Những góc nhìn pháp lý qua vụ việc tại Protrade

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bình Dương vừa khởi tố, bắt giam 3 lãnh đạo Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade) vì có dấu hiệu thất thoát gần 127 tỷ đồng trong vụ bán 43 ha đất công.

Khu đất 43 ha hiện là Dự án Khu đô thị Tân Phú do tư nhân sở hữu.

Khu đất 43 ha hiện là Dự án Khu đô thị Tân Phú do tư nhân sở hữu.

Protrade từng “cãi” thế nào?

Những dấu hiệu khuất tất khi Protrade - doanh nghiệp nhà nước thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, được Nhà nước giao 43 ha đất có thu tiền sử dụng đất liên doanh với Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc thành lập Công ty Tân Phú để làm Dự án Khu đô thị (KĐT) Thương mại dịch vụ Tân Phú (gọi tắt là KĐT Tân Phú) thuộc Thành phố mới Bình Dương, nhưng đã… bán luôn khu đất “vàng” này với giá “bèo” không qua đấu giá đã được Báo Đầu tư và nhiều cơ quan báo chí phản ánh trong năm 2019.

Tại cuộc họp báo tổ chức ngày 9/4/2020 sau khi bắt giam 3 lãnh đạo Protrade, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho hay, qua điều tra, xác định Protrade đã tự ý thỏa thuận bán đất không qua đấu giá, thấp hơn giá thực tế, gây thất thoát gần 127 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước đó, sau khi công luận lên tiếng, tháng 9/2019, Protrade có Văn bản số 120/TCT ngày 30/9/2019 gửi hàng loạt cơ quan báo chí cho rằng, nguồn vốn mà Protrade sử dụng để đền bù giải phóng mặt bằng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương (gọi tắt là Khu liên hợp - PV) không xuất phát từ ngân sách nhà nước.

Các dẫn chứng Protrade đưa ra với báo chí cũng tương tự giải trình với UBND tỉnh Bình Dương (năm 2018) về nguồn tiền đền bù 43 ha này.

Theo đó, Protrade cho hay, năm 2004, thực hiện chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư Khu liên hợp của UBND tình Bình Dương, Protrade đã vay tiền từ một ngân hàng thương mại, hợp tác kinh doanh góp vốn với Công ty TNHH Phát triển, Công ty CP Hưng Vượng…

Từ nguồn này, Protrade đền bù và đầu tư khu dịch vụ 567,3 ha (trong đó có 43 ha) theo hợp đồng đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực tại Khu liên hợp (Hợp đồng số 06/HĐ ngày 24/11/2004). Tổng công ty đã hoàn tất việc đền bù giải phóng mặt bằng từ năm 2004, được Ban Quản lý Khu liên hợp bàn giao thực địa và mốc ranh đất theo biên bản ngày 1/6/2006. Từ năm 2010 - 2013, Tổng công ty được UBND tỉnh Bình Dương giao đất làm nhiều lần và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bởi “góc nhìn” tiền bồi thường đất được giao không phải từ ngân sách, nên Protrade cho rằng, 43 ha đất nói trên không thuộc “khái niệm đất công” để phải thực hiện đấu giá.

“Việc chuyển giao khu đất 43 ha thông qua hợp đồng chuyển nhượng là phù hợp chủ trương cho phép Công ty hợp tác liên doanh đầu tư, thuộc trách nhiệm của Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương khi thực hiện hợp đồng liên doanh đã ký ngày 1/7/2010…”, Protrade nêu tại văn bản giải trình số 113 ngày 29/10/2018 với UBND tỉnh Bình Dương.

Buổi họp báo ngày 9/4/2020 công bố chi tiết việc bắt giữ 3 lãnh đạo Protrade.

Đối tác “đồng thanh”

Sau khi báo chí lên tiếng, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh vào cuộc. Tháng 10/2019, Công ty Âu Lạc (đối tác liên doanh với Protrade làm dự án) đã gửi Văn bản bản số 03/10/19 ngày 22/10/2019 tới Thanh tra tỉnh Bình Dương đề nghị cơ quan này “sớm có kết luận để dư luận sớm được tỏ tường…”.

Theo văn bản này, Công ty Âu Lạc cho rằng, việc Protrade ký hợp đồng với Công ty Âu Lạc để thành lập liên doanh Công ty Tân Phú và “Liên doanh Tân Phú nhận chuyển nhượng lại quyền sở hữu 43 ha đất thuộc sở hữu của Protrade với đơn giá 570.000 đồng/m2 là hoàn toàn hợp pháp”.

“Cơ sở lý luận” của Công ty Âu Lạc cũng tương tự Protrade khi dẫn chứng việc Protrade vay hơn 400 tỷ đồng trả tiền khu đất hơn 560 ha là vốn doanh nghiệp tự huy động, hoàn toàn không dùng ngân sách nhà nước. Âu Lạc còn “tung” tiếp văn bản của Sở Tài chính tỉnh Bình Dương có xác nhận số tiền Protrade đã nộp vào ngân sách nhà nước để được giao quyền sử dụng đất diện tích 43 ha của Dự án “không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước”.

