Những 'đứa con hư' của Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam

Hiện tại, Hiệp hội Thể thao Bridge & Poker VN vẫn chưa đồng ý cho bất kỳ CLB thành viên nào tổ chức các giải thi đấu theo thể thức đóng phí - lãnh thưởng.

Trên bảo dừng, dưới chẳng nghe

Sau loạt phóng sự - điều tra của Báo Lao Động về hoạt động của các CLB Poker trên địa bàn Hà Nội hồi đầu tháng 5/2017, Hiệp hội Thể thao Bridge và Poker Việt Nam đã khẩn tốc ra thông báo gửi đến các CLB Poker thành viên gồm Loyal Poker (D2 Giảng Võ), Win Poker (67 Phó Đức Chính) và Capital Poker (136 Hàng Trống) yêu cầu tạm dừng ngay các hoạt động thi đấu đóng phí, lĩnh thưởng dưới mọi hình thức.

Cụ thể, trong 3 thông báo đánh số liền nhau từ 12 đến 14/2017/TB-VBPA do ông Nguyễn Hồng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội - ký ngày 10.5.2017 nêu rõ, Hiệp hội “nhận thấy nhiều vấn đề” trong cách hoạt động của các CLB Poker trên địa bàn Hà Nội đồng thời Hiệp hội cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng hoạt động của các CLB “không đúng quy định của pháp luật”. Qua đó, Hiệp hội thông báo yêu cầu các CLB không được tổ chức thi đấu đóng phí, lãnh thưởng dưới mọi hình thức, chỉ mở cửa cho những người yêu thích môn thể thao Poker đến tập luyện đơn thuần.

Sau thời gian củng cố quy trình, quy chế tổ chức hoạt động đệ trình lên Tổng cục Thể dục Thể thao, Hiệp hội sẽ có thông báo tiếp theo đến các CLB. Trong thời gian này, Hiệp hội cũng đề nghị Ban chủ nhiệm nghiêm túc thực hiện thông báo trên.

Một người chơi nộp tiền để đổi chip vào chơi tại Royal Poker Club vào tối 10.7. Ảnh: NPV.

Bên cạnh đó, chia sẻ với PV Báo Lao Động ngoài khuôn khổ văn bản kể trên, ông Hồng cho biết, dù cấm hoàn toàn việc thu phí trên mỗi lượt chơi, Hiệp hội vẫn đồng ý cho các CLB thu “một khoản nhỏ” dạng phí thành viên (theo tuần, tháng…) hoặc phí vào cửa ở mức “một, hai trăm ngàn đồng” để bù đắp vào kinh phí hoạt động. Thế nhưng, đúng 2 tháng sau thời điểm thông báo trên được ban hành, nhóm PV đã có dịp trở lại các CLB Poker trên địa bàn Hà Nội để ghi nhận tình hình. Và lần này, câu trả lời từ thực tế chắc chắn sẽ không khiến những người có trách nhiệm an lòng.

Đầu tiên, phải kể đến Poker Capital Club tại 136 Hàng Trống, địa chỉ từng được mệnh danh là đẳng cấp nhất, quy tụ nhiều hảo thủ nhất và giải thưởng cũng thường lớn nhất. Sau một thời gian ngắn tạm đóng cửa để củng cố các thủ tục pháp lý liên quan đến hệ thống phòng cháy chữa cháy, CLB đặt tại hầm sâu nhất của một khách sạn sang trọng này đã hoạt động trở lại trong sự mong mỏi của các “tín đồ”.

Ngày 12.7, Fanpage chính thức của Capital Poker Club đã bất ngờ đưa thông báo về việc tổ chức giải đấu (tournament) trong tuần kéo dài từ ngày 12 - 16.7 với mức buy-in (đóng phí) đa dạng từ 300.000 đồng đến 5 triệu đồng.

Có mặt tại địa chỉ này vào 19h ngày 12.7, theo quan sát của chúng tôi, mọi hoạt động vẫn diễn ra vô cùng nhộn nhịp, không có nhiều đổi khác so với những gì Báo Lao Động đã phản ánh trước đây. Nghĩa là, trong căn phòng rất rộng và bài trí sang trọng, các giải đấu vẫn liên tục được diễn ra cùng với đó là các mức đóng phí - lĩnh thưởng khác nhau. Dù là “lính mới tò te”, cũng chẳng ai bắt chúng tôi mua phí vào cửa mà chỉ thẽ thọt: “Anh chơi giải nào thì vào đóng tiền giải ấy”.

Nằm tại vị trí nổi bật nhất là một bàn gồm 12 người chơi. Các thông số trên màn hình thể hiện đây chính là giải đấu đặc biệt với mức trao thưởng khá hấp dẫn lần lượt cho 4 người đứng đầu là: 31.800.000 đồng, 19.400.000 đồng, 12.200.000 đồng và 8.600.000 đồng.

Qua trao đổi, một nhân viên phục vụ tại quầy cho biết: CLB dừng hoạt động 5 ngày qua vì đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục giấy tờ pháp lý.

Sau khi trở lại, CLB vẫn chủ yếu tổ chức các giải đấu dạng tournament với mức buy-in (đóng phí) cao nhất là 5M (5 triệu đồng). Các giải 5M được coi là giải lớn thường được tổ chức vào cuối tuần. Ngoài ra cuối tuần CLB còn tiến hành các giải tính điểm để nhận phần thưởng là các chiếc iPad…

Các tay chơi đang cân não trong 1 ván bài ở Royal Poker Club thời điểm 7h tối 11/7.

