Những dự án mãi 'không lớn' từ thời sáp nhập Hà Nội

Từng là những cái tên gây sốt trên thị trường BĐS, thế nhưng các dự án, KĐT này đều gây thất vọng khi vẫn chỉ là những khu đất trống, khu nhà xây dở dang, trong khi đó nhu cầu về nhà ở đang ngày càng cấp thiết.

Cách đây trở về 10 năm về trước (giai đoạn 2008-2009) đây đều là những dự án gây sốt tại thị trường BĐS Thủ đô. Đây cũng chính là giai đoạn Hà Nội đang mở ra một cuộc cải cách mới mang ý nghĩa lịch sử mở rộng diện tích địa lý, sát nhập nhiều tỉnh, huyện ven Thủ đô vào. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các khu đô thị mới, các dự án nhà nằm ở vị trí sáp nhập Hà Nội vẫn chưa triển khai được gì và những khu đất trống, những khu nhà xây dở dang.

Đầu tiên phải kể đến khu vực (Hà Tây cũ), huyện Hoài Đức, huyện Thạch Thất đều là địa chỉ mà giới đầu tư nhận định sẽ có tốc độ phát triển vượt bậc khi về Hà Nội, bởi được quy hoạch nằm trung tâm mới phía Tây; có lợi thế về hạ tầng giao thông, kết nối với các trục giao thông hướng tâm lớn nhất như Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long…

Khi nguồn nhân lực đổ về Hà Nội ngày càng đông theo từng năm thì nhu cầu về “nơi ăn chốn ở” cũng tăng theo, ngặt nỗi quỹ đất trong nội đô thì ngày càng ít dần thì xu hướng phát triển đô thị ra ngoại thành càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Huyện Hoài Đức năm cách nội đô không xa, giao thông càng trở nên thuận tiện khi Đại lộ Thăng Long đã hình thành. Giới đầu tư vào tầm ngắm với hàng loạt dự án nhà ở, KĐT mới được phê duyệt trước và sau này về Hà Nội. Tuy nhiên thực tế đây cũng chính là cú ngã ngựa của hàng loạt “ông lớn BĐS. Nhiều dự án, KĐT không triển khai được, hoặc xây dựng còn dang dở dẫn đến nhiều dự án bị bỏ hoang lâu năm hay bán xong không ai về ở.

KĐT Lideco Bắc 32 của Công ty Cổ phần phát triển Đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư nằm tại trung tâm thị trấn Trạm Trôi trên 38ha, được xem là KĐT hoàn chỉnh nhất khu vực này, sau nhiều năm đưa vào sử dụng đến nay chỉ lác đác vài hộ sinh sống. Những ngôi biệt thự kiểu dáng châu Âu vẫn hoàng tàn, cỏ mọc um tùm.

Liền kề với KĐT Lideco là hàng loạt các KĐT khác như KĐT Nam 32, Vân Canh, Vườn Cam…, đang trong cảnh hoang tàn, dở dang.

Một huyện khác từng trực thuộc Hà Tây cũ là Quốc Oai hiện vẫn còn rất nhiều dự án nghìn tỷ chưa “ngủ dậy”.Dự án Khu nhà vườn sinh thái Đồng Quang (tổng mức đầu tư 683 tỷ đồng) và Dự án Làng châu Âu và Trung tâm thương mại Quốc Oai (tổng mức đầu tư 2.856 tỷ đồng) do Eurowindow làm chủ đầu tư đang nằm trên địa bàn huyện Quốc Oai. Dự án dự kiến khởi công vào quý II/2009. Tuy nhiên, đến nay dự án Khu nhà vườn sinh thái Đồng Quang mới chỉ giải phóng mặt bằng được một ít, và người dân địa phương vẫn đang canh tác bình thường.

Dự án Khu đô thị Hà Nội WestGate thuộc địa bàn huyện Quốc Oai, dọc Đại lộ Thăng Long (Hà Nội). Đây là khu đô thị sinh thái nằm trong tổng thể quy hoạch khu đô thị sinh thái gần 900ha thuộc huyện Quốc Oai được UBND TP. Hà Nội giao cho Công ty Tư vấn VIAP của Bộ Xây dựng làm quy hoạch. Dự án được giao cho Công ty CP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp làm chủ đầu tư tại Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 03/7/2008 với quy mô hơn 44 ha.

Cũng trong năm 2008, chính quyền (khi đó là UBND tỉnh Hà Tây giai đoạn chưa sáp nhập vào Hà Nội) đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, cho phép đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị và có Quyết định về việc giao chính thức hơn 44 ha đất nói trên cho Công ty CP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp để thực hiện dự án khu đô thị Hà Nội WestGate (giai đoạn 1). Tính đến thời điểm hiện tại (đầu năm 2019), siêu dự án này vẫn chỉ là bãi đất hoang cỏ mọc um tùm, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân địa phương.