Theo Công ty Âu Lạc, về bản chất, Protrade ký hợp đồng chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú (năm 2016) là việc hoàn tất thủ tục trả đất cho Công ty liên doanh Tân Phú theo hợp đồng liên doanh đã ký ngày 1/7/2010 với Công ty Âu Lạc, nên không thể tách riêng, xem xét hợp đồng chuyển nhượng đất năm 2016 trên cơ sở độc lập.

Từ đó, Âu Lạc khẳng định, Protrade có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng 43 ha đất trong tổng số 560 ha đất cho liên doanh của mình (Tân Phú); hợp đồng thành lập liên doanh Tân Phú, nhận chuyển nhượng 43 ha đất từ Protrade sang Công ty Tân Phú phù hợp với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, sau thời gian xin quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, ngày 29/1/2012, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 2214/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch 1/500, cho phép Công ty Tân phú làm chủ đầu tư Dự án - Dự án đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt từ trước Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Vì vậy, Công ty Âu Lạc cho rằng, có đủ căn cứ xác định hợp đồng ký ngày 8/12/2016 với giá bán 570.000 đồng/m2 không thông qua hình thức bán có thẩm định giá hoặc đấu giá là phù hợp với quy định của pháp luật vào thời điểm năm 2016.

“Do đó, Công ty chúng tôi mong muốn cơ quan thanh tra sớm ban hành kết luận thanh tra để dư luận sớm được biết, doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, tránh kéo dài dẫn đến những phát sinh, thiệt hại không đáng có”, văn bản của Công ty Âu Lạc kiến nghị.

Góc nhìn pháp lý của cơ quan thanh tra và công an

Tại cuộc họp thông tin cho báo chí về vụ việc nói trên do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức vào tháng 11/2019, ông Bùi Hữu Toàn, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, Thanh tra tỉnh Bình Dương đã phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

“Do nội dung, phạm vi vi phạm vượt quá thẩm quyền của Đoàn Thanh tra, nên Đoàn Thanh tra đã có báo cáo, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Toàn thông tin.

Có thể thấy, góc nhìn của Thanh tra tỉnh Bình Dương không giống góc nhìn của doanh nghiệp.

Về phía cơ quan công an, sau khi bắt khẩn cấp 3 lãnh đạo Protrade, tại buổi họp báo ngày 9/4/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã thông tin chi tiết hơn về hành vi của các cá nhân trên trong vụ bán 43 ha đất.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho rằng, 43 ha đất là của Nhà nước giao Protrade. Việc Tổng công ty bán Dự án là không thực hiện đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo Điều 27, Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đã tự thỏa thuận bán 43 ha đất trên với giá hơn 250 tỷ đồng, gây thất thoát gần 127 tỷ đồng so với bảng giá quy định của UBND tỉnh Bình Dương năm 2016.

Hành vi của các cá nhân được xác định đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo quy định tại Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Như vậy, góc nhìn pháp lý của doanh nghiệp và cơ quan chức năng hoàn toàn khác biệt. Cả Protrade và Công ty Âu Lạc cho rằng, tiền đền bù đất là vay ngoài, không dùng ngân sách nên không phải đất công; việc chuyển nhượng 43 ha vào năm 2016 với giá ‘bèo” là thực hiện cam kết hợp đồng liên doanh đã ký… 6 năm trước (năm 2010).

Tuy nhiên, điểm mấu chốt là, tại thời điểm bán đất, Protrade là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Tỉnh ủy Bình Dương. Tới thời điểm này (năm 2020), vốn nhà nước tại Protrade vẫn là 60%.

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ghi rõ: “Vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn do doanh nghiệp huy động”.

Điều này có nghĩa, khu đất 43 ha nêu trên là tài sản của Nhà nước (cụ thể là Tỉnh ủy Bình Dương), mà không phụ thuộc nó được hình thành từ vốn tự có hay vốn huy động. Như vậy, khu đất 43 ha là tài sản Nhà nước, theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, phải thẩm định và tổ chức bán đấu giá.

Ngày 8/4/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Văn Minh, 65 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Protrade; Trần Nguyên Vũ, 43 tuổi, Tổng giám đốc Protrade, để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Riêng Huỳnh Thanh Hải, 56 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Protrade, hiện là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và quản lý dự án Bình Dương bị khởi tố về hành vi như trên và bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Quá trình điều tra xác định, trong quá trình góp vốn liên doanh, Protrade đã không thực hiện đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản, tự thỏa thuận bán 43 ha đất với giá hơn 250 tỷ đồng, gây thất thoát gần 127 tỷ đồng so với bảng giá quy định của UBND tỉnh Bình Dương năm 2016.

Ngô Nguyên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhung-goc-nhin-phap-ly-qua-vu-viec-tai-protrade-d119981.html