Như chưa từng có gì xảy ra

Sau Capital Poker, điểm đặt chân tiếp theo của chúng tôi là Loyal Poker Club tại D2 Giảng Võ. Loyal đi vào hoạt động chính thức ngày 12.5.2017, đúng 2 ngày sau bản thông báo của Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam được ban hành nên không bị phản ánh trong tuyến bài đăng tải trước đó trên báo Lao Động.

Cũng giống như các CLB đàn anh, Loyal là một địa chỉ xa hoa, lộng lẫy với thiết kế kiểu sòng bài thường thấy trong các thước phim bộ Hồng Kông. Trong vai một “lính mới”, tôi được nữ nhân viên tại quầy giao dịch làm cho thẻ thành viên sau khi cung cấp vài thông tin cá nhân. Mọi thứ vô cùng nhanh chóng và gọn gàng.

Trước câu hỏi có phải đóng phí làm hay đóng phí vào cửa không, cô gái trẻ trả lời rõ ràng: “Anh cứ vào bên trong tham quan trước, nếu muốn chơi bên em có các giải đấu (tournament) tham gia đóng phí từ 240.000 - 2.400.000 đồng để lựa chọn”.

Trong gian phòng sang trọng là hơn 10 bàn Poker đã phủ kín gần hết. Số người tập trung cả trong bàn lẫn người đứng xem xung quanh lên đến cả trăm. Sâu bên trong nữa là 1 quầy bar nhỏ, luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu của mọi người. Hưng, một chàng trai tuổi ngoài đôi mươi, dáng vẻ thất thểu, ngồi trên một chiếc ghế da màu kem sang trọng. Hưng kể với chúng tôi cậu đã thua giải 1M (đóng phí 1.200.000 đồng) từ tầm nửa chiều, đang ngồi đợi giải D440.000 (đóng phí 440.000 đồng) sẽ diễn ra vào lúc 8h tối để gỡ gạc. Trong thời gian chờ đợi, Hưng đi dạo quanh các bàn đang chơi, mắt cậu hằn lên sự thèm khát cao độ, chỉ mong mau được ngồi vào bàn để ăn thua.

Gần ngoài sảnh lễ tân là khu vực thu phí, đổi tiền. Ở đây, có bảng niêm yết rõ về các giải đấu và mức phí người chơi phải đóng. Thấp nhất là 240.000 đồng và cao nhất là 2.400.000 đồng và không hề thấy bất cứ quy định nào về việc mua vé vào cửa hay phí thành viên.

Càng gần đến 8h tối, số lượng người đổ về khu vực này càng đông. Tiền mặt liên tục được xỉa ra, các cô gái ở quầy lễ tân mau mắn đưa lại cho “thượng đế” những tờ hóa đơn để sau đó người chơi sẽ vào bàn để đổi lại những cọc chip đủ màu sắc.

Và thế là cuộc chơi chưa phân định rõ ràng là thể thao hay cờ bạc, lại bắt đầu. Chỉ biết, những người chiến thắng vẫn sẽ được hưởng 80% tổng số tiền các người chơi đóng vào. CLB hay còn gọi là nhà cái, giữ lại 20%, giống kiểu tiền phế, tiền chiếu trong cờ bạc truyền thống. Bên cạnh đó, cũng có những cách trả thưởng linh hoạt hơn nhưng sự khác biệt là không đáng kể…

Thông báo của Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam gửi các CLB thành viên yêu cầu ngừng tổ chức các giải thi đấu đóng phí, lĩnh thưởng. Ảnh: NPV.

Cách đó 5km, Win Poker Club (67 Phó Đức Chính), cũng đang bước vào thời điểm nhộn nhịp bậc nhất trong ngày. Sau cánh cổng gỗ đen nặng nề, kín mít, một không gian sang trọng, xa hoa ngút ngàn được hiện ra với phòng hút thuốc, phòng nghỉ ngơi, mua, đổi chip… Cả một dãy dài bàn Poker được phủ kín với những “tay chơi”. Những tiếng xỉa bài xoèn xoẹt, những tiếng chip va nhau lách chách, tiếng gõ bàn bồm bộp…. Gương mặt ai nấy đều căng lên như dây đàn khiến không gian đọng lại, nhưng sự nhộn nhịp, nhiệt náo là thứ có thể cầm lấy, sờ lấy được…

Tại đây, giống như những gì xảy ra bên Capital hay Loyal, người chơi không đóng phí vào cửa (dù có thẻ hay không), chủ yếu các hoạt động diễn ra vẫn là thể thức chơi giải đấu thu phí - lĩnh thưởng. Nhóm PV Báo Lao Động được một nhân viên quầy cho biết, mức đóng phí cũng từ 240.000 đồng đến 2.400.000 đồng với các khung thời gian tương ứng…

Vậy là bất chấp những răn đe được gửi đích danh từ hơn 2 tháng trước, 3 CLB thành viên của Hiệp hội Thể thao Bridge & Poker Việt Nam kể trên đang tỏ ra là “những đứa con hư” khi chẳng biết nghe lời chút nào. Nếu có suy chuyển, có chăng chỉ là các mức buy-in đã được điều chỉnh giảm xuống nhưng đồng thời lại kéo theo lượng người tham gia chơi tăng cao. Thế nhưng đâu phải đã hết, những gì mắt thấy, tai nghe tại King Poker Club (319 Tây Sơn) - CLB “sinh sau đẻ muộn nhất” của Hiệp hội tính đến thời điểm hiện tại mới thực sự khiến chúng tôi giật mình hoang mang…

Theo Lao động

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/nhung-dua-con-hu-cua-hiep-hoi-bridge-poker-viet-nam-p41421.html