Những đứa con của Đồn biên phòng Na Ngoi

Để có tiền lo đều đặn cho 'các con'', những người lính quân hàm xanh phải dành dụm những đồng lương ít ỏi của mình. Chẳng hô hào, nhưng cũng không một ai từ chối việc làm này, xem đó như trách nhiệm hơn là nghĩa vụ, người còn xung phong góp nhiều hơn. Chúng tôi phần nào cảm nhận được ý nghĩa nhân văn của bốn chữ 'con nuôi đồn biên phòng' mà người dân ở miền tây xứ nghệ tặng cho các anh.

BĐBP giúp dân làm lại nhà

BĐBP giúp dân làm lại nhà

Từ lời dạy của Bác Hồ với bộ đôi biên phòng…

Khắc sâu lời dạy của Bác “ở những nơi đồng bào thiểu số, phải luôn giúp đỡ giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu cán bộ thì đồng bào sẽ luôn hết sức giúp đỡ, có hi sinh cho ta. Đối với những đơn vị Biên phòng hay ở các đảo, việc ấy lại càng hết sức chú ý”. Trong những năm qua Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Na Ngoi nhớ lời Bác dạy và luôn thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân xây dựng cơ sở và biên cương vững mạnh.

Hai cháu Vi Dương Cầm và Hùa Bá Sâu

Nằm dưới chân núi nơi đại ngàn biên giới huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là Đồn Biên phòng (ĐBP) Na Ngoi. Cuối năm, tiết trời nơi biên giới lạnh giá, những cây hoa đào “khôn” cũng đã nở. Nhưng chúng tôi cảm nhận được cái hơi ấm bởi tình quân dân giữa cán bộ chiến sỹ quân hàm xanh với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Hình ảnh người chiến sỹ quân hàm xanh đến tận nhà khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho người dân lúc ốm đau, sửa lại nhà cửa bị sập do mưa bão, trồng lúa, giúp dân thu hoạch… đã không còn xa lạ với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Bà con dân bản vùng biên xã Na Ngoi lấy cán bộ chiến sỹ của đồn như là điểm tựa không thể thiếu nơi biên giới về an ninh Tổ quốc, về tinh thần, vật chất cũng như lúc thiên tai, đại hạn xảy ra.

… Đến “Mô hình con nuôi biên phòng”: chan chứa yêu thương

Giữa sân đồn, những người lính biên phòng đang chơi bóng chuyền. Không khí sôi nổi và hào hứng. Giữa khung cảnh ấy, 2 cậu bé ngồi quây quần bên những người lính, làm khán giả cổ vũ cho những người trong sân.

Đến khi cùng ăn cơm tối, tôi mới biết 2 cậu bé được ĐBP Na Ngoi nhận về nuôi từ tháng 9/2019. Những người lính biên phòng chăm chút, ân cần với các cậu bé như đối với con ruột của mình.

Ở ĐBP Na Ngoi

Nói về những đứa con nuôi, Thượng tá Trần Xuân Hiếu, Đồn trưởng ĐBP Na Ngoi cho biết: “Thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh BĐBP, Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An về việc khảo sát các đối tượng là các cháu người dân tộc thiểu số mồ côi cha mẹ, các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Na Ngoi để nhận làm “con nuôi đồn biên phòng”, giúp các cháu có điều kiện đến trường, ổn định cuộc sống. ĐBP Na ngoi đã nhận hai cháu Vi Dương Cầm (SN 2011), trú tại bản Tằng Phăn và Hùa Bá Sâu (SN 2008), trú tại bản Phù Khả về làm con nuôi của đồn. Cả hai cháu được đưa về đồn ăn ở, sinh hoạt từ tháng 9/2019”.

Cũng như cách làm truyền thống, không nghi lễ thủ tục rườm rà, miễn là đúng đối tượng cần giúp. Cái được lớn nhất từ mô hình này không chỉ là chăm lo cho bữa ăn cho những học sinh nghèo, mà còn từng bước nâng cao kỹ năng sống, cải thiện chất lượng học tập cho các em. Trong sự đùm bọc, yêu thương của người lính, tất cả các em đều nỗ lực phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi.

“Đóng quân ở vùng biên giới Việt Lào, hằng ngày tiếp xúc với người dân chúng tôi cảm nhận cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số còn khổ cực nhưng lòng tin hướng về Đảng, Nhà nước thì rất lớn”- thượng tá Trần Xuân Hiếu nói thêm.

