Những gia đình 'miễn nhiễm' công nghệ ở Thung lũng Silicon

Một trào lưu mới nổi trong các gia đình ở Thung lũng Silicon, đó là bố mẹ có thể làm công việc thúc đẩy phát triển công nghệ mới nhưng những thứ đó bị cấm tại nhà của họ và hạn chế tối đa việc con trẻ tiếp xúc sớm với công nghệ. Những lý do được đưa ra rất đáng để suy ngẫm trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, nhất là xuất phát ở ngay vùng 'tâm bão'.

Nói không với điện thoại, màn hình

9h sáng tại Sunnyvale, California, cô Minni Shahi đang trên đường đến làm việc tại trụ sở của Apple ở Cupertino. Chồng cô, cựu nhân viên của Google tên là Vijay Koduri hẹn gặp đối tác kinh doanh tại cửa hàng Starbucks địa phương về dự án xây dựng clip trên Youtube được gọi là HashCut. Trong khi đó, 2 con nhỏ của họ Saurav (10 tuổi) và Roshni (12 tuổi) nghỉ học, đắm mình với quyển sách điện tử Chromebook của Google được phát hành hồi đầu năm.

Cuộc sống của gia đình Koduri ở Thung lũng Silicon có một điều khá đặc biệt, đó là bố mẹ làm nghề thúc đẩy phát triển công nghệ mới nhưng những thứ đó bị cấm tại nhà của họ. Cả hai đứa trẻ đều chưa có điện thoại di động, cũng không hề có thiết bị chơi điện tử nào. Saurav và Roshni có thể chơi trò chơi trên điện thoại của cha mẹ, nhưng chỉ 10 phút mỗi tuần. Thực tế, gia đình họ có mua một chiếc iPad 2, nhưng 5 năm qua, nó nằm nguyên trên ngăn cao nhất của tủ quần áo. “Chúng tôi biết, đến một thời điểm nào đó các con sẽ cần phải có điện thoại riêng, nhưng chúng tôi đang kéo dài nó càng lâu càng tốt”, ông Koduri (44 tuổi) nói.

Đây là một cặp cha mẹ điển hình cho cách nuôi dạy con kiểu mới ở Thung lũng Silicon. Thay vì mua sắm, trang bị những công nghệ mới nhất trong nhà, họ lại giới hạn, thậm chí cấm con cái họ, rời xa màn hình càng nhiều càng tốt. Quan điểm này có lẽ xuất phát trực tiếp từ công việc của họ, hay đơn giản là vì họ sống ở Bay Area - khu vực có các công ty công nghệ hàng đầu trên Trái đất nên có thể cảm nhận sức ảnh hưởng của công nghệ số là không thể cưỡng lại được.

Một số gia đình tại Thung lũng Silicon hạn chế tối đa cho con chơi điện tử

Một cuộc khảo sát năm 2017 do Quỹ Cộng đồng Thung lũng Silicon thực hiện cho thấy, 907 cha mẹ ở đây trả lời rằng dù tin tưởng vào những lợi ích của công nghệ, nhưng họ vẫn cực kỳ lo lắng về tác động của công nghệ đối với sự phát triển tâm lý và xã hội của trẻ.

Cựu nhân viên của các công ty công nghệ lớn hay một số Giám đốc điều hành cấp cao đã lên tiếng công khai lên án việc các công ty đang tập trung xây dựng các sản phẩm công nghệ gây nghiện. Hơn thế, một chiến lược không mới đối với ngay cả những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Google, Apple, Microsoft… là nhắm vào khách hàng là trẻ em, vì đơn giản, sự trung thành của thương hiệu sẽ tạo ra lợi nhuận.

Khó nên phải có nguyên tắc

Tương tự, chị Erika Boissiere (37 tuổi), ở San Francisco không còn nghi ngờ về tác hại của công nghệ đối với trẻ, bởi vợ chồng chị đang làm công việc trị liệu cho nhiều gia đình có trẻ bị nghiện thiết bị công nghệ. Trẻ em thường gặp phải những nguy cơ về chứng trầm cảm, lo lắng, thậm chí cực đoan hơn là tự tử.

Ở nhà Boissiere, hai vợ chồng không mua chiếc tivi nào, cũng tránh việc sử dụng điện thoại di động trước mặt con, bé Jack (2 tuổi) và Elise (5 tuổi). Họ đã phải có nguyên tắc riêng để duy trì điều đó, ví dụ, đi làm về, họ đều đặt điện thoại ở cửa. Buổi tối, họ chỉ kiểm tra điện thoại 1 hoặc 2 lần trước khi đi ngủ và cả nhà đều kết thúc một ngày vào lúc 22h30.

Ở một góc khác tại San Mateo, phía Tây Vịnh San Francisco, doanh nhân về công nghệ cao Amy Pressman sống cùng chồng và hai đứa con, Mia (14 tuổi) và Jacob (16 tuổi). Con lớn nhất của cô Brian (20 tuổi), là sinh viên đang theo học năm thứ hai. Mặc dù người mẹ không kiểm soát được mọi chuyện của con cái lúc ở trường nhưng ở nhà, mọi nguyên tắc đều rất nghiêm. Không có thiết bị nào ở bàn ăn tối. Sau 22h, các con phải để điện thoại và sạc trong nhà bếp qua đêm. Mỗi tuần, 3 con của Amy được phép chơi điện tử khoảng 5-7 tiếng.

