Những đứa trẻ nhặt phân bò, bắt sâu muồng thay học trực tuyến
Trong khi nhiều học sinh nghỉ dịch, học bài qua mạng, nhiều đứa trẻ vùng sâu tỉnh Đắk Lắk dành thời gian nghỉ dịch dài ngày phụ giúp gia đình công việc nương rẫy hay tăng thêm thu nhập nhờ việc mót sắn, khoai, nhặt phân bò…Việc tự học ở nhà, triển khai dạy học trực tuyến ở các địa phương này rất khó khăn.
Giữa cái nắng mùa khô, em H’Huynh Kdoh (SN 2005, xã Đắk Liêng, huyện Lắk), đang cào nhanh những đống phân bò cho vào bao. Gương mặt đẫm mồ hôi, H’Huynh cho biết: “Đây là công việc quen thuộc của em và các bạn trong buôn, được nghỉ là đi lên đồi núi, ruộng đồng nhặt phân bò. Hơn 2 ngày thu lượm và phơi nắng, em lại có một bao phân khô đem bán, có thêm chút tiền đỡ đần bố mẹ”.
Nông Văn Hùng (trường Tiểu học Lê Hồng Phong, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) thơ thẩn nhặt nhanh những củ sắn do chủ rẫy còn bỏ sót. Xa xa dưới đám ruộng bên vệ đường, một đám trẻ đang chúi xuống thò tay ngập ngụa sâu vào bùn đất, lâu lâu nhảy lên làm nước bùn bắn tung tóe, reo lên vui sướng vì bắt được con cá hay những con ốc.
Trời về chiều, ánh nắng vẫn còn chói chang trên con đường giữa núi rừng, mẹ con chị H B’Rên Niê (xã Ea Kpam, huyện Cư Mgar) đang lúi húi vạch từng lá cà phê. Chị chậm rãi tiếp chuyện: "Thời gian này, mấy đứa nhà tôi được nghỉ học, tranh thủ sáng hay chiều mát theo mẹ ra vườn, lên rẫy bắt nhộng sâu muồng về cải thiện bữa ăn hay tăng thêm chút thu nhập".
Con đường chạy giữa buôn Mông (xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar) bụi tung mù mịt, những đứa trẻ lem luốc nô đùa, thấy người lạ chúng ngơ ngác, những cái đầu cháy nắng chụm lại xì xào điều gì đó rồi chạy ùa vào nhà đóng cửa kín mít, thi thoảng thò đầu ra thăm dò tình hình.
Ông Hoàng Chứ Páo, trưởng buôn H’Mông cho biết: “Dân làng sống chủ yếu nhờ nương rẫy, sáng tinh mơ cơm đùm, cơm nắm lên rừng. Những đứa trẻ ở nhà, đói tự kiếm ăn, khát tự lấy nước uống. Chỗ chơi duy nhất là con đường giữa buôn. Trò chơi chỉ nghịch đất hoặc gắn một miếng gỗ tròn vào thanh tre đẩy khắp đường đầy bụi. Việc ôn bài ở nhà trong những ngày nghỉ dịch của các em học sinh vùng sâu rất khó khăn”.
Nghỉ học đúng vào vụ thu hoạch sắn, ngô nên nhiều học sinh theo cha mẹ lên rẫy hoặc ở nhà chăm em. Y Quynh Êban (trường THCS Yang Mao) kể: “Mùa nghỉ dịch, cháu có nhiều thời gian để giúp gia đình hơn. Nghỉ học lâu cháu cũng sợ quên kiến thức nhưng nhà không có ti vi, không có mạng nên cũng không học trực tuyến được".
Theo thầy Hồ Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Yang Mao, các nhà mạng cũng đã hỗ trợ nhà trường phần mềm để triển khai dạy học trực tuyến nhưng rất khó thực hiện bởi đa số học sinh là người đồng bào M’Nông, Êđê, hoàn cảnh rất khó khăn, hầu hết các gia đình không kết nối mạng Internet. Nhà trường cũng đã phân công giáo viên đến gia đình hướng dẫn học sinh ôn tập ở nhà nhưng việc này đòi hỏi tính tự giác cao, và sự quan tâm, nhắc nhở của phụ huynh mới mang lại hiệu quả.