Những gương mặt sáng giá cho nội các của ông Joe Biden

Tờ New York Times cho rằng, một số gương mặt kỳ cựu có khả năng được Tổng thống đắc cử Joe Biden lựa chọn cho nội các của ông.

Phần lớn biên chế trong đội ngũ an ninh quốc gia của ông Biden có thể sẽ là các cựu quan chức Phòng Tình huống dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Những người này được kỳ vọng sẽ khôi phục các chính sách đối ngoại từng bị Tổng thống Donald Trump loại bỏ.

Những gương mặt dày dặn kinh nghiệm

Đây sẽ là sự khích lệ to lớn đối với những người mong muốn các gương mặt dày dạn kinh nghiệm sẽ giành lại quyền kiểm soát bộ máy an ninh quốc gia. Tuy nhiên, điều này cũng gây tâm lý hoang mang đối với một số thành viên trẻ, cấp tiến của đảng Dân chủ, những người cho rằng, đội ngũ an ninh của đảng Dân chủ trước thời Tổng thống Trump đang trở nên lỗi thời.

Tất nhiên, quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay ông Joe Biden. Với tư cách là cựu Phó Tổng thống và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, điểm thuận lợi đối với ông Biden là cần ít chuyên gia tư vấn về chính sách đối ngoại hơn so với những người tiền nhiệm.

Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: AP

Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: AP

Theo New York Times, những gương mặt sáng giá trong đội ngũ an ninh của Tổng thống đắc cử Joe Biden bao gồm: cựu Thứ trưởng Ngoại giao và Phó cố vấn an ninh quốc gia Antony Blinken, cựu Phó giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Avril Haines, nguyên Cố vấn an ninh quốc gia Susan E. Rice, và Michèle Flournoy, quan chức chính sách hàng đầu của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Obama.

Dù đều có thâm niên làm việc với Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, với lý lịch được cho là “không tỳ vết” theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, nhưng một số nhân vật trong đảng Dân chủ và giới phân tích vẫn cho rằng, đội ngũ này có tư duy quá thận trọng và “rập khuôn”, nhất là ở thời điểm các nhà hoạt động chính trị thách thức tính chính danh của đảng Dân chủ đối với các vấn đề như quan hệ với Israel, chi tiêu quân sự, chống khủng bố ở Trung Đông và Bắc Phi.

Đối với một số người, những người này đại diện cho điều mà cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes gọi là “The Blob”, thuật ngữ chỉ đường lối đối ngoại đề cao quá mức vị thế bá chủ và sẵn sàng sử dụng vũ lực của Mỹ.

Họ cũng bất bình trước mối quan hệ được cho là gần gũi nhau của những gương mặt trên, với dẫn chứng là vào năm 2017, ông Blinken và bà Flournoy đã thành lập công ty tư vấn mang tên WestExec. Các nhân viên hiện tại và trước đây của công ty này cũng là những người nhiều khả năng sẽ được ông Joe Biden bổ nhiệm vào dàn nội các mới.

Nỗi lo bình mới rượu cũ

Theo ông John Mearsheimer, giáo sư khoa Chính trị tại Đại học Chicago (Mỹ), đứng trên góc độ của những thành viên mới, trẻ tuổi của đảng Dân chủ, sử dụng những gương mặt này không khác gì “bình mới rượu cũ”.

Giáo sư Mearsheimer cho rằng, hầu hết những người được xem là gương mặt tương lai trong đội ngũ của ông Biden đại diện cho cách tiếp cận ngại rủi ro, trung dung trong các chính sách đối ngoại, điều sẽ vẽ ra một vai trò tích cực hơn của Mỹ trong các vấn đề kinh tế, ngoại giao, và đôi khi là quân sự, so với mường tượng của những người ủng hộ đảng Dân chủ có địa vị.

Theo New York Times, những vị trí bổ nhiệm ban đầu trong bộ máy an ninh quốc gia của ông Biden có những nét trái ngược với cựu Tổng thống Obama, người chỉ có ít phụ tá về chính sách đối ngoại dưới thời mình. Ông Obama từng chọn tướng thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu James L. Jones, người ông mới chỉ gặp một lần, vào vị trí Cố vấn an ninh quốc gia. Song mối quan hệ giữa 2 người không thật sự tốt, và tướng Jones đã ra đi sau chưa đầy 2 năm.

Về phần mình, ông Joe Biden sẽ được vây quanh bởi những gương mặt rất quen thuộc, chẳng hạn như ông Antony Blinken, một phụ tá từng làm việc cho ông Biden từ năm 2002. Với phong cách ngoại giao cổ điển nhưng không kém phần linh hoạt, ông Blinken được kỳ vọng là gương mặt sáng giá cho vị trí ngoại trưởng. Một ứng cử viên hàng đầu khác cho vị trí lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ là bà Susan Rice, cựu Cố vấn an ninh quốc gia.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan E. Rice. Ảnh: Independent

Tuy nhiên, triển vọng của bà Rice sẽ trở nên mờ nhạt hơn nếu đảng Cộng hòa giữ quyền kiểm soát Thượng viện. Trong quá khứ, bà từng bị các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa gây áp lực về các vấn đề như vụ tấn công sứ quán Mỹ tại Benghazi, Lybia năm 2012... Đó là lý do vì sao cựu Tổng thống Barack Obama chỉ có thể bổ nhiệm bà Rice chức Cố vấn an ninh quốc gia, một vị trí không cần Thượng viện phê duyệt.

