Những ghi chép từ bên kia trái đất: Đường không còn ngọt lịm…

Mỗi người Việt Nam lớn lên biết đến Cuba, hình ảnh Cuba lưu dấu trong tâm tưởng gắn với những vần thơ của Tố Hữu.

 Xăng dầu là một mặt hàng đắt đỏ ở Cuba. Khi chúng tôi đi qua cây xăng này, những người trẻ tuổi đang có mặt tại đây là hô vang Việt Nam muôn năm! Việt Nam - Hồ Chí Minh!

Xăng dầu là một mặt hàng đắt đỏ ở Cuba. Khi chúng tôi đi qua cây xăng này, những người trẻ tuổi đang có mặt tại đây là hô vang Việt Nam muôn năm! Việt Nam - Hồ Chí Minh!

“Em ạ, Cuba ngọt lịm đường / Mía xanh đồng bãi biếc đồi nương / Cam ngon xoài ngọt vàng nông trại / Ong lạc đường hoa rộn bốn phương”.

Hôm nay, dù thực tế đã biến đổi, người dân Cuba đang phải đối mặt với những khó khăn tích tụ từ nhiều năm chủ yếu do chính sách cấm vận của Mỹ gây nên, dù thời thế đã đổi thay và đường Cuba cả theo nghĩa thực tế và hình tượng đã không còn ngọt lịm như xưa nữa thì ở quốc đảo này vẫn cho người ta những cảm nhận về một sự khẳng định những giá trị sống theo cách của người Cuba.

Đất nước 11 triệu dân này vẫn khiến cho cả thế giới phải suy ngẫm về cái gọi là “cách sống”.

Bình tĩnh sống

Vịn theo những câu thơ của Tố Hữu, sau hơn hai mươi giờ bay có quá cảnh tại Moscow (Nga) tôi đã đặt chân đến La Habana. Tôi đã hình dung đến một xứ xở chạm tới thiên đường, một sự hoàn hảo đẹp đến từng centimet.

Cuba đã từng giữ vị trí đứng đầu trong xuất khẩu đường ra thế giới. Trước đây, dưới sự bảo trợ của Liên Xô, đường Cuba được xuất chủ yếu sang Liên bang Xô Viết, và đổi lại, Cuba được nhận về khí đốt và xăng dầu, thứ mà quốc gia châu Mỹ xa xôi này không có.

Tuy nhiên, sau khi không còn thị trường bảo trợ lớn này, sản lượng đường xuất khẩu sụt giảm, hàng loạt các nông trại bỏ hoang hoặc chuyển sang trồng cây khác. Đường Cuba cũng không còn giữ được vị trí đứng đầu về số lượng và cả chất lượng.

Tôi cũng nhìn thấy những cây ATM, chứng tỏ Cuba cũng ít nhiều bắt nhịp vào đời sống hiện đại, dù lượng giao dịch không nhiều. Một xã hội “sống chậm” luôn hiện hữu trong mọi hoạt động, và cả trên gương mặt những người dân Cuba.

Tuy vậy, cảnh sắc Cuba ở vùng ngoại vi La Habana vẫn gợi cho chúng tôi về một Cuba trong tưởng tượng, dọc đường đi là những vùng rộng lớn xanh bóng cây thảm cỏ, cảnh sắc ngậm nắng vàng như mật.

Khí hậu nhiệt đới ven đường xích đạo tương đương Việt Nam, tuy nhiên, Cuba ít mang đặc trưng của khí hậu lục địa, biển Caribe, vịnh Mexico và Đại Tây Dương hào phóng đã ôm chứa quốc đảo, phả vào những cơn gió đại dương khiến Cuba luôn mát mẻ.

Đổi lại, Cuba cũng là nơi đón bão của châu Mỹ khi nằm trên đường đi lối lại của chúng nên phải gánh chịu những hậu quả bất kỳ.

Chúng tôi đến thăm một ngôi làng Cuba nhưng từ lâu đã mang màu sắc văn hóa Việt Nam. Cái tên của nó cũng mang tên Việt Nam: Làng Bến Tre.

Làng được xây dựng kiểu mô hình hợp tác xã với những nông trang tập thể. Tôi đã nhìn thấy những chiếc máy kéo, những khu chăn nuôi và những người dân làm những việc của tập thể một cách tự nguyện vui vẻ như làm việc nhà mình.

Tôi không biết họ có áp dụng mô hình chấm công điểm như hợp tác xã của ta xưa kia hay không nhưng mọi thứ có vẻ bình ổn và yên bình.

Ở đây vẫn tồn tại những nơi tương tự như các cửa hàng mậu dịch thời bao cấp tại Việt Nam, người dân xếp hàng để nhận tiêu chuẩn hàng tháng do nhà nước phân phát. Bên cạnh đó vẫn có một “thị trường tự do” là một vài cửa hàng không khác nhiều so với các cửa hàng tự chọn ở ta, gắn đèn LED màu khá đẹp đẽ và bắt mắt. Một nhóm khách trong đoàn chúng tôi đã vào một cửa hàng mua một số sản phẩm, nhưng thời gian chờ thanh toán rất lâu, phải thật kiên nhẫn mới có thể kết thúc quá trình mua bán gian truân này.

