Những đứa trẻ ngóng mẹ cha trước phòng xử án

Mỗi phiên tòa kết thúc, người viết lại ám ảnh bởi hình ảnh chiếc xe chở phạm đóng lại, tiếng bánh xe ma sát xuống đường tạo ra âm thanh chói tai, gầm rú phóng đi thả lại phía sau lưng tiếng con trẻ khóc ngặt đòi cha, đòi mẹ....

“Con nhớ ba lắm, đã lâu con không được gặp ba. Con nghe nói ba đi tù, nhưng đi tù là đi đâu? Lúc nào ba mới về...”, đó là một trong số những lời thổn thức của những đứa trẻ ngóng cha, đợi mẹ ở ngoài phòng xử án mà người viết không có đủ dũng khí để giải thích. Chính sự hiểu biết “lưng lửng”, chông chênh ấy khiến cho sự tổn thương của con trẻ lại lớn hơn bao giờ hết.

1. Đa phần khi tác nghiệp tại các phiên tòa, nếu có sự xuất hiện của những đứa trẻ bao giờ tôi cũng dành thời gian để ngồi hỏi chuyện. Đôi khi những câu chuyện chính các em kể ra là một lời tâm sự buốt lòng, có khi chúng tự đặt ra câu hỏi nhưng lại chẳng cần nghe đến câu trả lời... có không ít trường hợp để hiểu về hoàn cảnh đứa trẻ tôi đã phải “cậy nhờ” đến người lớn đang ẵm bồng chúng trên tay. Mỗi đứa trẻ là mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh, mỗi nơi sinh ra, lớn lên song chúng có điểm chung đó chính có người cha, người mẹ lầm lỡ và chúng có một tuổi thơ thiếu hẳn màu hồng.

Vụ án xét xử bị cáo Lương Vĩnh (SN 1976, trú Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nhanh chóng bắt đầu. Kể ra thời gian 3 đứa nhỏ chờ đợi để được gặp cha thì dài đằng đẵng vậy mà hai bên vừa nhìn thấy đã phải vội quay ra. Chẳng vậy mà đứa nào đứa nấy mắt đỏ hoe, cảm giác hụt hẫng vẫn còn hiện rõ trên từng gương mặt. Chưa đủ tuổi tham dự phiên tòa, 3 đứa trẻ nhanh chóng dạt ra phía hành lang, cách nơi cha mình đứng là một khoảng phòng rộng lớn và tấm cửa kiên cố. Đứa con gái lớn hiểu chuyện, ngồi yên ở ghế, đôi mắt ướt sủng không rời khỏi cây hoa mà cha kết bằng len vừa trao nó mấy phút trước. Tôi thực sự nghẹn nơi cổ họng, muốn nói với cô bé ít câu động viên nhưng lại sợ khiến nó thêm buồn. Biết tôi nhìn, nó ngẫng lên rồi cũng ngay lập tức cúi xuống “Bọn con nhớ ba lắm. Thương ba, mong ba sớm về...”, như muốn giải thích lý do vì sao nó khóc.

Đứng trước những đứa trẻ, tôi thấy mình thật vô dụng đặc biệt là trong những trường hợp như thế. Tôi muốn động viên an ủi nhưng lại sợ chứng kiến những giọt nước mắt con trẻ, muốn phần nào xoa dịu nỗi đau trong các con nhưng lại sợ vô tình chạm sâu vào nỗi đau đó khiến vết thương lòng của các con thêm khó lành. Tôi còn nhớ, đã có lần một đứa trẻ có mẹ phạm tội trong một vụ án khác khi được tôi hỏi chuyện em đã ôm lấy tôi khóc nức nở. Em tâm sự, “từ ngày mẹ đi tù con sống khép kín, bạn bè hay nói con là “con của người phạm tội ở tù”, đến ba cũng trở nên khó tính hay chửi mắng con. Nhiều đêm nhớ mẹ con không ngủ được, khóc suốt đêm, chỉ mong đến ngày này để được gặp mẹ...”. Đồ rằng, trong số những người làm cha làm mẹ đang phạm tội kia ai không đưa ra lý do vì con mà thế này thế khác. Nhưng xin thưa, nếu vì con xin hãy vì từ những điều nhỏ nhất đừng vì những thứ xa vời để rồi đẩy con vào một cuộc sống đầy bất hạnh khi phải khuyết vắng tình yêu thương!

Những đứa trẻ bị “đánh cắp” tuổi thơ

Những đứa trẻ bị “đánh cắp” tuổi thơ

2. Câu chuyện của những đứa trẻ trước phòng xử án thực sự như một bức tranh buồn khuyết hẳn gam màu hồng- sáng. Có trường hợp, vợ sinh con ra để con lại cho chồng rồi rồi bỏ đi biệt tích, nay người chồng vì phạm tội phải đi tù đứa trẻ trở nên bơ vơ đáng thương vô cùng. Có hoàn cảnh khác vì cha mẹ vướng cảnh tù tội khiến con cái tan tác chẳng khác gì ong vỡ tổ. Đứa cậy nhờ nội ngoại, đứa ở đợ cậu, dì... cuối cùng đã không gần cha mẹ đến anh em cũng chẳng được bên nhau. Thử hỏi có nỗi đau nào bằng.

