Những hàng chè xưa cũ

Bây giờ, ở Hà Nội nếu liệt kê có bao nhiêu loại chè thì đúng là ngang đếm sao trên trời. Chè từ Sài Gòn du nhập, chè từ Đà Nẵng mang ra, mỗi món một vẻ. Những tưởng những loại chè truyền thống ở phố vì thế mà lép vế, nhưng hóa ra lại là chuyện 'bình thường' . Hồn cốt xưa cũ vẫn còn cả, nào chè đậu xanh, đậu đen, chè sen… vẫn hấp dẫn thực khách mỗi khi vào hè.

Thức uống đẩy lùi nắng nóng

Từ lâu, chè là món ăn vặt của người dân Hà Nội. Để nấu một nồi chè đúng chuẩn truyền thống cực kỳ đơn giản. Chỉ cần có lý do thôi là nấu. Ví dụ như, hôm nay xem dự báo thời tiết, thấy ngày mai nắng nóng thì sáng sớm hôm sau bà nội trợ đã ra chợ, lựa những hạt đậu đen xanh lòng, hạt đều tăm tắp, mua về rửa sạch, ninh đến khi hạt chín mềm là được. Lúc đó thì tùy, có thể cho đường trắng, đường vàng, hoặc nếu nhà có đường phèn thì càng tốt, ngọt vừa, ngọt đậm tùy theo khẩu vị.

Chè đậu đen được múc ra cốc, cả nước cả đậu, nhà có thạch thì cho thêm một ít thạch đen, vài sợi dừa nạo, ngày trước các hàng chè còn thả thêm vài giọt dầu chuối, rồi thì đá đập nhỏ. Thế là thành phẩm siêu chống nóng đã xong. Cũng có người không thích ăn đường thì nước ninh đậu đen quả là một thức uống tuyệt vời, vừa giải khát, vừa chữa bệnh. Theo nhiều tài liệu khoa học đã công bố, một chén đậu đen nấu chín cung cấp đến 15g chất xơ cho cơ thể (tương đương khoảng 50% nhu cầu chất xơ hằng ngày của mỗi người). Ngoài chất xơ thì kali, folate, vitamin B6 và phytonutrient có trong đậu đen đều hỗ trợ tốt cho sức khỏe tim mạch. Riêng chất xơ giúp giảm lượng cholesterol trong máu và giảm nguy cơ bệnh tim. Còn vitamin B6 và folate thì ngăn ngừa sự tích tụ homocysteine, một hợp chất mà nếu tích tụ quá nhiều trong cơ thể sẽ làm hỏng mạch máu và dẫn đến các vấn đề về tim mạch.

Chè đậu xanh thì cách nấu phức tạp hơn, đậu xanh mua về ngâm rồi đãi vỏ (cái vỏ ấy các bà nội trợ xưa không vứt đi mà đem phơi thật khô rồi mang làm ruột gối cho trẻ sơ sinh). Đậu xanh không nấu loãng mà buộc phải nấu sền sệt. Khi ăn thì cũng múc ra cốc, rồi đá, dừa nạo, thạch đen, dầu chuối vài giọt, như thế là đã hấp dẫn lắm rồi. Mùa hè cũng là mùa sen, vì thế chè sen luôn là một trong những món ăn vặt không thể không kể tới một khi nhắc tới chè Hà Nội.

Cách làm cũng rất đơn giản. Hạt sen được bán ngoài chợ, bây giờ thì tiện lắm, những người bán hàng đã bóc vỏ, rồi tiện tay lấy cả tâm sen ra, mua về chỉ cần rửa sạch, đưa lên bếp ninh nhỏ lửa, đến khi hạt sen bở là được. Rồi cũng đường cát hoặc đường phèn, rồi thì thêm chút đá cho mát. Nhiều người ra hàng chè gọi sen xanh - tức là chè đậu xanh với chè hạt sen trộn lẫn với nhau trong một cốc. Rồi cũng có người thích ăn thập cẩm, là 3 thứ chè trộn lẫn với nhau. Nói chung ăn vừa mát vừa vui.

