Những gương mặt mới

Như trang tin điện tử bild.de đưa lên lúc tối muộn thứ hai 29/10/2018 dựa trên nhiều nguồn tin gần gụi với cựu Chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Đức (CDU) Angela Merkel, việc bà tuyên bố sẽ không tham gia vào cuộc bầu cử lãnh đạo CDU vào tháng 12 tới không hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện của bà. Kế hoạch thay đổi bàn cờ này đã được sắp xếp bởi một nhóm nhân vật hàng đầu của CDU, trong đó có người bạn cũ của bà Thủ tướng là Chủ tịch Quốc hội Wolfgang Schäuble và Thủ hiến bang No

Bà Angela Merkel tuyên bố sẽ không tham gia vào cuộc bầu cử lãnh đạo CDU. (Ảnh: AP / Michael Probst).

Cùng đường phải chịu

Theo các nguồn tin, bà Merkel đã bị đặt trước một sự lựa chọn không dễ dàng vào tối chủ nhật 28/10/2018: hoặc là bà tự tuyên bố sẽ ra đi hoặc là bà sẽ bị buộc phải làm việc này trên Đoàn Chủ tịch đảng. Tới 8h sáng ngày 29/10, bà Merkel đã gọi điện thoại tới cho người phản biện lâu năm và đồng thời cũng là đồng minh của mình là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Horst Seehofer để thăm dò ý kiến. Tuy nhiên, bà đã không nhận được sự ủng hộ mà bà chờ đợi: do biết trước về kế hoạch của các “trưởng lão” trong CDU, ông Seehofer đã khuyên bà Merkel không nên đi ngược lại xu thế mới. Nửa giờ sau đó, bà Merkel gọi tới cho thủ lĩnh của những người Dân chủ - Xã hội (SPD) Andrea Nahles và thông báo về việc bà sẽ thôi không ra tranh cử chức lãnh đạo CDU là một sự tự nguyện của chính bà (SPD là đảng cùng với CDU trong liên minh cầm quyền hiện nay ở CHLB Đức). Một giờ sau đó Đoàn Chủ tịch CDU đã được họp lại và kế hoạch trên đã diễn ra như một nguyện vọng từ chính bà Merkel. Người ta kể rằng, Đoàn Chủ tịch đã đứng lên vỗ tay chào mừng quyết định này của bà Merkel rất nồng nhiệt. Như vậy có nghĩa là, tầng lớp lãnh đạo cao nhất của CDU đã chờ đợi sự kiện này từ lâu?

Vào lúc 13h30 ngày 29/10, bà Merkel tuyên bố với báo chí Đức rằng, ngay từ trước kỳ nghỉ hè vào tháng 8 năm nay, bà đã quyết định sẽ rời khỏi chức vụ lãnh đạo CDU. Việc này trông giống như một lời biện hộ vụng về. Tại sao lại phải đánh lừa cử tri của hai bang Bavaria và Hessen: nếu từ mùa hè qua mà họ đã biết bà Merkel thôi không ngồi tiếp trên cương vị lãnh đạo CDU nữa thì kết quả bầu cử ở đây đã là khác…

Cuộc họp báo của bà Merkel ở Berlin, theo đánh giá của giới truyền thông, diễn ra như một cuộc tập dượt tang lễ. Khi trả lời câu hỏi về các mục đích của mình trên cương vị Thủ tướng, bà Merkel đã tỏ ra không chỉ kém sức thuyết phục mà còn rất khó hiểu và tội nghiệp. Sai lầm không phải là việc bà quyết định rời khỏi chức lãnh đạo CDU mà là ở những cố gắng vụng về tới tuyệt vọng nhằm giả bộ vui vẻ khi làm thế để tạo ra sự đoàn kết nhất trí bên ngoài của ban lãnh đạo đảng…

