Những đứa trẻ sớm bỏ học theo bố mẹ ra khơi

Từ lâu, tại cảng Cửa Sót (Hà Tĩnh) hình thành một 'xóm ngụ cư' gồm khoảng 50 tàu thuyền lớn nhỏ. Cứ chiều tối họ ra khơi, đến sáng hôm sau cho thuyền cập cảng để bán những sản vật đánh bắt được… Thuyền là ngôi nhà thứ hai và cứ thế, nhiều thế hệ trong gia đình mãi lênh đênh trên biển suốt nhiều tháng trời ròng rã.

Xóm ngụ cư

Vào một buổi chiều cuối năm, tìm về cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), xa xa mấy người chúng tôi ai cũng có thể cảm nhận được, nơi sống mũi đang dậy lên mùi tanh nồng của biển, kèm theo đó là tiếng sóng rì rào xen lẫn tiếng máy nổ của những tàu thuyền đang tấp nập ra vào cảng. Sau khi gửi xe và đi bộ về hướng biển là nghe tiếng cười nói phát ra từ những tàu thuyền đang neo đậu tại đây, thỉnh thoảng lại có tiếng một thương lái nào đó mặc cả giá bán với ngư dân khiến cảng biển càng thêm nhộn nhịp.

Ở một góc cuối cảng, hiện ra trước mắt chúng tôi là những làn khói trắng bay lên từ khoảng hơn 50 tàu thuyền đang neo đậu san sát nhau. Khu vực này khá bình lặng, khác hẳn với khung cảnh ồn ào, náo nhiệt của cảng Cửa Sót những ngày cuối năm. Càng đến gần, chúng tôi phát hiện ra những chiếc thuyền này chủ yếu là thuyền có công suất vừa và nhỏ của những ngư dân ngoại tỉnh như: Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa… đang cư ngụ tại đây.

Một góc nhỏ cảng Cửa Sót là nơi trú ngụ của hơn 50 chiếc thuyển "xóm ngụ cư"

Họ là dân ngoại tỉnh nên ngoài thời gian ra khơi đánh bắt hải sản, họ chỉ biết quanh quẩn trên thuyền và trong khu vực cảng cá. Những chiếc thuyền bé nhỏ ấy đã trở thành ngôi nhà thứ hai của họ. Nhiều chiếc thuyền có khoảng 5-6 người đang trú ngụ, một số thuyền ngoài bố, mẹ là những lao động chính thì cũng có những “lao động nhí” đang nhốn nháo trêu đùa nhau. Đứa lớn hơn giũ lưới cùng cha, đứa bé hơn thì phụ mẹ nhóm bếp. Làn khói trắng bốc lên từ mạn thuyền là do họ đang nhóm lửa nấu bữa tối để chuẩn bị một chuyến ra khơi mới.

Thuyền vừa là phương tiện ra biển, vừa là nhà của cả gia đình

Đang bế đứa con nhỏ mới 2 tuổi đứng trên mạn thuyền, anh Lê Tiến Tuấn (38 tuổi, quê ở thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) chia sẻ: Năm nay là năm thứ 21 anh ra khơi bám biển… và kể từ khi lấy vợ đến nay, mỗi năm vợ chồng anh cũng chỉ về quê được vài ba lần. Vợ chồng và mấy người con chủ yếu sống trên thuyền và ngày này qua ngày khác lênh đênh trên biển.

Cháu bé 2 tuổi nhưng đã theo chân bố mẹ từ lúc 6 tháng tuổi

Anh Tuấn tâm sự: “Khi vợ sinh con được 6 tháng đã phải ra khơi, cháu còn quá nhỏ và không biết gửi cho ai nên đành mang theo ba mẹ ra biển luôn. Nghĩ nhiều lúc cũng thấy thương con nhưng cũng đành cắn răng chịu đựng… Chứ giờ mà hai vợ chồng ở nhà, không ra khơi bám biển thì chắc cả gia đình chết đói mất vì về quê cũng chả biết làm thêm nghề gì”.

Những "lao động nhí" phụ giúp bố mẹ

Cạnh thuyền gia đình anh Tuấn là chiếc thuyền của vợ chồng chị Hoa (quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Hoa đang tranh thủ rảo lưới để chuẩn bị chuyến ra khơi mới, bên trong buồng lái là hình ảnh bé Đông (3 tuổi, con chị Hoa) đang ngủ ngon lành.

