Những hang hổ vờn mây trên nóc nhà thế giới

Sau hơn một thập kỷ có pháp danh quy y cửa Phật và ngồi thiền đều đặn, dường như có một sự xui khiến nhiệm màu nào đó mà tôi đã có mặt ở hầu khắp các quốc gia viền quanh nóc nhà thế giới Hymalaya.

Hang Hổ, một kỳ quan linh thiêng của Bhutan, dựng trên những vách đá cao vút, như một sự “điên rồ” tuyệt bích của kiến trúc nhân loại.

Đỉnh Everest cao 8.850m thì Việt Nam mình cũng ít người lên được, tôi đành hẹn kiếp sau tái sinh làm đại bàng núi hoặc người sắt để chinh phục. Nhưng khắp Ấn Độ, Nê Pan, Tây Tạng, rồi bây giờ là Bhutan..., tôi đều đã xúc động in dấu chân mình ở đó.

Những khối băng đăng vĩnh cửu, những hồ nước xanh như không có thật giữa nhân gian và ám ảnh hơn cả là những tu viện bí ẩn và cô độc. Chúng nhỏ xíu, xơ tướp cỏ lá lợp trên mái tròn, “ấp” trong mình một vị đạo sư đã nhiều tháng ròng chưa ra khỏi mật thất.

“Mười năm tiên cảnh, một bước trần ai”

Có một sự thật đáng ngạc nhiên: Cả thế giới chỉ có 7, 8 phi công người Bhutan là có thể lách được giữa hai khe núi để đáp máy bay xuống sân bay quốc tế vào loại nguy hiểm bậc nhất ở thung lũng Paro. Vì thế, chúng tôi quá cảnh ở Thái Lan, qua Ấn Độ dừng lại để “đổi phi công” rồi mới bay qua những đỉnh cao phủ tuyết của miền đất chư thiên.

Trên đường trời dằng dặc, người Bhutan còn tự hào thông báo trên loa về việc hành khách hãy nhìn ra cửa, bên này là Everest, bên này là ngọn núi cao nhất Bhutan 7.553m, vẫn chưa được/bị loài người chinh phục. Khi cơ trưởng hạ độ cao, tôi đã bị hớp hồn bởi những tu viện chỏm chòe lưng núi của Bhutan, nó đẹp y như các kỳ quan ẩn mình vào núi đá ở Lhasa (thủ phủ Tây Tạng) vậy. Những nơi thờ tự ấy, như một tín chỉ, một sợi dây thần kỳ dẫn người ta vào thế giới mỗi bước chân một ngạc nhiên lạ lùng của các con dân ven Hy Mã Lạp Sơn kỳ vĩ.

Tại thủ đô Thimphu, Hà Bhutan - nữ doanh nhân nổi tiếng người Việt, cô gái đã 11 năm làm dâu xứ Bhutan đưa tôi lên đỉnh núi cách thủ phủ quốc gia hạnh phúc nhất thế giới gần 200 cây số để ngó sang... Tây Tạng. Gần đó, sau nửa ngày đi bộ cật lực, đi qua những khu rừng lan man tuyết phủ, những rừng rêu rậm rì, các cây họ thông to như cột chống trời, chúng tôi có mặt ở tu viện đặc biệt.

Gần 60 nhà sư ra đón khách, số còn lại đang ẩn tu trong mật thất, họ lánh xa cõi tục đã nhiều ngày. Chỉ vỏn vẹn có hơn 700 nghìn dân, Bhutan vẫn được loài người vinh danh là nơi hạnh phúc nhất thế giới, bởi rừng chiếm tới gần 70% diện tích lãnh thổ. Cắt một tí rừng làm gì đó, phải có ý kiến của Đức Vua.

Đất nước này đưa ra cái chỉ số hạnh phúc căn cứ theo cảm xúc và sự hài lòng của mỗi điệu hồn trên toàn lãnh thổ, chứ không màng gì nhiều đển các chỉ tiêu vật chất đơn thuần. Điều đó đã khiến cả loài người dường như phải lặng lẽ hoặc ầm ĩ... xem lại mình.