Mặc dù dự định sẽ không ra tranh cử chức lãnh đạo CDU nhưng bà Merkel vẫn quyết tâm đảm nhận cương vị Thủ tướng Đức tới năm 2021, tức là tới cuối nhiệm kỳ thứ tư của mình. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của các nhà quan sát, trong bối cảnh các mối quan hệ phức tạp trong nội bộ CDU cũng như với các thủ lĩnh những chính đảng trong liên minh cầm quyền hiện nay, bà Merkel sẽ rất khó trụ lại được trên ghế Thủ tướng như đang dự tính. Bất cứ một chính trị gia nào, sau khi được bầu làm thủ lĩnh CDU cũng sẽ tạo nên được thế thượng phong để cuối cùng thay thế bà Merkel. Ngay từ bây giờ cuộc chạy đua đã bắt đầu và những nhân vật có khả năng vượt trội đã được dư luận chú ý.

Từ trái qua: Kramp Karrenbauer, Jens Spahn, Armin Laschet, Friedrich Merz.

Người khác mà giống

Theo đánh giá của dư luận Đức và quốc tế, thay thế bà Merkel trên cương vị thủ lĩnh CDU có thể sẽ là một nữ chính trị gia có nhiều nét tương đồng với bà. Đó là bà Annegret Kramp-Karrenbauer, 56 tuổi. Ngay cả đối với người Đức, đây cũng là một tên họ khó phát âm nên thường bà được người ta vẫn gọi bằng ba chữ viết tắt AKK.

Trong đánh giá của dư luận Đức, bà Kramp-Karrenbauer có nhiều nét tương đồng với bà Merkel như tính thực dụng bẩm sinh cũng như phong cách quản lý rất kiềm chế. Và cũng chính vì thế nên bà đã có biệt danh là “Merkel em”.

Hồi giữa năm nay những người Dân chủ -Thiên chúa giáo đã bầu bà Kramp-Karrenbauer là Tổng Thư ký CDU - chính cương vị đã được bà Merkel 18 năm trước sử dụng để làm bàn đạp nhằm thăng tiến lên đỉnh cao của CDU. Nhiệm vụ đang được đặt ra trước bà Kramp-Karrenbauer là phải trẻ hóa đội ngũ. Có lẽ tới tháng 12 này, bà sẽ trở thành ứng cử viên nặng ký nhất vào chức lãnh đạo tối cao của CDU.

Cái khác nhau giữa hai người đàn bà này chỉ là bà Merkel lớn lên trên lãnh thổ Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức), còn AKK - ở Tây Đức. Và cả hai cũng đều đã có mặt trên chính trường từ lâu. Bà Merkel không có con, còn bà AKK là mẹ của ba người con, gia nhập CDU từ năm 18 tuổi và cũng trong từng ấy thời gian giữ các cương vị lãnh đạo khác nhau ở cấp độ bang và liên bang. Trước khi trở thành Tổng Thư ký CDU, bà Kramp-Karrenbauer từng làm thủ hiến của một bang nhỏ là Saar. Hiện nay, theo ý kiến của nhiều người, bà được coi là ứng cử viên thích hợp nhất để kế thừa vị trí lãnh đạo của bà Merkel và cả hai nhân vật này đều đã kịp chứng tỏ rằng họ có thể hợp tác được với nhau có hiệu quả mà vẫn giữ được phong cách chính trị đầy cá tính của mình.

Cho tới thời điểm hiện nay, AKK đã đạt được thành công trong nhiều giai đoạn của cuộc đời mình và trong những lĩnh vực khác nhau, vì thế, bà còn hay được người ta gọi là “vũ khí đa năng”.

Bà Kramp-Karrenbauer được sự ủng hộ của các đảng viên theo khuynh hướng bảo thủ trong CDU, những người hâm mộ các giá trị gia đình theo hơi hướng Thiên chúa giáo La Mã của bà. Bà cũng được những người theo phái trung dung ủng hộ. Các nhà quan sát đánh giá bà còn bảo thủ hơn bà Merkel. Bản thân bà thì lại có cách hình dung khác: bà coi tư tưởng chính yếu của CDU là “khái niệm Thiên chúa giáo về con người” và không muốn biến CDU thành “một chính đảng bảo thủ đơn thuần”.