Chị Hoa kể, suốt nhiều tháng qua, hai vợ chồng chị và 3 đứa con luôn lênh đênh trên biển, chưa được về nhà lần nào. Có lẽ gia đình chị đang tranh thủ đánh bắt những mẻ cá cuối cùng để cho tàu thuyển nghỉ ngơi và cả gia đình cùng về quê đón Tết Nguyên đán đang đến gần.

Tâm sự của những đứa trẻ sớm rời bỏ mái trường

Trên những chiếc thuyền đó, ấn tượng với tôi nhất có lẽ là em Lê Văn Việt (SN 2004). Việt có nước da đen sạm đặc trưng của những ngư dân miền biển. Nhìn Việt rắn rỏi và có phần e thẹn khi gặp người lạ.

Tôi lân la đến gần hỏi chuyện, hằng ngày em theo ba mẹ đi biển vậy, thời gian đâu dành cho việc học? Vừa đan lại tấm lưới bị rách, Việt ngẩng đầu lên bảo: “Bọn em ở đây ai cũng nghỉ học hết cả rồi. Người thì học hết lớp 3, người học hết lớp 6. Em theo bố mẹ đi biển được mấy năm rồi đó, giờ quên hết mùi sách vở rồi”.

Việt đang giũ sạch tấm lưới sau chuyến ra khơi tối qua

“Em cũng muốn đi học lắm, nhưng lại sợ học xong rồi ra trường nhà nghèo không xin được việc. Ở quê có nhiều anh chị học xong đại học, học nghề xong cũng không xin được việc lại phải theo ba mẹ ra khơi bám biển để mưu sinh… Đi biển cũng vui nên em bỏ học luôn”, tâm sự của Việt khiến tôi nghẹn đắng.

Cũng như Việt, em Nguyễn Văn Huy (SN 2002 quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An), đang tất bật dọn rửa thuyền giúp mẹ. Huy nói: “Mỗi lần thuyền cập bến, nhìn những bạn cùng trang lứa tung tăng đến trường, em cũng ước được đi học lại. Chứ cuộc sống lênh đênh trên biển quanh năm cũng vất vả và buồn. Nhưng giờ đi học lại chỉ sợ không theo kịp với bạn bè, lại bị bạn bè chọc ghẹo nên đành chấp nhận”.

Nhiều đứa trẻ ở đây sớm bỏ học để theo bố mẹ ra biển

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Ban quản lý các Cảng cá Hà Tĩnh cho biết: Tại khu vực tránh bão dành cho các ngư dân ngoại tỉnh có khoảng 50 tàu thuyền đánh bắt và trú đậu, đa phần là tàu thuyền của các ngư dân tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), Thanh Hóa, Quảng Bình...

Kiểm tra lại ngư lưới cụ để chuẩn bị chuyến ra khơi mới

Theo lời ông Sơn, hằng năm ở đây có khoảng 50 chiếc thuyền vào đánh bắt và cập cảng Cửa Sót. Họ đánh bắt theo dạng mùa vụ, khi nào biển động hoặc Tết thì họ mới về nhà. Các hộ gia đình sinh sống ngay trên thuyền và cứ chiều ra biển đánh bắt cá, sáng lại quay trở về để bán những sản vật đánh bắt được cho thương lái, sau đó mua nhu yếu phẩm phục vụ chuyến ra khơi tiếp theo.

“Ở đó có rất nhiều đứa trẻ mới học hết cấp 1 đã nghỉ học phụ giúp bố mẹ. Đa phần họ có cuộc sống khó khăn, không đủ tiền để cho con tiếp tục học nên phải nghỉ ra biển cùng bố mẹ. Có những đứa nhỏ hơn thì chẳng biết gửi gắm cho ai nên cũng đành đưa theo lên thuyền. Do những đứa trẻ này không phải là học sinh có hộ khẩu trong tỉnh nên việc khuyên nhủ cũng khó”, ông Sơn nói thêm.

Văn Lịnh - Thủy Tinh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/nhung-dua-tre-som-bo-hoc-theo-bo-me-ra-khoi-post53460.html