Những gã 'khùng' tạo hồn phố núi

Đà Lạt bước vào tuổi 125 với dáng vóc của một sơn nữ xuân sắc bậc nhất cả nước. Thế nhưng thật kỳ lạ, người khám phá ra nàng thơ Đà Lạt và không ít nhân vật ghi dấu ấn ở thành phố đẹp như một bài thơ này lại có cái gì đó 'điên điên', khác người.

Dũng "khùng" bên tác phẩm được chế tác bằng đất đỏ bazan

Dũng "khùng" bên tác phẩm được chế tác bằng đất đỏ bazan

Bác sĩ có máu hiệp sĩ khám phá ra Ðà Lạt

Đà Lạt đang tưng bừng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 125 năm kể từ ngày bác sĩ Alexandre Yersin thám hiểm cao nguyên Lang Bian, để từ đó xây dựng nên thành phố nghỉ dưỡng số một Việt Nam. Riêng nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh (ngoài 70 tuổi) lại tri ân người khám phá ra miền đất này theo cách khác. Ông âm thầm thu thập tài liệu và tái bản cuốn “Đà Lạt năm xưa”, trong đó có nhiều trang viết tâm huyết về tiểu sử của BS Yersin và hành trình khám phá cao nguyên Lang Bian.

Nhà Đà Lạt học đã sưu tầm được nhiều tài liệu trong và ngoài nước về BS.Yersin. Ông cho biết, Alexandre Yersin sinh năm 1863 ở Thụy Sĩ, từng học ở Đức, nhập quốc tịch Pháp và lấy bằng Tiến sĩ với luận án y khoa xuất sắc ở Pháp. Khi mới 23 tuổi, Yersin được nhận vào làm việc tại Viện Pasteur (Paris) và cộng tác với BS Roux tìm ra độc tố của vi khuẩn bệnh bạch cầu. Đang là nhà khoa học trẻ đầy triển vọng, được giới y học quốc tế quan tâm, BS Yersin đột ngột ngừng việc nghiên cứu để dấn thân vào những cuộc thám hiểm gian nguy, trắc trở.

Chàng trai 27 tuổi rời nước Pháp đến Đông Dương để khám phá những vùng đất hiểm trở hoang vu, mở đầu một quãng đời khác thường kéo dài hơn 50 năm. BS Yersin tự tổ chức những chuyến thám du ở Philippines và Việt Nam, đặc biệt là khám phá dải rừng núi bí hiểm dọc theo dãy Trường Sơn, nơi sinh sống của những cộng đồng người thiểu số không chịu khuất phục triều đình.

Tháng 6/1893, được sự ủy thác của Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan, BS Yersin tổ chức đoàn thám hiểm với nhiệm vụ xác định hướng để mở các tuyến đường. Đoàn thám hiểm theo đường bộ từ Biên Hòa ra Đồng Nai, lên Di Linh rồi khám phá Cao nguyên Lang Bian. “Vừa bước ra khỏi rừng thông, ấn tượng của tôi thật sâu sắc khi đứng trước một vùng cao nguyên mênh mông, hoang vu và trơ trụi, gợi nhớ lại cảnh biển động vì một đợt sóng khổng lồ màu xanh dâng lên. Núi Lang Bian sừng sững ở chân trời phía Tây Bắc cao nguyên, làm tăng thêm vẻ đẹp của cảnh quan và tạo nên một hậu cảnh tuyệt mỹ… Những đàn nai lớn cho phép đến gần khoảng 100m rồi vụt bỏ chạy ra xa ngoái đầu nhìn lại một cách tò mò”, ông Tranh say sưa đọc một số đoạn trích từ hồi ký của BS Yersin.

Trên đường xuống núi để trở về xuôi, BS Yersin chạm trán với toán cướp hơn 30 tên được trang bị súng và gươm giáo do Thouk cầm đầu. Toán người này vốn là tù nhân ở Bình Thuận đã nổi loạn, giết quan giám sát rồi trốn vào rừng làm lục lâm thảo khấu. Trong lúc đuổi theo toán cướp để bắt kẻ cầm đầu làm tù binh, nhà thám hiểm có máu hiệp sĩ bị một mũi giáo đâm vào ngực, vỡ xương mác chân phải và bị chặt đứt nửa ngón cái của bàn tay trái. BS Yersin được đưa lên võng khiêng về Phan Rang. Trên đường đi, nhóm người khiêng nhà thám hiểm bị lọt vào giữa một đàn voi. Các phu khiêng võng hoảng sợ tháo chạy, bỏ BS Yersin nằm lại giữa đường nhưng chàng trai may mắn không bị voi giẫm.