Từ “Thiên chúa giáo” kết hợp cùng từ “dân chủ” đối với AKK mà một yếu tố quan trọng. Có một thí dụ: AKK chống lại quyết định của một tòa án địa phương về việc loại bỏ cây thánh giá ra khỏi phòng xử án. Đối với bà, cây thánh giá là biểu tượng về sự cam chịu và về việc “con người không phải là kết thúc của sự sáng tạo”. AKK là một tín đồ Thiên chúa giáo ngoan đạo và là thành viên Ủy ban Trung ương những tín đồ Thiên chúa giáo Đức. Bà không ủng hộ quyết định của quốc hội Đức về việc công nhận hôn nhân đồng tính mà nhiều đồng chí trong CDU của bà đã bỏ phiếu ủng hộ. Bà cho rằng, cần phải có một ranh giới rõ ràng giữa hôn nhân cổ điển với những hình thức chung sống khác của các cặp cá thể với con cái. АКК cũng ủng hộ những quy định nghiêm khắc hơn đối với nạo thai và chống lại sự quảng cáo cho nạo thai.

Bà Kramp-Karrenbauer ủng hộ bà Merkel trong quyết định đón nhận một số lượng kỷ lục những người tị nạn năm 2015, nhưng lại không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng, để có được một sự tồn tại ổn thỏa “cơm lành canh ngọt”, tất cả đều phải tuân thủ nghiêm túc các quy định đang tồn tại trên lãnh thổ Đức. АКК kêu gọi trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với những hành vi phạm tội của những người nhập cư trong việc lừa dối chính quyền CHLB Đức về nguồn gốc của mình và ủng hộ trục xuất nhất quán những người đã bị từ chối quyền tị nạn chính trị. АКК đôi khi cũng thay đổi góc nhìn thế sự của mình, nhưng không ngại những xung đột và luôn công khai phát biểu các chính kiến mà đa số trong đảng không ủng hộ…

Chính trị gia trẻ, đồng tính

Nhân vật thứ hai trong danh sách các ứng cử viên vào chức lãnh đạo CDU là Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Sức khỏe trong nội các do bà Merkel lãnh đạo, ông Jens Spahn. Sau khi bà Merkel tuyên bố sẽ không ra tranh cử trong tháng 12 tới, ông Spash đã là một trong những người đầu tiên đã lên tiếng về ý định ra tranh cử chức lãnh đạo CDU. Ông được coi là người phê phán mạnh mẽ nhất chính sách đối với người tị nạn mà đương kim Thủ tướng CHLB Đức tiến hành từ năm 2015. Ông cũng là người có sức hút lớn nhất đối với các đảng viên theo khuynh hướng bảo thủ trong CDU. Jens Spahn năm nay 38 tuổi và nhìn từ góc độ này, ông đáp ứng được các đòi hỏi của nhiều đảng viên CDU đang mơ ước để vị thủ lĩnh trẻ trung thổi sức sống mới cho những người Dân chủ Thiên chúa giáo Đức như vị Thủ tướng 32 tuổi Sebastian Kurz đang làm ở Áo.

Jens Spahn sinh ra và lớn lên ở làng quê sát biên giới với Hà Lan, thuộc bang Nordrhein-Westfalen. Ông từng tham gia rất tích cực vào hoạt động chính trị của giới trẻ trong tổ chức của nhà thờ Thiên chúa giáo. Ông từng theo học ngành ngân hàng, đồng thời nghiên cứu nhiều năm về chính trị học.

Năm 2002, Jens Spahn đã trở thành nghị sĩ trẻ tuổi nhất của quốc hội Đức và đã có được vị trí trong ban lãnh đạo chính đảng bảo thủ CDU. Ông trở nên nổi tiếng nhờ những phê phán đối với bà Merkel trong các đạo luật cho phép có quốc tịch kép cũng như về các chính sách đối với đội ngũ nhân viên làm việc trong các quán cà phê ở Berlin. Sau khi trở thành Bộ trưởng, ông đã tập trung sự chú ý vào những vấn đề nghiêm túc hơn, trong đó có mối quan tâm đối với những bệnh nhân và những người cần được giúp đỡ.

