Những dự báo của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2019 và 2020

Phát biểu tại Hội nghị ngân hàng do Bloomberg tổ chức mới đây, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - David Lipton - đã đưa ra cảnh báo về 'những đám mây bão' đang bao phủ nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong năm 2019 và 2020, đồng thời kêu gọi các chính phủ giải quyết những rắc rối 'trước khi quá muộn'.

Theo đó, các chính phủ và các ngân hàng trung ương có thể chưa được chuẩn bị tốt để đối phó với những rắc rối này. Đại diện IMF cũng cảnh báo rằng, cuộc chiến thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc là rủi ro lớn nhất trước mắt.

Theo ước tính của IMF, nếu tất cả các mức thuế dự kiến được áp dụng, thì có đến ¾ GDP toàn cầu sẽ bị tổn thất vào năm 2020. Đó là tổn thất rất lớn, vì vậy, điều quan trọng là thỏa thuận “ngừng chiến” giữa Washington và Bắc Kinh có thể dẫn đến một thỏa thuận lâu dài nhằm tránh gia tăng hoặc mở rộng căng thẳng thương mại. Cảnh báo này của đại diện IMF được đưa ra một ngày sau khi nhà kinh tế trưởng của IMF nhận định người dân Mỹ bắt đầu cảm thấy những tác động trong năm tới với sự chậm lại rõ rệt trong tăng trưởng kinh tế thế giới nhưng sẽ tránh một cuộc suy thoái mới xảy ra.

Trước đó, ngày 10/12, nhà kinh tế trưởng của IMF - Maurice Obstfeld - cho biết, IMF từ lâu đã dự đoán mức tăng trưởng của Mỹ năm 2019 có phần thấp hơn so với năm nay, khi những tác động của các biện pháp tài chính và ngân sách của chính quyền Donald Trump bắt đầu trở nên mờ nhạt. Theo dữ liệu hiện tại, khả năng tăng trưởng sẽ chậm hơn nữa vào năm 2020. IMF đã điều chỉnh dự đoán tăng trưởng năm 2019 cho Mỹ xuống 2,5% so với mức 2,8% dự kiến cho năm nay.

Trong khi đó, tại khu vực châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự báo sẽ đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng của năm nay và năm tiếp theo với nhu cầu nội địa tăng mạnh và áp lực lạm phát đã giảm bớt, mặc dù vẫn cảnh báo các rủi ro suy giảm từ làn sóng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Theo báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á cập nhật được công bố ngày 12/12, ADB duy trì ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2018 và 2019 cho khu vực này lần lượt ở mức 6% và 5,8%. ADB cũng duy trì dự báo tăng trưởng 6,6% và 6,3% cho Trung Quốc cũng như kỳ vọng tăng trưởng 7,3% và 7,6% cho Ấn Độ trong cả hai năm.

Mặc dù thỏa thuận “ngừng chiến” giữa Mỹ và Trung Quốc được coi là tiến triển rất đáng hoan nghênh, nhà kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB cho biết, cuộc xung đột chưa được giải quyết dứt điểm là một rủi ro đối với triển vọng kinh tế trong khu vực. Triển vọng tăng trưởng năm 2019 của Trung Á đã tăng từ mức dự báo 4,2% lên 4,3%, nhưng Đông Nam Á và Nam Á trong năm tới sẽ giảm xuống 5,1% và 7,1%. ADB cho biết, giảm giá hàng hóa và các hành động chính sách của ngân hàng trung ương có thể khiến tốc độ lạm phát ở châu Á đang phát triển ổn định ở mức 2,6% trong năm nay xuống còn 2,7% trong năm 2019, giảm so với dự báo 2,8% trước đó cho cả hai năm.

V.D

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-du-bao-cua-nen-kinh-te-toan-cau-trong-nam-2019-va-2020-113311.html