MPK tại triển lãm hoa Mai anh đào của mình

Tác phẩm "Yêu" của MPK

Ảnh "Mai anh đào" của MPK

Bức ảnh "Mầm" của MPK

Phước “khùng”-“kỳ quan” của Ðà Lạt

Anh tên là Nguyễn Văn Phước, nghệ danh MPK nhưng mọi người thường gọi bằng tên thân mật: Phước “khùng”. Sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng Phước bỏ nhà đi lang thang, lăn lộn kiếm sống từ năm 13 tuổi, do đó những người quen biết cho rằng anh bị khùng. Bước vào tuổi thanh niên rồi trung niên, anh càng “khùng” hơn với tóc xõa ngang vai, râu ria lởm chởm, dẫu đông hay hè cũng chỉ có chiếc áo cánh phong phanh, ngả màu sương gió, vai khoác ba lô sờn cũ và chiếc máy ảnh cũng cũ mèm.

Hàng ngày anh đi bộ lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm để “săn” những khoảnh khắc đẹp của hoa lá, cỏ dại, sương mù và những khoảnh khắc mong manh khác của đất trời Đà Lạt. Với tay nghề “ma thuật” của anh, chỉ một chiếc lá, chồi cây, nhụy hoa, giọt sương, giọt nhựa thông hay ánh mắt côn trùng cũng trở thành chủ đề cho một bộ sưu tập ảnh ấn tượng.

Tôi từng được mời dự triển lãm của MPK nhân dịp Lễ hội hoa anh đào đầu tiên của Đà Lạt. Cứ ngỡ được xem những bức ảnh đẹp về loài hoa đặc trưng của Đà Lạt nên chúng tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi anh trưng ra bộ ảnh 81 bức toàn chụp về lá mai anh đào với chủ đề “Chuyển”. Anh kể đã “rình” chụp những bức ảnh này trong suốt 2 năm.

“Chiếc lá mai anh đào tuy nhỏ nhưng nhựa sống tràn trề và luôn chuyển động. Từng tế bào trong chiếc lá cũng liên tục chuyển đổi để lá chuyển màu theo dòng thời gian, từ màu xanh, chuyển dần sang màu vàng hoặc vàng úa”, anh hào hứng nói. “Độc” và lạ chưa từng có”, một khán giả trầm trồ. “Một số bức ảnh lộ rõ từng gân lá tràn đầy nhựa sống bên trong mà mắt thường khó nhìn thấy được”. “Bức ảnh chộp khoảnh khắc chiếc lá lìa cành rơi rơi trong gió thật lãng mạn”, một số người khác xuýt xoa.

Dịp kỷ niệm Đà Lạt 120 năm tuổi, anh triển lãm 120 bức ảnh khổ lớn (50 cm x 200 cm) khắc họa những khoảnh khắc huyễn hoặc mây vờn quanh đỉnh núi Lang Biang (một biểu tượng của Đà Lạt). Điều đặc biệt là toàn bộ số ảnh này, MPK chụp ở cùng một vị trí (căn gác xép), cùng góc máy nhưng mỗi tác phẩm có màu màu sắc và những nét tĩnh, động khác nhau. Chẳng thế mà người ta bảo anh là “phù thủy” ảnh.

Trả lời câu hỏi vì sao đã có máy kỹ thuật số mà vẫn còn dùng chiếc máy cơ cũ mèm thế này, Phước cười bảo: “Những cảnh động với tần số phân giải màu thế này thì máy kỹ thuật số chụp không ra được”. Về chuyện “làm xiếc” với ánh sáng khi chụp ảnh, Phước nói: “Chủ yếu là do cảm nhận. Tôi có cảm nhận rất lạ”. Người trong nghề thì bảo do Phước mê đắm thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên, sự vật thế nào thì chụp thế ấy chứ không dàn dựng, chỉnh sửa.

Nhiều lúc thấy Phước nằm dài trên cỏ ướt chờ đợi để căn chụp những giọt sương, có người bảo “Cứ phun nước máy làm sương rồi chụp cho khỏe, việc gì phải đày đọa bản thân như thế?”. Anh cười đáp: “Nước máy đã bị đục rồi, còn sương trong trẻo, tinh khiết, tươi sáng lắm! Nhờ vậy mà sự phản màu của cảnh vật xung quanh vào sương mới êm dịu, tươi tắn”. Vì “cảm” nét đẹp tự nhiên ấy nên một tiến sĩ ở Đại học Columbia (Mỹ) đã đưa ảnh của Phước vào giáo trình giảng dạy với nhan đề: “MPK - người vẽ bằng ánh sáng”.

