Những hầm chui giải quyết ùn tắc giao thông tại Hà Nội

giảm xung đột giao thông và xóa các điểm đen ùn tắc, Thành phố Hà Nội đã xây dựng hầm chui Kim Liên, hầm chui Trung Hòa và hầm chui Thanh Xuân…Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục xây dựng hầm chui Lê Văn Lương và dự kiến làm hai hầm khác trên đường Giải Phóng và đường Hoàng Quốc Việt.

Hầm chui Kim Liên giúp cải thiện tình trạng ùn tắc tại khu vực Đại Cồ Việt - Xã Đàn.

Hầm chui Kim Liên giúp cải thiện tình trạng ùn tắc tại khu vực Đại Cồ Việt - Xã Đàn.

Hầm Kim Liên – hầm chui đầu tiên của Hà Nội

Hầm chui Kim Liên - Xã Đàn được khởi công từ năm 2006 với tổng mức đầu tư 467 tỷ đồng, đi vào hoạt động năm 2009. Vào thời điểm xây dựng, công trình được xem là đường hầm hiện đại nhất Đông Nam Á.

Hầm xe cơ giới này xây dựng tại nút giao thông Kim Liên, nối đường Đại Cồ Việt với đường Xã Đàn. Công trình có chiều dài 644m, chiều rộng hầm 18,5m, chiều cao thông xe trong hầm 4,7m. Ngoài ra, dự án còn xây dựng hầm cho người đi bộ gồm hai nhánh cắt qua đường Lê Duẩn và đường Giải Phóng dài tổng cộng 90m.

Hầm Kim Liên là hạng mục giao thông quan trọng của Hà Nội. Công trình đã giúp cải thiện tình trạng ùn tắc tại khu vực Đại Cồ Việt - Xã Đàn. Tuy nhiên, nơi đây thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông do mặt cắt ngang của hầm rất hẹp, dốc trượt, vòng cua; đồng thời ô tô và xe máy lưu thông hỗn hợp trong điều kiện thiếu sáng, âm thanh ồn dễ xảy ra gây tai nạn.

Hầm chui Thanh Xuân giảm tải tình trạng ùn tắc, xung đột giao thông từ các hướng Trần Phú, Hà Đông, Nguyễn Xiển và Khuất Duy Tiến.

Hầm chui Thanh Xuân – nút giao 4 tầng đầu tiên tại Thủ đô

Hầm chui Thanh Xuân tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đi vào hoạt động năm 2016, sau 2 năm xây dựng. Hầm có tổng mức đầu tư hơn 551 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA Nhật Bản (phần còn thừa của dự án đường vành đai 3 trên cao).

Công trình gồm một đường hầm và đường dẫn vào hầm tổng chiều dài 980m, trong đó chiều dài của phần hầm kín là 109m, mặt cắt ngang 14m. Hầm có 4 làn xe chạy, mỗi làn rộng 3,5m. Hầm chui được xây dựng theo hướng Nguyễn Trãi - Quốc lộ 6 để tách phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Trãi khỏi khu vực giao cắt.

Đây được coi là hầm chui thi công phức tạp và khó khăn nhất vì được làm song song với dự án đường sắt trên cao, hệ thống trụ đường sắt đi qua dải phân cách giữa ở hai ống hầm. Cùng với tuyến đường sắt trên cao, cao tốc trên cao và đường bộ, đây là nút giao 4 tầng đầu tiên tại thủ đô. Điều này góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc kéo dài trong nhiều năm qua và xung đột giao thông từ các hướng Trần Phú, Hà Đông, Nguyễn Xiển và Khuất Duy Tiến khi qua nút giao này.

Hầm chui Trung Hòa kết nối đường Trần Duy Hưng với đại lộ Thăng Long.

Hầm chui Trung Hòa

Khánh thành cùng ngày với hầm chui Thanh Xuân, hầm chui Trung Hòa kết nối đường Trần Duy Hưng với đại lộ Thăng Long; tổng mức đầu tư 1.087 tỷ đồng.

