Những giáo viên miệt mài vì học trò vùng cao thân yêu

Công tác giảng dạy ở vùng cao gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi người giáo viên phải thực sự tỉ mỉ và đong đầy tình yêu thương.

Theo báo Giáo dục Việt Nam, những ngày này, thầy và trò trường Tiểu học San Sả Hồ 1 (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) vô cùng phấn khởi và náo nức mong chờ ngày trường mình có thể đạt chuẩn Quốc gia.

Cô Lê Thị Thu Hằng, Hiệu trường nhà trường thông báo: “Toàn xã San Sả Hồ chỉ có duy nhất trường Tiểu học San Sả Hồ 1 là có cơ hội và vinh dự lên chuẩn Quốc gia.

Để đạt được thành quả như thế này, tập thể đội ngũ giáo viên, công nhân viên và các em học sinh phải cố gắng gấp 3-4 lần so với dưới miền xuôi”.

Trường Tiểu học San Sả Hồ 1. Ảnh: Giáo dục Việt Nam

Trường Tiểu học San Sả Hồ 1. Ảnh: Giáo dục Việt Nam

Nhìn lại chặng đường từ một ngôi trường khó khăn, xa địa bàn, các em 100% là người dân tộc Mông đến nay ngôi trường đã từng bước khắc phục khó khăn, đạt được nhiều thành tích, cô Hằng tâm sự:

“Trường có tổng số 314 học sinh thì 100% học sinh là người dân tộc Mông, trong đó 70% học sinh có gia đình thuộc dạng đặc biệt khó khăn.

Chính vì thế những ngày đầu chúng tôi đi vận động các em rất khó khăn, vất vả. Nhà trường phải từng bước tuyên truyền để phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô để nâng cao chất lượng giảng dạy, chuyên cần.

Bồi hồi nhớ lại những năm tháng đã qua, bản thân cô Hằng cũng không thể ngờ ngôi trường lụp xụp ngày nào, thiếu phòng học, phòng ăn, phòng ở cho học sinh đã thay da, đổi thịt nhanh đến như vậy.

Lúc đầu thì phụ huynh vẫn có người phản đối nhưng đến bây giờ các con đi học đôi khi cuối tuần là không muốn về nhà.

Vì ở trường được ăn ngon hơn, vui hơn lại được các thầy cô chăm sóc tỉ mỉ từ cái nết ăn, nết ở cho đến vệ sinh cá nhân. Phụ huynh vì thế họ rất yên tâm”.

Nhằm khắc phục rào cản ngôn ngữ, giáo viên tham gia những lớp học tiếng người Mông để có thể giao tiếp với các em tốt hơn. Công việc mặc dù vất vả nhưng rất vui vì học sinh ở đây rất tình cảm”.

Còn theo Báo Thanh Hóa, với ước mơ, hoài bão mang con chữ lên cho các em học sinh vùng cao, năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm 12+2, thầy giáo Hà Văn Tùng, dân tộc Thái được ngành giáo dục và đào tạo phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Mường Chanh (Mường Lát).

Sau gần 2 năm công tác, thầy Tùng được phân công về giảng dạy tại điểm trường bản Suối Tôn, Trường Tiểu học Phú Sơn (Quan Hóa). Đây là bản có 100% người Mông sinh sống, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, với tập tục di cư tự do nên nơi ở của họ thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học của các em học sinh.

Nhớ lại những ngày đầu về trường công tác với bao khó khăn, vất vả, cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn; đa phần học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nên việc bỏ học thường xuyên xảy ra. Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, tranh thủ vào các buổi tối, thầy Tùng và các thầy, cô trong ban giám hiệu nhà trường không quản đường sá xa xôi, đến tận các thôn, bản tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng học sinh để chia sẻ, động viên, thuyết phục phụ huynh tạo điều kiện cho con em đến trường.

Từ năm học 2009-2010, thầy Tùng được điều động về Trường Tiểu học Thanh Xuân, với nhiệm vụ chủ nhiệm lớp ghép 2+3 ở bản Vui, thầy luôn tận tụy với học sinh, nhiệt tình trong công tác giảng dạy và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Bên cạnh đó, thầy Tùng còn hướng dẫn các em cách ăn mặc sạch sẽ, nền nếp trong sinh hoạt và học tập.

17 năm là giáo viên “cắm bản”, dù ở đâu thầy Tùng luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Vì vậy, thầy luôn trăn trở, nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức vừa “hồng” vừa “chuyên”, truyền đạt những kinh nghiệm kiến thức của mình cho các em học sinh bằng cả trái tim, tấm lòng, hết mực quan tâm, yêu thương học trò.

Vũ Đậu (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/viec-tot-quanh-ta/nhung-giao-vien-miet-mai-vi-hoc-tro-vung-cao-than-yeu-a302513.html