Pressman và nhiều bậc cha mẹ khác cho hay, rất khó để đạt được sự cân bằng trong việc hạn chế sử dụng công nghệ, vì trẻ con nhanh chóng cảm thấy bị tụt hậu, không bằng bạn bằng bè, thậm chí bị tẩy chay. “Hồi chúng tôi còn nhỏ chưa có những công nghệ này. Việc bố mẹ hạn chế con xem tivi đến giờ không còn ý nghĩa khi mà máy tính vừa là công cụ giải trí, vừa là nơi luyện bài tập về nhà và là cuốn bách khoa toàn thư”, bà Amy Pressman nói.

Gia đình ông Vijay Koduri trong chuyến du lịch mới đây đến Ấn Độ

Giá trị của kết nối, tương tác thực

Vậy những bậc cha mẹ này đã làm như thế nào? Với họ, cách “chống nghiện” công nghệ cho trẻ tốt nhất là tìm các hoạt động thay thế hoặc sử dụng công nghệ hiệu quả hơn. Ông Koduri đã cải tạo sân sau nhà bằng việc đổ xi măng, làm thành sân bóng rổ để cho lũ trẻ và bạn bè cùng chơi, còn khi Pressman thấy con gái mình quan tâm đến máy vi tính, cả hai đã đăng ký học lập trình với nhau. Họ hy vọng có thể dạy con mình bước vào tuổi trưởng thành với việc hiểu thế nào là sử dụng công nghệ hợp lý và hiệu quả nhất.

Cũng giống như Koduri, người nói rằng luôn thích ra ngoài chơi với con và nuôi nấng tâm hồn chúng, Amy Pressman, đồng sáng lập và Chủ tịch của Công ty Phần mềm Medallia cho biết, vài năm gần đây, gia đình bà đã dành thời gian cho nhau hơn.

Thay vì các thành viên trong gia đình về nhà và tự khép mình trong phòng riêng, mắt dán vào thiết bị, giờ đây họ mua vé xem phim cả mùa và liên tục ghé thăm các cửa hiệu kem nổi tiếng của San Francisco. Cách đây vài năm, Pressman lên kế hoạch cho chuyến du lịch đến Thung lũng Chết. Chính vì nơi đó thiếu cổng sạc USB và Wifi nên bà đã thích thú chọn lựa điểm đến này. “Kết nối mạng ở đó khá là tồi tệ. Điều đó thật đáng yêu”.

Kể từ khi Amy Pressman thực hiện hạn chế công nghệ, con trai cả của bà đã bắt đầu nhìn ra giá trị của việc này. Pressman nhớ lại, trong kỳ nghỉ Giáng sinh năm ngoái, Brian đã làm cho mẹ ngạc nhiên khi thừa nhận sai lầm: “Mẹ có biết khi cứ cấm mạng xã hội, con đã nghĩ mẹ sai. Nhưng giờ thì con thấy mẹ đúng”. Lúc đó, chính con bà đã nhận ra ý nghĩa của việc tại sao mẹ mình cứ kêu gọi sự tương tác “thực sự” của con người chứ không phải là trên mạng “ảo”.

Nói không với công nghệ

Quan niệm chỉ cần công nghệ thấp hay “nói không với công nghệ” cũng chính là cách sống của những “ông chủ” của làng công nghệ thế giới như Bill Gates, Steve Jobs và Tim Cook.

Trong năm 2007, tỷ phú Bill Gates, cựu Giám đốc điều hành của Microsoft đã phải giới hạn thời gian tiếp xúc với màn hình khi con gái ông “dính” vào một trò chơi video.

Sau đó, gia đình Bill Gates đề ra quy định, trẻ em không được phép có điện thoại riêng cho đến khi 14 tuổi. Hiện nay, trẻ con ở Mỹ thường có chiếc điện thoại đầu tiên vào khoảng 10 tuổi.

Hay Steve Jobs, CEO của Apple tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn năm 2011 với tờ Thời báo New York rằng ông đã cấm con mình sử dụng chiếc iPad mới phát hành.

“Chúng tôi giới hạn công nghệ đối với bọn trẻ ở nhà”, Steve Jobs tâm sự ở thời điểm trước khi qua đời 1 năm. James Cook - CEO hiện tại của Apple nói hồi tháng 1-2018 rằng ông không cho phép cháu trai mình gia nhập mạng xã hội trực tuyến. James Cook sau đó thừa nhận sản phẩm của Apple không có nghĩa là để sử dụng liên tục.

Ông nói: “Tôi không phải là người nói rằng chúng tôi đã đạt được thành công nếu bạn sử dụng nó mọi lúc. Tôi hoàn toàn không cổ vũ điều đó”.

Yến Chi (Theo Business Insider)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nhung-gia-dinh-mien-nhiem-cong-nghe-o-thung-lung-silicon/759907.antd