Những dự án định cư hiệu quả thấp ở Cao Bằng

Thực trạng triển khai, thực hiện các dự án định canh định cư (ÐCÐC) tại tỉnh Cao Bằng trong giai đoạn 2007 - 2016 cho thấy nhiều bất cập. Có dự án đã hoàn thành, dân vào ở, rồi lại bỏ về nơi sinh sống cũ, thể hiện kém hiệu quả; có dự án đầu tư dở dang, tạm dừng; lại có dự án đầu tư kéo dài, đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Xóm định cư Bành Tổng - Phiêng Phát, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) vắng bóng người.

Xóm định cư Bành Tổng - Phiêng Phát, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) vắng bóng người.

Thực trạng triển khai, thực hiện các dự án định canh định cư (ÐCÐC) tại tỉnh Cao Bằng trong giai đoạn 2007 - 2016 cho thấy nhiều bất cập. Có dự án đã hoàn thành, dân vào ở, rồi lại bỏ về nơi sinh sống cũ, thể hiện kém hiệu quả; có dự án đầu tư dở dang, tạm dừng; lại có dự án đầu tư kéo dài, đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Hiệu quả thấp, lãng phí

Năm 2013, dự án ÐCÐC Bành Tổng - Phiêng Phát, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) hoàn thành trong niềm vui của các hộ dân được hỗ trợ nhà ở, bố trí đất sản xuất trong dự án. Tuy nhiên tại nơi ở mới, đất ít, cằn cỗi, cây trồng cho năng suất, sản lượng thấp chưa bảo đảm sinh kế, nhiều hộ đã bỏ về nơi ở cũ sinh sống.

Dự án ÐCÐC Bành Tổng - Phiêng Phát có tổng vốn đầu tư 8,2 tỷ đồng được khởi công năm 2008, hoàn thành năm 2013. Ngay khi mới hoàn thành, dự án chưa đạt được mục tiêu. Dự kiến định cư cho 53 hộ và bố trí 1,5 ha đất sản xuất/hộ, nhưng do quỹ đất hạn hẹp, dự án bố trí chỗ ở, đất sản xuất cho 34 hộ dân, mỗi hộ chỉ được cấp 800 đến 1.000 m2 đất sản xuất.

Trưởng xóm Bành Tổng - Phiêng Phát Triệu Văn Nhất cho biết, nguyên nhân là do trong quá trình san gạt, tạo mặt bằng bố trí đất sản xuất, đơn vị thi công sử dụng máy xúc gạt hết lớp đất màu, trơ lại đất cằn, nhiều sỏi đá, người dân chỉ trồng được cây đỗ tương, năng suất thấp. Nhiều người nỗ lực cải tạo đất nhưng chưa hiệu quả, đã bỏ hoang ruộng. Ruộng ít, lại cằn cỗi, sản xuất chưa bảo đảm cuộc sống, đến nay đã có 24/34 hộ bỏ về nơi ở cũ sinh sống. Trong số 10 hộ ở lại, có tới tám hộ nguyên là cư dân bản địa ở xóm; hai hộ bám trụ ở lại, không bỏ đi là do về nơi ở cũ cũng không có đất sản xuất, như trường hợp gia đình ông Triệu Kiềm Phúc.

Cũng tại huyện Nguyên Bình, dự án ÐCÐC xóm Nà Lẹng, xã Hưng Ðạo có tổng vốn đầu tư gần 8 tỷ đồng, đã giải ngân 3 tỷ đồng đầu tư làm đường giao thông, mương thủy lợi, đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, khi huyện giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sản xuất cho hộ đến định cư thì nảy sinh vấn đề về mặt bằng để khai hoang, tạo quỹ đất sản xuất. Bên cạnh đó, do địa hình phức tạp, chi phí đầu tư một số hạng mục đội vốn so với dự toán được giao, khó thực hiện. Từ năm 2012, dự án bỏ dở thi công, đến nay đã tạm dừng, lãng phí số tiền đã đầu tư.

