Những hành tinh độc lạ nhất vũ trụ con người từng phát hiện

Bên ngoài vũ trụ bao la với muôn vàn bí ẩn, có những hành tinh vô cùng kỳ lạ như hành tinh kim cương, hành tinh nước, hành tinh 'già' gần bằng vũ trụ...

Hành tinh có khả năng sự sống: Gliese 581c là một ngoại hành tinh nằm cách Trái Đất 20 năm ánh sáng và thuộc chòm Thiên Bình. Hành tinh này quay quanh một ngôi sao ở khoảng cách 10,9 triệu km. Gliese 581c bị khóa thủy triều, tức là chỉ có một mặt của hành tinh này đối diện với ngôi sao mà nó quay quanh. Vì vậy, hành tinh này chia thành 2 nửa nóng chảy và băng giá. Tuy nhiên, dải đất giữa 2 thái cực đối lập nhau này lại có điều kiện sống khá thuận lợi và về lý thuyết thì nó có thể tồn tại sự sống. Năm 2008, con người đã gửi tín hiệu tới Gliese 581c và năm 2029, thông điệp đó sẽ đến hành tinh này.

Hành tinh toàn nước: Đó chính là Gj 1214b. Hành tinh kỳ lạ này không hề có đất mà khắp bề mặt chỉ toàn là nước.

Hành tinh bất tuân định luật vật lý: Hành tinh nằm cách Trái Đất 30 năm ánh sáng và thuộc chòm Sư Tử Gliese 436b dường như không tuân theo các định luật vật lý. Gliese 436b quay quanh 1 ngôi sao gần hơn khoảng cách giữa sao Thủy và Mặt Trời 15 lần. Lớp băng trên bề mặt của nó được nung nóng nhưng lại không hề chảy ở 439 độ C. Làm sao mà các chất có thể đóng băng ở thể rắn khi mà 439 độ C còn lớn hơn cả nhiệt độ tan chảy của chúng? Nguyên nhân là bởi trọng lực trên hành tinh này rất lớn nên nó đã nén lượng nước bốc hơi trong không khí trên hành tinh này thành khối băng cứng và khiến nó không thể tan chảy dù có đốt cháy nóng tới đâu. 1 năm ở Gliese 436b chỉ kéo dài chỉ khoảng 2 ngày 15,5 tiếng.

Hành tinh kim cương: 55 Cancri E cách Trái Đất 40 năm ánh sáng và nằm trong chòm Cự Giải. Được cấu tạo chủ yếu là carbon và với sức ép cũng như nhiệt độ bề mặt lên tới 2.400 độ C, hành tinh này được cho là được bao phủ toàn là kim cương.

Hành tinh mưa đá quý: HAT-P-7b nằm trong chòm sao Thiên Nga, cách Trái Đất 1.000 năm ánh sáng. Ở mặt tối của hành tinh này, nhôm oxit (corundum) kết tủa với hàm lượng cao trong không khí nên chúng tạo thành những cơn mưa san hô và hổ phách.

Hành tinh mưa kính: HD 189773b nhẹ hơn sao Mộc trong hệ Mặt Trời và nằm cách Trái Đất 62 năm ánh sáng. Hành tinh này có màu xanh đậm tuyệt đẹp là bởi bầu khí quyển lạ lùng ở đây - nơi được tạo nên chủ yếu là các phân tử silicate. Gió ở đây cũng thổi mạnh tới 2km/s (nhanh hơn 7 lần tốc độ âm thanh) và nhiệt độ lên đến hơn 900 độ C.

Hành tinh màu hồng: Gj-504b - hành tinh nằm trong chòm Xử Nữ với màu sắc ấn tượng này quay quanh một ngôi sao ở khoảng cách xa gần gấp 9 lần khoảng cách giữa sao Mộc và Mặt Trời. Bởi vì mới hình thành nên hành tinh "trẻ" này vẫn đang tỏa nhiệt và phát sáng, đó cũng là lý do bề mặt của nó có màu sắc kỳ lạ như vậy.

Hành tinh băng giá: Hành trình 20.000 năm ánh sáng sẽ đưa chúng ta đến Ogle-2005-Blg-390lb nằm trong chòm Nhân Mã. Vì cách quá xa ngôi sao mà nó quay quanh nên hành tinh này có nhiệt độ bề mặt là âm 220 độ C. Toàn bộ hành tinh được bao phủ một lớp băng dày. Không có bất kỳ sự sống nào có thể tồn tại trên hành tinh này.

Hành tinh "già" gần bằng vũ trụ: Số tuổi ước tính của Psr B1620-26 B là 13 tỷ năm. Nó được hình thành sau khi vũ trụ sinh ra trong vụ nổ Big Bang gần 1 tỷ năm. Hành tinh già nua này quay quanh một chòm sao đông đúc gồm hơn 100.000 ngôi sao.

Hành tinh bí ẩn: Sự hình thành của Hd 106906 đến nay vẫn là 1 bí ẩn. Hành tinh nằm trong chòm Nam Thập Tự cách Trái Đất 300 năm ánh sáng này quay quanh một ngôi sao cách nó 96 tỷ km, gấp 20 lần khoảng cách giữa Mặt Trời và sao Hải Vương.

Hành tinh đen hơn than: Tres-2b được phát hiện năm 2011 và là một ngoại hành tinh vô cùng tăm tối khi chỉ có 1% ánh sáng chiếu đến đây. Ánh sáng được phản chiếu lên nó có màu đỏ nên hành tinh này có một màu sắc vô cùng ghê rợn, tưa như màu của quỷ./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo Bored Panda

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhung-hanh-tinh-doc-la-nhat-vu-tru-con-nguoi-tung-phat-hien-915840.vov