Lắm lúc những người xem triển lãm muốn mua ảnh nhưng anh không bán. Khi được khuyên nên tham gia các cuộc thi ảnh, anh cũng lắc đầu quầy quậy. Phước bảo rất sợ cái danh, cái lợi làm méo mó vẻ đẹp chân thực. Anh tâm sự chụp ảnh nghệ thuật nhằm lưu giữ cái đẹp của thiên nhiên; mang ra trưng bày để “khoe” với mọi người và để giúp người xem cảm thấy bình an, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống hơn.

Trả lời câu hỏi: “Chảnh” thế này thì lấy tiền đâu mà mở tới gần 40 triển lãm ảnh?”. Anh đáp hồn nhiên: Thảng hoặc cũng có người tìm mình nhờ chụp ảnh cưới, chụp khu nghỉ mát để quảng cáo... Mình chẳng mặc cả gì nhưng họ trả công hậu hĩnh. Có tiền mà “mần” triển lãm ngay để nhiều người ngắm cho sướng.

Một số bạn bè thân thiết của anh tiết lộ: Mỗi khi nhắc đến Phước, bạn hữu đều gọi thằng “khùng” nhưng ai nấy đều yêu mến cái tài và tâm tính hồn nhiên, chân thật của gã, do đó đã giúp Phước mở triển lãm, khi thì trong các khu du lịch nổi tiếng, lúc ở nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, không chỉ tại Đà Lạt mà còn ở nhiều tỉnh thành khác. Cứ thế mà nhiều người biết đến anh, yêu thích ảnh của anh. Từ một người “vô sản”, dần dà MPK trở thành “đặc sản” của Đà Lạt. Cứ nhắc đến phố núi là người ta nghĩ đến Phước “khùng”.

Núi Lang Bian sừng sững ở chân trời phía Tây Bắc cao nguyên, làm tăng thêm vẻ đẹp của cảnh quan và tạo nên một hậu cảnh tuyệt mỹ… Những đàn nai lớn cho phép đến gần khoảng 100m rồi vụt bỏ chạy ra xa ngoái đầu nhìn lại một cách tò mò”.
Trích hồi ký của
Bác sĩ Yersin

Dũng “khùng” tái tạo Ðà Lạt bằng đất sét

Năm 2007, doanh nhân Trịnh Bá Dũng cùng mấy người bạn từ TPHCM lên Đà Lạt thuê 15 ha đất ở hồ Tuyền Lâm và lập dự án xây dựng 100 biệt thự làm dịch vụ nghỉ dưỡng. Đến khi tìm hiểu thực tế mới vỡ lẽ đã có quá nhiều dự án xây biệt thự, khách sạn ven hồ. Đa số cổ đông nản lòng muốn bỏ dự án. Gia đình, bạn bè cũng khuyên như vậy nhưng Dũng không những không nghe mà còn mua lại toàn bộ cổ phần của họ. Chữ “khùng” gắn với tên anh từ đó.

“Lúc đó cũng thấy mình “khùng” vì muốn làm ăn hiệu quả thì phải thay đổi hạng mục đầu tư nhưng trong đầu chưa có ý tưởng gì. Liều lĩnh “ôm” toàn bộ dự án chỉ vì quá yêu Đà Lạt, mà Tuyền Lâm lại là nơi đẹp nhất”, anh tâm sự. Đang lúc bế tắc, một người bạn từ TPHCM lên Đà Lạt chơi, khi dạo ven hồ Tuyền Lâm, chợt thốt lên: “Làm nhà bằng loại đất bazan đỏ tươi này chắc là đẹp lắm!”. Câu nói vu vơ ấy khiến Dũng “khùng” bừng tỉnh.

Anh tìm đến một số quốc gia có khí hậu và cảnh quan tương đồng với Đà Lạt để chiêm ngưỡng những công trình điêu khắc tiêu biểu của thế giới, sau đó tìm kiếm, thu thập thông tin từ các nhà khoa học và qua sách vở, internet về việc cứng hóa đất. Sau 2 năm khổ công thử nghiệm, anh đã có công thức nén vữa đất, bột đá (cùng một số phụ gia) thành một loại vật liệu không cần nung nhưng có độ rắn chẳng thua gì gạch nung, vừa đảm bảo độ bền vừa giữ được màu đất đỏ bazan tươi rói trước những tác động, biến đổi khôn lường của thời tiết, trong khi chi phí lại thấp hơn 4 - 5 lần.

