Những đứa trẻ 'đổi đời' nhờ 500.000 đồng mỗi tháng

500.000 đồng với bạn có thể chỉ đủ cho một bữa ăn cuối tuần, nhưng với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thì 500.000 đồng mỗi tháng lại có thể thay đổi số phận. Hơn 40 đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn đã được đổi đời nhờ trở thành con nuôi của rất nhiều người cha người mẹ thiện tâm.

“Không phải huyết thống vẫn tạo nên một gia đình”

Câu chuyện có thật về một người mẹ ở Pháp đã được chuyển thể thành phim Switched at Birth (Đổi con) gây ấn tượng mạnh trong một thời gian dài. Vào năm 1994, khi Sophie (hiện 41 tuổi) nhận lại con gái Manon từ lồng ấp vì chứng vàng da, chị có cảm giác tóc của bé dường như mọc quá nhanh. Tuy nhiên, y tá nói rằng “đó là điều thường xảy ra khi chiếu đèn”. Ngược lại, một người mẹ khác cũng thấy tóc của con mình có vẻ ngắn đi sau thời gian nằm trong lồng ấp và cũng bị y tá "phủ đầu" tương tự.

Họ cứ nuôi con của mình như thế. Và tình yêu lấn át đi những hoài nghi. Cho đến một ngày khi sự thật được phơi bày. Manon không phải con gái của chồng cô và cũng chẳng phải của cô. Con ruột của Sophie thực tế lại ở một gia đình khác cách chỗ cô 32 km.

Cuộc sống hai gia đình đảo lộn hoàn toàn. Sophie tìm mọi nỗ lực để gần con đẻ của mình và níu kéo con mình đã nuôi suốt 10 năm qua. Nhưng cô không tìm thấy bản thân mình thuộc về nơi ấy. Con đẻ của cô cũng có cùng cảm giác. Họ không thể thuộc về nhau dù là máu mủ, chỉ bởi họ đã không bên nhau trong suốt 10 năm “ngang trái” đó.

Sau vài lần qua lại, hai bên gia đình quyết định cắt đứt liên lạc để cuộc sống bình yên như trước. Tình cảm của Sophie với Manon trở nên mạnh mẽ hơn. "Không phải huyết thống tạo nên một gia đình. Điều làm nên một gia đình là những gì chúng ta xây dựng với nhau, là những gì chúng ta nói với nhau. Và tôi đã tạo ra mối quan hệ tuyệt vời với con gái không cùng dòng máu với mình", Sophie nói.

Cổ tích sinh ra từ… lòng người

Những ngày này, ở rất gần chúng ta, câu chuyện về việc trao nhầm con ở Ba Vì (Hà Nội) khiến không ít người đau lòng sự trớ trêu của nghịch cảnh. Không ít người đã làm cha, làm mẹ đau đáu sẽ phải làm thế nào nếu mình trong hoàn cảnh ấy. Quá nhiều khó khăn, quá nhiều suy tính, quá nhiều cảm xúc giữa tình máu mủ và công dưỡng dục.

Rồi hai gia đình cũng tìm được giải pháp, ấy là việc để hai cháu được sống chung và nay sống cùng với gia đình này, mai sống cùng gia đình kia, để cả hai đứa trẻ đều không có cảm giác bị bỏ rơi. Giải pháp đầy yêu thương này chứng minh việc đặt con trẻ lên trên tất cả, chứng minh tình yêu vô bờ giữa hai bên: Người dưỡng dục và người sinh thành đối với những đứa trẻ của họ.

Ở một nơi khác, cũng có những con người vì tình yêu ấy vẽ lên cổ tích tuyệt vời cho những đứa trẻ bất hạnh. Họ không phải là cha là mẹ sinh ra những đứa trẻ ấy. Họ cũng không phải là những người hiếm muộn để bảo rằng, tình yêu ấy là bởi sự thiếu thốn. Họ cùng nhau nhận những đứa trẻ bất hạnh để chung tay giúp đỡ, trở thành cha mẹ của các em.

Đã một năm qua kể từ ngày PV Đinh Hữu Dư của TTXVN bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp tại Yên Bái, cả hai cháu của Đinh Hữu Dư là Trần Đình Duy (SN 2014) và Trần Duy Phương (SN 2016) đều được các "cha mẹ” là những đoàn viên giàu lòng trắc ẩn của Thông tấn xã qua thăm nom thường xuyên. Họ chính là cầu nối yêu thương của những cha mẹ nuôi trong chương trình "Thiện Nhân và những người bạn" gửi gắm đến hai cháu của Dư.

