Những đứa con của mẹ

Trước khi bước qua tuổi sáu mươi, những người bạn cùng trang lứa thường hỏi chú Tư rằng, 'về hưu ông định làm gì?'. Lúc ấy chú cứ nghĩ, đến tuổi nghỉ ngơi, chú sẽ về quê lập một mảnh vườn, đào ao thả cá, trồng cây, rau xanh.

Vui thú điền viên, sống thanh đạm, an lạc. Nghe vậy mấy ông bạn khen nức nở:

- Ông thật là viên mãn, nhà cửa, con cái đề huề, không vướng bận lo âu. Phần còn lại sau hưu mặc sức mà nghỉ ngơi và làm điều mình trăn trở.

Nghe bạn nói, chú Tư chợt tự hỏi lòng:

- Đời mình có điều gì trăn trở hay không?

Mấy ông bạn chắc thấy được sự tự vấn lòng của chú nên nói tiếp:

- Đời người không viên mãn toàn bích, ai cũng có hoàn cảnh riêng, người trăn trở điều này, kẻ lo âu chuyện khác. Đời mà ông, phải có điều gì đó để “làm” thì mới có động lực sống chứ!

 Minh họa: LÊ ANH

Minh họa: LÊ ANH

Không hiểu sao cứ đêm về, khi chú chìm vào giấc ngủ trong chăn êm nệm ấm, thì lại thấy lòng tự vấn, “đời mình như vậy có thật sự viên mãn hay chưa?”. Niềm trăn trở ấy cứ dờn dợn trong chú, làm chú cũng có chút nỗi lo, không biết vì sức khỏe tuổi già khó ngủ, hay vì đâu?

Nếu không có dự định về quê cất nhà, lập vườn thả cá, chắc chú Tư cũng sẽ khó tìm lại được những mảnh ký ức vụn rời mà mình đã vô tình làm thất lạc bấy lâu nay. Một bữa rảnh rỗi sau chuỗi ngày tiệc tiễn đưa, chú đang dọn dẹp mớ đồ đạc trong tủ, thì ngồi đờ người ra trước bộn bề giấy tờ, hình ảnh. Đó là mớ ký ức nhuốm màu thời gian, chú lấy ra được từ đáy tủ hồ sơ lâu năm đóng cửa. Những tấm ảnh trắng đen, những lá thư ngả màu, lá còn nguyên nhưng cũng không ít tờ bị mối mọt gặm nát. Chú tự trách mình, sao lại hờ hững với những kỷ niệm năm xưa, không phải thời gian hay mối mọt, mà do chính sự lãng quên của mình đã gặm nhấm dần đi mớ ký ức tháng năm.

Chú lần giở lại từng bức thư tay, đọc đến đâu, ký ức rưng rưng tràn về đến đó. Những nét chữ qua mấy mươi năm, lạ thay, chúng hiện ra gương mặt từng người. Những đồng đội cũ, những người bạn quen được dọc theo con đường ra mặt trận. Và chú sững người trước tấm ảnh chụp cùng trung đội trưởng. Tấm ảnh trắng đen, lâu năm xuống màu cũ kỹ, nhưng dưới mắt chú vẫn vẹn nguyên sắc màu nguyên thủy đến lạ kỳ. Ngày 15-5 đề sau ảnh chợt níu chú ra khỏi hiện tại, chú đang đứng ở một ngày quá khứ năm xưa.

* * *

Chúng tôi dừng chân ở thành phố khi nơi đây đã được giải phóng một tuần. Người dân đã bớt hoang mang, một số cửa tiệm đã mở cửa trở lại. Sau giờ cơm trưa, anh Hà-trung đội trưởng-nói nhỏ với tôi, “anh có để ý thấy gần đây có hiệu ảnh, anh em mình ra đó chụp một tấm kỷ niệm”. Tôi vui mừng đồng ý ngay. Từ nhỏ đến giờ, lần đầu tiên tôi mới được dẫn đi chụp ảnh ở tiệm. Thật ra trước đó cũng có một lần, khi tôi lên sáu tuổi. Người ta đến nhà bảo cả gia đình ra đứng, tôi cầm chiếc bảng nhỏ ghi số hiệu nhà, rồi họ chụp để lưu hồ sơ. Tuy nhiên, mãi đến sau này, gia đình vẫn không thấy tấm ảnh đó ra sao. Trong sự tò mò năm xưa, cùng sự vui mừng sắp được cầm tấm ảnh đầu đời trong tay, tôi vui khôn kể xiết.