Bà Hạnh thân hình gầy gò dùng hết lực kéo tấm cửa chính căn phòng xử án đi vào. Ngồi chừng 5 phút bà lại khom người lúi húi đi như chạy ra ngoài. Mỗi bận như vậy bà lại thút thít khóc. Khổ thân già như bà ở cái tuổi 75 đâu đã được yên. Con dâu bỏ đi, con trai bà hết lần này đến lần khác vào tù ra trại bà cũng đã héo mòn vì hắn nhưng “con dại cái mang” bà cứ còng lưng “cõng” luôn mấy đứa cháu mà chờ con... đi tù. Mấy đứa cháu của bà còn quá nhỏ nên bà không thể rời mắt. “Nói đứa lớn trông đứa nhỏ để tôi vào nhìn thằng cha hắn một hồi nhưng không được. Sắp nhỏ hắn cũng ngóng cha hắn nên không đứa nào chịu ngó (trông-PV) em nên tôi cứ phải thấp thỏm như vậy. Khổ lắm, từ ngày thằng Minh đi tù đến nay 4 bà cháu tôi rau cháo qua ngày. Tôi nhặt chai bao kiếm sống, không biết có chờ đến ngày thằng Minh về không. Nghe nói tội “Buôn bán ma túy” đi tù lâu về lắm, tôi đang lo. Chỉ tội sắp nhỏ”. Vừa nói, bà Hạnh vừa đưa tay xoa đầu đứa nhỏ đang được bà ôm trong lòng, nước mắt lại rơi.

Nơi hành lang phòng xử, có những đứa trẻ sâu sắc nhưng cũng có những đứa trẻ không biết buồn lâu. Khi chưa gặp mẹ thì Tuấn (4 tuổi) liên tục đòi gặp, vậy mà khi mẹ được lực lượng dẫn giải dẫn vào phòng thì Tuấn chỉ đứng nhìn rồi vội chạy ngay đi. Đến thời gian nghị án, được “đặc cách” vào gặp mẹ Tuấn vẫn giữ “khoảng cách” với mẹ, thì ra cu cậu chỉ vì nghe chị lớn đòi gặp mẹ nên bắt chước mà thôi. Hải An thì khác, vừa thấy mẹ bị còng tay dẫn vào đã gào lăn khóc đòi mẹ không tài nào dỗ được. Vậy mà chỉ 5 phút sau bà ngoại đưa cho chiếc điện thoại, Hải An đã “quên” luôn mẹ mình. Lại có không ít trường hợp vì các con quá nhỏ, chưa ý thức được sự mất mát mà mình đang phải chịu nên ngơ ngác khi thấy mẹ khóc, ngoại khóc mà không biết chuyện gì đang xảy ra.

3. Dẫu vẫn biết Tòa án không phải là nơi để dành trẻ em đến nhưng thực tế sân tòa vẫn có những em bé với những hoàn cảnh đáng thương, vì những hoàn cảnh đáng thương mà hiện hữu. Vợ chồng ông Nguyễn Bạch khăn gói dắt theo hai đứa cháu nội từ Quảng Nam ra Đà Nẵng từ chiều hôm qua để sáng nay kịp dự phiên tòa con trai. Nhìn dáng hai ông bà khắc khổ trông đến thảm. Tấm nào cũ nhàu, đôi dép tổ ong không còn lành lặn cứ cứa vào lòng người đối diện. Trong câu chuyện của con trai ông bà một lần nữa khiến người nghe xót xa. Vợ ngoại tình bỏ đi, con trai bà đã nhiều lần tìm gặp khuyên can để hàn gắn vì hai đứa con nhưng bất thành. Trong một lần gặp mặt, gặp luôn cả tình địch không kiềm chế được con trai ông bà đã dùng búa đánh vào đầu vợ, con trai ông bà bị truy tố tội “Giết người”.

Từ một người đàn ông trụ cột, mọi lo toan đều một tay con trai, từ ngày nó gây ra chuyện ông bà và hai đứa cháu trở nên bơ vơ. Trong lúc ông bà Bạch đang trò chuyện với tôi, nơi góc hành lang hai đứa nhỏ ngồi bệt dưới nền gạch chia nhau ổ bánh mì nguội. Thấy tôi nhìn, bà Nguyệt vội giải thích, “vợ chồng tôi vay mấy người hàng xóm được 500 ngàn đồng, tiền xe, tiền ngủ lại cũng tốn kém nên mua 1 ổ 2 đứa ăn chung, xong việc đón xe về ăn cơm nhà luôn...”. Đứa lớn nhường đứa nhỏ phần nhiều, còn kéo cả phần nhân đưa cho em, nhét vội miếng bánh mì đến phùng cả má, vụt đứng dậy đến cửa kính áp sát mặt vào nhìn một hồi lại chạy về phía đứa em giải thích. Nhìn hai đứa nhỏ khép nép ngồi ở góc hành lang chẳng khác gì những chú chim mất mẹ lạc cha, khiến ai nhìn thấy cũng đớn đau.

Ở phiên tòa nào cũng vậy, những bị cáo đã lập gia đình đều viện lý do con nhỏ để xin giảm nhẹ hình phạt về nuôi con. Không biết có lúc nào họ tự đặt ra câu hỏi, “rồi đây những đứa con thiếu tình thương của mình sẽ sinh sống, lớn lên ra sao?” để biết dừng lại trước khi để mình trượt vào vòng xoáy tội lỗi.

Mỗi phiên tòa kết thúc, người viết lại ám ảnh bởi hình ảnh chiếc xe chở phạm đóng lại, tiếng bánh xe ma sát xuống đường tạo ra âm thanh chói tai, gầm rú phóng đi thả lại phía sau lưng tiếng con trẻ khóc ngặt đòi cha, đòi mẹ. Là lỗi lầm của người lớn xin đừng bắt bọn trẻ phải gánh chịu. Vì điều này thực quá tàn nhẫn!

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/ban-an-luong-tam/nhung-dua-tre-ngong-me-cha-truoc-phong-xu-an-24222.html