Chúng tôi đi giữa một thủ đô của một quốc gia nổi tiếng, nhưng đến tháng 12.2017, vẫn chưa có một cái đèn tín hiệu giao thông nào. Họ sống êm đềm và chậm rãi. Hà bảo, có lẽ em là người Việt duy nhất đang sinh sống ở thủ đô Thimphu. Chồng em thích chơi ảnh, leo núi, uống rượu. Anh đi chụp hổ trên núi tuyết, chụp gấu trong rừng già. Mỗi ngày thức dậy, có một nghìn lý do để nhâm nhi rượu, uống vì mặt trời lên, vì trăng sắp tròn khi mặt trời vừa lặn.

Cuối tuần nào cũng đi bắn cung. Anh đưa tôi vào các “cung trường” cổ kính. Môn thể thao này hầu như đàn ông mặc váy truyền thống nào của Bhutan cũng chơi và luôn ước được chơi thêm mỗi ngày. Bữa đến, có khi chỉ cần bát cơm và ớt xào với bơ. Chợ Thimphu, chợ Paro, Punakha, ba thành phố lớn bậc nhất Bhutan, chúng tôi đến, chỉ thấy ớt xanh và ớt đỏ.

Dọc đường, mái nhà nào cũng phơi ớt để ăn. Hạnh phúc của họ giản dị. Rừng bạt ngàn, hoang thú xồ ra đường, vượn hót và ngúc ngoắc đầu nhìn khách lạ đăm đăm. Tôi và Hà dừng lại rất lâu giữa đêm để kiên nhẫn chờ con hươu thơ ngộ thôi vểnh tai nhìn đèn ôtô. Giết một con thú có thể bị tù đến ba năm.

Từ lưng chừng đèo, nhìn xuống sân bay quốc tế duy nhất của Bhutan ở Paro, dòng sông trong như ở thuở hồng hoang, những rặng cây đua nhau vàng óng như mật. Cái màu vàng tinh khôi rạng rỡ. Bừng lên trong nắng sớm. Suối reo, rồi suối lại treo từ trên trời xanh rót xuống. Bỗng nghĩ rằng các đường lên tu viện của Bhutan đều giống cảnh Tản Đà viết trong thơ: “Mười năm tiên cảnh, một bước trần ai”, “Cửa động đầu non đường lối cũ, ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi”. Có phải vì thế mà Bhutan trở thành quốc gia “chơi trội” bậc nhất thế giới, khi Vương triều của họ có cả một bộ chuyên chăm lo hạnh phúc.

Hôm ấy, Hà Bhutan và anh chồng người Bhutan đưa chúng tôi lên tặng 60 cái áo rét màu đỏ cho 60 nữ tu trên đỉnh núi có tu viện Kila Goenpa Nunnery. Chín người, mỗi người đem 200 đôla Mỹ đến. May áo khoác màu đỏ vì nó gần giống với màu áo đồng phục nhà Phật của các nữ tu trên đỉnh núi gần 4.000m kia. Chỉ còn ít ngày nữa, khi người Việt Nam rậm rịch đón tết, là đường lên núi của các nữ tu bị ách tắc hoàn toàn. Họ cô lập ở đó gần 6 tháng ròng mùa đông. Họ sống an lạc, áo rách tà cũng mặc kệ.

Có vị tu tập chỉ mới hơn 10 tuổi đầu, mặt thơ ngây trong vắt như miếng băng mỏng treo trên cành địa y vàng óng ả ngoài sườn non. Có người như chưa bao giờ gặp khách lạ, cứ ngơ ngác nhìn. Dường như vẫn có cái e thẹn rất thiếu nữ ở những con người đăm đắm một lòng với đường tu. Ăn chay trường, ăn ớt xào bơ, ăn lá núi, tắm nước suối, ngủ tại “mật thất” được xây kiểu luồn mình trong mái đá hoặc giữa hang sâu. Mọi thứ của cuộc sống văn minh trở nên quá xa lạ, mùa băng giá thì tuyệt đường tiếp tế.