Cửa hiệu ảnh là một căn nhà nhỏ, treo trên vách những khung ảnh chân dung tuyệt đẹp. Anh phó nhòm dẫn anh em tôi vào căn phòng chụp. Căn phòng không quá rộng, phía sau là một tấm tranh phong cảnh bãi biển xanh rờn chạy xa tít đến chân trời. Anh Hà cấu cổ tôi, bảo “cười tươi lên, đời có mấy khi vui”. Tôi nhìn anh rồi cười, kịp lúc ánh đèn chớp lên sáng lóa. Lúc đó, ánh đèn đã kịp ghi lại hình ảnh anh em chúng tôi, khi hai đứa sắp bước qua tuổi mới!

Anh Hà nói, “đi bộ đội lâu rồi, mà chưa có tấm ảnh nào gửi về cho bà má, tội nghiệp bà già, nhớ con không biết nhìn đâu cho đỡ nhớ”. Câu nói của anh làm tôi nhớ má vô cùng. Bữa tiễn tôi lên đường, bà còn dúi theo mấy đòn bánh tét, dặn rằng lên xe nhớ chia cho anh em ăn với nghe hông. Lời của má làm tôi ấm lòng tin rằng, tất cả những đồng đội của tôi, ai ai cũng được má dặn dò như vậy. Nên những bữa đói bữa no, anh em trong đơn vị đều chia từ gáo nước, miếng khoai cho nhau. Dẫu thiếu đủ ra sao thì cũng thấy no lòng chắc dạ.

Chiều tối ở thành phố thật yên ắng. Anh nói, có lẽ người ta vẫn chưa quen với cảnh hòa bình. Sống trong chiến tranh súng đạn nhiều năm, giờ lặng im phăng phắc cũng làm cho người ta lo sợ. Đơn vị được lệnh hành quân. Tàn quân của địch vẫn còn đó, chúng vừa rút lui về cánh rừng phía tây, vừa chống cự quyết liệt. Chúng tôi hành quân, vừa truy quét nhưng cũng vừa giúp những người dân tản cư trở về dựng nhà, khoan giếng. Đơn vị hành quân đến một làng ven chân núi thì chia làm hai, chủ lực tiến về phía tây, một nửa ở lại bảo vệ nhân dân và giúp họ trồng trọt, sản xuất để có lương thực sống. Hôm ấy cũng là lúc anh Hà chia tay với chúng tôi. Anh được phân công về đơn vị chủ lực để truy quét tàn quân. Trước khi đi anh còn dúi vào tay tôi tấm ảnh và dặn dò rằng: “Em cứ giữ tấm ảnh này, khi nào xong nhiệm vụ, anh em mình sẽ gặp lại nhau”. Tôi quyến luyến, nhưng biết nhiệm vụ cấp trên đã giao, thì phải thi hành. Anh Hà trấn an tôi, ngày về nước đang đến gần, em ráng làm tốt nhiệm vụ, khi về anh sẽ đưa em về quê anh chơi một chuyến. Nhưng đâu ai biết, chuyến đi của anh kéo dài hơn mong đợi, chiến sự diễn ra phức tạp hơn chúng tôi nghĩ, nên đến mấy tháng sau anh mới có dịp quay về ngang nơi tôi đóng quân, bên sườn núi. Đêm đó, anh ghé thăm làng, ngay hôm chúng tôi vừa thu hoạch. Anh nhìn những củ khoai mì chất đầy dưới sàn nhà, mừng ra mặt: “Mùa này bà con mình sẽ no ấm, không phải lo âu thiếu lương thực nữa rồi”.