Trong khi đó, tại huyện Bảo Lâm, dự án ÐCÐC Én Ngoại, xã Vĩnh Phong đã đầu tư 4,2 tỷ đồng làm đường giao thông, xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, mương thủy lợi, san nền nhà nhưng khi tìm nguồn nước sản xuất thì không có. Ðến nay, dự án vẫn dở dang và đang được đề nghị cấp ngân sách để thực hiện tiếp trong giai đoạn 2018 - 2020.

Thực hiện Quyết định số 33/2007/QÐ-TTg ngày 5-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 - 2010, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt quyết định giao UBND bảy huyện làm chủ đầu tư thực hiện 20 dự án ÐCÐC tập trung. Với mục tiêu tạo điều kiện cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở trên núi cao, xa khu dân cư, thiếu đất sản xuất, du canh du cư có nơi ở ổn định, có đất phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, 18 dự án đã được triển khai đầu tư. Trong đó, hai dự án hoàn thành, còn 16 dự án dở dang sau 11 năm triển khai, thực hiện.

18 dự án ÐCÐC tập trung đã giải ngân gần 170 tỷ đồng xây dựng 18 tuyến đường giao thông, 12 công trình thủy lợi, tám trường học, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, bảy công trình nước sinh hoạt, ba công trình điện sinh hoạt… nhưng mới chính thức định cư được cho 47 hộ ở hai dự án đã hoàn thành, trong khi mục tiêu đặt ra là tiếp nhận 905 gia đình, với 5.339 người ÐCÐC.

Hạn chế trong khảo sát dự án

Ðánh giá nguyên nhân các dự án ÐCÐC hiệu quả thấp, Trưởng ban Dân tộc, UBND tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng nhận định: Thực tế là có hạn chế, thiếu sót trong giai đoạn khảo sát, thực hiện dự án. Do khảo sát chưa toàn diện, kỹ càng, nên khi triển khai thực hiện, phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng tiến độ, hiệu quả dự án. Mỗi dự án phát sinh vấn đề riêng như khó bố trí đất sản xuất cho người dân; khó giải quyết việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất. Mặt khác, vốn đầu tư các dự án được cấp nhỏ giọt, qua nhiều năm, nên việc thực hiện cũng kéo dài, chậm phát huy hiệu quả. Ðể thực hiện hiệu quả dự án ÐCÐC cần thực hiện kỹ công tác khảo sát, xác định khó khăn ở đâu, tập trung giải quyết, không để kéo dài.

Trưởng ban Dân tộc, HÐND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Ðội cho rằng, để thực hiện hiệu quả dự án ÐCÐC, các địa phương cần đặc biệt quan tâm, giải quyết sinh kế cho người dân.

Mới đây, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh rà soát toàn bộ 18 dự án ÐCÐC nêu trên. Qua đánh giá, tỉnh đã quyết định tạm dừng đầu tư 10 dự án do đã đầu tư cơ bản các hạng mục, dân tự ổn định ÐCÐC. Ðối với những hạng mục chưa hoàn thành, đề nghị địa phương lồng ghép nguồn vốn khác để hoàn thiện. Tám dự án còn lại được tỉnh đề nghị Trung ương tiếp tục đầu tư 109 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2020, theo Quyết định số 2085/QÐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Lý do đầu tư là vẫn còn đối tượng ÐCÐC theo quy định, các điều kiện đất canh tác, đất ở, nước sinh hoạt, sản xuất khi được đầu tư sẽ đáp ứng được tiêu chí ổn định dân cư.

Từ thực tế triển khai dự án ÐCÐC thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đề nghị Trung ương tập trung cấp kinh phí thực hiện dự án ÐCÐC trong hai đến ba năm, tránh tình trạng cấp vốn nhỏ giọt, kéo dài, tạo ra nguy cơ thay đổi giá nhân công, vật liệu, khó thực hiện. Mặt khác, với trách nhiệm được giao, tỉnh cần chỉ đạo các địa phương đặc biệt quan tâm vấn đề cấp đất sản xuất cho người dân được ÐCÐC. Ðồng thời, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, tránh phát sinh vấn đề trong đầu tư các hạng mục, mất thời gian giải quyết, khiến quá trình đầu tư dự án kéo dài, chậm phát huy hiệu quả, gây lãng phí.

Bài và ảnh: MINH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/37802102-nhung-du-an-dinh-cu-hieu-qua-thap-o-cao-bang.html