Thông qua mẹ đẻ, cả hai cháu đều được chương trình cấp dưỡng số tiền 500.000đ mỗi tháng mỗi cháu không kể các chi phí phát sinh. cho đến khi các cháu 18 tuổi. Số tiền không quá lớn nhưng với một người mẹ bệnh tật như chị gái Dư trở thành một khoản không nhỏ, đã góp phần giúp các cháu được học tập, được lớn lên đầy đủ. Đó cũng là cách mà Dư vẫn làm khi còn sống. Giờ đây nó được truyền lại bởi những người cùng “gia đình” với Dư, “gia đình” TTXVN, "gia đình" "Thiện Nhân và những người bạn. Các cháu của Dư mất đi một người cậu nhưng được đền lại bằng rất nhiều những người cha người mẹ nuôi khác.

Giàng Mạnh Cần (dân tộc Mông, SN 2016) là một trong 40 cháu bé có được cái duyên ấy khi gặp được người mẹ nuôi của mình. Năm 2017, bác sĩ Ý tham gia hỗ trợ các bé phẫu thuật trong Chương trình Thiện Nhân và những người bạn.

Câu chuyện mà cha mẹ ruột bé Cần kể về tai nạn mà con gặp phải khi 16 tháng tuổi đã đánh thức sự rung động mạnh mẽ trong trái tim chị Đỗ Thanh Tâm. Ngày ấy, trong lúc cha mẹ bé Cần còn lên rẫy thì bé ở nhà với dì. Dì ở tuổi ăn tuổi ngủ trong một chút bất cẩn không để ý đến cháu đã khiến cháu bị một con chó mò vào ăn mất bộ phận sinh dục.

Nỗi đau quá lớn đối với một đứa trẻ chỉ 16 tháng tuổi đã trở thành một nỗi ám ảnh, sự xúc động mạnh mẽ trong chị Thanh Tâm. Chị đã nhận nuôi Cần và hàng tháng chu cấp cho gia đình. “Với những đứa trẻ như Giàng Mạnh Cần, cần nhiều sự giúp đỡ hơn không chỉ mình mình. Mình đến với cháu bắt đầu từ tình thương, nhưng trên cả thì đó là trách nhiệm. Vì đó là cách gia đình sống với nhau. Trách nhiệm sẽ làm chúng ta hành động".

Ngoài việc mỗi tháng chị gửi cho gia đình bé 500.000đồng hỗ trợ, chị còn làm riêng cho Cần một tài khoản dự phòng cho cháu sau này. Cách chị làm không phải là mới lạ, nhưng tình yêu chị dành cho Cần đúng nghĩa một người mẹ, có sự chu toàn cho tương lai của con.

“Với 500.000 đồng ở các gia đình thành phố, chỉ bằng một lần gia đình đi ăn hay đi mua sách vào cuối tuần. Nhưng hãy thử nhìn lại, 500.000đồng mỗi tháng có thể thay đổi sinh mệnh của một đứa trẻ. Hành động đó thực sự có ý nghĩa hơn rất nhiều”, chị Thanh Tâm chia sẻ.

Trong suốt một năm qua, 40 đứa trẻ trên khắp Việt Nam có thêm những người cha, người mẹ nuôi. Dự án Đỡ đầu cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn được khởi xướng bởi một người vốn không xa lạ, chị Mai Anh, mẹ bé Thiện Nhân.

Hành trình thay đổi cuộc đời Thiện Nhân đã đưa chị Mai Anh tiếp cận với những mảnh đời bất hạnh khác trên khắp cả nước. Và chị muốn có nhiều người cùng chung tay như mình để giúp các cháu nhỏ như Thiện Nhân đã từng được chung tay giúp sức. 15/7 được coi là ngày của con, là ngày Thiện Nhân được sinh ra một lần nữa bởi mẹ Mai Anh và rất nhiều những cha mẹ khác đã âm thầm trong suốt một hành trình dài đi qua.

Từng bước nhỏ của những người gieo mầm hạnh phúc cho những đứa trẻ vẫn tiếp tục một cách đầy yêu thương. Họ đang âm thầm xây nên cổ tích. Cổ tích bắt đầu từ lòng người.

Thanh Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/nhung-dua-tre-doi-doi-nho-500000-dong-moi-thang-20180727191258482.htm