Đó là những thứ chè mùa hè. Mùa đông thì vẫn chất liệu đó, khi nấu gần xong thì cho thêm chút bột năng. Chè sền sệt đặc, khi ăn cùng với xôi vò. Đó cũng là món ăn mà những người con Hà Nội đi xa lâu ngày vẫn nhớ về.

Những quán chè truyền thống của Hà Nội luôn đông khách

Những quán chè truyền thống của Hà Nội luôn đông khách

Đủ loại chè mới du nhập

Hà Nội bây giờ, những hàng chè xưa cũ vẫn còn. Khách tấp nập quanh năm từ khi lập đông cho tới khi hết hè, mặc cho những cơn sốt chè từ vùng miền khác du nhập. Chè Mười Sáu nằm ngay ngã tư Lê Văn Hưu - Ngô Thì Nhậm. Đây là một trong những quán chè có tuổi đời lớn ở Hà Nội, được mở ra vào khoảng năm 1976. Quán tuy nhỏ nhưng luôn tấp nập khách ra vào. Hơn 40 năm trôi qua, quán chè vẫn cứ đơn giản, nhưng gìn giữ nguyên vẹn hương vị truyền thống.

Tiếp nữa phải kể đến là chè bà Thìn trên phố Bát Đàn. Thấy bảo, quán chè này có từ năm 30 của thế kỷ trước, ban đầu nó là một thúng hàng rong với đủ loại quà vặt. Đến năm 80, quán chè mới chính thức có cửa hàng cố định. Quán chè trên phố Hàng Cân cũng quanh năm đông đúc và ra đời từ khoảng năm 1975.

Có dạo, cả Hà Nội phát cuồng vì chè khúc bạch. Đó là một dạng ăn theo phong trào trên facebook, rồi thì nam thanh nữ tú đổ nhau đi mua nguyên liệu làm chè. Nhưng rồi, cái phong trào ấy được một lúc rồi đi xuống. Có dạo lại ầm ầm lên chè sầu riêng. Để mua được một cốc chè thì cầu kỳ lắm lắm. Nhiều nơi còn phải đặt mua từng thùng từ Đà Nẵng rồi gửi máy bay ra Hà Nội trong ngày. Rồi lực lượng shipper “bay” đi khắp các ngõ ngách để giao đến cho thực khách. Một cốc chè thường có giá khoảng 30-35 nghìn đồng/cốc chưa tính phí vận chuyển. Tất nhiên, cho đến tận bây giờ, dù sầu riêng có là loại quả “thần thánh” thì với nhiều cư dân phố cổ, họ “vẫn không thể ăn nổi” vì mùi hương đặc trưng của nó. Sầu riêng còn không ăn được, nói chi đến chè sầu riêng.

Qua cơn chè sầu riêng thì bây giờ “từ khóa hot” đang là chè dừa dầm Hải Phòng. Cũng vẫn nguyên cách mua bán qua mạng, tức là ship chè từ Hải Phòng tới Hà Nội. Cũng có nhiều cửa hàng nhanh chóng chớp lấy thời cơ kinh doanh vàng. Và giờ thì chè dừa dầm bán khắp các phố, giá cũng chỉ khoảng 20 nghìn đồng/cốc. Rẻ hơn thời kỳ mới rộ đến 10 nghìn đồng/cốc chứ không ít.

Đa số những hàng chè truyền thống ở Hà Nội bây giờ đều đông khách. Mặc cho các cơn bão chè khác làm mưa làm gió trên mạng xã hội. Giá một cốc chè dao động từ khoảng 15-20 nghìn đồng. Bao nhiêu những loại chè khác du nhập và “gây bão”, vậy mà những hàng chè kể trên vẫn “bình tĩnh sống”, đó chẳng phải sự lạ hay sao?

Đa số những hàng chè truyền thống ở Hà Nội bây giờ đều đông khách. Mặc cho các cơn bão chè khác làm mưa làm gió trên mạng xã hội. Giá một cốc chè dao động từ khoảng 15-20 nghìn đồng. Bao nhiêu những loại chè khác du nhập và “gây bão” , vậy mà những hàng chè kể trên vẫn “bình tĩnh sống” , đó chẳng phải sự lạ hay sao?

Quỳnh Vân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nhung-hang-che-xua-cu/812646.antd