Kinh tế tập trung và bóng ma cấm vận

Dưới thời Tổng thống Donald Trump cấm vận của Mỹ với Cuba tăng gấp 20 lần.

Trong tình trạng khan hiếm tiền mặt, Cuba đã thương thảo để được trả bằng hiện vật. Chẳng hạn như món nợ với Cộng hòa Séc đã được đề xuất trả bằng rượu rum, một loại rượu Madein Cuba được nấu từ mía đường. Thế nhưng Séc không đồng ý với đề xuất này, bởi nếu quy ra rượu thì dân Séc phải uống rượu rum suốt 15 năm mới hết.

Hàng hóa nói chung là khan hiếm. Một số cửa hàng, kệ trống trải, có những mặt hàng thiết yếu hết một thời gian lâu lâu, có khi hàng tháng trời mới có trở lại.

Và nói chung người dân cũng không có nhiều tiền để mua sắm thoải mái, bởi giá của nó so với giá mua phân phối thường cao hơn hàng chục lần.

Ở Cuba hầu như không xuất hiện các hàng quán bán đồ ăn. Bạn sẽ ăn tại khách sạn nơi đăng kí lưu trú.

Khách du lịch trước khi được cấp visa vào Cuba cũng phải chứng minh được nơi sẽ ở khi đến đây, tức là phải đặt phòng khách sạn trước khi xin visa, sau đó là mua vé máy bay.

Từ Việt Nam bay tới Cuba bắt buộc phải quá cảnh, hoặc qua Pháp, qua Canada là hai hướng chính.

Các tour du lịch đến Cuba thường ghép các điểm này thành torur với giá khá đắt đỏ, tầm 170 triệu đồng, chủ yếu bởi chi phí cho vé máy bay khứ hồi đã khá nhiều, tầm bốn mươi triệu cho một lần bay.

Trước chuyến đi tới Cuba, chúng tôi được khuyên mang đầy đủ tư trang và vật dụng sinh hoạt cá nhân, bởi ở Cuba bạn sẽ rất khó khăn để mua một chiếc bàn chải đánh răng, một tuýp thuốc đánh răng, một chiếc khăn mặt hay những vật dụng tương tự khác. Hoặc nếu có thì giá cũng khá đắt đỏ.

Dầu lửa và khí đốt rất khó để vào được Cuba, dù phía những người bạn đồng hành cùng Cuba trong những năm chiến tranh vẫn luôn thịnh tình và sẵn lòng với đất nước này.

Tôi đã gặp một số du học sinh Việt Nam tại Cuba. Nga, một sinh viên đang theo học Y khoa tại đây cho biết, mỗi ngày các em chỉ được cấp một chậu nước tắm, và điện thắp sáng trong kí túc xá chỉ được đến 8 giờ tối mà thôi.

Có những hàng rào chắn hữu hình và có cả những hàng rào chắn vô hình. Ít nhiều cách biệt với thế giới. Những khoản nợ của Cuba với các nước trước đây vẫn là một gánh nặng với Cuba. Có những nước đã xóa nợ cho Cuba phần lớn như Nga, hay Việt Nam, nhưng cũng còn những món nợ phải trả.

Hiện Cuba vẫn đang trong quá trình thương thảo về phương thức trả nợ với các nước, và đó cũng là điều kiện để đất nước này tham gia lại vào một số tổ chức thế giới vốn trống tên từ lâu.

Một thế giới khác

Bảo Cuba là vùng lõm của thế giới hiện nay cũng đúng, nhưng đó cũng có thể là hệ quả tất yếu từ lựa chọn của thể chế chính trị, của con đường đất nước ấy đã đi.

Chỉ biết rằng, Cuba hiện nay như một phần khác biệt của thế giới, hoặc Cuba đã tồn tại bằng chính sự khác biệt ấy. Tôi không biết.

Thôi thì hãy cứ làm một du khách để ghi nhận một cách khách quan những khác biệt như những trải nghiệm đặc biệt của mình.

Ở Cuba có hai đồng tiền lưu hành song song, một cho dân bản địa là đồng Peso và một cho khách nước ngoài là đồng CUC. Vì “ghét” Mỹ mà ở đây không tính theo đô la mà quy ra một loại tiền có giá trị tương đô la.

Theo quy định thì 1 CUC sẽ tương đương 1 USD, thế nhưng để đổi USD ra CUC mà tiêu cho hợp pháp thì lại phải mất một khoản phí.

