Những giọt nước mắt sau cơn bão lớn

Bão số 9 chưa vào, người nghèo sống trong căn nhà ọp ẹp đã đầy âu lo, nhưng bão vô tình nào thấu được những nỗi lòng cơ khổ, nên đã xô sập nhà họ.

Bão số 9 tan. Đầu giờ chiều 28/10, con đường dẫn về thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) vắng hoe, gió còn thông thốc, không bóng người đi lại. Cây cối hai bên đường xơ xác dưới bầu trời u ám, mưa còn nhưng nhỏ hạt.

Cảnh vật đã buồn, sau cuộc trò chuyện với ông Lê Hoài Ân, phó thôn Xuân Phương, lòng tôi thấy buồn hơn. Bởi, sau cơn bão số 9, chỉ mỗi thôn Xuân Phương đã có đến 4 căn nhà bị sập. Đó mới chỉ là ghi nhận đến trưa 28/10, không biết còn bao nhiêu căn nhà trong thôn sập nữa mà xóm trưởng chưa kịp báo.

 Chị Đặng Thị Nga đứng thất thần bên căn nhà của mình đã bị đổ sập. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chị Đặng Thị Nga đứng thất thần bên căn nhà của mình đã bị đổ sập. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sợ tôi không biết đường tìm đến những căn nhà bị sập, ông Ân bỏ dở bữa cơm trưa muộn, lấy áo mưa, dắt xe máy làm người dẫn đường. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là hộ chị Đặng Thị Nga ở xóm 9.

Năm nay mới chỉ 46 tuổi mà Nga chịu cảnh góa bụa đã 5 năm, 1 nách nuôi 2 đứa con 1 trai 1 gái. Con gái lớn đã có chồng ở riêng, con trai vừa đi nghĩa vụ quân sự. Nga thì chẳng nghề ngỗng gì nên hàng ngày lột hột điều.

Hôm nào đạt sản phẩm kiếm được 100.000đ, hôm nào ít kiếm 80.000đ, đủ đắp đổi ngày 3 bữa. Giờ đứng trước căn nhà sập tan hoang, Nga không cầm được nước mắt.

Anh Nguyễn Hồng Tri chỉ nơi tá túc của mình giờ đã thành đống gạch vụn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Căn nhà này vợ chồng tôi cất năm 1999. Khi ấy vợ chồng tôi làm ăn thất bát, lại vừa sinh đứa con đầu lòng nên không có tiền, cất tạm nhà cấp 4 để có chỗ chui ra chui vào. Sau đó chồng tôi đổ bệnh, rồi mất cách đây 5 năm, nên càng không có điều kiện để sửa lại căn nhà, dù nó đã rệu rã lắm rồi.

Nghe chính quyền địa phương thông báo bão số 9 rất kinh khủng, nến tối qua tôi không dám ngủ ở nhà trên, mà mang ghế xếp xuống nhà vệ sinh nằm đỡ. Giữa đêm đã có gió lớn, nhưng căn nhà còn trụ được. Đến khoảng 8 giờ sáng nay thì gió thốc dữ dội, căn nhà đổ ập. Đứng nhìn căn nhà mình tá túc bấy lâu nay giờ thành đống gạch vụn mà tôi nghẹn không nói nên lời”, Nga nói trong tiếng thổn thức.

Rời nhà Nga, ông Ân tiếp tục đưa tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Khanh (SN 1971), cũng ở xóm 9. Nhìn căn nhà đổ sập ngổn ngang gạch đá, tôi không thể không thấy nhói lòng. Hỏi thăm chủ nhà thì được biết, sau khi vợ mất, ông Khanh mải miết mưu sinh ở Sài Gòn với nghề “ai thuê gì làm nấy”.

Con trai lớn ông Khanh có vợ ở Gia Lai định cư làm ăn luôn trên đó, căn nhà cấp 4 xây dựng đã lâu nay xuống cấp trầm trọng của ông để cho con trai giữa là Nguyễn Hồng Tri (SN 1995) ở.

Anh Nguyễn Hồng Tri cùng bà nội nhặt nhạnh những viên gạch còn nguyên. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nghe có khách đến, Tri từ nhà nội gần đó chạy về. Gương mặt trẻ trung của Tri đượm vẻ buồn, than thở: “Nghe bão số 9 có sức gió rất mạnh, căn nhà thì cũ kỹ quá rồi nên từ chiều 27 tôi đã dời bàn thờ mẹ sang để tạm nhà nội, đêm ấy vợ chồng tôi tá túc ở nhà nội luôn. Đêm đó, nghe gió ầm ầm lòng tôi đã không yên.

Càng về sáng gió càng dữ, đến khoảng hơn 8 giờ thì ở nhà nội tôi nghe 1 tiếng ầm phát từ hướng căn nhà của mình, đó là lúc nhà tôi đổ sập. Công việc của mấy cha con không ổn định, từ bao lâu nay mà không dành dụm được tiền để sửa nhà. Nay căn nhà đổ sập hoàn toàn như thế này không biết đến bao giờ vợ chồng tôi mới dựng được căn nhà khác để ở”.

2 căn nhà nói trên xây dựng khá kiên cố mà còn không trụ được trước cơn bão số 9 thì căn nhà của ông Nguyễn Đình Sơn (39 tuổi), cũng ở xóm 9 với 4 bức tường xây chưa trát vữa thì chẳng thể đứng vững trước bão dữ nên đã chịu chung số phận.

