Những đứa trẻ sống trong bong bóng

Hệ miễn dịch của cơ thể được ví như rào chắn trước những 'kẻ ngoại xâm' như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hay nấm. Tuy nhiên, có những đứa trẻ đã phải sống trong bong bóng từ lúc ra đời với một hệ miễn dịch không hoạt động.

Một môi trường vô trùng giúp bảo toàn tính mạng vì mọi nhiễm khuẩn thông thường nhất đều gây nguy hiểm chết người. Phương pháp cấy ghép tủy là cách chữa trị duy nhất cho căn bệnh miễn dịch này. Tuy nhiên, gần đây các nhà khoa học cũng đã chứng minh rằng liệu pháp gen cũng có tính khả thi cao.

Hệ miễn dịch bất thường

“Những đứa trẻ bong bóng” là cụm từ ám chỉ hội chứng suy giảm miễn dịch tích hợp nguy kịch (SCID) - một căn bệnh di truyền xuất hiện với tỷ lệ 1/300.000 trẻ.

Thực chất, đây là một nhóm các rối loạn di truyền hiếm gặp, do đột biến gen adenosine deaminase (ADA) gây ra những bất thường lớn của hệ miễn dịch. ADA giữ vai trò quan trọng trong sự sản xuất và sống sót của các tế bào bạch cầu khỏe mạnh.

Có nhiều loại SCID cũng như các nguyên nhân di truyền khác nhau. Trẻ sơ sinh, đặc biệt là các bé trai, bị ảnh hưởng bởi các loại SCID khác nhau có nhiều điểm chung là tế bào bạch cầu trong hệ miễn dịch bị thiếu hoặc hoạt động không đúng cách.

Những đứa trẻ mắc SCID có vẻ ngoài khỏe mạnh nhưng cơ thể lại không có khả năng chống lại bất kỳ loại vi trùng nào, dù là yếu nhất. Nếu không được điều trị, bệnh nhi mắc SCID thường chết vì nhiễm trùng trước cả sinh nhật đầu tiên.

Trên thực tế, hội chứng SCID khiến các bệnh thông thường, chẳng hạn như ho và cảm lạnh, sẽ có vẻ nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn, đòi hỏi phải điều trị lặp đi lặp lại và kéo dài. Vi trùng trong môi trường không gây bệnh ở những người khỏe mạnh có thể gây ra bệnh nghiêm trọng và đe dọa tính mạng ở những đối tượng có SCID.

Chữa trị SCID bằng liệu pháp gen có thực sự an toàn và hiệu quả cả đời hay không?

Chữa trị SCID bằng liệu pháp gen có thực sự an toàn và hiệu quả cả đời hay không?

Vì vậy, những người bị mắc phải hội chứng này bắt buộc phải sống trong một môi trường hoàn toàn vô trùng, không được tiếp xúc với mọi thứ khi chưa được tiệt trùng.

Với những đứa trẻ, việc phải sống nhiều năm, thậm chí cả đời, trong những chiếc bong bóng làm bằng nhựa được vô trùng, thực sự là một nỗi khổ, khiến các em mất đi những giây phút quý giá và đẹp nhất của tuổi thơ.

Trường hợp SCID nổi tiếng nhất thế giới, và được coi là “di sản” đặt nền móng cho các nghiên cứu điều trị SCID sau này, mang tên David Vetter - “cậu bé trong bong bóng” của thập niên 70 ở Bệnh viện nhi Texas.

Suốt 12 năm, David Vetter đã thu hút sự chú ý của thế giới khi phải sống trong môi trường cách ly đặc biệt là những quả bóng vô trùng làm từ nhựa.

Kể từ lúc được đặt trong bong bóng khi mới lọt lòng năm 1971, David Vetter không thể có bất kỳ tiếp xúc trực tiếp nào với người khác bên ngoài. Tất cả mọi thứ cậu dùng bên trong căn phòng bong bóng đều phải được tiệt trùng.

Bởi lẽ, cậu có thể mất mạng ngay tức khắc nếu chạm vào bất cứ thứ gì ở thế giới bên ngoài, thậm chí việc thở trong không khí bình thường cũng dẫn đến tử vong. Các bong bóng này được cung cấp bởi Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), thậm chí NASA sau này còn sản xuất một bộ đồ không gian đặc biệt cho David Vetter khi đi bộ bên ngoài.

Ca bệnh của David Vetter lúc bấy giờ thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Vào thời điểm David Vetter ra đời, cấy ghép tủy xương từ một người hiến tặng phù hợp là phương cách chữa trị lâu dài duy nhất cho SCID. Tuy nhiên, năm 1984, bốn tháng sau khi cấy ghép tủy xương, David Vetter qua đời vì bệnh u lympho - một loại ung thư được đưa vào cơ thể cậu bé bởi virus Epstein Barr.

Tuy vậy, trường hợp cậu bé “chưa bao giờ chạm vào thế giới” trở thành một nghiên cứu y học vô cùng quý giá. Không lâu sau sự ra đi của David Vetter, Bệnh viện nhi Texas mở ra Trung tâm David chuyên nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị thiếu hụt miễn dịch.

Hiện nay, nhờ những công trình mà các y bác sĩ nghiên cứu để mong cứu sống David Vetter, những đứa trẻ mắc bệnh SCID hầu như đều được chữa khỏi và có một cuộc sống hoàn toàn khỏe mạnh mà không cần phải cách ly trong bong bóng.

Liệu pháp cứu mạng

Trên lý thuyết, SCID gây đột biến làm tủy xương không sản xuất tế bào bạch cầu, khiến cơ thể không thể chống lại các tác nhân gây bệnh bên ngoài vì không có hệ miễn dịch hoặc khả năng miễn dịch rất yếu. Từ trước tới nay, cách tốt nhất để trị SCID-XI (dạng phổ biến nhất của SCID) là ghép tủy của người thân cho bệnh nhân. Tuy nhiên, có đến 80% trường hợp không tìm được người hiến tủy phù hợp.