Dũng dùng loại vật liệu tự tạo này xây hai ngôi nhà xinh xắn, ngay cả cột, kèo và mái đều làm bằng đất. Các tác phẩm nghệ thuật trang trí nội thất và vật dụng sinh hoạt trong nhà như giường, tủ, bàn, ghế, lò sưởi, ấm nấu nước, chậu rửa mặt… cũng từ đất mà ra và đều sử dụng tốt. Trên mái nhà đỏ au màu đất, Dũng “khùng” cho khắc nổi bản đồ Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngôi nhà độc đáo này đã đạt kỷ lục Guinness Việt Nam.

Sau thử nghiệm thành công nói trên, Dũng “Khùng” táo bạo cho đào khoét hàng chục ngàn khối đất đỏ bazan trên một ngọn đồi để có đường hầm lộ thiên dài 1,2km rồi biến loại đất đỏ này thành vật liệu để điêu khắc công trình đồ sộ có thể khái quát lịch sử hình thành và phát triển Đà Lạt từ thuở ban sơ đến nay.

Hàng trăm nghệ nhân, họa sĩ, kỹ sư, công nhân lành nghề và cả những chú robot tự chế đã dầm mưa dãi nắng làm việc nhiều năm để tạo tác hàng trăm tác phẩm nghệ thuật cầu kỳ, tinh xảo và sống động trong đường hầm, tạo thành một khối điêu khắc đồ sộ nhưng không bị cứng hóa mà ngược lại, thanh thoát, mềm mại uyển chuyển.

Đường hầm điêu khắc hội tụ nhiều công trình vốn là tinh hoa văn hóa, nghệ thuật, phong cảnh, kiến trúc, tôn giáo, lịch sử của Đà Lạt. Từ khu rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ, dòng suối, muông thú và những ngôi nhà sàn của người K’Ho, cư dân sinh sống lâu đời ở Đà Lạt đến những công trình kiến trúc Pháp độc đáo nổi tiếng thế giới như nhà thờ Con gà, Ga Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm... Kể cả những phương tiện giao thông cổ làm nên hồn cốt của phố núi như đầu máy xe lửa hơi nước, xe thổ mộ, xe hơi cổ, vespa cổ. Công trình đột phá về mặt ý tưởng và chất liệu này đã đoạt giải thưởng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và kỷ lục Guinness Việt.

Đường hầm điêu khắc giờ đã là một trong những khu du lịch nổi tiếng bậc nhất ở Đà Lạt và cha đẻ của nó cũng chết luôn với cái tên Dũng “khùng”. Tuy nhiên anh vẫn cảm thấy vui vì đã thắng trong cuộc “cá cược” lớn của đời mình.

Dũng “Khùng” táo bạo cho đào khoét hàng chục ngàn khối đất đỏ bazan trên một ngọn đồi để có đường hầm lộ thiên dài 1,2km rồi biến loại đất đỏ này thành vật liệu để điêu khắc công trình đồ sộ có thể khái quát lịch sử hình thành và phát triển Đà Lạt từ thuở ban sơ đến nay.

Từ kết quả thám sát và những lời đề xuất tâm huyết của BS Yersin, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đích thân cùng nhà thám hiểm đi khảo sát cao nguyên Lang Bian. Tiếp đó, Toàn quyền cho tiến hành một số chuyến khảo sát và nghiên cứu nữa rồi quyết định chọn vùng đất với độ cao trung bình 1.500m, địa hình đồi núi ngoạn mục này làm nơi nghỉ dưỡng cho người Âu châu. Kể từ đó Đà Lạt dần được kiến tạo như một đô thị sinh thái – “phố trong rừng” mát lành giữa xứ Đông Dương nhiệt đới.

Các triển lãm của Phước “khùng” thu hút rất đông người xem bởi vẫn luôn gắn với các tiêu chí “điên”, đẹp, độc và lạ. Ngay cả chủ đề của các bộ ảnh cũng chẳng giống ai, nào là “Ứa”, “Mầm”, “Nhụy”, “Yêu”, “Café”, rồi thì “Hoa dại”, “Mắt côn trùng”, “Tiến trình tâm thức”…

Dinh thự cổ được điêu khắc tại Đường hầm lộ thiên

Dinh thự cổ được điêu khắc tại Đường hầm lộ thiên

Kim Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhung-ga-khung-tao-hon-pho-nui-1367702.tpo