Khi chúng tôi đến nhà, anh Sơn đã dắt chiếc xe máy cà tàng bị hỏng đi sửa, vợ anh Sơn là chị Lê Thị Hồng Nhị (32 tuổi) đang lom khom sắp xếp lại những viên gạch còn nguyên trong đống đổ nát.

Chị Lê Thị Hồng Nhị (vợ anh Sơn) ngậm ngùi đứng bên căn nhà giờ thành đống đổ nát. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vừa làm, Nhị vừa trò chuyện: Hai vợ chồng chị có 2 đứa con, đứa lớn 12 tuổi đứa nhỏ 10 tuổi. Sơn, chồng chị làm nghề thợ nề, ngày công “bữa đực bữa cái”, thu nhập chẳng đâu vào đâu. Nhị thì làm công nhân xưởng gỗ trong khu công nghiệp lương 3 cọc 3 đồng.

Cả hai vợ chồng cắm cúi làm ăn nhưng thu nhập chỉ đủ nuôi con chứ không dành dụm được mấy, thế nên cách đây 8 năm hai vợ chồng mới xây căn nhà này ở tạm. Vì không có tiền nên vợ chồng Sơn chẳng thể xây dựng được căn nhà cho ra hồn, chỉ xây được 4 bức tường gạch mà không có tiền để trát vữa, mái thì lợp tôn xi măng.

“Nghe cơn bão số 9 rất to, biết căn nhà mình quá ọp ẹp nên từ chiều qua vợ chồng tôi đã dọn hết đồ đạc sang gửi tạm nhà cha mẹ chồng ở sát cạnh, tối ấy vợ chồng con cái tá túc ở đó luôn nên mới thoát chết, chứ nếu ngủ trong nhà thì không biết bây giờ ra sao. Tay trắng, nhà sập, sau này vợ chồng tôi chắc phải xin ở nhờ nhà cha mẹ dài hạn, chứ làm ăn thất bát kiểu vầy thì tiền đâu mà xây nhà khác”, Nhị nói như khóc.

Anh Nguyễn Minh Khoa dọn dẹp căn nhà vừa bị sập trong cơn bão số 9. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chiều muộn, trời còn mưa nhỏ hạt, gió vẫn còn thông thốc, thế nhưng ông phó thôn Lê Hoài Ân vẫn không ngại đưa tôi đến căn nhà sập thứ 4 ở thôn Xuân Phường nằm ở xóm 8. Chúng tôi đi về hướng bờ sông Gò Bồi.

Nếu hồi nãy còn ở trong xóm, chúng tôi ít cảm nhận được luồng gió, thì giờ ra giữa đồng không mông quạnh mới thấy dù bão đã tan nhưng vẫn gió vẫn thổi mạnh. Căn nhà bị sập của anh Nguyễn Minh Khoa (27 tuổi) xây dựng đã tềnh toàng, lại nằm ngay “họng gió” thì không thể trụ nổi.

Khoa kể: Cách đâu 4 năm Khoa cưới vợ, gia đình 2 bên đều khổ. Khi ra riêng, vợ chồng Khoa cất tạm căn nhà “dưới cả cấp 4” để gọi là có chỗ ở trên mảnh đất ông nội anh cho. Khi cất nhà là lúc vợ anh, chị Nguyễn Thị Cẩm Duyên (1989) sinh 1 lúc 2 đứa con.

Chi phí sinh đẻ lo vừa xong, 2 đứa con sinh đôi lại đau yếu liên miên, vợ thì vừa đau khớp vừa bị bệnh tuyến giáp, nghề bốc vác của Khoa thu nhập bấp bênh, thế nên đôi vợ chồng trẻ liền lâm cảnh túng thiếu. Không có tiền, nên 4 vách nhà xây gạch mà chỉ trát vữa được mặt tường ngoài, mặt trong còn trơ gạch, mái thì lợp tôn xi măng.

Anh Nguyễn Minh Khoa ngước nhìn căn nhà tan hoang của mình với gương mặt đau khổ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Năm trước, trải qua 2 cơn bão số 5 và số 6 căn nhà đã bị nứt tường, do không có tiền nên tôi không sửa sang lại. Cơn bão số 9 lần này gió dữ hơn, xốc ngược từ bên trong xốc ra. Khoảng 4 giờ sáng mái tôn bị gió xốc tung, nước mưa mặc sức thấm vào tường, đến 6 giờ sáng thì ngã tường. Cũng may chiều hôm trước tôi dắt vợ con về tá túc nhà nội nên thoát nạn”, Khoa kể lại

Tiếp cận với 4 trường hợp không may có nhà bị sập hoàn toàn trong cơn bão số 9 ở thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), chúng tôi nhận ra tai họa chỉ giáng xuống đầu những người cùng khổ. Vì quá nghèo nên đành phải sống trong những căn nhà “như răng rụng”. Mà những căn nhà kiểu này luôn là miếng mồi ngon của những cơn bão. Gia cảnh đã cơ cực, giờ lâm thêm cảnh màn trời chiếu đất. Bão số 9 đi qua đã để lại cho những con người cùng khổ này đầy nước mắt.

Vũ Đình Thung

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhung-giot-nuoc-mat-sau-con-bao-lon-d276447.html