Đêm đó, cả đơn vị quây quần bên bếp lửa, làng nướng khoai thơm lừng, cùng ăn cùng hát bài hát đoàn kết-samaki. Lửa bập bùng, tiếng vỗ tay, tiếng hát hòa cùng tiếng núi rừng hân hoan làm lòng người cũng lâng lâng niềm tin bình yên sẽ về trên thôn xóm. Nhưng nỗi mừng vui ấy không lâu thì có tiếng báo động. Một nhóm tàn quân ẩn nấp trên ngọn núi kéo xuống tấn công làng. Tiếng súng nổ chan chát, chúng tôi vòng tay lùa những đứa trẻ vào hầm trú ẩn. Lửa đạn khạc ra từ nòng súng vẫn không thôi lóe lên từ phía này phía khác suốt mấy giờ đồng hồ mới yên. Khi đã đưa bà con vào trong làng, tôi và anh trở ra chiến hào. Phía bên kia núi bắt đầu nã pháo. Những trái pháo rơi trên ngọn núi, đá lở rào rào dọc theo sườn núi. Anh động viên tôi cố gắng bám trụ, tôi cầm chắc tay súng trong tiếng pháo gầm rú mỗi lúc một nhiều thêm.

Đất cát văng tứ tung muốn lấp cả chiến hào khi một trái pháo nổ bứng cả một gốc cây, tràn về phía chân núi ngay chỗ chúng tôi. Đầu cổ tôi toàn là đất cát, anh Hà lần sang hỏi tôi có sao không, tôi chưa kịp trả lời thì nghe một tiếng hú thật gần. Anh trườn về phía tôi, hét lên: “Cúi xuống, cúi xuống!” và anh đổ gập lên tôi. Tiếng nổ như muốn bứng chúng tôi ném đi, lồng ngực tôi như có một bàn tay vô hình ép chặt. Khoảng vài giây sau, tiếng pháo đã ngưng, tôi thấy từ phía đầu anh Hà, áp vào gáy tôi có mùi mằn mặn. Trườn ra khỏi anh, tôi lật người anh lại. Trời ơi! Anh ơi! Hơi thở anh mỏng như gió, thì thào điều gì đó như căn dặn, rồi anh đi.

Pháo đã yên, dân làng và đồng đội truy quét địch trở về chôn cất anh ở sườn dốc núi. Tôi cầm quyển nhật ký và tấm di ảnh của anh, lòng như bom cày đạn xới. Quyển nhật ký ghi lại bao tâm tư của anh về một ngôi nhà tranh cũ rách, nơi đó có bà mẹ góa cùng bầy em thơ dại...

* * *

Từ ngày lục ra được tấm ảnh trắng đen, lòng chú Tư không bao giờ yên. Chú trằn trọc với biết bao câu hỏi. Không biết anh em chính sách đã tìm và đem được anh Hà về chưa? Đồng đội năm xưa ai còn, ai mất? Bà má và bầy em của anh Hà mấy mươi năm qua ở nơi đâu, họ sống thế nào? Nghĩ nhiều, chú lại đâm ra vừa giận, vừa tự trách bản thân mình. Vì đâu sau khi hết chiến tranh lại không để tâm tới người đã cứu mình, giờ nằm nơi đất khách quê người với những nỗi niềm đau đáu? Phải chăng vợ con nheo nhóc, cơm áo gạo tiền đã làm những ký ức trong mình ngủ quên hay bởi thời gian cuồng quay với bao nỗi lo cho đời sống tất bật đã biến chú thành người vô cảm? Chú cứ không thôi dằn vặt bản thân mình. Mới có mấy tuần mà chú xuống cân đột ngột. Nghĩ “mình còn nợ cuộc đời sự trả hiếu của một đứa con”.