Việc đổi đô la ra tiền CUC tại khách sạn bạn phải trình hộ chiếu và đổi với mức phí khá cao, tầm 20%. Hôm đầu tôi thử đổi 20 USD và được nhận về 17,25 CUC. Hôm sau thì cánh truyền hình lọc lõi kinh nghiệm đi nước ngoài chỉ cho tôi ra đổi “chợ đen” của cánh tài xế ngay bên hông khách sạn với tỉ lệ 1:1 cực kì dễ chịu, lại chẳng phải nhì nhằng hộ chiếu với xếp hàng.

Vì có chợ đen nên một số nơi cũng nhận tiền đô, nhất là cánh tài xế, còn lại mọi mua bán giao dịch công khai bạn đều phải trả bằng CUC.

Những chiếc thẻ Internet dùng để vào mạng ở Cuba được bán với giá 2 CUC.

Hôm ấy, từ pháo đài El Morro đến quán bia ven biển khoảng cách gần chục cây số mà tài xế chỉ đòi 5 CUC. Hí hửng vì được đi giá rẻ, nhưng vừa nhìn chiếc xe chúng tôi đã hiểu ngay mức giá chủ xe đưa ra, dưới màu sơn tươi tắn màu xanh lam là một vỏ xe ọp ẹp tưởng như chỉ một va chạm nhẹ cũng có thể vỡ ra được. Khi chui vào trong xe thì đó quả thực là một chiếc chuồng gà di động. Nhưng với người lái xe thì đó là cả một tài sản nuôi sống gia đình anh.

Internet là câu chuyện được quan tâm nhiều nhất với các du khách. Việc đi công tác miền núi hay vùng sâu vùng xa của Việt Nam còn dễ chịu hơn nhiều so với việc xuất ngoại sang bên kia trái đất.

Bạn chỉ có thể mua những thẻ cào để vào mạng với giá khá rất đắt đỏ. Chúng tôi ở khách sạn 5 sao, có wifi, thế nhưng thứ ở Việt Nam chỉ cần một nhà nghỉ rẻ tiền và nhiều nơi khác cũng miễn phí thì ở đây bạn phải mua các thẻ cào với giá 2 CUC để sử dụng trong thời hạn một tiếng. Có nghĩa là để có một tiếng vào mạng bạn phải trả tầm 60 nghìn đồng.

Gọi là một tiếng nhưng nếu bạn dùng dung lượng nhiều một chút thì có thể xài đến phút 30 đã hết rồi. Bởi thế, trong 4 ngày ở La Habana, hai anh bạn làm truyền hình trong đoàn chúng tôi đã xài tới 60 chiếc thẻ wifi. Tính ra 120 CUC, quy đổi ra tiền Việt hết đến 3 triệu đồng.

Ngoài ô tô, người dân Cuba di chuyển chủ yếu bằng xe bus. Xe máy rất ít, và đó thực sự là những tài sản lớn. Tôi không nghĩ là xe máy quá đắt đỏ, vấn đề là xăng dầu ở đây giá rất cao, tính ra tầm 40 nghìn đồng 1 lít, vì thế giá vận tải cũng đắt đỏ theo.

Từ chỗ chúng tôi ở ngoắc xe chạy lên phố cổ, nếu biết mặc cả thì tốn 20 CUC cho quãng đường dăm cây số, quy ra tiền Việt cỡ 500 nghìn đồng. Dạo phố một chút xong đi về cũng chừng ấy tiền.

Rẻ nhất là taxi, còn nếu bạn chịu chơi, chọn ngồi xe cổ đẹp hay mui trần thì sẽ phải trả tầm 30 CUC. Chúng tôi đã từng đi loại xe này và khá xót tiền.

Một điều đáng nói là, với khách nước ngoài thì giá cả đắt đỏ vậy, nhưng với người dân Cuba, những người tiêu đồng Peso thì mọi thứ dễ chịu hơn rất nhiều, vì ở Cuba, 1 Peso được coi tương đương… 1 CUC.

Bởi vậy, khách nước ngoài thường thuê hoặc mua lại hàng hóa và dịch vụ theo suất của người dân bản địa.

Một khách du lịch đã tính ra rằng, nếu như họ mua cua biển bằng đồng CUC thì cùng số tiền ấy chỉ được một con, nhưng nếu nhờ qua người dân bản địa thì sẽ mua được tới… 12 con.

Tất nhiên, bạn sẽ phải trả cho người “thuê mua” một khoản phí chênh lệch nhất định. Cũng bởi thế, người Cuba hay được thuê đứng tên các dịch vụ để lách luật cho rẻ.

Một bến xe bus tại La Habana.

Bỏ qua những điều “lạ lùng” vừa nói thì ở Cuba vẫn có một thứ mà vị khách nào khi đặt chân đến đất nước này đều dễ dàng cảm thấy. Đó là sự bình yên. Thứ mà nhiều quốc gia giàu có khác luôn hướng tới và mong đạt được nhưng đôi khi lại chẳng như mong muốn.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhung-ghi-chep-tu-ben-kia-trai-dat-duong-khong-con-ngot-lim-d263068.html