Những đứa trẻ vượt ngàn

Từ một câu chuyện so sánh về đạo đức cán bộ cao cấp xưa và nay mà tôi được biết thêm những năm bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ đã từng có sự kiện con em cán bộ cấp cao bị trúng bom chết hết (khoảng năm 1965 hoặc 1966 theo trí nhớ của chị Hà).

Chiều qua, chị gọi điện muốn gặp tôi. Chị bảo, chuyến đi vào Tây Nguyên mà chị đã gửi giấy mời tôi tham gia cùng đã chuẩn bị xong hết rồi. (hai tấn thuốc men, thực phẩm và 500 phần quà dành cho đồng bào nghèo huyện Đức Cơ). Tôi không tham gia được vì công việc và sức khỏe không cho phép đi liên tục cả tuần liền.

Chị lại bảo, bận thế nhưng không hiểu sao chị rất muốn gặp em, không gặp được em trước khi chị vào Tây Nguyên là chị không yên tâm. Không phải vì chị muốn tặng cuốn sách của gia đình (sách của cụ Lê Duẩn viết) với lời đề tặng đầy yêu thương cho tôi mà vì chị muốn gặp tôi, rất khó lý giải.

Thế là hai chị em nói chuyện trên trời dưới bể với nhau. Nói cả về những khác biệt mà lứa các anh chị là con cái của cán bộ cấp cao của chính phủ VN khi xưa hiếm người theo nghiệp chính trị như ông cha họ. Vì, thế hệ ấy, cụ Duẩn, cụ Tôn, cụ Linh, cụ Giáp, cụ Mười, cụ Phan Anh, cụ Nguyễn Duy Trinh, cụ Phạm Văn Đồng, cụ Đồng Sỹ Nguyên thường chủ ý cho con cái theo con đường khoa học, hay làm kinh tế mà thôi.

Rồi chị bật khóc hỏi, em ơi sao bây giờ cán bộ như cậu Hữu Linh biến thái quá vậy? Chị nhớ hồi năm 1965 (hoặc 1966) chị mới 10 tuổi, đang ở căn cứ cách mạng với ba chị ở Quảng Bình thì ba chị bảo Hà phải ra Bắc, ra chỗ bác Duẩn để đi học ngoài đó. Hà Nội với một cô bé 10 tuổi đó là một nơi xa lắc như ở nước ngoài. Đến phút chót hai ba con chia tay nhau, chị vẫn khóc ầm lên “Con không đi đâu, cho con ở lại với ba thôi”. Nhưng ba chị quả quyết rời xa con gái, không ngoái đầu nhìn lại dù chỉ nhìn theo chị một lần. Sau này chị mới biết, ba chị làm như vậy vì sợ không kìm được phút yếu lòng thì không thể đưa chị ra khỏi nơi căn cứ nguy hiểm mà về tới Hà Nội được. Cũng sau này chị mới biết lẽ ra chị nằm trong danh sách con em cán bộ đưa ra Bắc học tập cùng đợt với nhiều anh chị khác nhưng vì chị không chịu đi nên ba chị đã định không cho chị đi nữa. Vì thế chị là đứa trẻ rời căn cứ gần như cuối cùng, phải đi một mình với một tay nải khoác trên vai cùng lời căn dặn “Con sẽ phải đi bộ, cứ mệt là nghỉ, đói thì ghé vào nhà dân xin ăn, tối ngủ ở nhà dân. Con sẽ phải đi bộ chừng hai tháng mới tới nơi đấy. Vì các bạn đã được xe chở ra Bắc cách đây vài hôm rồi”. Chị tạm biệt ba, nước mắt lưng tròng.

Cứ thế chị đi, có lúc gặp dân, có lúc gặp bộ đội. Nhưng ngày đó không ai có biểu hiện sàm sỡ bé gái một mình đi bộ từ Quảng Bình ra Bắc cả. Chị nhớ lại mọi người thời đó thân thiện và hiền lành vô cùng.

Cuối cùng thì sau 3 tháng chị mới về tới Hà Nam. Huyện đội Đồng Văn bữa đó xuất hiện một cô bé đầu tóc rối bù, quần áo rách tả tơi, đen nhẻm và lem luốc. Cái tay nải của chị biến mất lúc nào không rõ. Một chú cán bộ làm theo tờ giấy chị giữ kỹ từ hồi còn ở Quảng Bình, đưa chị về đúng số 6 Hoàng Diệu hết đúng một ngày, một đêm. Hồi đó phương tiện đi lại khó khăn, chỉ có cách đi bộ.

Khi vào tới số 6 Hoàng Diệu, vợ bác Ba Duẩn không nhận ra chị. Chỉ đến khi chị bật khóc gọi mợ ơi, con đây, Hà đây thì hai mợ con mới nhận ra nhau cùng khóc òa. Người cán bộ ở huyện đội Đồng Văn giao chị cho cụ Ba Duẩn xong thì quay về ngay.

Một thời gian sau chị mới biết một việc vô cùng đau lòng. Mẹ chị ở K9 Đá Chông khi biết Ba chị để chị một mình ra Bắc đã lo lắng, khóc cạn nước mắt. Mẹ chị đã tưởng chị chết cùng với các anh chị con em cán bộ vì đinh ninh chị đi cùng xe các anh chị đó rồi (Ba xe chở các bạn rời khỏi Quảng Bình trước chị vài ngày như đã kể ở trên, đau xót thay, đã bị trúng bom Mỹ chết hết không còn ai). Hồi ấy, các cán bộ cao cấp có con bị trúng bom chết ở Hà Tĩnh đều phải nén nỗi đau mà lao vào công việc cách mạng. Chỉ những lúc hiếm hoi vào buổi đêm nhớ con thì các bà mẹ mới dám để nước mắt chảy ra.

Cho đến bây giờ chị vẫn không lý giải nổi số phận. Vì rõ ràng nếu ba không chiều chị để chị ở lại căn cứ vài hôm mà buộc chị phải đi cùng mọi người theo đúng lịch trình thì có lẽ chị cũng không còn sống để kể cho tôi câu chuyện này.

Tôi là người xuất thân từ một gia đình có thể khẳng định chẳng liên quan đến chính trị nhưng tôi được số phận may mắn sắp đặt cho được quen biết với con cái của cụ Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Đồng Sỹ Nguyên, Phan Anh - người thân, người sơ... nên cũng hay được kiểm chứng vài sự kiện đặc biệt trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Từ một câu chuyện so sánh về đạo đức cán bộ cao cấp xưa và nay mà tôi được biết thêm những năm bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ đã từng có sự kiện con em cán bộ cấp cao bị trúng bom chết hết (khoảng năm 1965 hoặc 1966 theo trí nhớ của chị Hà).

Quả thật, các vị tiền bối của CHXHCNVN đã phải hy sinh vì tổ quốc nhiều quá. Có ai còn nhớ những hy sinh đau đớn của họ không? Có ai biết về sự kiện này?

Thủy Hướng Dương

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-dua-tre-vuot-ngan-68497