Sự thăng tiến trên chính trường liên bang của ông Spahn bắt đầu từ năm 2014, khi ông bất ngờ lọt được vào đoàn chủ tịch của đảng, vượt lên trên đối thủ có nhiều kinh nghiệm hơn. Trước khi được đưa vào chức Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Sức khỏe mùa xuân năm 2018, ông đã là thư ký nghị viện của Bộ Tài chính, còn trước đó nữa thì đã là thành viên ủy ban nghị viện về bảo vệ sức khỏe và một trong những chuyên viên của CDU trong lĩnh vực này.

Sau khi trở thành một chính trị gia ở cấp độ liên bang, ông Spahn đã gia tăng những nỗ lực xây dựng hình ảnh cá nhân, nhận lời làm khách mời của các chương trình giao lưu trên truyền hình nhiều hơn. Ông cố tỏ ra mình là một chính trị gia trẻ, năng động và bảo thủ, không ngại những phát ngôn mạnh mẽ.

Một trong những đề xuất mới nhất mà ông Spahn đưa ra gần đây là, cần phải làm sao để tất cả các công dân CHLB Đức được coi là những người sẵn sàng hiến tạng sau khi chết, đã tạo nên những dư luận nhiều chiều. Trước đó, phát biểu của chính trị gia này đã bị phê phán khi ông cho rằng, nhận trợ cấp tối thiểu ở Đức không có nghĩa là phải sống trong nghèo đói. Sau lời phát biểu này, người ta đề nghị ông thử sống trong một tháng bằng số tiền trợ cấp như thế (gần 416 euro trong một tháng) nhưng ông đã từ chối.

Trong số những đồng chí cùng CDU với bà Merkel, ông Spahn là thành viên đầu tiên của đoàn chủ tịch chối bỏ chính sách nhập cư của bà. Câu chuyện liên quan tới những sự kiện, khi nước Đức năm 2015 quyết định từ những động cơ nhân đạo tiếp nhận hàng trăm nghìn người tị nạn từ các nước Trung Cận Đông và Bắc Phi. Ông Spahn đã cho xuất bản một cuốn sách mà trong đó kêu gọi một chính sách cứng rắn hơn. Spahn tự gọi mình là người bài y phục Hồi giáo và ủng hộ việc cấm phụ nữ theo đạo Hồi phải mặc áo có mũ che mặt.

Trong đối ngoại, Spahn từ lâu đã là người ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ giữa Đức với Hoa Kỳ. Thời thanh niên, ông từng tham gia chương trình đào tạo những thủ lĩnh trẻ theo đường hợp tác tư nhân Đức – Mỹ. Theo các phương tiện thông tin đại chúng, ông có quan hệ tốt với đại sứ mới của Mỹ tại Đức, Richard Grenell. Cả hai đều là người đồng tính. Grenell trước đó trong năm nay đã giúp ông có được cuộc gặp gỡ với John Bolton, trợ lý Tổng thống Mỹ Trump về an ninh quốc gia. Cuối năm 2017, ông Spahn đã chính thức kết hôn với một nhà báo nam ở Berlin. Ngoài ra, ông Spahn còn duy trì những mối quan hệ tốt với vị Thủ tướng trẻ của Áo, Sebastian Kurz.

Những gương mặt khác

Ứng cử viên thứ ba vào chức thủ lĩnh SDU là một đồng minh gần gụi của bà đương kim Thủ tướng, ông Armin Laschet. Ông này từng cảnh báo về nguy cơ dịch chuyển quá mạnh sang cánh hữu của CDU và bằng cách này đã xác định được vị trí của mình như tiếng nói của trí tuệ trong bối cảnh những hục hặc thường xuyên trong liên minh đầy náo động của bà Merkel với những người Dân chủ Xã hội và những người Bảo thủ xứ Bavaria. Armin Laschet năm nay 57 tuổi, là cấp phó của thủ lĩnh CDU. Năm 2017, ông được bầu làm người đứng đầu bang đông dân nhất nước Đức là Nordrhein-Westfalen, sau khi hạ đo ván đại diện của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD).

