Những gia đình có bình rượu ngâm nên biết điều này để không nguy hại khi uống dịp Tết

Trên thực tế, vẫn có nhiều người gặp họa khi uống rượu ngâm. Nguyên nhân có thể do rượu (rượu pha hóa chất, không đảm bảo an toàn); do dược liệu (có thể chứa độc tố) và do liều lượng sử dụng quá nhiều.

Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhân H.V.N (38 tuổi, ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên) được gia đình chuyển vào cấp cứu khi đã ngừng tuần hoàn, mạch 0, huyết áp 0, vệ sinh không tự chủ, toàn thân tím tái, đồng tử co nhỏ.

Người đàn ông nguy kịch vì uống rượu ngâm hạt cau. Ảnh: BVCC

Người đàn ông nguy kịch vì uống rượu ngâm hạt cau. Ảnh: BVCC

Theo người nhà, trước đó bệnh nhân có uống hơn 300ml rượu ngâm hạt cau khô. Sau đó bệnh nhân bỗng dưng có biểu hiện vã mồ hôi, kích thích, vật vã, tím tái toàn thân. Ông N. được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.

BS Lê Duy Đạo, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho biết, rượu cau là một loại thuốc được lưu truyền trong dân gian để chữa các bệnh về răng và lợi. Tuy nhiên người dân chỉ ngậm rượu cau khi đã pha loãng, không nên uống vì nguy cơ ngộ độc rất lớn.

Trước đó, năm 2019, 3 thanh niên trú tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã bị ngộ độc sau khi uống rượu ngâm hạt cây rừng nghi là cây chân chó. Điều đáng tiếc, cả 3 thanh niên này đã không qua khỏi và tử vong sau đó. Nhiều trường hợp khác cũng nguy kịch do uống rượu ngâm cây thuốc phiện, rượu ngâm nấm...

Tại sao rượu ngâm có thể gây hại?

Trong Đông y, rượu ngâm làm lưu thông khí huyết, kích thích tiêu hóa, giúp người uống với liều lượng nhất định cảm thấy khỏe khoắn, ăn ngon miệng hơn.

Rượu được chưng cất đúng cách theo phương pháp cổ truyền để loại bỏ độc tố như metylic và các aldehyd, ngâm chung với các thảo dược hoặc động vật sẽ bồi bổ sức khỏe. Một số rượu thuốc quý như rượu nhân sâm, rượu hà thủ ô...

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những người gặp họa khi uống rượu ngâm. Nguyên nhân có thể do rượu (rượu pha hóa chất, không đảm bảo an toàn); do dược liệu (có thể chứa độc tố) và do liều lượng sử dụng quá nhiều.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), rượu ngâm thảo dược hay rượu thuốc cũng giống như thuốc, phải uống điều độ, chứ không phải uống càng nhiều càng tốt và ai uống cũng được.

Đặc biệt, vị chuyên gia này nhấn mạnh, rất nguy hiểm khi rượu ngâm theo công thức truyền miệng, các loại dược liệu không được kiểm chứng về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không rõ về khả năng có độc tố…

Về các loại rượu ngâm với động vật, thường là nội tạng hoặc ngâm cả con. Nhiều người nghĩ rằng nội tạng nào khi ngâm rượu thì uống vào sẽ bổ bộ phận đó nên cứ tìm các loại nội tạng ngâm rượu để uống và xem như như rượu quý. Tuy nhiên đây là suy luận cần xem lại vì thực tế chưa được khoa học chứng minh.

Uống rượu ngâm đúng cách

Theo các chuyên gia, mỗi loại thuốc và dược liệu đều có công dụng khác nhau. Do đó, trước khi ngâm cần phải được tư vấn từ nhà chuyên môn, dược liệu cần mua ở các nơi bán uy tín và cần ngâm đúng quy trình (thời gian ngâm, cách ngâm). Với rượu ngâm sẵn, nên chọn mua ở những nơi bán hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Việc chọn thuốc tốt, ngâm đúng cách, sử dụng đúng liều, đúng tiêu chuẩn thì mới phát huy hết tác dụng quý của rượu.

Đặc biệt, không nên uống quá nhiều rượu ngâm, chỉ nên uống 30ml mỗi ngày trước khi ăn hoặc trước khi đi ngủ. Không uống rượu lúc đói, mệt hoặc đang uống các thuốc điều trị khác.

Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, nội tạng động vật, mật động vật không rõ độc tính. Sử dụng các loại thảo dược, động vật ngâm rượu mà không rõ công dụng thì nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể rất cao.

Sau khi uống nếu xuất hiện tình trạng ngủ lịm, lơ mơ hoặc kích thích quá nhiều thì nên đưa bệnh nhân tới viện để được kiểm tra, xử lý kịp thời.

N.Mai (t/h)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/nhung-gia-dinh-co-binh-ruou-ngam-nen-biet-dieu-nay-de-khong-nguy-hai-khi-uong-dip-tet-20200117150932822.htm