Những hành vi bị cấm trong quản lý thuế

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 vừa được Quốc hội thông qua đã có những quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế.

Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Điện Biên. Ảnh Thùy Linh.

Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Điện Biên. Ảnh Thùy Linh.

Theo đó, đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế, trước đây, Luật Quản lý thuế số 78/2016/QH13 chỉ quy định rải rác tại các Điều 18, Điều 26, Điều 28 và Điều 69 như: nghiêm cấm công chức quản lý thuế gây phiền hà, khó khăn cho người nộp thuế; thông đồng, nhận hối lộ, bao che cho người nộp thuế để trốn thuế, gian lận thuế; sử dụng trái phép, chiếm dụng, chiếm đoạt tiền thuế; nghiêm cấm việc cho mượn, tẩy xóa, hủy hoại hoặc làm giả giấy chứng nhận đăng ký thuế; nghiêm cấm việc sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác; nghiêm cấm hành vi làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế.

Tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 vừa được Quốc hội thông qua đã có quy định riêng về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế. Cụ thể, tại Điều 6 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế như sau: Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thu; lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế; cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.

Ngoài ra còn cấm những hành vi như: sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật; bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn; làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế.

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Luật được thông qua có 17 chương với 152 điều quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước. Đối tượng áp dụng của Luật gồm: người nộp thuế; cơ quan quản lý thuế; công chức quản lý thuế bao gồm công chức thuế, công chức hải quan; cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/nhung-hanh-vi-bi-cam-trong-quan-ly-thue-107860.html