Ứng cử viên thứ tư là Friedrich Merz. Ông này vốn là đối thủ lâu năm của bà Merkel. Ảnh hưởng của ông đã gia tăng cùng với sự củng cố vị thế của bà Merkel ở thời điểm mà nhóm các thủ lĩnh cựu trào của đảng đã bị huyền chức vì những vi phạm trong tài trợ cho chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, ông Merz đã phải rời khỏi chính trường hoàn toàn sau khi bà Merkel năm 2002 rũ bỏ trách nhiệm lãnh đạo nhóm Bảo thủ trong quốc hội. Ông Merz năm nay 62 tuổi, sau cuộc xung đột đó đã chuyển về làm chủ hãng BlackRock; đây được coi là quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất ở Đức. Đồng thời, ông cũng trở thành cố vấn trưởng của chi nhánh công ty luật quốc tế Mayer Brown có trụ sở tại Dusseldorf.

Những người Bảo thủ Đức đã đưa ông trở lại chính trường năm 2014 để làm việc trong Ủy ban Quốc tế về củng cố xã hội dân sự. Năm 2017, ông Laschet đã đưa ông Merz vào vị trí quan chức không ăn lương là đại diện của bang Nordrhein-Westfalen về vấn đề Brexit. Bang Nordrhein-Westfalen đã trở thành nam châm đối với những công ty buộc phải rời nước Anh sau khi “hòn đảo sương mù” tuyên bố ra khỏi Liên minh châu Âu.

Đối với nhiều người trong CDU, Merz đại diện cho hạt nhân bảo thủ cũ trong đảng: định hướng tới một nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường mang tính xã hội, ủng hộ doanh nghiệp hạng trung và sự hiểu biết về các công việc kinh tế. Ông cũng là người có uy tín cao đối với các doanh nghiệp Đức. Ngày 29/10 vừa qua, khi xuất hiện thông tin về việc ông Merz có thể trở thành ứng cử viên vào chức lãnh đạo CDU, thị trường chứng khoán Đức đã tăng điểm mạnh mẽ.

Những phát biểu trước đây của ông Merz trong cuộc tranh luận do ông khởi xướng về “căn cốt Đức” ("deutsche Leitkultur") cho phép nghĩ rằng, cách tiếp cận của ông đối với vấn đề người tị nạn có thể khác so với bà Merkel, tác giả của đường lối mà trong chính CDU cũng cho là quá tự do.

Liên quan tới chính sách đối ngoại, ông Merz ủng hộ việc củng cố sự đoàn kết trong EU. Với cương vị là Chủ tịch liên minh có ảnh hưởng lớn “Cầu nối Đại Tây Dương”, ông ủng hộ tình hữu nghị với Hoa Kỳ và việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ liên lục địa.

Các nhà quan sát có những ý kiến khác nhau về cơ hội của ông Merz trong việc thay thế bà Merkel làm lãnh đạo CDU. Một số người chú ý tới việc ông vắng mặt lâu ngày trong những giao lưu của giới chóp bu chính trị trong bộ máy điều hành đảng. Một số khác lại coi đây chính là ưu thế của ông vì như vậy có thể coi ông là một nhân vật không nằm trong “hệ thống của bà Merkel, người mà nhiều nhân vật trong CDU cho là đã dẫn tới sự suy giảm uy tín của đảng. Tuy nhiên, yếu tố quyết định tại đại hội CDU vào tháng 12 tới sẽ là tài ăn nói của ông Merz. Ông vốn được coi là một diễn giả có khiếu hùng biện, biết thu phục cử tọa. Người ta cho rằng, nếu ông Merz được bầu làm Chủ tịch CDU, những ngày ngồi trên chức Thủ tướng của bà Merkel sẽ bị rút ngắn vì ông sẽ không ngồi yên cho bà hết nhiệm kỳ mới hành động…

Hoàng Thông

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nhung-guong-mat-moi-tintuc424035