Những giá trị đặc sắc của pháp luật dân sự phong kiến Việt Nam

GVC. HÀ THỊ LAN PHƯƠNG ( Phó trưởng Bộ môn Lịch sử Nhà nước và Pháp luật - Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội

TÓM TẮT:

Pháp luật dân sự phong kiến Việt Nam là một trong những nội dung tiến bộ đặc sắc của nền văn hóa pháp luật nước ta. Chúng được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm với nhiều giá trị đã trở thành phong tục tập quán. Trong đó, quyền nhân thân cũng như tài sản của các thành viên gia đình và xã hội đều được pháp luật bảo vệ. Quyền tài sản của người phụ nữ được tôn trọng, từ sở hữu, hợp đồng đến thừa kế. Quan hệ tài sản vợ chồng vừa độc lập vừa liên kết. Quyền tài sản giữa cha mẹ, các con được quy định rõ ràng, phù hợp, tiến bộ. Kho tàng cổ luật Việt Nam vẫn còn rất nhiều giá trị cần được nghiên cứu để xây dựng một nền pháp luật bền vững, kết nối hài hòa giữa truyền thống với đương đại.

Từ khóa: Pháp luật dân sự phong kiến, giá trị đặc sắc.

1. Vài nét về pháp luật dân sự trong lịch sử Việt Nam

Pháp luật dân sự là lĩnh vực quan trọng đặc biệt đối với từng cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội. Nghiên cứu so sánh cho thấy, lĩnh vực dân sự trong cổ luật thế giới được các nhà nước phương Tây quan tâm, xây dựng và điều chỉnh. Từ luật Dân sự La Mã đến Luật Salic, Luật dân sự Napoleon đến Luật dân sự tư sản1. Triết lý căn bản của phương Tây về sở hữu, quyền sở hữu đều hướng đến bảo vệ quyền tư hữu tài sản, theo đó sở hữu tư nhân là điều thiêng liêng bất khả xâm phạm. Ngược lại, pháp luật quân chủ các nước phương Đông, mặc dù có những quy định điều chỉnh về chế độ sở hữu, bảo vệ quyền sở hữu cá nhân, gia đình và xã hội, song quyền sở hữu và định đoạt tối cao vẫn thuộc về Nhà nước, đứng đầu là những ông vua chuyên chế 2. Lĩnh vực dân sự trong cổ luật phương Đông đều dựa trên sự kết nối đẳng cấp, gia tộc, gia đình gia trưởng, coi trọng quyền trưởng nam, trưởng họ, trưởng tộc với vai trò quyết định của người đàn ông trong gia đình và cộng đồng xã hội.

Trong truyền thống lịch sử Việt Nam, quyền sở hữu tối cao cũng thuộc về vua chúa, nhưng ở lĩnh vực pháp luật dân sự, luật Việt coi trọng quyền tài sản của vợ chồng, cha mẹ và các con. Theo các nhà nghiên cứu cổ luật Á châu, một trong những giá trị đặc sắc nhất của pháp luật phong kiến Việt Nam là về quan hệ tài sản gia đình3. Được quy định trong các Bộ luật và Hội điển, ở các chương Hộ hôn, Điền sản, Luật Hộ, nội dung của pháp luật phong kiến thể hiện sự khác biệt giữa luật Đại Việt với Trung Hoa và pháp luật phong kiến ở các nhà nước khác trên thế giới.

Pháp luật dân sự phong kiến Việt Nam cũng đã có sự phân biệt tương đối rõ ràng giữa luật nội dung, luật hình thức và luật thủ tục. Nếu như luật nội dung được quy định trong bộ “Quốc triều Hình luật” thời Lê, “Hoàng Việt Luật lệ” thời Nguyễn, bộ Hội điển “Hồng Đức thiện chính thư”; Luật hình thức được thể hiện chủ yếu trong “Quốc triều thư khế thể thức”, thì Luật thủ tục được quy định trong “Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức”,“Quốc triều khám tụng điều lệ”4 và được bổ sung trong các bộ Hội điển, Điển chế khác.