Phần hầm kín và phần hầm hở phía đường Trần Duy Hưng gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 12m, gồm 3 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn. Phần hầm hở phía đại lộ Thăng Long gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 16,25m. Sau hơn 4 năm khánh thành, hầm chui Trung Hòa giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông trên nút giao vành đai 3 Khuất Duy Tiến và đại lộ Thăng Long.

Phối cảnh hầm chui Lê Văn Lương. Hầm chui này là một trong những dự án trọng điểm của thành phố nhằm giải quyết ùn tắc tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3. Dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2022.

Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3

Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3.

Được biết, dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 là dự án thuộc nhóm B, có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 500 tỷ đồng được trích từ nguồn ngân sách thành phố, thời gian thi công 18 tháng.

Tổng chiều dài hầm là 475m, trong đó hầm kín dài 95m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào hầm kín dài 380m (mỗi bên dài 190m). Có hai hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 7,75m, lưu thông mỗi chiều 2 làn xe cơ giới, mỗi làn rộng 3,5m. Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty Cổ phần Fecon - Công ty Cổ phần Thương mại, tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng là đơn vị đã trúng gói thầu thi công công trình này.

Sau khi hầm chui Lê Văn Lương đi vào hoạt động, nút giao thông tại đây sẽ có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại, thay vì 8 làn xe như hiện nay. Hầm chui được kỳ vọng sẽ giải quyết xung đột giao thông tại nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu đã tồn tại nhiều năm qua, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần thay đổi bộ mặt giao thông của Thủ đô.

Dự án hầm chui tại nút giao giữa vành đai 2,5 (Kim Đồng nối với đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai) được thành phố phê duyệt đầu tư dự án tại Quyết định số 5804/QĐ-UBND (Ảnh: Dân trí).

Dự án hầm chui 670 tỷ đồng giao cắt đường Giải Phóng

Với dự án hầm chui tại nút giao đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ) được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt đầu tư dự án tại Quyết định số 5804/QĐ-UBND. Hầm được xây dựng theo hướng đường Vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Kim Đồng) chui qua đường Giải Phóng hiện tại. Tổng đầu tư cho các hạng mục công trình dự kiến hơn 670 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Cửa hầm được bắt đầu ở đoạn giữa phố Kim Đồng, đi ngầm qua đường Giải Phóng và ga Giáp Bát để kết nối với đường Đầm Hồng - Giáp Bát (tuyến Vành đai 2,5) đang thi công. Cửa hầm phía bên kia cách tường rào ga Giáp Bát khoảng 400m.

Tổng chiều dài của công trình là 730m (gồm: 110m đường dẫn cửa hầm phía Đầm Hồng, 520m hầm (190m + 140m + 190m) và 100m đường dẫn cửa hầm phía Kim Đồng. Ngoài ra, dự án còn xây dựng các trụ nổi chờ cho tuyến đường sắt đô thị số 4 dự kiến đi trên cao; xây đường hai bên hầm, nút giao trên mặt bằng với đường Giải Phóng; xây các công trình hạ tầng kỹ thuật và phụ trợ khác...

Bản đồ vị trí hầm chui dự kiến qua nút giao Hoàng Quốc Việt- Tây Thăng Long.

Hầm chui Hoàng Quốc Việt

Theo tính toán của đại diện Bộ Giao thông và Vận tải, dự án hầm chui Hoàng Quốc Việt dự kiến xây dựng tương tự hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa với 4 làn xe. Dự án có mức dự toán khoảng 700 tỷ đồng.

Thực tế tại nút giao đường Vành đai 3 với đường Hoàng Quốc Việt cũng đã có phương án xây dựng gầm chui nên khi thi công đường trên cao đến đây, thay vì đổ bê tông, đoạn dầm cầu cạn đi đường Hoàng Quốc Việt đã được làm bằng khung thép lắp ghép. Việc này nhằm lực nén cho hạ tầng ngầm bên dưới vừa có thể tháo dỡ dầm cầu cạn Vành đai 3 nếu cần.

Khánh Hòa – Tuấn Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nhung-ham-chui-giai-quyet-un-tac-giao-thong-tai-ha-noi-290125.html