gà, trộm chó không à.

Tôi nhờ chị gọi giúp một chiếc xe ôm để di chuyển tiếp, năm phút sau anh xe ôm có mặt. Anh xe ôm đưa tay cởi chiếc khẩu trang vải ra, tôi như không dám tin vào mắt mình. Là hắn. Là thằng bạn của tôi dù không thân nhau lắm. Hắn nhìn tôi cũng ngỡ ngàng, cái nắm tay của hai thằng như truyền tải tất cả mọi thông điệp.

Chị chủ quán ngạc nhiên hỏi: Bộ hai anh quen biết nhau luôn hả? Tôi gật đầu.

Tôi gọi thêm môt ly cà phê nữa cho hắn và trả tiền cho chị chủ quán. Đợi hắn uống xong li cà phê, hai thằng lên đường.

Con đường len lỏi giữa những rẫy thanh long, rẫy mì, rừng tràm lai... toàn cát. Những chiếc công nông, máy cày tạo nên hai rãnh đường sâu hoắm. Chiếc xe máy buộc phải chạy dưới cái rãnh ấy, chỗ thì nước, chỗ thì đụn cát làm bánh xe chao đảo nghiêng ngả. Hai chân hắn liên tục chống xuống đường để giữ thăng bằng, tôi ngồi sau mà cũng oằn người vì những cú xoạc bánh xe vặn vẹo.

Mỗi lần gặp xe công nông hoặc máy cày, cách duy nhất là một bên phải nép sát bên lề để nhường cho bên kia. Còn chuyện xin vượt là hơi bị khó.

Tôi hỏi hắn: Từ chợ vô đây một cuốc lấy bao nhiêu? Hắn bảo, cứ một trăm thôi. Hơn chục cây mà vì đường khó đi. Đường này sên nhông dĩa nhanh hư lắm. Tôi bảo: Lát chờ ra luôn nghe. Vô hỏi chút chuyện cái quay ra liền. Hắn bảo: Cậu cứ làm cho xong việc đi, cần đi đâu bảo tớ chở, lo gì.

Hơn hai giờ chiều, tôi với hắn rời khỏi xóm rẫy để ra về. Tới chỗ quán cà phê lúc sáng, hai thằng tấp vào. Tôi nói, mày biết chỗ nào bán đồ nhậu hai thằng mình ghé kiếm cái gì lai rai chút rồi tao về. Chị chủ quán bảo, hay là em luộc dĩa lòng heo cho hai anh nhậu nghe. Heo thằng em nó mới mổ hồi nãy, heo nhà ngon lắm. Tôi nhờ chị luộc thêm miếng thịt để cuốn bánh tráng rồi thanh toán luôn. Chị gật đầu. Hắn lội bộ mua chai rượu đế mang về để sẵn.

Dĩa lòng heo, thịt luộc với mấy cái bánh tráng, dĩa rau sống thêm chén nước mắm ớt tỏi. Ly rượu đế nguyên chất được nấu bằng men trấu truyền thống, và cả chị chủ quán cũng góp mặt trong bữa nhậu. Nhờ vậy, dưới cái ánh chiều của một vùng quê yên tĩnh, mọi thứ trở nên ngon hơn!

Tôi biết hắn hơn chục năm rồi. Hắn lớn hơn tôi một tuổi, nhưng xưng hô mày tao ngang hàng. Kể ra tôi hơi hỗn với hắn, nhưng hắn chấp nhận cái "hỗn" ấy. Thời điểm đó hắn có sáu chiếc đầu kéo container. Hắn vừa kinh doanh than, thu gom phế liệu và cả vận tải. Hai căn nhà lầu mặt phố cho thuê, còn gia đình ở một khu chung cư sang trọng.

Thi thoảng tôi và hắn mới gặp nhau để uống cà phê, hoặc tiệc tùng nhân dịp nào đó. Lâu rồi không gặp hắn, và hôm nay lại gặp trong hoàn cảnh này. Một hoàn cảnh mà không thề ngờ được.

Sau mấy ly rượu, hắn kể, tớ bắt đầu bị "bể" từ vụ buôn heo đi TQ. Lúc đó heo bị dịch bệnh, bị tiêu hủy nên mất trắng, một số bị giật nợ nữa. Rồi mấy cái hợp đồng cung cấp than để đốt lò bị cắt, nợ ngân hàng, nợ vay bên ngoài mọi thứ tăng nhanh. Lúc đó, vì cái sĩ diện, vì bảo vệ sự giàu có của mình nên cố gắng vay vốn để đi làm cát với hy vọng gỡ lại. Nhưng mọi thứ càng trở nên tệ hơn, nợ mẹ đẻ nợ con, lãi bà ra lãi cháu nên ngày càng chất chồng. Bán sáu chiếc đầu kéo, bán nhà, bán căn hộ trả nợ ngân hàng, trả nợ vay bên ngoài nhưng không đủ.

Giờ tớ còn nợ hơn một tỷ nữa, nhưng là nợ của anh em thân quen. Họ bảo, tìm hướng khác làm ăn, cần thì họ hỗ trợ vốn cho và không có tính lãi. Nhưng hiện tại tớ chưa biết làm gì. Bà xã dắt hai đứa về ở bên nhà ngoại, hai đứa nhỏ giờ là sinh viên đại học năm hai hết rồi. Bà xã nhận đồ về may ở nhà ngoại, còn tớ dạt ra đây làm kiếm tiền ăn cho hai đứa nó. Còn học phí mấy cậu và dì nó giúp cho.