Họ đã nghĩ gì? Tôi hỏi và họ mỉm cười, nụ cười kỳ bí nhưng đẹp mê tơi. Cô gái đi tu ấy quá xinh và quá e lệ, nhưng thật khó để có người đàn ông nào nghĩ rằng mình dám tán tỉnh hay liễu cợt hoa cười. Sự an lạc và thánh thiện mà Đức Phật truyền lại cho cô như có sức nhiệm màu thu phục sự tử tế còn lại trong mỗi người.

Mây trắng, những con đường cheo leo như sợi dây chão vắt lưng trời, các ngôi chùa (đền, tu viện) nhỏ xíu nằm lồng giữa mây, như cái núm bé xíu của ngọn núi vòi vọi kiêu hãnh hơn 4.000m. Và những nữ tu áo đỏ nâu. Rừng xanh thăm thẳm. Rồi tuyết trắng và những cây họ thông như cột chống trời ken dày lối đi khảm trên đá. Chụp lại tên tu viện, hỏi người quản lý nữ tu, chúng tôi không tài nào tìm thấy một tư liệu nào trên internet về nơi này, các thành viên quyết định đưa “điểm đến” đáng thổn thức trên sườn Hymalaya nóc nhà thế giới này lên Google Map.

Chênh vênh ở độ cao khoảng 4.000m so với mực nước biển, tu viện với hơn 60 vị nữ tu này thường xuyên ủ trong mây mù và mưa tuyết.

Nhập thất “độc cư” trong Tiger’s Nest, các vị chân tu đã nghĩ gì?

Nhân đây lại nói về Tiger’s Nest (hang Hổ), nơi linh thiêng và khiến người Bhutan tự hào nhất. Người xứ Hạnh phúc tin rằng, xửa xưa, thượng sư Liên Hoa Sinh đã bay trên lưng một ông Hổ để đến nơi này. Lại là một ngôi chùa lồng trong mây. Mỏm núi ấy mang hình dáng một gương mặt ông Hổ theo đúng nghĩa. Hai mắt và miệng của ngài là những chùa, ám vờn mây. Lại liên tưởng đến những ngày lang thang Tây Tạng. Có khi, giữa ào ạt rực rỡ cờ phướn giăng kín các đỉnh đèo, các non cao, chợt xuất hiện một “tổ đại bàng” bé xíu.

Người ta cắm que, dựng cờ phướn lam nham. “Thất tu” tròn như cây nấm chứa chỉ đủ một người tu và vài vật dụng bé xíu ở mỏm đá cao nhất của đỉnh núi không thể chênh vênh hơn. Vị đạo sư ở trong đó, ngoài dán đạo bùa, có hốc nhỏ để bạn tu đưa cơm mỗi ngày. Rồi ngài thiền định. Có trời biết ngài nghĩ gì, chỉ biết là cần thì ra dòng nước lắt lẻo lưng trời tắm. Ngài ở đó một hoặc nhiều năm là chuyện thường. Ở Tiger’s Nest (cái hang, cái tổ của ngài Hổ) cũng vậy.

Hang Hổ nằm vòi vọi trên đỉnh trời đá xám, rừng xanh bất tận. Chúng tôi đi ngựa suốt hai tiếng. Tiếng vó ngựa gõ vào mây thậm thịch. Ngựa đi cheo leo qua các vách đá. Chào chiến mã trung thành. Đi bộ thêm tiếng nữa, chúng tôi gặp những vách đá cao đến mức ngước lên thì rơi mũ, những dòng thác như từ trời cao đổ xuống hạ giới. Nhìn chóng mặt, thậm chí có người quỳ phủ phục trước sức mạnh và sự kỳ bí của thiên nhiên nơi này. Mới thấm thía, người Bhutan thật dũng mãnh và lãng mạn. Họ tín Phật. Họ xây dựng những tu viện áp mình vào vách đá.

