Những hàng môn chuối

Vườn nhà tôi rộng nhưng cây to nhiều nên đất trống bị 'rập' (thiếu nắng). Đất ấy chỉ trồng được mỗi loại cây môn chuối.

Cây môn chuối thân nhỏ nhưng vươn cao, lá dài rộng bản màu xanh hoặc phơn phớt tím, xếp so le thành nhiều tầng trên thân. Môn chuối dễ trồng. Thường trước mùa mưa mẹ sẽ đào hào, đánh luống, cho phân rác kèm tro bếp xuống, trộn đều cùng đất đã mịn tơi. Sau đó, mẹ mang củ môn chuối giống đã nảy mầm cắt lấy các phần “mặt trăng” có chứa mầm cây, đem chấm vào vôi hoặc tro. Đợi ráo nhựa nơi vết cắt là mang đi trồng.

Những trận mưa giông đầu mùa đánh thức từng chiếc mầm môn chuối đội tung lớp đất màu xốp ẩm trồi lên. Môn chuối lớn nhanh, hơn tháng đã thành hàng tăm tắp như duyệt binh và bắt đầu “sinh con đẻ cái”. Từ một cây môn chuối mẹ trưởng thành sẽ tuần tự nhảy ra 3, 4 cây con, chen nhau lũ lượt vươn cao. Gốc cây mẹ nào càng ẩm ướt, nhiều màu lũ “con” sẽ càng đông đúc. Năm nào môn chuối nhảy con nhiều mẹ vui lắm. Mẹ bảo: “con” càng đông bụi môn sẽ càng nhiều củ, được mùa.

Môn chuối già đúng độ bắt đầu trổ hoa. Những nụ hoa nhỏ, dài, đầu loe ra giống hệt hoa chuối, có màu đo đỏ khá dễ thương. Và thêm một điểm đặc biệt khiến lũ nhỏ rất ưa: hoa môn chuối có mật! Ngắm chán, cứ cầm kèn hoa rút mạnh, nụ sẽ bứt khỏi đài. Đưa lên miệng mà mút mút, sẽ thưởng thức được chất mật ngọt trộn cùng vị đăng đắng (do nơi cánh hoa bị đứt tiết nhựa ra).

Hết “thưởng thức” hoa tới màn hái lá. Lá môn chuối dày, dòn bở như tấm lá chuối nhỏ. Mỗi bận rủ chơi những trò bán đồ hàng, chị em tôi lại lén mẹ đi ngắt tàu môn về làm “đĩa” thức ăn hoặc làm “mẹt” bày hàng. Chơi xong phải nhớ “phi tang” cho khéo, để mẹ phát hiện là no đòn. Mẹ cấm không cho bứt tàu môn chuối đem chơi, bảo để nó còn nuôi củ! May, cây môn chuối ra lá khá nhanh, nhất là vào mùa mưa, vài hôm đã có ngay lá mới phủ xanh, mẹ lại suốt ngày lui cui ngoài đồng, có tài thánh mới phát hiện ra. Đương nhiên, lũ nhỏ cũng đủ khôn ngoan để không ngắt nhiều, chia chỗ ra mà ngắt để mẹ khỏi nghi ngờ.

Mùa khô tới. Những cơn mưa sụt sùi lê thê cứ thưa dần rồi dứt hẳn. Đất vườn khô ráo khiến những hàng môn chuối mẹ trồng bắt đầu quắt queo, đánh mất độ mỡ màng thường thấy. Thân cây môn chuối sắt lại, lụn dần. Đám lá gần gốc khô đi. Đọt cũng không buồn đâm lá mới. Củ già rồi, đào thôi…, mẹ phán. Lệnh mẹ khiến lũ nhỏ khoái trá hò reo. Sắp thúng rổ sẵn sàng đâu đó, mẹ với anh Tư đi trước phầm phập cuốc, bứng lên từng bụi môn to, củ sai lúc lắc. Chúng tôi theo sau lãnh phần gỡ đất, bẻ củ môn đứt rời khỏi thân, xong đặt vô rổ nhẹ nhàng không cho sây sát. Mẹ dặn đi dặn lại: Củ nào lỡ bị “phạm” (thương tích) trong lúc đào thì bỏ riêng, dành nấu ăn ngay. Củ còn nguyên cho vào gánh chờ mẹ đem ra chợ bán.

Chiều hôm ấy, đương nhiên cả nhà sẽ vây quanh nồi khoai môn chuối to, khói bay nghi ngút. Khoai môn chuối có mùi thơm ngòn ngọt, mùi thơm đặc trưng rất riêng của môn chuối, ai nghe qua một lần sẽ không bao giờ nhầm với các loại khoai củ khác. Khoai đầu mùa ăn giòn sừn sựt, ngọt lịm, có điều hơi xơ. Mẹ bảo: xơ mới ngon; bởi đó chứng tỏ củ già. Củ non không xơ nhưng ăn sẽ nhạt phèo, nhão nhoét... Mẹ bảo thêm: khoai môn chuối lành và bổ, người ốm đau, yếu tì đều có thể ăn, không ngại! Tôi nghe, hào hứng ăn nhiều khoai chuối tới mức bỏ cơm luôn ngày hôm sau...

Y Nguyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276034/nhung-hang-mon-chuoi.html