Được biết, cháu Vi Dương Cầm, dân tộc Thái, hiện là học sinh lớp 3; cháu Hùa Bá Sâu, dân tộc Mông, học sinh lớp 5 (trường tiểu học Na Ngoi 1, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn). Trong đó trường hợp cháu Sầu từ khi bố chết, mẹ lấy chồng khác, cháu ở với ông bà nội từ bé, trong khi gia đình ông bà nội thuộc diện hộ nghèo. Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên khi được ĐBP Na Ngoi nhận làm con nuôi, Bá Sâu như cởi bỏ được nỗi ám ảnh thất học ngay từ khi chưa đi học.

Cầm và Sâu được tạo điều kiện tốt để học tập

Khi được chúng tôi hỏi về ước mơ sau này, Bá Sâu trả xúc động nói: “Nhờ có các chú BĐBP giúp đỡ, cháu và em Cầm đã bớt cơ cực hơn. Cháu sẽ cố gắng học tập để không phụ công nuôi dạy của các chú và mong ước sau này sẽ trở thành một cán bộ Biên phòng để bảo vệ biên giới thiên liêng của Tổ Quốc”

Thường thì những đứa trẻ như thế chắc chắn mất một thời gian dài để làm quen với cuộc sống mới, nhưng cả 2 cháu lại khác, bởi em đã được các chú BĐBP quan tâm và chăm lo.

Ngay sau khi trở thành con nuôi của ĐBP cả 2 cháu đã được bố trí ở chung phòng với một cán bộ biên phòng, có gường riêng, bàn ghế riêng hẳn hoi. Các cháu được bố trí ở chung một phòng với Thiếu tá Phạm Xuân Minh.

Tất cả đồ dùng của các em từ quần áo, chăn màn tới sách vở đều do họ tự tay sắm sửa. Không kể những ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, thỉnh thoảng, các bán bộ lại thay nhau đưa các em về thôn thăm nhà.

“Đơn vị phân công, bố trí cán bộ, chiến sỹ thường xuyên kèm cặp, dạy bảo các cháu trong quá trình học tập, sinh hoạt tại đồn. Cử cán bộ quân y đơn vị thường xuyên theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho các cháu. Ngoài thời gian học tập tại trường, khi về đồn các cháu còn được hướng dẫn cách sinh hoạt, chào hỏi, tham gia tăng gia sản xuất. Sáng dậy tập thể dục cùng đơn vị; tối đến được hướng dẫn học bài…Hai tháng đầu thấy các cháu cũng bỡ ngỡ vì chưa quen với nếp sống mới, nhưng nay đã trở thành thói quen, tham gia nhiệt tình, ăn, ở sinh hoạt như các chú trong đơn vị”- Thiếu tá Minh nhận xét.

Với cách làm phù hợp, đơn giản mà đúng đối tượng, có thể nói khúc “dạo đầu” của chương trình con nuôi ĐBP đã thực sự đi vào quỹ đạo để bản nhạc tình người tiếp tục ngân vang trên vùng biên giới.

Đảng ủy, ban chỉ huy ĐBP Na Ngoi cũng thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình học tập, sức khỏe, mối quan hệ của các cháu để có biện pháp quản lý, giúp đỡ, rèn luyện phù hợp.

Các cháu luyện tập cùng các chú BĐBP

“Thời gian nuôi dưỡng các cháu tại đơn vị tính từ lúc nhận nuôi dưỡng (tháng 9/2019- PV) đến khi học xong lớp 9 và khi học xong lớp 9, nếu các cháu tiếp tục học lên cấp ba thì đơn vị chúng tôi nhận đỡ đầu theo chương trình “nâng bước em đến trường”. Nguồn kinh phí nuôi dưỡng các cháu được trích quỹ và đóng góp tiền lương của cán bộ, chiến sỹ đơn vị. Chúng tôi cũng dùng số kinh phí này để mua sách vở, áo quần, đồ dùng học tập và nộp tiền học phí cho hai cháu”- Thượng tá Hiếu nói.

Nhận xét về học lực của hai cháu Vi Dương Cầm và Hùa Bá Sâu từ khi Đồn Biên phòng Na Ngoi nhận về làm “con nuôi”, thầy Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Ngoi 1 nhấn mạnh: “Cán bộ, chiến sỹ ĐBP Na Ngoi không những hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên biên cương của Tổ quốc, các anh còn được xem như những người cha luôn tận tụy chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với sự giúp đỡ của các cán bộ, từ ngày hai cháu Vi Dương Cầm và Hùa Bá Sầu đã có được cuộc sống tươi đẹp hơn và thỏa ước mơ được cắp sách đến trường. Ban Giám hiệu cũng khẳng định, có được sự tiến bộ về mọi mặt của hai em là nhờ sự giúp đỡ, dạy bảo tận tình và trách cao đầy tính nhân văn của cán bộ chiến sỹ ĐBP Na Ngoi”.

Quỳnh Trang

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/nhung-dua-con-cua-don-bien-phong-na-ngoi-377507.html