Trong các dự án được công bố rầm rộ với quy mô lớn, nhưng cả thập kỷ vẫn nằm trên giấy có thể kể đến Dự án Tháp thiên niên kỷ Hà Tây, hay còn được biết đến với tên gọi Hatay Millenium do Công ty TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án tọa lạc tại vị trí đắc địa, hai mặt tiền đường Trần Phú và Quang Trung (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội), đối diện Bưu điện Hà Đông. Dự án dự kiến khởi công vào tháng 7/2008 và hoàn thành vào quý IV/2010 để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội.

Theo quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt, dự án có quy mô 29 tầng với tổng vốn đầu tư 29,2 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư xin điều chỉnh quy mô dự án với 2 tòa tháp cao 45 tầng và 4 tầng hầm, nâng vốn đầu tư lên 50 triệu USD, với nhiều tiện ích và thiết kế độc đáo, nhằm tạo ra một biểu tượng mới cho vùng đất lụa. Tuy nhiên, trái ngược những hứa hẹn lớn lao, đến nay đã gần 10 năm, dự án vẫn nằm trên giấy.

Nhiều dự án hoành tráng vẫn chưa tìm được "cái kết"

Nhiều dự án hoành tráng vẫn chưa tìm được "cái kết"

Còn khu vực phía Đông Hà Nội, tại huyện Mê Linh, với gần 20 dự án nhà ở, khu đô thị (KĐT) quy mô hàng trăm hecta như: Khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Cty CP Vinh Sơn trên 60ha; Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Cty CP ĐTXD&TM Phúc Việt quy mô 24,3ha; Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho công nhân KCN của Cty CP ĐT-XD số 18 quy mô gần 16ha; KĐT Minh Giang Đầm Và (2 giai đoạn) của Cty TNHH Minh Giang gần 22ha; dự án làng hoa Tiền Phong của Cty TNHH Tiền Phong trên 40ha; Làng Quốc tế Tiền Phong gần 30ha.., đều trong tình trạng đắp chiếu, cỏ mọc um tùm.

Ngay cả khu đô thị Hà Phong quy mô trên 41ha do Cty CP Hà Phong làm chủ đầu tư, một trong ít ỏi khu đô thị đầu tiên trong danh sách dự án được đưa vào sử dụng cũng chỉ thấy thấp thoáng vài căn biệt thự, nhà phố có người ở trong tổng thể hàng trăm lô biệt thự. Kề đấy, dự án Spring Hill City đã được đầu tư hạ tầng nhưng đến nay làm nơi chăn thả trâu bò, cỏ hoang phủ kín lối vào các khu biệt thự.

Theo thông tin từ UBND huyện Mê Linh cho biết: Trong 47 dự án khu đô thị và dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Mê Linh với tổng diện tích đất khoảng 1.800ha, nhiều dự án trong số này dù không phải điều chỉnh quy hoạch được phép tiếp tục triển khai ngay nhưng gần chục năm nay vẫn hoang tàn, việc thu hồi, bồi thường GPMB đều dở dang. Có thể điểm mặt những “ông lớn” như: Khu nhà ở của Cty Vinaconex 2 thuộc xã Quang Minh với quy mô gần 22ha hiện vẫn còn diện tích chưa GPMB; Khu du lịch 79 mùa xuân của Cty CP An Phát (Toàn Thắng) tại xã Thanh Lâm với quy mô gần 100 ha.

Riêng Tổng Công ty HUD đang “ôm” nhiều dự án KĐT với hàng trăm hecta đất, gần chục năm nay không triển khai xây dựng, rất nhiều diện tích đất chưa đền bù, chưa GPMB. KĐT Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 (53,57ha); KĐT Mê Linh -Đại Thịnh (141,84ha); KĐT Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 trên 55 ha được triển khai từ lâu nhưng đến giờ vẫn còn GPMB dang dở (0,18ha chưa GPMB).

Các dự án đình đám một thời như KĐT Cienco5 của Cty XD công trình 547 tại xã Tiền Phong (giai đoạn 1-36 ha), đến nay các tuyến đường trục đã hoàn thành thông xe nhưng dấu vết còn lại chỉ là những ống cống bê tông bỏ trơ giữa đồng cỏ. KĐT Cienco5 (giai đoạn 2 và giai đoạn mở rộng) cũng của nhà đầu tư này với trên 30 ha hiện vẫn đang dang dở GPMB đền bù cho người dân.

Đăng Khôi

Nguồn ANTT: http://antt.vn/nhung-du-an-mai-khong-lon-tu-thoi-sap-nhap-ha-noi-266983.htm