Việt Nam thời quân chủ dựa trên nền kinh tế trọng nông. Nhà nước trải qua các triều đại Lý - Trần - Hồ - Lê - Trịnh - Nguyễn đều ban hành pháp luật điều chỉnh về chế độ sở hữu điền sản, tài sản ruộng đất (thổ canh, thổ cư). Những quy định pháp luật về mua bán cầm cố như: Điển mại (bán đỡ, bán tạm, bán có thời hạn); Đoạn mại (bán đứt, bán đoạn, bán chuyển quyền); Điển cố (cầm cố); Vay nợ, thuê mướn tài sản (ruộng đất, ao đầm, tiền thóc, vàng bạc, xe thuyền, nô tỳ,..). Việc giải quyết tranh chấp và thủ tục kiện tụng về tài sản, ruộng đất cũng từng bước được pháp luật điều chỉnh.

Năm 1042, nhà Lý ban hành bộ Hình thư với mục tiêu chính là để an dân, yên dân, bảo vệ quyền con người, trong đó có các quyền về tài sản. Ruộng đất công tư từng bước được pháp luật thừa nhận và quy định. Thời Trần, ruộng đất tư được phổ biến hơn, năm 1254, chính sách bán ruộng công; năm 1266, tư hóa đẩy nhanh với “Điền trang”, Thái ấp. Nhà Hồ 1400 - 1407, công hóa ruộng đất với chính sách “Hạn điền”, hạn nô và phát hành tiền giấy. Năm 1428, nhà Lê ban phép “Quân điền”, bình quân ruộng đất theo hộ gia đình, bảo vệ ruộng đất công, cấm "biến công vi tư" và cấp “Lộc điền” cho quan lại theo phẩm hàm. Trong một số thời kỳ, việc ẩn lậu ruộng đất công quá phổ biến, Nhà nước Lê - Trịnh phải ban hành quy định: Cấm dân cáo tố việc ẩn lậu ruộng đất công. Đến năm 1722 - 1728, để khắc phục tình trạng trên, Chúa Trịnh Cương đã ban hành phép thuế mới: Tô - Dung - Điệu 6. Quy định đánh thuế cả ruộng công và ruộng tư. Việc ban hành luật thuế mới này đã khẳng định sự phá sản của chế độ Quân điền trong thực tiễn. Đồng thời, chứng minh sự đúng đắn, phù hợp của Phép thuế mới. Và dĩ nhiên, Nhà nước luôn có sự điều chỉnh cân đối về thuế ruộng đất công tư và các loại thuế khác sao cho dân có thể yên nghiệp làm ăn, đủ sức đóng thuế và đảm bảo cuộc sống của mình.

Việc tư hóa, xâm lạm, tranh chiếm ruộng đất công là hệ quả của chế độ công điền công thổ thế kỷ XV - XVIII. Quá trình tư hóa đất đai là không thể ngăn chặn. Đặc biệt, sự hình thành chế độ sở hữu tư “Đại điền chủ ở Đàng Trong” chính là cơ sở kinh tế quyết định sức mạnh của Đàng Trong và quá trình thống nhất đất nước từ năm 1600 đến năm 1802 và 18849. Triều Nguyễn vẫn theo phép cũ, thử nghiệm Quân điền và điều chỉnh Luật thuế tài sản ruộng đất công tư theo ba miền Bắc – Trung - Nam.

Khi thực dân Pháp đến Việt Nam, chính sách kinh tế mới là bảo hộ quyền tài sản, quyền mua bán bất động sản của người Pháp và Ngoại kiều ở Việt Nam. Từ Luật Cải cách ruộng đất (1953 - 1957) đến Cải cách điền địa (1972) là những biện pháp của Nhà nước về sở hữu đất đai trên quy mô lớn. Từ quá trình lịch sử cho thấy, chính sách sở hữu đất đai ảnh hưởng cơ bản đến quan hệ pháp luật dân sự. Từ sau năm 1993, 1996, 2003, 2013, 2015 đến nay, pháp luật dân sự và đất đai đã được sửa đổi, từng bước tạo nên sự chuyển biến mới, phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường, đặc biệt quan trọng là thị trường bất động sản và những tài sản có giá trị. Nhìn lại lịch sử nghìn năm, có thể vẫn còn rất nhiều giá trị tiềm ẩn của dân luật truyền thống mà chúng ta chưa nhận diện được đầy đủ.