Một lựa chọn thay thế khác là Chris Coons, một đồng minh thân cận và cũng là người kế nhiệm chức Thượng nghị sĩ của của ông Biden tại bang Delaware. Là một người có tính cách ôn hòa, và tương đối được các đồng nghiệp đảng Cộng hòa tôn trọng, nên con đường vào Bộ Ngoại giao Mỹ của ông Chris Coons sáng sủa hơn.

Ngoài ra, ông Biden cũng có thể lựa chọn một số nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng phục vụ trong các chính quyền của cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, để có thể giành được sự tín nhiệm từ phía lưỡng đảng. Họ bao gồm Bill Burns, từng là Thứ trưởng Ngoại giao thời ông Obama, và Nicholas Burns, từng giữ các chức vụ hàng đầu trong chính quyền Tổng thống George W. Bush.

Cả hai ông đều có thể phù hợp với các công việc ngoại giao cấp cao dưới thời ông Biden, như đại sứ của Mỹ.

Những cộng sự tiềm năng

Trong khi đó, bà Avril Haines có thể là một lựa chọn hàng đầu cho vị trí Giám đốc CIA. Một số thành viên đảng Dân chủ cho rằng, bà Haines không phải là người quyết liệt chỉ trích các hành vi tra tấn của CIA dưới thời Bush, nhưng các quan chức dưới thời Obama nói bà vẫn ủng hộ việc kiềm chế các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái nhằm vào những kẻ khủng bố, do phương pháp này có thể gây thương vong đối với dân thường. Ngoài ra, bà Haines cũng được cho là người rất hiểu CIA mà không bị ràng buộc bởi quan điểm của cơ quan này.

Bà Avril Haines. Ảnh: Columbia World Projects

Còn bà Michèle Flournoy được kỳ vọng là gương mặt lãnh đạo phù hợp của Lầu Năm Góc. Được cả các thành viên Đảng Cộng hòa tôn trọng, bà Flournoy có thể sẽ gặp rất ít phản đối.

Ông Biden được cho là ưa chuộng người có nhiều kinh nghiệm chính trị hơn là một chiến lược gia quân sự đơn thuần, nhất là khi ông phải tìm cách chiều lòng thành phần cấp tiến trong đảng Dân chủ. Những người này đang yêu cầu một sự cắt giảm lớn về ngân sách quốc phòng, thứ mà bà Flournoy có thể sẽ phản đối.

Một ứng cử viên khác cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Tư pháp là Jeh C. Johnson, cựu cố vấn pháp lý của Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa dưới thời ông Obama. Chức vụ cũ của ông Johnson tại Bộ An ninh nội địa có thể thuộc về bà Lisa Monaco, người đã giúp ông Biden chọn ra những người cộng sự tiềm năng trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình.

Bà Michèle Flournoy. Ảnh: Reuters

Đại sứ tại Liên Hợp Quốc thường là bước đệm cho những nhân vật triển vọng hoặc đang lên, như Pete Buttigieg, cựu Thị trưởng South Bend, bang Indiana. Dù chưa từng nắm giữ chức vụ nào trong Bộ Ngoại giao, nhưng ông Buttigieg có thể nói được nhiều thứ tiếng, từng là sĩ quan hải quân ở Afghanistan và có kiến thức chuyên sâu về chính sách đối ngoại hơn hầu hết các ứng cử viên tổng thống năm 2020 của đảng Dân chủ.

Các chức vụ cấp cao khác có khả năng thuộc về Brian McKeon - người từng làm việc cho ông Biden khi còn là Thượng nghị sĩ vào những năm 1980, và từng giữ vai trò cấp cao của Lầu Năm Góc trong chính quyền Obama, và Carlyn Reichel - người chắp bút cho những bài phát biểu về chính sách đối ngoại cho ông Biden khi còn là Phó tổng thống Mỹ.

Tom Donilon, Cố vấn an ninh quốc gia đời thứ hai của ông Obama, và cũng từng là cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Biden, được cho là có thể trở thành Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc hoặc có thể đảm nhận một vai trò tình báo cấp cao. Một số người khác thì tin ông Donilon sẽ hoan nghênh việc được trở thành Ngoại trưởng Mỹ hơn.

John Kerry, Ngoại trưởng đời thứ hai dưới chính quyền Obama, cũng được kỳ vọng sẽ có chức vụ cao trong chính quyền mới của ông Biden, nhờ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như một số điểm nóng ở nước ngoài. Gương mặt tiềm năng còn lại là Jake Sullivan, người từng là Cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden trước khi trở thành trợ lý của Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ Jake Sullivan. Ảnh: Great Decisions

Ông Sullivan vừa có kiến thức sâu rộng về các chính sách đối ngoại, vừa có thể điều phối các vấn đề trong nước cho chiến dịch tranh cử của ông Biden kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ. Nếu không chuyển sang việc trong lĩnh vực đối nội, ông Sullivan nghiễm nhiên sẽ đảm nhận một vị trí cấp cao trong ngành an ninh quốc gia Mỹ.

Việt Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/nhung-guong-mat-sang-gia-cho-noi-cac-cua-ong-joe-biden-687840.html