Những giọt nước mắt chảy dài theo năm tháng

Phía sau tay lái là sự sống còn, phía sau tai nạn giao thông (TNGT) là những giọt nước mắt chảy dài theo năm tháng. Ở đâu đó ngoài kia, TNGT đang từng ngày cướp đi chỗ dựa, nền tảng cho tương lai của con trẻ, cướp đi nơi nương tựa những năm tháng cuối đời của các bậc làm cha, làm mẹ.

Cuộc sống của mẹ con bà B trở nên cô quạnh sau khi chồng bà chết vì tai nạn giao thông. Ảnh: Thanh Trúc

Cuộc sống của mẹ con bà B trở nên cô quạnh sau khi chồng bà chết vì tai nạn giao thông. Ảnh: Thanh Trúc

Tai nạn giao thông - nỗi đau khôn cùng

Gia đình ông Hoàng V. T, trú tại Tiểu khu 10, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có 3 người con trai đều mất do tệ nạn xã hội, để lại 2 đứa cháu (con của vợ chồng người con cả) cho ông bà nuôi. Ông T già yếu không thể làm việc trong nhà nên vợ ông dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn là trụ cột của gia đình. Dù đã khốn khó cả đời nuôi con, chăm cháu, chăm chồng, vợ ông vẫn không có ngày hạnh phúc khi phải đau đớn ra đi mãi mãi vì bị một chiếc xe tải mất lái đâm trong lúc đi chợ. Kể từ đó, 2 cháu nhỏ bơ vơ chỉ còn biết nương tựa vào ông nội.

Đặt chân đến ngôi nhà nhỏ của mẹ con bà Giàng T. B ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nỗi xót thương người chồng, người cha đã mất vì TNGT vẫn bao trùm không gian trầm lắng sau nhiều năm. Căn nhà này vốn được chính quyền cùng nhân dân địa phương giúp xây dựng khi chồng bà B còn sống vì gia đình bà là hộ nghèo. Tưởng rằng, có nhà thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, nhưng TNGT đã cướp đi sinh mạng của chồng bà, để lại cuộc sống của 2 mẹ con lâm vào cảnh bĩ cực. Thậm chí, ngay đến chi phí mai táng cho chồng bà, chính quyền địa phương và bà con chòm xóm cũng phải quyên góp để đỡ đần.

Vẫn không nguôi ngoai nỗi đau đớn, bà B cho biết, chồng bà khi đi bộ ở vệ đường thì bị một chiếc ô tô mất lái đâm tử vong tại chỗ. Đứa con trai của bà đã phải bỏ học để đỡ đần mẹ kiếm sống qua ngày. Nhiều khi, 2 mẹ con phải dắt nhau đi vay mượn, xin thức ăn ở khắp nơi.

Nhiều cảnh đời sụp đổ khi “cơn ác mộng” TNGT ập đến, đó là trường hợp của gia đình ông Vũ V.T, ở thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Vào ngày định mệnh ấy, bữa cơm gia đình đã bày sẵn chỉ chờ người con trai tan làm trở về nhà, nhưng con ông T mãi mãi không thể về do bị một chiếc xe tải cán tử vong trên đường. Với ông T, cậu con trai là lẽ sống trong đời, ông luôn sẵn sàng hy sinh bản thân để dành cho con những điều tốt đẹp nhất.

Chung tay xoa dịu nỗi đau tai nạn giao thông

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), trong những năm gần đây, TNGT thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong được ghi nhận tại các bệnh viện trên cả nước. Các y, bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức mỗi ngày không chỉ chứng kiến sự đau đớn tột cùng của các nạn nhân mà còn chứng kiến cả sự khốn khó, chật vật của gia đình họ, thậm chí, nhiều gia đình tiêu điều, khuynh gia bại sản vì TNGT. “Điều đau xót là có nhiều người có ý thức tuân thủ các quy định trong tham gia giao thông nhưng vẫn gặp TNGT bởi sự coi thường tính mạng của những người tham gia giao thông khác” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ bày tỏ.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, dù nỗi đau TNGT vẫn diễn ra mỗi ngày, song, trong nhiều năm trở lại đây, các tỉnh miền núi phía Bắc được đánh giá là những hạt nhân hàng đầu trong nỗ lực chung của cả nước về giảm TNGT.

Chia sẻ về nỗ lực kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh Sơn La, ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh hiện triển khai nhiều hành động cụ thể để lan tỏa những giá trị văn hóa giao thông trong gia đình, cộng đồng, xã hội. Đặc biệt là đồng lòng, quyết tâm thực hiện và vận động người dân: Đã uống rượu bia - không lái xe; luôn đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; không chen lấn, phóng nhanh, vượt ẩu..., quyết tâm kéo giảm TNGT, đẩy lùi nỗi đau TNGT, giữ gìn cuộc sống an lành, hạnh phúc cho chính gia đình, bạn bè, cộng đồng và toàn xã hội.

Bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, để công tác đảm bảo trật tự, ATGT đạt hiệu quả cụ thể, đòi hỏi các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội cần nỗ lực hơn nữa, phải luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và triển khai có hiệu quả.

Theo bà Trịnh Thu Hà, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nhiều năm qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia luôn coi trọng hỗ trợ tích cực, giúp đỡ các nạn nhân TNGT cũng như thân nhân của họ vươn lên sau mất mát. Trong những tháng cuối năm, hàng loạt các hoạt động hỗ trợ nạn nhân và gia đình nạn nhân TNGT đã được triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau TNGT, giảm thiểu những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân và gia đình nạn nhân TNGT một cách thiết thực, hiệu quả và thực chất.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhìn nhận, những nỗi đau xót cùng cực mà TNGT đang gây ra mỗi ngày là điều khó có thể chấp nhận được trong một quốc gia đang sống trong hòa bình. Phía sau nỗi đau ấy là những tiếng khóc than ai oán thấu tận trời xanh, là ánh mắt tuyệt vọng của những nạn nhân không còn khả năng lao động, là những em nhỏ mất đi cơ hội đến trường, những bậc cha, mẹ già không còn nơi nương tựa... Cùng với đó là nguy cơ đói nghèo, là sự xói mòn những thành quả phát triển kinh tế, là sự sợ hãi lan tỏa trong xã hội, làm tổn thương nghiêm trọng hình ảnh yên bình, thân thiện của đất nước.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-giot-nuoc-mat-chay-dai-theo-nam-thang-post435409.html