2. Những giá trị đặc sắc của pháp luật dân sự phong kiến Việt Nam

Chế định sở hữu, hợp đồng, thừa kế và trách nhiệm dân sự là những nội dung cơ bản của pháp luật dân sự phong kiến Việt Nam (PKVN). Chỉ khi thừa nhận sở hữu tư nhân thì mới nói đến khế ước và thừa kế; chỉ khi thừa nhận quyền dân sự, xã hội dân sự thì mới có thể bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự trong luật pháp và thực tiễn thi hành.

Theo cổ luật Việt Nam, điều chỉnh quan hệ pháp luật dân sự không thể tách rời hôn nhân và tài sản gia đình. Từ truyền thống, có thể nhận diện những giá trị đặc sắc của pháp luật dân sự PKVN thể hiện chủ yếu trên một số phương diện cơ bản như sau:

Một là, thừa nhận quyền tài sản của vợ chồng vừa độc lập, vừa liên kết.

Từ việc thừa nhận quyền tư hữu về tài sản ruộng đất, quyền đồng sở hữu chủ đối với tài sản chung gia đình, quyền đứng tên trong văn bản giao dịch dân sự và trong văn bản di chúc, quyền tài sản vợ chồng được cổ luật quy định và bảo đảm.

Yếu tố gia đình truyền thống Việt Nam được phản ánh chủ yếu trong nội dung liên quan đến nhân thân, tài sản và thừa kế gia đình nhưng cũng đồng thời thừa nhận quyền tài sản của vợ chồng vừa độc lập, vừa liên kết (Điều 354, 303, 374, 375, 376, 377 đến điều 400 - QTHL)8. Theo đó, khối tài sản gia đình thường được chia làm 3 phần chính:

- Phu tôn điền sản: Tài sản của chồng (của riêng hoặc của cha mẹ để cho)

- Thê điền sản: Tài sản của vợ (của riêng hoặc cha mẹ để cho)

- Tân tạo điền sản: Tài sản chung vợ chồng mới được tạo nên

Cổ luật Việt Nam phân định rất rõ 3 loại tài sản này trong việc xác định quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Cho dù là vợ chồng, khi còn chung sống hoặc có một người chết, đều không được chiếm tài sản của người phối ngẫu làm của riêng. Theo luật, khi vợ hoặc chồng chết, tài sản của ai trả về người ấy, tài sản chung chia đôi, mỗi người một nửa; 2/3 điền sản của người chết thì người sống được hưởng dụng để nuôi đời mình; 1/ 3 dùng vào việc thờ cúng, giao cho người thờ tự giữ. Ở đây, người vợ đã được pháp luật thừa nhận quyền tương đối bình đẳng với chồng cả về phương diện tài sản và quan hệ nghĩa dưỡng. Nhìn dưới góc độ sinh học và bản chất giới tính giữa đàn ông và đàn bà có khác nhau nên cổ luật cũng đã có một vài quy định riêng biệt. Cụ thể như sau:

Trong trường hợp người đàn bà chồng chết mà “tái giá” thì phải trả ngay phần tài sản được hưởng một đời của người chồng đã chết về cho gia đình họ để thờ cúng. Mối quan hệ giữa người đàn bà tái giá trước khi đi lấy “chồng sau” là phải thanh toán về tài sản với người “chồng trước” đã chết của mình. Ở đây, hợp tình hơn là hợp lý – tuy nhiên đây là nội dung mà chúng ta vẫn cho rằng là "bất bình đẳng". Còn với người đàn ông, vợ chết mà “tái hôn”, họ vẫn tiếp tục được hưởng phần tài sản của người “vợ trước” đã chết của mình và cũng chỉ để nuôi dưỡng một đời, khi chết thì phải trả lại. Trong QTHL, chủ yếu nói đến điền sản (Của chìm - Bất động sản), còn các tài sản khác (Của nổi - Động sản), “chồng chết thì để cho vợ, vợ chết thì để cho chồng”, sau khi đã thanh toán nợ nần và lo việc tang lễ. Nhà vườn cũng thường được chia đôi, nửa phần người sống dùng để ở, nửa phần để làm nơi thờ cúng người đã chết (Điều 258, 259 - Hồng Đức thiện chính thư)4. Như vậy, cổ luật Việt Nam đã có sự phân định di sản thật tinh tế và sâu sắc. Theo đó, tài sản vợ chồng chỉ phân chia khi không có con hoặc có con sau con chết. Còn nếu có con, tài sản chủ yếu để lại cho con hưởng quyền thừa kế.

