Những giả thuyết và kịch bản liên quan đến Brexit

Ngày 25/11 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua bản thỏa thuận 'ly hôn' với Anh (hay còn gọi là Brexit) cũng như 'tuyên bố chính trị' phác thảo các nguyên tắc cho mối quan hệ hậu Brexit.

Cờ của Anh và và cờ của Liên minh châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhưng trước khi xem xét tương lai này "càng gần càng tốt", có thể khẳng định rằng Thủ tướng Anh Theresa May còn nhiều việc phải làm khi mà ngày 11/12 sắp tới, các nghị sỹ Anh sẽ bỏ phiếu cho bản thỏa thuận Brexit mà bà May và các nhà lãnh đạo EU đã rất khó nhọc đạt được mới đây.

Theo nhật báo Pháp Le Monde, cuộc bỏ phiếu lần này là một bước đầu tiên không thể thiếu trong tiến trình Brexit nhưng lại không thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề liên quan. Kết quả cuộc bỏ phiếu được dự đoán theo hai giả thuyết cùng bảy kịch bản liên quan, đồng thời sẽ làm thay đổi sâu sắc nước Anh.

Giả thiết thứ nhất: Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit. Trong trường hợp này, Thủ tướng Theresa May sẽ thành công để nhận được đa số ủng hộ trong Hạ viện, nhất là bằng cách liên minh với các nghị sỹ Công đảng ủng hộ EU để chống lại hàng trăm nghị sỹ khác trong chính phe đối lập phản đối thỏa thuận. Đây là kịch bản đơn giản nhất. Mọi quyết định cuối cùng liên quan đến tiến trình Brexit sẽ thuộc về Chính phủ của Thủ tướng Theresa May.

Bước tiếp theo, Nghị viện châu Âu (EP) sẽ bỏ phiếu cho văn bản thỏa thuận. Nếu ngày bỏ phiếu vẫn chưa được ấn định thì EP cũng có thể được tổ chức tại phiên họp toàn thể từ ngày 11-14/3/2019. Đến đúng 23 giờ ngày 29/3/2019 (giờ London), Anh sẽ chính thức ra khỏi EU.

Điều này đồng nghĩa với việc Anh sẽ mất quyền biểu quyết cũng như mất vai trò ủy viên EP của mình. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, kéo dài ít nhất đến 31/12/2020, Anh vẫn là thành viên của Liên minh hải quan EU và thị trường nội khối. Trong giai đoạn này, nếu thỏa thuận được tôn trọng thì không có gì thực sự thay đổi, ngoại trừ điều cốt lõi, đó chính là Anh sẽ trở thành nước thứ ba.

Giả thiết thứ hai: Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận Brexit. Như vậy, cả Anh và EU sẽ bước vào một tình huống mới và "mơ hồ" hơn nhiều. Điều chắc chắn là bà Theresa May sẽ có 21 ngày để thông báo công khai cách Chính phủ Anh sẽ tiến hành. Trong trường hợp này, có bảy kịch bản có thể sẽ xảy ra.

Một là, Anh và EU sẽ tái đàm phán. Trong trường hợp các nghị sỹ Anh bác bỏ bản thỏa thuận, Thủ tướng Theresa May có thể quyết định trở về Brussels để cố gắng đạt được một bản thỏa thuận khác thỏa mãn các nghị sỹ của mình hơn. Thế nhưng chính bà Theresa May ngày 25/11 vừa qua lại cảnh báo sẽ không nhận bất kỳ sự nhượng bộ tiên quyết nào trong trường hợp phải tiến hành "vòng đàm phán thứ hai".

Hai là, Thủ tướng Theresa May buộc phải từ chức. Kịch bản này thì không mấy chắc chắn, nhất là khi các nghị sỹ phe bảo thủ vẫn ủng hộ bà May tại vị. Tuy nhiên, bà Theresa May có thể tự chọn cách rút lui khỏi chính trường. Trong trường hợp này, phe bảo thủ sẽ lựa chọn một nhà lãnh đạo mới nhằm cố gắng giành được đa số ủng hộ cho một thỏa thuận có thể được “cải thiện” hơn một chút.

Ba là, Thủ tướng Theresa May bị các nghị sỹ phe bảo thủ bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu bà Theresa May không tự ra đi, nhiều khả năng phe bảo thủ của chính bà May sẽ “hạ bệ” người đứng đầu Chính phủ Anh. Để tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, thì ít nhất phải có sự yêu cầu của 15% trong phe bảo thủ, tức là 48 nghị sỹ.

Chính trị gia bảo thủ Anh Jacob Rees-Mogg, người đứng đầu nhóm nghị sỹ phản đối Anh gia nhập EU từ nhiều tháng qua đã cố gắng phát động cuộc tấn công bà Theresa May. Một khi Quốc hội Anh tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, chắc chắn “người thuê nhà số 10, phố Downing” (phủ Thủ tướng Anh) sẽ phải rời khỏi vị trí của mình.

Bốn là, Thủ tướng Theresa May bị các nghị sỹ Công đảng bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu bà Theresa May không từ chức và các đảng viên Đảng bảo thủ nước này không hành động thì Công đảng có thể quyết định khởi xướng và kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng.

Nếu bà May thua trong cuộc bỏ phiếu này, phe đối lập hoặc một nhà lãnh đạo bảo thủ mới sẽ có hai tuần để thành lập một chính phủ mới có thể giành được lòng tin của Quốc hội trong một cuộc bỏ phiếu thứ hai. Nếu cuộc bỏ phiếu này thất bại, cử tri Anh sẽ là người quyết định.

Năm là, tiến hành một cuộc bầu cử mới. Thủ tướng Theresa May cũng có thể kêu gọi một cuộc bầu cử sớm, song điều đó được xem là một vụ “đánh cược” cuối cùng trước các cử tri. Nếu giành được đa số phiếu, bà Theresa May có thể có lợi thế để yêu cầu các nghị sỹ bỏ phiếu lại. Cuộc bỏ phiều lần này sẽ có ý nghĩa tích cực, nhưng cũng có thể mang lại nhiều rủi ro.

Sáu là, tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mới. Đây cũng có thể là một “ván bài” trong trò chơi của chính phủ Anh, đó là việc chọn cách tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới để tạo cơ hội cho người Anh xác nhận lại cuộc bỏ phiếu đầu tiên của họ. Nhưng quá trình này có thể mất vài tháng và cũng sẽ cần phải được Quốc hội thông qua.

Cuối cùng, một Brexit "không thỏa thuận". Đây là "kịch bản xấu nhất" mà bà Theresa May từng đe dọa để ngăn chặn đa số bỏ phiếu chống lại thỏa thuận. Lựa chọn bất khả kháng này sẽ đẩy nước Anh lâm vào một tình huống chưa từng có và nhiều vấn đề chưa được giải quyết, bao gồm cả quyền thương mại và vận tải, cũng như sự không đảm bảo về nguồn cung thực phẩm và dược phẩm cho nước Anh./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhung-gia-thuyet-va-kich-ban-lien-quan-den-brexit/104650.html