Những góc khuất ở thung lũng Silicon

Thung lũng Silicon từ lâu đã trở thành địa danh nổi tiếng trên thế giới, nơi tập trung các công ty công nghệ hàng đầu hành tinh và cũng là thiên đường của bất kỳ nhà khởi nghiệp nào.

Năm 2015, Corey Pein - nhà báo điều tra, sống ở TP Portland, bang Oregon (Mỹ), cây bút thường trực của Willamette Week - khăn gói đến thung lũng huyền thoại này, bắt đầu một cuộc phiêu lưu hài hước và chua chát được kể lại trong tác phẩm "Sống, làm việc, làm việc, làm việc, chết"(Lê Thảo Nguyên dịch).

Bìa sách “Sống, làm việc, làm việc, làm việc, chết” xuất bản tại Việt Nam

Bìa sách “Sống, làm việc, làm việc, làm việc, chết” xuất bản tại Việt Nam

Vài năm gần đây, ta nghe đến công nghệ 4.0, các công ty khởi nghiệp (start-up) nhưng không phải ai cũng tường tận về những khái niệm này, khi mà thế giới chúng ta sống ngày nay bị chi phối bởi công nghệ. Nhưng đằng sau những viễn cảnh huy hoàng, những hứa hẹn thay đổi thế giới theo cách tốt đẹp hơn thực chất là một nền công nghiệp được điều khiển bởi những kẻ tham vọng, với sự trợ sức của những kẻ mơ mộng điên rồ, biến mình thành bánh răng để vận hành cỗ máy công nghiệp đó.

Corey Pein đã viết một cuốn sách phản đề cho tất cả những tác phẩm từng hứa hẹn vinh quang trong lĩnh vực khởi nghiệp. Thung lũng Silicon mà Pein miêu tả có cả những chuyện khôi hài tầm phào lẫn những âm mưu được che đậy với vẻ ngoài cởi mở khoáng đạt. Có một điều đúng mà những công ty công nghệ ở thung lũng Silicon nói: cơ hội dành cho tất cả mọi người nhưng có một điều họ quên nói, không phải ai cũng sẽ thành công. Tác phẩm đi từ những cuộc tiệc tùng truy hoan thác loạn đến những kế hoạch mang tầm vĩ mô. Từ những nhà khởi nghiệp không đặt nổi tên cho website của mình đến những nhà đầu tư mạo hiểm. Ở đó, Corey Pein với "Sống, làm việc, làm việc, làm việc, chết" đã sống, đã trải nghiệm và đã cho thế giới thấy được phần tối của "vườn địa đàng" mang tên thung lũng Silicon.

Trong thế giới cởi mở đó, cũng phân chia giai tầng với lũ ba hoa không làm gì và đám "ong thợ" làm việc và làm việc cho đến chết. Chính tên tác phẩm cũng đã phản ánh phần nào tính chất điên rồ, sự đào thải cao của nền công nghiệp tại thung lũng Silicon. Nó cũng không giấu được sự châm biếm được chính Corey Pein sử dụng thành thục để khiến cuốn sách sâu sắc này dễ tiếp cận bạn đọc. Như một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu vào miền đất hứa, "Sống, làm việc, làm việc, làm việc, chết" vạch trần bản chất của nền công nghiệp đã bị lý tưởng hóa quá nhiều.

Chung Bảo

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nhung-goc-khuat-o-thung-lung-silicon-20201225210224066.htm