Một nội dung nữa làm nên sắc thái riêng biệt độc đáo của pháp luật triều Lê là mối quan hệ giữa người phụ nữ khi đã lấy chồng với cha mẹ đẻ của mình. "Nếu con rể lấy chuyện phi lý mắng nhiếc cha mẹ vợ, việc đem thưa quan sẽ cho ly dị" (Điều 333 - QTHL). Quan hệ nhân thân và tài sản của người vợ hoặc chồng trong nhiều trường hợp như: Không con, mệnh một - một người chết, võng mạo - bị lừa dối, vẫn gắn với gia đình cha mẹ đẻ.

Tính độc lập và liên kết về tài sản giúp cho vợ chồng có địa vị pháp lý cân bằng, được tôn trọng và bảo vệ trong mọi trường hợp và tình huống, cả khi sống lẫn khi đã qua đời. Đây là một vấn đề rất cần nghiên cứu trong hệ thống pháp luật dân sự, nhằm đảm bảo quyền tài sản của các bên kể cả trước, trong và sau hôn nhân. Tài sản vợ chồng vừa độc lập, vừa liên kết là một trong những quy phạm quan trọng cần được thiết kế để bảo vệ quyền và lợi ích của hai chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự và hôn nhân gia đình đương đại. Hai là, quyền tài sản của các con được quy định rõ ràng, phù hợp, tiến bộ.

(Bao gồm con trai, con gái, con đẻ, con nuôi, con vợ trước, con vợ sau, con chồng trước, con chồng sau, con thừa tự, con riêng được quy định rõ ràng, rành mạch, tránh sự xâm hại giữa các bên; Các thủ tục này được đảm bảo bằng quy định trong pháp luật hành chính)

Khác với gia đình Trung Quốc, người gia trưởng và con trai trưởng có quyền quyết định tài sản trong gia tộc, chỉ con trai mới có quyền thừa kế (trừ thời Nam Tống con gái bằng nửa phần con trai). Gia đình Việt Nam truyền thống đã đề cập một cách khá rõ ràng, sâu sắc và đầy đủ đối với các thành viên trong gia đình từ ông bà, cha mẹ, vợ chồng đến con cháu, không loại bỏ người phụ nữ ra khỏi sự bảo vệ của pháp luật về phương diện tài sản cũng như thân nhân. Nếu đã có con thì tài sản cha mẹ hầu hết để lại cho con. Theo đó, có thể hiểu luật tục là“chung con thì chung của, không chung con thì không chung của”. Nếu không con, của nổi thì người sống hưởng dụng, còn của chìm (điền sản, ao vườn) chỉ để nuôi dưỡng một đời, khi chết thì trả lại. Đối với tài sản riêng, người sống có quyền tự định đoạt, mua bán, tặng cho, lập di chúc.

Trong quy định của pháp luật triều Lê, con gái có quyền thừa kế như con trai. Con nuôi cũng được chia thừa kế nếu cha mẹ ghi rõ trong“Dưỡng văn tự”cho quyền thừa kế điền sản (Điều 380, 381- QTHL). Duy chỉ có quy định “Con vợ cả nhiều hơn con của vợ lẽ và nàng hầu” là có sự bất bình đẳng. Nhìn chung, việc xác định kỷ phần, chia thừa kế đều mang tính dân tộc đặc sắc, bảo vệ quyền tài sản của các con, con gái như con trai, ưu tiên con trai trưởng và quyền của con vợ cả. Quyền thừa kế tài sản của con được bảo vệ từ khi còn nhỏ đến tuổi trưởng thành nhận ruộng và nộp thuế (15 tuổi).

Ví dụ, về quyền tài sản của con, Điều 377, QTHL quy định: Trường hợp chồng chết, con còn nhỏ, vợ cải giá lấy chồng khác, vợ không được phép bán tài sản của con do người chồng đã chết để lại. Nếu được họ hàng bằng lòng, trình quan xem xét cần tiêu bao nhiêu thì chỉ cho bán bấy nhiêu. Người chồng sau mà mạo tên con chồng trước để bán thì người chồng sau, người viết văn tự thay và người chứng kiến đều bị xử phạt 60 trượng, biếm 2 tư. Vợ sau mà bán điền sản của con vợ trước (trường hợp vợ chết, con còn nhỏ, chồng lấy vợ khác) thì cũng xử tội như thế.

