Những đường ngang 'gieo' tội ác

Trưa 1-8, người đàn ông có tên Nam, 46 tuổi, trú huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, điều khiển xe máy đi từ làng Triều Sơn Tây, TP Huế, qua đường sắt hướng ra QL 1. Anh Nam bị tàu hỏa SE1 di chuyển theo hướng Bắc - Nam tông phải. Địa điểm xảy ra vụ tai nạn là đoạn đường ngang dân sinh chỉ có biển báo, không có chuông cảnh báo.

Trước đó, sáng 28-7, bà Nguyễn Thị Huệ, 61 tuổi, trú xã huyện Hà Trung – mẹ của ca sĩ Châu Việt Cường, điều khiển xe đạp đi nhặt ve chai. Lúc băng qua đường dân sinh giao cắt với đường sắt không có rào chắn ở thị trấn Hà Trung, do thiếu quan sát, bà Huệ bất ngờ bị tàu hỏa đâm dẫn đến tử vong. Tiếp đó, ngày 31-7, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy tại đường giao dân sinh gần ga Sông Lòng Sông thuộc xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Khi đó, trên tàu SE 27 chạy từ Đà Nẵng vào Sài Gòn khi đến đoạn đường trên đã tông vào xe trung chuyển 16 chỗ của nhà xe Đông Hưng. Vụ tai nạn đã làm 3 nạn nhân tử vong và 1 người bị thương được đưa đi cấp cứu. Những nhân chứng tại hiện trường cho biết lỗi do tài xế xe trung chuyển không quan sát khi băng qua đường giao cắt dân sinh dẫn đến tai nạn.

Các ví dụ trên chỉ là một trong số ít các vụ tai nạn xảy ra. Cả nước hiện có hơn 4.000 lối đi dân sinh tự mở và 45% vụ TNGT đường sắt đều liên quan đến đường ngang trái phép này. Hà Nội là một trong những địa phương có mạng lưới đường sắt lớn nhất cả nước với chiều dài khoảng 160 km, trong đó có năm tuyến hướng tâm, một tuyến vành đai phía Tây. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực khắc phục nhưng vẫn xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc như trên.

Luận ra, Luật Đường sắt năm 2017 và Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt của Chính phủ đã phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong việc đảm bảo ATGT đường sắt. Cụ thể, việc đảm bảo ATGT chung và an toàn giao thông tại các đường ngang hợp pháp là trách nhiệm của ngành đường sắt, còn việc đảm bảo ATGT tại các lối đi tự mở thì thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nghị định cũng phân định rõ từ nay đến năm 2020 phải hoàn thành việc củng cố hồ sơ, phân loại đối với toàn bộ lối đi tự mở, từ lối đi tự mở công cộng, lối đi vào một hộ dân và lối đi tự mở là vị trí nguy hiểm. Cùng với việc phân loại, cũng phải giảm dần và xóa bỏ dần lối đi tự mở tại các vị trí nguy hiểm.

Như vậy, tai nạn xảy ra bắt nguồn từ lối đi dân sinh tự mở nhưng sự phối hợp giữa các Cty quản lý đường sắt với ngành chức năng và chính quyền địa phương ở một số xã, phường, thị trấn chưa tốt, mang tính hình thức. Đó là lý do chậm trễ trong việc xây dựng hệ thống đường gom, lắp đặp chuông đèn cảnh báo, ba-ri-e tự động, rà soát, phát hiện, xử lý các điểm mở lối đi tự phát.

Với mục tiêu của ngành đường sắt đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ đường ngang bất hợp pháp, hy vọng sẽ có thể kéo giảm TNGT đường sắt.

Trước mắt, ngoài việc người tham gia giao thông phải tự nâng cao ý thức, tự bảo vệ mình thì việc làm cần thiết là đẩy mạnh trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với việc bảo vệ an toàn hành lang giao thông đường sắt, nhất là ở những đường ngang tự mở. Thiết nghĩa, nếu chính quyền cơ sở buông lỏng, cần phải có chế tài nghiêm.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-duong-ngang-gieo-toi-ac-157624.html