Những già làng ở Trường Sơn

Trên dải Trường Sơn hùng vĩ thuộc địa bàn huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), ngày càng xuất hiện nhiều Đảng viên là già làng, trưởng bản được xem là 'cầu nối ý Đảng - lòng dân'.

“Cột mốc sống”

A Lưới nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế, nổi tiếng là vùng chiến khu cách mạng quật cường gan góc, ghi dấu ấn với tấm lòng sắt son của đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy. Đặc biệt, tuyến biên giới giáp nước bạn Lào thuộc địa bàn huyện A Lưới dài 84km, tiếp giáp với huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông và huyện Sá Muội, tỉnh Salavan của nước bạn Lào.

Địa hình chủ yếu là đồi núi nhưng lại giữ vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh nên cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và cả bộ đội biên phòng đóng quân tại đây những năm qua luôn quan tâm đến công tác dân vận, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh, tạo dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Minh chứng rõ nét nhất là từ khi các mô hình tổ tự quản về đường biên, mốc giới tại đây được thành lập, đi vào hoạt động, với vai trò gương mẫu đi đầu trong phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của các già làng, trưởng bản trong vùng, mảnh đất biên cương này càng thêm phần no ấm, trù phú, bình yên hiện hữu trên từng nếp nhà.

Già làng Hải Viên Xê ở thôn Parit Kavin được mọi người ví như “cột mốc sống” góp phần bảo vệ từng tấc đất biên cương.

Già làng Hải Viên Xê ở thôn Parit Kavin được mọi người ví như “cột mốc sống” góp phần bảo vệ từng tấc đất biên cương.

Già làng Hải Viên Xê ở thôn Parit Kavin (xã A Đớt, A Lưới), được mọi người ví như “cột mốc sống” góp phần bảo vệ từng tấc đất biên cương.

Già cho biết: "Parit Kavin là thôn chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh nên công tác gìn giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia là nhiệm vụ không chỉ của cấp ủy, chính quyền các cấp mà còn là của người dân chúng tôi. 100% hộ gia đình ở thôn đều ký cam kết tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc."

Hằng tháng, các tổ tự quản phối hợp với tổ công tác biên phòng tổ chức tuần tra dọc đường biên, cột mốc. Đến với mỗi gia đình tuyên truyền về bảo vệ đường biên, cột mốc, già thường ví von: “Bảo vệ đường biên, cột mốc cũng giống như bảo vệ bờ rào ở mỗi gia đình mình vậy!”.

Già làng Nguyễn Minh Sang, năm nay 60 tuổi với hơn 30 năm tuổi Đảng nhưng trông vẫn tráng kiện, tinh nhanh đến lạ. Người dân bản A Tin (xã A Đớt) nói, già xem việc bảo vệ và vun đắp tình hữu nghị trên biên giới là công việc thường nhật.

Ngày nay, đến bản Ka Lô, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy những rừng chuối, sắn trải dài, xanh ngút tầm mắt. Dân hai bản thường bảo đây là sắc màu của sự bình yên, no ấm, biểu hiện sinh động tình hữu nghị Việt - Lào.

Già Sang kể bản A Tin và bản Ka Lô (huyện Kà Lùm, tỉnh Kê Kông, Lào) cách nhau vài quả đồi nhưng đường đi rất cách trở. Bà con nơi đây vốn có quan hệ thân tộc lâu đời. Nhưng từ khi phân chia biên giới, 2 bản có một số vấn đề cần được quan tâm giải quyết như xâm canh, xâm cư, không đăng ký kết hôn khác quốc tịch, khai thác lâm thổ sản trái phép...

“Mình và một số người có uy tín trong bản ngồi lại, bàn cách tháo gỡ. Nhưng chỉ bằng lời nói thì chẳng thể làm nên chuyện, nên mình đã bàn bạc và cùng bà con trong bản A Tin và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt lặn lội sang bản Ka Lô giúp bạn vỡ đất trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình. Cứ thế, tình hữu nghị hai bên càng thắm đượm”, già Sang kể.

Tiên phong xóa đói giảm nghèo

Ở bản Lê Triêng (xã Hồng Trung, huyện A Lưới), bà con dân tộc thiểu số Pa Cô không ai là không biết đến già làng Hồ Văn Hạnh, người có uy tín nhất trong cộng đồng. Già cũng là đảng viên đầu tiên trồng thành công cây lúa nước và hướng dẫn bà con dân bản nhiều cách làm hay để từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Già Hạnh nói rằng, sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Lê Triêng là “vùng trắng”. Để giúp người dân có lương thực chống đói, tháng 10/1976, huyện A Lưới xây dựng chủ trương trồng cây lúa nước.

“Hồi ấy, mình tình cờ được một người bạn ở Quảng Trị cho ít lúa giống nên đã khai phá vạt đất nằm bên con suối Prong để gieo thử. Ai ngờ chỉ mấy tháng sau, vợ chồng già thu hoạch được 15 thùng lúa. Quá đỗi vui mừng bởi mình là người đầu tiên trồng thành công cây lúa nước. Bà con bản ở Lê Triêng đã họp và mượn 15 thùng lúa của gia đình già chia cho các hộ dân đem về gieo. Cũng từ đó, bà con dân bản đã có gạo ăn thay cho củ sắn, quả bắp trên nương...”, già Hạnh nhớ lại.

Già làng Hồ Văn Hạnh hướng dẫn đồng bào mô hình nuôi ong lấy mật.

Qua câu chuyện với người dân bản Lê Triêng, chúng tôi còn được biết già Hạnh cũng là người đầu tiên nhận thấy cây sắn KM94 cho năng suất cao nên đã cất công tìm về Hương Trà, Nam Đông và cả thành phố Huế để học các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng sắn. Rồi già về lại bản làng truyền những kiến thức học được, giúp dân bản phát triển cây sắn thành cây trồng chủ lực trên nhiều vùng đồi khô hạn…

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới Lê Thanh Nam đánh giá việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc ở A Lưới đã tạo thêm cánh tay đắc lực trong quá trình kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên ở các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và tích cực phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn miền núi.

Còn Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định: “Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Thực tế, ở huyện A Lưới, nhiều già làng dù tuổi đã cao, sức đã yếu, với tâm huyết của mình, các già làng vẫn được bà con, dòng họ suy tôn và quý trọng; trở thành tấm gương sáng để dân bản vững bước đi trên hành trình chinh phục đói nghèo, lạc hậu, chung tay bảo vệ biên giới quốc gia”.

Lê Dương

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/nhung-gia-lang-o-truong-son-post311488.info