Ngược lại, các con cũng không được lạm chiếm hoặc vượt quyền, bán trộm tài sản của cha mẹ. Cha mẹ đang còn sống mà con cái bán điền sản của cha mẹ thì bị coi là hành vi "bán trộm", khác với luật Trung Quốc gọi là "lạm tiêu" 7. Thái độ xử phạt của luật triều Lê có phân biệt con trai và con gái: Con trai xử phạt 60 trượng biếm 2 tư, con gái thì xử 50 roi biếm 1 tư, khắc phục nguyên trạng ban đầu. Tuy nhiên, luật còn phân biệt nếu người biết mà cố tình mua (biết người con không có quyền bán) thì mất số tiền mua, người viết văn tự thay và người chứng kiến mà biết sự thật đều xử 50 roi, biếm 1 tư. Không biết thì không xử tội. Giải pháp dân sự cũng thật phù hợp, thống nhất, rõ ràng, minh bạch và thực tế (Điều 378 - QTHL).

Qua đó có thể thấy, quy định điều chỉnh và xử lý vi phạm luôn song hành trong cổ luật về các quyền nghĩa vụ nhân thân và tài sản.

Ba là, quyền tài sản của cha mẹ, người gia trưởng, người thừa tự, phụ nữ.

Quyền tài sản của cha mẹ, trong mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, chúng ta thấy luật truyền thống trao cho cha mẹ rất nhiều quyền: Quyết định quan hệ nhân thân tài sản, có quyền cầm đợ con, cho đi làm con nuôi nhà khác, có quyền quyết định hôn nhân, có quyền từ con hoặc truất quyền tài sản (Điều 208, 504, 511, 512 - QTHL)8.

Điều 354 - QTHL quy định: "Người nào tranh giành nhà đất thì phải biếm 2 tư. Nếu đã có Chúc thư mà còn cố tranh giành thì cũng xử biếm như thế và phải tước mất cả phần mình. Nếu cha mẹ không nhận làm con, trong Chúc thư không có tên mà vẫn cố tranh thì phải biếm 3 tư, đòi lại số ruộng đất tranh cho người chủ. Nếu người trưởng họ đảm bảo sai thì phải biếm 1 tư". Trong cổ luật Việt Nam, họ tộc, bên nội, bên ngoại và anh em, quyền tài sản chỉ được xác lập khi một gia đình tuyệt tự.

QTHL thừa nhận quyền từ con của cha mẹ, truất thừa kế đối với con “Bất hiếu” và thừa nhận tính hiệu lực của Chúc thư do cha mẹ để lại: "Nếu có Lệnh của cha mẹ thì phải làm theo đúng, nếu trái thì mất phần mình" (Điều 388 - QTHL)8. Như vậy, trong các mối quan hệ về dân sự, cha mẹ có toàn quyền đối với con cái.

Quyền của người gia trưởng, trong quan hệ gia đình truyền thống người gia trưởng được xác định là ông, cha, chồng, con trai trưởng, đích tử, đích tôn. Người vợ cả cũng có nhiều quyền uy trong gia đình dòng họ thế tộc. Người đàn ông, là cột trụ trong gia đình: “Con không cha như nhà không nóc” “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Người đàn ông dù sao vẫn có một địa vị ưu quyền hơn người đàn bà kể cả về nhân thân và tài sản. Người vợ phải theo về nhà chồng sinh sống; còn người đàn ông rất ít khi về bên nhà vợ - chỉ đến luật Gia Long, do một số tập quán ở Đàng Trong thì luật mới đề cập đến quyền thừa kế tài sản của con rể và việc ở rể 5.

