Những giải pháp có khả năng giảm thiểu 'ô nhiễm trắng'

Cuộc cách mạng hóa học những năm giữa thế kỷ XX đã phát minh ra một loại vật liệu polime từ sản phẩm của dầu mỏ, với những đặc tính ưu việt như rất nhẹ và bền, dễ chế tạo thành các loại hàng hóa, chủng loại khác nhau theo nhu cầu và giá thành thấp - đó là nhựa, còn có tên gọi là plastic…

Nhu cầu về nhựa-nilon ngày một tăng, khối lượng tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Do đó, chất thải nhựa đã và đang tràn lan ra môi trường, gây nên “ô nhiễm trắng” ở mọi quốc gia trên thế giới. Việc tìm kiếm và ứng dụng những giải pháp khả thi để giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa-nilon đã và đang là vấn đề cấp bách hiện nay.

Ước tính tại các đô thị ở nước ta mỗi ngày thải ra khoảng từ 11-53 tấn rác thải nhựa-nilon. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Ước tính tại các đô thị ở nước ta mỗi ngày thải ra khoảng từ 11-53 tấn rác thải nhựa-nilon. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Tác hại của chất thải nhựa-nilon

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, các bao bì nilon đang sử dụng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới thường được làm từ nhựa Polyetylen, là một loại nhựa nhiệt dẻo. Ước tính tại các đô thị ở nước ta mỗi ngày thải ra khoảng từ 11-53 tấn rác thải nhựa-nilon. Tỷ lệ chất thải nhựa ở các bãi chôn lấp chất thải rắn ở các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dao động từ 8,35-15%, trong đó có 78% chất thải nhựa là túi nilon khó phân hủy.

Phân tích về những tác hại điển hình của rác thải nhựa-nilon đối với môi trường, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Chi, Viện Khoa học công nghệ Môi trường-Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng: Phải mất từ hàng chục đến hàng trăm năm thì túi nilon mới bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Bởi vậy, túi nilon lẫn vào đất sẽ làm suy thoái chất lượng đất, làm tắc nghẽn hệ thống cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng, sản sinh ra nhiều loại vi khuẩn gây bệnh trong môi trường nước.

Nguy hại nhất là túi nilon có thể gây ung thư, khi những chất phụ gia dùng để tạo độ dẻo dai, tạo màu có thể gây độc cho người nếu làm nóng ở nhiệt độ cao. Ở nhiệt độ 70-80 độ C, phụ gia dùng sản xuất túi nilon sẽ hòa tan vào thực phẩm, được cơ thể hấp thụ gây ung thư, làm chậm phát triển của não bộ, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh, làm lỗi nhiễm sắc thể, thay đổi mô, tổn thương di truyền, sảy thai, dị tật bẩm sinh, dậy thì sớm và những thay đổi nội tiết tố. Khí đốt túi nilon không kiểm soát, sẽ tạo ra khí thải có chứa chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, khó thở, nôn ra máu.

Thực tế cho thấy, nhiều loại động vật nhầm túi nilon là thức ăn và ăn phải các hạt nhựa trôi nổi; chúng sẽ mắc bệnh xơ gan và chết nhanh hơn bình thường, do các hạt nhựa thường chứa các chất độc hại như hợp chất PCB. Theo kịch bản xấu nhất mà Tổ chức bảo tồn Ocean Cosnervancy dự báo, đến năm 2025 trên đại dương khắp thế giới cứ 3 tấn cá thì sẽ có 1 tấn rác thải nhựa.

Các giải pháp khả thi

Để giải quyết những thách thức ô nhiễm chất thải nhựa-nilon hiện nay, các nhà khoa học Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, trước hết Nhà nước nên ban hành những chính sách giáo dục, tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường một cách sâu rộng; đồng thời áp dụng những chính sách kinh tế như tăng thuế, không khuyến khích sản xuất các sản phẩm nhựa, nhất là các bao bì nhựa. Hội khuyến nghị, tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa thông qua các giải pháp về thiết kế sản phẩm và chính sách thu hồi sản phẩm; từng bước hạn chế hay cấm sử dụng bao bì nhựa, thay thế bằng các loại bao bì thân thiện với môi trường, có thể phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên; giảm thiểu tối đa hoặc cấm sử dụng các loại bao bì sử dụng một lần mà không tái sử dụng được, như các loại túi nilon sử dụng một lần, ống hút, thìa nhựa…

Hệ thống siêu thị Co.opmart luôn hướng người dân sử dụng các sản phẩm thay thế cho nylon bằng túi giấy và túi môi trường do đơn vị sản xuất. Ảnh: TTXVN

Điều cần thiết là áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm tái chế, giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa-nilon khó phân hủy, theo nội dung Quyết định 1292 ngày 1/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, có mục tiêu xây dựng nhà máy tái chế chất thải nhựa thành dầu nhiên liệu hay các sản phẩm khác.

Theo đó, giải pháp công nghệ và kỹ thuật chủ yếu tập trung vào cải tiến, thay đổi quá trình sản xuất công nghiệp để giảm thiểu tối đa các chất thải nhựa, khuyến khích phát triển công nghệ thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, khắc phục nhược điểm chậm phân hủy của nhựa thải. Mặt khác, phát triển công nghệ thu hồi và tái chế theo hướng sử dụng chất thải nhựa thành nguyên liệu sản xuất các sản phẩm khác. Nhà nước có cơ chế, chính sách tạo động lực để các doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới có thể sử dụng lại chất thải nhựa, hoặc một phần của sản phẩm nhựa đã qua sử dụng cho một mục đích sử dụng khác; xử lý chất thải nhựa thu hồi năng lượng nhưng phải đảm bảo an toàn cho môi trường; tăng cường khả năng phân hủy hóa học và sinh học các loại chất thải nhựa khi thải bỏ ra môi trường.

Hiện nay, trên thế giới đã xuất hiện một số công nghệ chế tạo vật liệu nhựa có khả năng phân hủy thay thế sản phẩm nhựa truyền thống mà Việt Nam có thể tham khảo. Cụ thể là sử dụng enzim “ăn” nhựa của các nhà khoa học Đại học Portsmouth của Vương quốc Anh. Họ đã nghiên cứu sử dụng enzim làm tác nhân phân hủy nhựa PE, PP… Còn Trường Đại học Stanford (Mỹ) đã phát hiện ra sâu bột-ấu trùng của bọ cánh cứng Tenebrio molitor có thể sống bằng cách ăn xốp cách nhiệt và một số loại nhựa khác, vì trong ruột sâu bột có chứa nhiều loài vi sinh vật có khả năng phân hủy nhựa polyethylene. Sâu bột biến nhựa thành CO2, sinh khối và chất thải có thể sử dụng làm phân bón; tái chế chất thải nhựa thành dầu diezl. Đây là kỹ thuật phá vỡ polyethylene, các chất xúc tác đầu tiên sẽ tách rời các nguyên tử hydro khỏi các nguyên tử carbon, tiếp đó là sử dụng chất xúc tác thứ 2 xử lý gốc carbon còn lại của hợp chất tạo thành carbon đơn. Quá trình chiết, tách, thay đổi, sắp xếp cho phép thay đổi cấu trúc polyethylene thành nhiên liệu lỏng, hoặc một loại sáp có thể sử dụng trong công nghiệp.

Văn Hào (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/nhung-giai-phap-co-kha-nang-giam-thieu-o-nhiem-trang-20200310065504631.htm