Ban ngày tớ đi mót cát dưới suối, gom lại rồi nhờ xe máy cày của anh em quen chở về đây. Lúc nào có khách đi xe ôm chị chủ quán ở đây gọi về. Thường tớ chạy đêm, đến mười giờ mới nghỉ. Tớ bỏ nhậu lâu lắm rồi, hôm nay gặp cậu tớ mới uống đó.

Tôi hỏi hắn, mót cát được không? Hắn bảo, cũng đủ ăn, tiền chạy xe ôm cũng đủ lo ăn cho hai đứa nhỏ học đại học. Cát mót về rồi chở đi bán cho mấy nhà sửa sân, làm ngõ hoặc đúc chậu kiểng...

Họ cần ít nên không mua ở cửa hàng vật liệu xây dựng, mà gọi mình chở tới bằng xe máy.

Còn xe ôm thì đêm cũng kiếm được vài cuốc. Đường khó đi nên chẳng ai chở khách vô xóm rẫy, chỉ có mình tớ chạy thôi. Chạy riết nên bà con ở đây quen rồi. Đi đâu hoặc về là họ gọi điện thoại dặn đón trước. Nhờ vậy cũng có khách.

Bây giờ tớ rất nghèo, nhưng tớ lại thấy rất vui và nhận thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Chạy được cuốc xe, mót được khối cát để bán thấy vui lắm. Cầm đồng tiền nghe nó sướng và giá trị. Không phải lo nghĩ nhiều như trước đây.

Mỗi tháng cũng gửi được cho hai đứa nhỏ năm, sáu triệu. Nhưng tớ không cho hai đứa nó biết tớ đi mót cát, chạy xe ôm. Mỗi khi nó hỏi, tớ chỉ bảo mình đi làm bảo vệ nông trường.

Tớ chỉ sợ hai đứa nó biết tớ làm việc này, vì thương bố mà nó lại không dám ăn, có khi bỏ học thì tớ có tội với con mình quá. Nghe nói tớ làm bảo vệ nông trường mà hai đứa nó cứ khóc, nên tớ cũng lo lắm.

Tôi ngồi im nghe hắn kể, câu chuyện của hắn cứ như một nhân vật bước ra từ một cuốn tiểu thuyết. Thằng đàn ông từng một thời thành đạt, sang trọng. Nhà hai chiếc ô tô bóng lộn, đi đâu cũng có tài xế riêng, tiền lúc nào cũng căng túi. Bây giờ đi mót cát, chở bán từng bao và chạy xe ôm nhưng nét mặt rất vui, tự tin và thanh thản.

Tôi nễ phục và ngưỡng mộ hắn. Người khác mà rơi vào hoàn cảnh hắn, chưa chắc đã được như vậy. Có khi suy sụp, stress và sinh bệnh luôn.

Biết buông bỏ, biết sống với thực tế, vui với hiện tại và hướng đến tương lai là hắn, là cái thằng ngồi ngay trước mặt tôi chứ đâu. Một người Thầy từng dạy tôi đã nói, triết lý sống không hẳn ở những cuốn sách, không hẳn ở một giáo trình mà có khi được gom lại, được phát ra từ cuộc đời của một người bình thường. Nhưng nếu mình nhìn ra, nghiệm ra là ta đã đọc được một cuốn sách triết lý hay và sống động rồi.

Tôi cảm ơn hắn, cảm ơn cuộc gặp bất ngờ này. Câu chuyện của hắn đã dạy tôi về cách sống, sự cố gắng, tình yêu và cách cho đi.

Chiều xuống thấp, chai rượu cũng đã cạn tôi tạm biệt hắn và ra về. Nhà xe khách mới gọi điện báo 10p nữa là xe tới. Chào chị chủ quán cà phê tốt bụng và nhiệt thành, ngay cả dĩa lòng, dĩa thịt chị bảo chiêu đãi hai thằng tôi chứ không lấy tiền. Tôi lại "nợ" thêm một người nữa.

Hắn chở tôi ra quốc lộ để tôi về, trên đường đi tôi lấy vỉ kẹo ngậm ho, kẹp tờ 500 ngàn và lấy miếng giấy báo gói lại. Lúc xe đến đón, tôi đưa hắn và nói, mình về nghe. Có mấy viên ngậm ho nè, lúc nãy thấy ông khặc khặc. Dúi vào tay hắn xong là tôi tót lên xe, hắn mở ra và ới ới như muốn chạy theo nhưng xe lăn bánh rồi. Tôi biết hắn muốn gì, nhưng với tôi hắn xứng đáng nhận tiền công nhiều hơn thế. Tiếc là tôi cũng chẳng hơn hắn mấy.

Những giọt nắng cuối ngày xuyên qua những tầng mây rọi xuống vùng đất cát. Bóng hắn nghiêng nghiêng bên đường với bàn tay vẫy vẫy, tôi đưa tay lên ngực cầu nguyện cho hắn. Cầu cho hắn luôn mạnh khỏe! Tôi có một niềm tin rất lớn, với sự kiên trì ấy nhất định rồi hắn sẽ gầy dựng lại thành công cho sự nghiệp của mình!

Vì lúc ngồi nhậu hắn có nói, tớ đã thấy và tìm được con đường để tớ bắt đầu làm lại mọi thứ...!

NDHA - Bình Thuận - những ngày cuối của năm 2020

Nguyễn Đặng Hà Anh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-hat-cat-lung-linh-81480