Những đột phá phát triển kinh tế - xã hội

Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, toàn tỉnh đã phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, nhất là chỉ số tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm. Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 10,2%. Kết quả này đã minh chứng rõ nét tinh thần 'Đồng khởi' của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

Đoàn lãnh đạo tỉnh làm việc với Công ty khoáng sản Núi Pháo

Đoàn lãnh đạo tỉnh làm việc với Công ty khoáng sản Núi Pháo

Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, toàn tỉnh đã phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, nhất là chỉ số tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm. Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 10,2%. Kết quả này đã minh chứng rõ nét tinh thần “Đồng khởi” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Cơ cấu kinh tế cũng có sự thay đổi tích cực và đúng định hướng: Phát triển khu vực kinh tế thương mại - dịch vụ, ổn định khu vực kinh tế công nghiệp - xây dựng và giảm dần khu vực kinh tế nông nghiệp. Mô hình tăng trưởng từng bước được chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng với chiều sâu.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả là một trong những biện pháp mà UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện. Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phát triển, dự ước giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2018 trên địa bàn tỉnh đạt hơn 600 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ và bằng 102,4% kế hoạch cả năm. Tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp chủ yếu do đầu tư mở rộng, đầu tư mới các dự án. Tỉnh đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 613 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 3.650 tỷ đồng, trong đó có 09 doanh nghiệp FDI với tổng số vốn đăng ký trên 280 tỷ đồng. Đặc biệt, đầu tháng 7/2018 tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 với chủ đề “Thái Nguyên - Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư”, sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được 62 dự án của 43 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 113.508 tỷ đồng. Đây là những nhân tố góp phần duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong năm qua.

Với mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018 vượt kế hoạch đề ra là 3,5%, kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới là một trong những minh chứng khẳng định sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn của UBND tỉnh trong năm qua. Trong đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả được nhân rộng. Nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng được thực hiện tốt. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi phù hợp, mang lại hiệu quả cao hơn, đặc biệt là sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên đã được công nhận chỉ dẫn địa lý “Thái Nguyên”, góp phần khẳng định giá trị, chất lượng, thương hiệu và nâng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên trên thị trường. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hướng bền vững, an toàn, chủ yếu theo quy mô trang trại gắn với bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, tỉnh đã tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Giá trị sản xuất xây dựng năm 2018 trên địa bàn ước đạt 20,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, có nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả thiết thực, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... Xây dựng đô thị đạt kết quả khả quan, tổng số đô thị toàn tỉnh đạt 12 đô thị, trong đó loại I là 01 đô thị, loại III là 01 đô thị, loại IV là 01 đô thị, loại V là 09 đô thị. Bộ mặt các đô thị trong tỉnh như: TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, thị xã Phổ Yên và các đô thị trung tâm các huyện có sự thay đổi mạnh mẽ, xanh - sạch - đẹp, ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại.

Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có những sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chất lượng dịch vụ được nâng lên, một số dịch vụ mới được hình thành và phát triển. Trong năm 2018, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 10,2%, giá trị nhập khẩu tăng 5,9%. Lĩnh vực du lịch được chú trọng, với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, nhằm thu hút du khách… Đặc biệt là nhiều hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa, tuần lễ ẩm thực, du lịch... được các địa phương trong tỉnh tổ chức khá thành công, thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, vui chơi tại tỉnh.

Hoạt động tài chính, ngân hàng lành mạnh, công tác bồi dưỡng và khai thác nguồn thu được thực hiện tốt. Tổng thu ngân sách năm 2018 trên địa bàn luôn đạt và vượt dự toán được giao, đảm bảo nhiệm vụ chi theo tiến độ được duyệt. Tổng Chi ngân sách ước đạt hơn 14.000 tỷ đồng. Hoạt động ngân hàng phát triển ổn định, với nhiều giải pháp huy động nguồn vốn và mở rộng cho vay được thực hiện có hiệu quả, ước đến cuối tháng 10/2018, tổng dư nợ tăng 8,92%. Nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp.

Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển về quy mô và chất lượng theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mạng lưới trường, lớp tiếp tục được đầu tư; nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập có đổi mới. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, nhất là trình độ, năng lực và kỹ năng thực hành.

Từ góc độ vĩ mô, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên đạt được trong năm 2018 trước hết là do kết quả đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống bộ máy chính quyền địa phương. Công tác sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương... Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được thực hiện tốt. Hoạt động đấu tranh phòng chống tham nhũng, tội phạm, bài trừ tai nạn, tệ nạn xã hội được tăng cường, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ được tập trung thực hiện quyết liệt... Tai nạn giao thông đường bộ giảm 2 mặt (giảm số vụ và số người bị thương). Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân có tiến bộ, nhất là trách nhiệm của các cấp, các ngành được nâng lên.

Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2018, năm 2019, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung mọi nỗ lực để tiếp tục tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị và bảo vệ môi trường. Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các cấp, các ngành; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường phòng, chống tham nhũng; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tạo môi trường bình yên cho phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu đạt một số chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 9,0%, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN tăng 11%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10 %, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 15.000 tỷ đồng. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93%. Tăng thêm 13 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,2%... Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư; đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời với triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới, tỉnh sẽ tập trung khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực như: kiểm soát và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm,... Xây dựng và từng bước hình thành các điều kiện để phát triển những thành phố thông minh, chính quyền điện tử. Quan tâm nâng cao chất lượng sống của người dân trên địa bàn.

Một năm nhìn lại, kinh tế của tỉnh Thái Nguyên không ngừng phát triển, an ninh chính trị cơ bản được đảm bảo và giữ vững, diện mạo nông thôn trên đà khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên về vật chất, chuyển biến về tinh thần. Những kết quả đó minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Mặc dù được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn nhưng với nền tảng sẵn có và những giải pháp cụ thể được triển khai đồng bộ, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy nội lực, thực hiện hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, tạo cho bức tranh kinh tế - xã hội năm 2019 thêm những gam màu tươi mới.

Hoàng Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/nhung-dot-pha-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-69766.html