Người ta sẽ không thể hiểu nổi, sức mạnh nào, lòng kính Phật nào và sự kiêu hùng nào khiến người Bhutan xây dựng được cả một kỳ quan “điên rồ”, to lớn đến như vậy. Nó như một Kim Tự Tháp trên dãy Hymalaya. Nhưng những tu viện lác đác sườn non của người tu “mơ mộng” nhất thì thật nhỏ bé. Nhỏ nhất là hang Hổ.

Hang sâu đến mức, họ phải bắc nhiều cái thang gỗ đi dần theo từng vực đá, “đổ dốc” xuống mãi cõi tối tăm như âm ti địa ngục. Đi dọc lối mòn giữa hai vách đá cao hàng trăm mét, nó chỉ đủ rộng để một người sáu, bảy chục cân lách vừa. Ngoài kia, mây gió xa xôi dần, ánh sáng le lói. Chỉ sợ một con trăn tinh, mãng xà xông ra. Chỉ sợ ông Hổ xuất hiện phe phẩy đuôi liếm mép đói.

Đi sâu vào, đi thêm qua vài cái tấm gỗ có bậc để leo bám. Trước mắt tôi là một ban thờ nhỏ, ở đó có hai ngọn đèn lom dom thắp bằng mỡ trâu Yak. Tôi như chết đứng, lặng người dăm bảy phút. Chắp tay nhìn vào bức vẽ có gương mặt đỏ, nhe răng, trợn mắt của một người đàn ông vạm vỡ. Ông vươn lên, ngó qua cổ người phụ nữ đẹp đang ôm ấp mình để nhìn ra phía tôi. Áp sát cơ thể ông là một người đàn bà phốp pháp như đến từ thời Phục Hưng, rất sexy. Nàng úp mặt vào vai “chàng”. Hai cơ thể quắp lấy nhau. Chợt ngộ ra, cõi tu cốt ở trong lòng, tu giữa chợ còn cao siêu bằng mấy tu trong hang núi?

Tu chính quả được, ngay cả khi có một thân hình nóng bỏng như thế “úp” lên mình mới là đắc đạo? Chẳng biết nữa. Tôi rợn tóc gáy đi ra. Núi cao kỳ lạ, nhưng nghệ thuật dựng chùa trên mây còn cao siêu hơn. Lũ chim rừng sà xuống bậu vào nhiều cây gậy chống của người ta. Khỉ hoang nắm đuôi nhau giăng mắc dọc lối mòn. Đỉnh Tiger’s Nest có một nhà kho chứa mỡ trâu - bò Yak (một loại “dầu thắp” cổ xưa giúp các ngôi chùa, đền ở Bhutan, Tây Tạng chưa bao giờ tắt lửa suốt nhiều thế kỷ).

Trùng điệp các cục mỡ vuông vắn do Phật tử cung tiến. Có cả một vài chú tiểu thơ ngây trông coi nhà đèn nến. Ở đó, lúc nào cũng túc trực vài trăm ngọn nến mỡ trâu sáng rực như sao sa. Trên bờ tường, những vết bàn tay năm ngón “triện” chi chít đen xì như bùa chú.

Ngoài kia, mây của nóc nhà thế giới vẫn vờn quanh các thất tu nhỏ xíu và không thể nào chênh vênh hơn. Có trời mà biết khi nhập thất độc cư thì các vị chân tu còn sót lại của nhân gian nhiều tục lụy kia đang nghĩ gì...

Vẻ đẹp Tây Tạng và những “ngôi chùa” bé xíu vờn mây giữa đỉnh trời.

ĐỖ DOÃN HOÀNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/nhung-hang-ho-von-may-tren-noc-nha-the-gioi-589580.ldo