Những giải pháp phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng

Để phát huy vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), thiết nghĩ cần có nhiều giải pháp phù hợp. Trong bài viết này, tác giả kiến nghị một số giải pháp để nghiên cứu, áp dụng trong thực tế:

Ảnh minh họa: Đình Tuệ

Ảnh minh họa: Đình Tuệ

Một là, sử dụng báo chí chống lợi ích nhóm.

Lợi ích nhóm đang làm khuynh đảo nhiều giá trị truyền thống, làm suy yếu những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng, thể chế pháp luật, làm tha hóa quyền lực, suy thoái công chức, viên chức, doanh nhân... làm vấy bẩn đời sống tinh thần xã hội. Là một nguyên nhân làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với hệ thống chính trị, gây phương hại đến cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Và do đó, nhóm lợi ích đang thao túng, làm sai lệch, thiên lệch nhiều hoạt động báo chí. Đây cũng là một nguyên nhân làm suy thoái đạo đức của đội ngũ những người làm báo. Từ đó báo chí bị trở ngại lớn trong thực hiện chức năng giám sát phản biện xã hội, lên án cái xấu, cái ác...

Vì vậy, sử dụng báo chí trong đấu tranh PCTN hiện nay cần tập trung chống lợi ích nhóm. Muốn vậy Đảng, Nhà nước cần phải có những cơ chế chính sách cụ thể để báo chí lên tiếng, lên án, phản biện mạnh mẽ hơn về những tiêu cực, bất cập trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật. Vấn đề tham nhũng chính sách và vi phạm đạo đức công vụ trong các cơ quan công quyền cần phải được báo chí phản ánh, chỉ trích thường xuyên.

Hai là, tổ chức lực lượng báo chí phù hợp, vừa ngăn chặn được bưng bít, khép kín thông tin, vừa chống được đăng bài thiếu khách quan, gây dư luận hiểu sai bản chất (hành vi tham nhũng không được phản ánh, nhưng chưa đến mức thì bị rêu rao, bêu xấu)...

Tham nhũng tuy đã được ngăn chặn, được kiềm chế, nhưng vẫn đang là quốc nạn, vẫn còn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp với thủ đoạn hết sức tinh vi. Hạn chế tính công khai, minh bạch đang là bóng tối che khuất tham nhũng. Cần phải thu hút được ngày càng nhiều công dân yêu nước thường xuyên phát hiện các hành vi tham nhũng. Các hành vi tham nhũng phải được phát hiện và phản ánh khách quan, trung thực trên báo chí. Khuyến khích mọi công dân phản ánh đúng sự thật vụ việc tham nhũng lên mạng xã hội.

Việc phát hiện đăng tin tiêu cực tham nhũng, cơ quan chức năng đừng hỏi người đăng là ai, miễn là họ nói đúng. Đó là một nguồn thông tin giúp cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vụ việc. Trường hợp câu chuyện được dựng lên, hoặc bị phản ánh sai lệch, xuyên tạc bản chất thì mới cần làm rõ ai nói, nói vì động cơ gì...

Cần có quy định và thống nhất chỉ đạo chung của Trung ương Đảng về bảo đảm quyền của nhà báo trong phát hiện tiêu cực tham nhũng. Đã là nhà báo thì dù công tác bất kỳ ở cơ quan báo chí nào, đều có quyền điều tra, phát hiện phản ánh các vụ việc tham nhũng trên báo chí và mạng xã hội. Nhà báo khi phát hiện có vụ việc tham nhũng, cơ quan báo chí phải hỗ trợ và tạo điều kiện để nhà báo điều tra, xác minh, phản ánh sự thật.

Người chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của phóng viên phải công khai giải thích lý do trong cơ quan báo chí khi không cho hoặc hạn chế nhà báo, cộng tác viên theo đuổi vụ việc tham nhũng cụ thể. Người duyệt đăng tác phẩm phải giải thích rõ với tác giả, công khai trong tòa soạn về lý do không đăng, hoặc đăng không đầy đủ, hoặc có nội dung khác với bản thảo, hoặc lý do gỡ bài, sửa bài trên báo, tạp chí điện tử. Những giải thích nêu trên đều phải được ghi chép lưu giữ trong sổ nhật ký của cơ quan báo chí.

Nạn tham nhũng, lãng phí ở nước ta đang diễn ra phổ biến. Cần tiếp tục động viên cỗ vũ toàn dân phát hiện các hành vi, vụ việc tham nhũng. Không ai được quyền hạn chế báo chí, các nhà báo điều tra phát hiện tham nhũng. Đồng thời cần có những biện pháp tích cực, quyết liệt hơn để chống các nhà báo lạm dụng quyền vì mục đích cá nhân.

Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí bên cạnh định hướng, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của các cơ quan báo chí, nhà báo cần có nhiều biện pháp động viên, khích lệ giới báo chí tham gia PCTN. Nhà báo nào đủ điều kiện, bản lĩnh và năng lực làm rõ sự thật, cần tạo điều kiện hỗ trợ để họ phát huy trách nhiệm PCTN. Khi có tác phẩm phản ánh đúng sự thật về tiêu cực, tham nhũng, các cơ quan lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí cần động viên khích lệ kịp thời và có chính sách khen thưởng phù hợp.

Ba là, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng phóng viên chuyên trách PCTN.

Để khắc phục được những sơ hở, bất cập hiện nay trong sử dụng báo chí chống tiêu cực, tham nhũng, cần nghiên cứu tổ chức một lực lượng hàng ngàn phóng viên liêm chính, có bản lĩnh, kinh nghiệm điều tra, chuẩn bị tác phẩm chống tham nhũng, lãng phí. Lực lượng này tập trung ở trong một số cơ quan báo có tôn chỉ mục đích rộng, phù hợp. Hàng quý tổ chức diễn đàn, đối thoại giữa lãnh đạo với các phóng viên, nhằm bồi dưỡng thêm quyết tâm, đạo đức, bản lĩnh, kỹ năng tác nghiệp cho phóng viên...

Trong đó, giao cho Hội Nhà báo Việt Nam bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, kinh nghiệm kỹ năng tác nghiệp cho phóng viên chuyên viết về tham nhũng. Để làm tốt hơn việc đào tạo, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và năng lực nghiệp vụ cho lực lượng phóng viên này Hội Nhà báo Việt Nam nên thành lập câu lạc bộ báo chí PCTN.

Bốn là, cũng để khắc phục những hạn chế, bất cập, lệch lạc trong cơ chế sử dụng báo chí PCTN hiện nay, Ban Nội chính Trung ương cần thành lập một cơ quan báo chí “chống tham nhũng” xuất bản báo điện tử và báo in hàng tuần. Cơ quan báo chí này là tiếng nói của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, đồng thời là diễn đàn của nhân dân chuyên đấu tranh PCTN.

Năm là, cần đầu tư ngân sách Nhà nước cho báo chí hoạt động PCTN theo hình thức đặt hàng. Trả tiền nhuận bút cho các tác phẩm báo chí, chi phí điều tra xác minh, thẩm định thông tin, tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo, tọa đàm, giải báo chí... Thông qua cơ chế đặt hàng để nâng cao hiệu quả đấu tranh PCTN. Nhà nước phải nuôi lực lượng báo chí PCTN thông qua cơ chế đặt hàng.

PCTN không thể trông chờ vào những cơ quan báo chí mà lãnh đạo cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí đang ở trong vòng cương tỏa của nhóm lợi ích. Càng không thể hy vọng vào cơ quan báo chí đang tự phải kiếm tiền trang trải chi phí có tiếng nói trung thực, công bằng, mạnh mẽ trong PCTN.

Thực trạng hoạt động kinh tế báo chí hiện nay đang có một sự thật là vì các cơ quan báo chí phải đi kiếm tiền để nuôi quân, nên trong nhiều trường hợp, sai phạm của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bị che đậy, bưng bít, hoặc sự lên án không được mạnh mẽ. Có khi có những bài báo không được đăng lên hoặc được đăng lên nhưng bị gỡ, bị sửa, bị dừng vì một hợp đồng truyền thông giữa tòa soạn với doanh nghiệp, đơn vị có giá trị không lớn. Thực trạng đó tạo thêm cơ hội cho lợi ích nhóm tung hoành, thao túng làm thất thoát một lượng tài sản công rất lớn. Trên thực tế, có những cơ quan báo chí vì phải kiếm mấy chục tỷ đồng/năm để bảo đảm kinh phí hoạt động của Tòa soạn mà không đấu tranh đến cùng đối với các vi phạm có thể gây thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng.

Mặt khác phải tiến hành nhiều cuộc khảo sát khoa học về công chúng báo chí. Để có kết luận những sản phẩm báo chí nào, những thể loại tác phẩm nào thường được xuất bản nhưng có ít người nghe, người xem, người đọc. Từ đó tính toán lại bài toán nâng cao chất lượng thông tin, hiệu quả tuyên truyền và bố trí ngân sách cho báo chí. Đây là bài toán quản trị quốc gia mà Đảng, Nhà nước cần xem lại và điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn - Theo Báo Thanh tra

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhung-giai-phap-phat-huy-vai-tro-cua-bao-chi-trong-phong-chong-tham-nhung-d143091.html