Những 'đứa con' Lào trong gia đình Việt

'Việt-Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long'. Tình cảm keo sơn, gắn bó, mối quan hệ sắt son, nghĩa tình ấy càng được tô thắm thêm khi những ngày cuối năm, hơn 100 sinh viên Lào tham gia Chương trình 'Ở nhà dân' (homestay) được các gia đình Việt tại TP Đà Nẵng chào đón, tiếp nhận đến sống chung dưới một mái nhà như những thành viên thực sự.

Chương trình homestay cho sinh viên Lào là một trong những hoạt động ý nghĩa được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào TP Đà Nẵng, Tổng lãnh sự quán Lào tại TP Đà Nẵng và UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố phối hợp tổ chức. Năm 2019, chương trình tổ chức tại 5 quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn với sự tham gia của hơn 100 sinh viên Lào đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.

Tham gia chương trình, sinh viên Lào được các gia đình Việt tiếp nhận, chào đón; sinh hoạt cùng những thành viên trong gia đình mà các em gọi là bố, mẹ và anh chị em Việt Nam. Các em được quan tâm, yêu thương và tạo mọi điều kiện để hòa nhập với cuộc sống tại gia đình. Những ngày đầu khi được đón về gia đình, các bạn Lào vô cùng bỡ ngỡ, e dè. Nhiều bạn rất lo về khả năng nói tiếng Việt của mình. Nhưng nhờ sự gần gũi, lắng nghe và chia sẻ của mọi người, các bạn nhanh chóng hòa đồng, vui vẻ, tự tin và xem mình như thành viên chính thức trong gia đình. Dưới mái nhà nhỏ, các sinh viên Lào đã có những bữa cơm ấm cúng, rôm rả tiếng cười, có những “tiết học phụ đạo” tiếng Việt đầy sinh động, lý thú do các ba, các má chỉ dạy; được quây quần bên những người thân để kể cho nhau nghe những vui buồn thường nhật. Các bạn được tìm hiểu những phong tục tập quán, mối quan hệ trong gia đình, dòng họ; văn hóa ứng xử vùng miền và thưởng thức nhiều món ăn ngon của người Việt…

 Sinh viên Lào giới thiệu văn hóa ẩm thực đến bạn bè Việt Nam.

Sinh viên Lào giới thiệu văn hóa ẩm thực đến bạn bè Việt Nam.

Xa nhà, đến một đất nước khác, các bạn được vòng tay ấm của những gia đình Việt chở che, yêu thương trọn vẹn. Phailin Kingvongsa, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng gửi đến các cha mẹ Việt Nam những lời đầy yêu thương: “Con cảm ơn cha mẹ đã luôn ủng hộ, đồng hành cùng chúng con, Cha mẹ giúp đỡ, dạy bảo và tạo điều kiện cho chúng con biết thêm nhiều điều mới mẻ, bổ ích. Đó là những ngày tốt đẹp nhất và sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp trong ký ức của chúng con. Chúng con hứa sẽ luôn cố gắng, nỗ lực học tập tốt. Khi về Lào con sẽ phấn đấu trở thành cán bộ giỏi và sẽ luôn nhớ cha mẹ yêu ở đây”.

Để tăng cơ hội giao lưu, tìm hiểu văn hóa giữa sinh viên Lào và đoàn viên, thanh niên TP Đà Nẵng, 5/5 quận tham gia chương trình homestay đều tổ chức nhiều hoạt động thú vị, ý nghĩa, như: Giao lưu văn hóa, văn nghệ, giao hữu thể thao, ẩm thực Việt-Lào, hoạt động tình nguyện tại các trung tâm bảo trợ xã hội, tham quan các danh lam thắng cảnh tại Đà Nẵng… Ngày quận Thanh Khê tổ chức giao lưu ẩm thực Việt-Lào, vì bận lịch học, lo sợ không kịp mua nguyên liệu nấu các món ăn truyền thống để tham gia ngày hội, một số bạn sinh viên Lào đã khóc. Biết chuyện, ba mẹ nuôi và các bạn đoàn viên, thanh niên vừa động viên, vừa nhận phần đi chợ, chuẩn bị sẵn những thứ cần thiết. Nhờ vậy, tan học, các bạn Lào có đủ thời gian chế biến tươm tất những món ăn của dân tộc mình mang đến chung vui cùng ngày hội. Tiếng cười, tiếng hát, điệu múa lăm vông duyên dáng trong tiếng nhạc rộn ràng, tạo nên một ngày hội ngập tràn niềm vui trong ánh mắt và trái tim các bạn trẻ Việt-Lào.

Nhằm nâng cao hiệu quả, ý nghĩa của chương trình trong những năm tiếp theo, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Liên hiệp các hội hữu nghị TP Đà Nẵng cho biết: "Ban tổ chức sẽ có những giải pháp, như: Bố trí sinh viên Lào tham gia chương trình homestay tại địa bàn nơi các em đang theo học để thuận tiện trong việc di chuyển đến trường; phối hợp với Tổng lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng để quản lý, lựa chọn những sinh viên tương đối lưu loát tiếng Việt để giúp các em tự tin giao tiếp với các hộ gia đình; phối hợp với các trường đại học, cao đẳng bố trí thời gian tổ chức homestay hợp lý, tạo điều kiện cho sinh viên Lào sinh hoạt, tham gia các hoạt động trong chương trình…".

Bà Trần Thị Nguyện (quận Liên Chiểu), một trong những gia đình nhận sinh viên Lào về chung sống bày tỏ: “Kết thúc chương trình, các con tạm biệt gia đình, về lại ký túc xá sinh hoạt, học tập. Nhưng các con vẫn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, yêu thương của gia đình trong suốt 4, 5 năm học tiếp theo. Những lúc khó khăn, ốm đau, vui buồn vẫn có ba mẹ, anh chị em bên cạnh các con. Các con chính thức là những thành viên trong gia đình. Nhà mình lúc nào cũng rộng cửa chào đón các con”.

Trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón xuân mới, những đứa con Lào rời gia đình Việt để về với quê hương, mang theo hành trang là những kỷ niệm đẹp và tình cảm yêu thương nồng đượm. Hơn ai hết, các bạn hiểu rằng, không chỉ có gia đình tại quê nhà, các bạn còn có một mái ấm thứ hai tại Việt Nam. Và cũng từ đây, nhiều mối quan hệ kết nghĩa bố-mẹ-con, anh-chị-em Việt-Lào được tạo dựng, trở thành hạt nhân nuôi dưỡng và phát triển mối quan hệ khăng khít, tình hữu nghị thủy chung, bền chặt giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào anh em.

Bài và ảnh: THANH THÚY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhung-dua-con-lao-trong-gia-dinh-viet-607210