Nhưng dằn vặt mãi thế này cũng không phải là giải pháp. Suy nghĩ được như vậy, chú quyết định lật lại những trang nhật ký của anh Hà. Những manh mối mong manh như “xóm Sen, làng Cốm Gió” chú hỏi mãi vẫn không ra. Những chuyến đi tìm khắp nơi, gặp đồng đội cũ nào chú cũng hỏi, mãi đến sau, khi tìm được người giữ danh sách của đơn vị trong một kho lưu trữ, chú Tư mới tìm được địa chỉ nguyên quán của anh Hà.

Thời gian vật đổi sao dời, cũng phải chật vật suốt nhiều tháng, chú mới tìm đến được nhà anh Hà. Đàn em của anh đã có gia đình và thành đạt, bà mẹ già đã ngoài tuổi tám mươi, bà lúc nhớ khi quên. Lúc đưa tấm ảnh đứa con cho xem, bà nghẹn ngào khóc thương con trong nỗi nhớ. Đến bây giờ, bà vẫn cứ tin là con mình chưa chết, cầm tấm ảnh, bà lau nước mắt:

- Là con chứ ai Hà? - Vừa nói, bà vừa chỉ tay lên trán chú Tư.

Chú thẫn người ra một chút, nghĩ rằng bà già đã nuôi lấy niềm tin bấy lâu nay rằng đứa con trai của mình vẫn còn đâu đó, một ngày nó sẽ trở về. Bây giờ mình mang đến tin anh Hà đã hy sinh, chẳng khác nào ngắt đi đóa hoa niềm tin của bà ấp ủ suốt mấy mươi năm, vừa mới nhú hoa tươi rói. Chú ôm lấy chân bà, nghe lòng nghèn nghẹn:

- Má ơi, mấy mươi năm qua con nhớ má quá chừng! - Bà già không khóc, bà an ủi con: “Có con về là má vui, má khỏe lắm rồi!”.

Từ ngày chú đến, bà già bỗng dưng ăn uống nhiều hơn. Tinh thần và sức khỏe bà có phần tốt hơn. Chú cũng thấy ngủ yên, dẫu lạ nhà mà sao mình lại dỗ vào giấc mơ dịu dàng đến thế! Chú xin các cháu cho chú ở lại đây thêm một thời gian, để phụng dưỡng cho bà. Hằng ngày, chú đút cơm cho bà ăn, nghe bà kể chuyện “hồi nhỏ thằng Hà nó thích ăn gà”-nói xong chỉ tay chỗ miếng gà phía dĩa, chú gắp lấy ăn ngay: “Dạ, đến giờ con cũng còn thích đó má”. Chú ăn mà nước mắt cứ tèm lem. Bà la: “Khóc gì mà khóc, có má đây mà khóc gì hở Hà!”.

Ở với bà được 4 tháng thì một bữa giữa đêm mệt nặng, bà già lặng lẽ ra đi khi mấy đứa cháu con còn đang ngủ say để sáng mai đi làm cho kịp quét vân tay chấm công. Chú ngồi trước quan tài bà già như đứa con trai chịu tang cho mẹ. Trong đầu chú Tư cứ âm vang câu nói lúc giữa đêm của bà: “Bây à, má còn đau đáu nắm xương thằng Hà, bây à”. Lúc đó, chú nằm bên cạnh giường ngó qua, thấy bà già vẫn ngủ yên, tưởng rằng bà nói trong cơn mê sảng. Nhưng đâu hay, suốt thời gian qua, bà má có lẫn lộn bao giờ? Nghĩ mình đang diễn thành thạo để an ủi má, có ngờ đâu má mới là người an ủi mình. Sao vậy, má ơi!

Trong những ý nghĩ miên man lúc chịu tang thay cho đồng đội, chú Tư chợt thấy lóe lên trong lòng ý tưởng. Mãn bốn mươi chín ngày của má, mình sẽ về lại chiến trường xưa tìm rước cho được anh Hà về: “Má, má thương con, cho con tìm được anh nghen!”.

Truyện ngắn của ĐỖ YÊN KHÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/nhung-dua-con-cua-me-665503