Theo QTHL và HVLL, người gia trưởng có nhiều quyền và nghĩa vụ đối với gia đình, các quyền này được quy định tại các điều 82, 83, 94, 109 - HVLL như quyền về nhân thân, tài sản, quyền quyết định hôn nhân của con cái, quyền “rẫy vợ”. Mọi hành vi của ti ấu, vợ, con, nô tì xâm hại đến gia trưởng đều bị xử tăng nặng. Luật cũng định rõ trách nhiệm của gia trưởng: “Nếu mọi người trong một nhà cùng phạm tội thì buộc tội một mình tôn trưởng. Nếu phụ nữ vi phạm nghi lễ thờ cúng tông miếu thì bắt tội gia trưởng”, “Nhà cửa xây dựng trang trí trái với hình thức quy định thì buộc tội gia trưởng” (Điều 29, 43, 156 - HVLL)5. Như vậy, người gia trưởng giữ vai trò trung tâm của sự đoàn kết dòng họ gia đình, gia tộc.

Theo cổ luật, người thừa tự được xác lập khi một gia đình không có con cháu. Người thừa tự được lựa chọn, chỉ định để kế thừa tài sản của một gia đình, dòng họ. Họ có nghĩa vụ bảo quản tài sản, thờ cúng tổ tiên và chăm sóc mộ phần người để lại di sản.

Pháp luật và phong tục đối với người phụ nữ Việt Nam cũng đã hòa hoãn bớt tính cách ràng buộc của đạo đức Nho giáo với luân lý Tam cương Ngũ thường. Trong luật pháp và văn bản mẫu chúc thư, khế ước giao dịch dân sự luôn đặt người phụ nữ bên cạnh người đàn ông với tư cách là vợ chồng, cha mẹ 7. Quyền thừa kế của con gái ngang bằng với con trai; nếu không có con trai, con gái trưởng được thừa kế hương hỏa là một nội dung phân biệt giữa luật triều Lê và triều Nguyễn, giữa luật Việt với luật Trung Quốc và các hệ thống pháp luật khác trong thời kỳ phong kiến8.

3. Kết luận

Tóm lại, pháp luật dân sự phong kiến Việt Nam là một nội dung bao trùm, đặc sắc, độc đáo và phần nào thể hiện sự dung hòa giữa tập quán dân tộc và gia đình Nho giáo. Gia đình theo truyền thống là nền gốc của hôn nhân cũng như các quyền về nhân thân và tài sản.

Ngày nay, ở một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước phương Tây cũng cho rằng: Nền tảng của gia đình ông bà, cha mẹ là một trong những yếu tố cơ sở cho sự bền vững của một cuộc hôn nhân. "Môn đăng hộ đối" là sự tương đồng, hòa hợp về nhiều phương diện, dựa trên yếu tố tự nhiên, xã hội, văn hóa, trong đó có cả quan hệ về nhân thân tài sản và di truyền.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Michel Fromont (2006), Các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới, NXB Tư pháp, Hà Nội.
Nghiên cứu về hệ thống pháp luật Việt Nam thế kỷ XV- XVIII (1994), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Di sản lịch sử và những hướng tiếp cận mới (2011), NXB Thế giới, Hà Nội.
Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam thế kỷ XV - XVIII (2006, 2009), Tập 1 & 2, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Hoàng Việt Luật lệ (HVLL) (1996), NXB Văn hóa thể thao, Hà Nội.
Phan Huy Chú (1992), Lịch triều Hiến chương loại chí, Tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.232 -269.
Insun Yu (1994), Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, NXB KHXH, HN, tr.160 -180.
Quốc Triều Hình Luật (QTHL) (1991), Viện Sử học, Nxb CTQG, Hà Nội.
Đại Nam thực lục (2002), Tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

Unique values of the feudal civil law of Vietnam

Senior Lecturer, Ph.D Ha Thi Lan Phuong

Deputy head, Department of History of State and Law

Faculty of Administrative and Constitutional Law, Hanoi Law University

ABSTRACT:

The feudal civil law of Vietnam is one of the unique progressive contents of the Vietnamese legal culture. This civil law system was formed and developed over thousands of years with many values that have become customs and practices.

In particular, the moral and property rights of family members and society were all protected by this law system. The property rights of women were respected in terms of ownership, contract and inheritance. The property relationships between husband and wife were identified independently and dependingly. In addition, the property rights between parents and their children were clearly, appropriately and progressly prescribed. The feudal civil law of Vietnam still has a lot of value that needs to be researched to build a sustainable law, harmoniously connecting the traditional legal values with the contemporary law system.

Keywords: Feudal civil law, unique values.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nhung-gia-tri-dac-sac-cua-phap-luat-dan-su-phong-kien-viet-nam-74025.htm