Quá trình cấy ghép cũng mang nhiều rủi ro, nhất là sự xuất hiện của virus mang mầm bệnh như Epstein Barr trong trường hợp của David Vetter. Ngoài ra, nếu dựa vào tế bào máu gốc của người hiến khác thì khả năng thành công thấp và nguy cơ biến chứng cao.

Trong bối cảnh này, giới nghiên cứu cho rằng liệu pháp gen có thể là giải pháp thay thế, với tiềm năng của liệu pháp gen tế bào gốc trong chữa trị SCID. Đầu tiên tế bào gốc tạo máu CD34+ của chính bệnh nhân được thu nhận và việc sửa chữa gen ADA được thực hiện trong phòng thí nghiệm.

Trường hợp cậu bé David Vetter “chưa bao giờ chạm vào thế giới” trở thành một nghiên cứu y học vô cùng quý giá với hội chứng SCID.

Sau đó, những tế bào gốc đã sửa chữa được ghép lại cho bệnh nhân. Liệu pháp này được đánh giá hiệu quả hơn ghép tủy, nhưng đòi hỏi bệnh nhân phải liên tục được cung cấp ADA thay thế trong khoảng thời gian nhất định, đồng thời phải theo dõi chặt chẽ định kỳ để xác định những thay đổi bất thường.

Một mối quan ngại được đưa ra là việc khi các chuyên gia lần đầu thử nghiệm liệu pháp gen 20 năm trước, hình thức này đã gây hậu quả không mong muốn lên các gen khác và một số bệnh nhân sau đó đã bị bệnh bạch cầu.

Vì vậy, liệu pháp gen mới đã được giới thiệu, với bản chất là tạo ra một virus đột biến được thiết kế để sửa chữa các khiếm khuyết di truyền gây nên SCID.

Để khắc phục nguy cơ đột biến, nhóm nghiên cứu cấy ghép chất cách điện xung quanh gen thay thế, ngăn chặn việc vô tình kích hoạt các gen lân cận, từ đó giúp phòng tránh bệnh bạch cầu vốn phát triển trong một phần tư số bệnh nhân trong các thử nghiệm điều trị bằng liệu pháp gen vào thời kỳ đầu ở châu Âu.

Trong quá trình tìm virus đột biến, các nhà nghiên cứu Mỹ đã táo bạo thử nghiệm sử dụng virus HIV để thay đổi cuộc chiến chống lại SCID.

Theo liệu pháp gen mới, họ thu thập tủy xương của bệnh nhi và “chỉnh sửa” phần gen lỗi ngay sau khi bé chào đời. Đoạn gen “đúng” sau đó được gắn vào một phiên bản đã được thay đổi của virus HIV - vốn ở trạng thái bình thường sẽ gây ra AIDS.

Rõ ràng, họ đã biến đổi thứ virus chết người trở thành đấng cứu tinh, khiến chúng không thể gây bệnh và nhờ những “cỗ xe siêu nhỏ” này đưa một loại gen bị thiếu vào cơ thể những đứa trẻ mắc hội chứng SCID theo đường tĩnh mạch.

Liệu pháp này không dẫn đến AIDS, mà giúp cơ thể tạo ra protein cần thiết để xây dựng hệ miễn dịch đầy đủ chức năng. Trước khi nhận gen “đúng”, bệnh nhi được cho uống thuốc diệt tủy để các tế bào biến đổi có chỗ trống phát triển.

Đáng ngạc nhiên, thử nghiệm trên 8 bệnh nhi từ 2 đến 14 tháng tuổi mắc SCID đã thành công. Hầu hết các bệnh nhi được xuất viện chỉ trong vòng 1 tháng, và hiện đang phát triển bình thường.

Trong vòng 6 đến 24 tháng sau điều trị, cơ thể của tất cả 8 bệnh nhi đều đang sản xuất những tế bào cần thiết để chống lại vi khuẩn, một số còn được tiêm chủng vaccine thành công.

Đây được coi là lần đầu tiên giới nghiên cứu có thể khôi phục các loại tế bào làm nên hệ miễn dịch khỏe mạnh ở con người. Công trình của các nhà khoa học Mỹ là bước tiến đáng kể trong công cuộc phát triển liệu pháp gen, tạo nên cơ sở vững chắc cho phương pháp chữa trị hội chứng “những đứa trẻ bong bóng”.

Nếu như các liệu pháp gen cũ mất hiệu quả trong vòng một năm kể từ ngày điều trị, thì với liệu pháp mới, tất cả bệnh nhi vẫn khỏe mạnh sau hai năm rưỡi theo dõi. Tình trạng nhiễm trùng dường như đã biến mất, đồng thời cũng không ghi nhận dấu hiệu ung thư máu.

Một số ý kiến cho rằng, liệu pháp gen vẫn còn mới mẻ và cần nhiều nghiên cứu để có thể ứng dụng chữa trị. Liệu pháp gen có thể chưa được đánh giá đầy đủ, vì đây là một liệu pháp rất mới và tác dụng phụ lâu dài chỉ xảy ra nhiều năm sau khi tiếp nhận điều trị.

Trong trường hợp SCID, dù có những tín hiệu khả quan thế nhưng vẫn cần phải theo dõi để xác định liệu pháp gen sử dụng virus HIV đã được biến đổi có thực sự an toàn và hiệu quả cả đời hay không. Suy cho cùng, chỉ có thời gian mới khẳng định được câu trả lời chính xác nhất...

Trần Quân - VIệt Dũng

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/nhung-dua-tre-song-trong-bong-bong-542825/