Những dòng thư của kẻ trời đất không sợ, chỉ sám hối trước mẹ già

Với lòng quả cảm và sự mưu trí, trong vòng 5 tháng, ban chuyên án đã tóm gọn toàn bộ băng cướp trên quốc lộ 1A, thu đầy đủ hung khí và dụng cụ gây án, khiến nhân dân nức lòng phấn khởi. Phiên tòa xét xử 'Đỗ Thái Bình và đồng bọn' là phiên tòa 'lịch sử' nhất trong thời điểm đó.

Phiên tòa “lịch sử”

Chuyên án kết thúc, người dân ở các tỉnh miền Trung, nhất là tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và cánh tài xế rất hoan hỉ. Nhiều người còn mở tiệc ăn mừng vì lực lượng Công an đã triệt phá băng cướp tàn bạo gây kinh hoàng nhất trong thời điểm đó.

Phiên tòa xử băng cướp Đỗ Thái Bình (ảnh nhỏ) và đồng bọn thu hút sự quan tâm.

Ngày 24/10/1994, TAND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Đỗ Thái Bình và đồng bọn”. Chưa bao giờ người dân Quảng Nam-Đà Nẵng đến dự phiên tòa đông như vậy. Từ sáng sớm, phòng xét xử đã chật cứng người dự khán. Không những thế, hàng ngàn người xếp hàng trong sân tòa đến tận hai bên đường vào tòa án.

Người người mặt mày rạng rỡ và không thôi bàn tán về các vụ cướp táo tợn của những tên “lang sói” với những pha truy bắt ngoạn mục của lực lượng công an.

Cáo trạng nêu, từ tháng 5/1992 đến đầu tháng 7/1994, băng cướp của Đỗ Thái Bình đã thực hiện trót lọt 64 vụ cướp tài sản, chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng, 153 đồng hồ đeo tay, 20 chỉ vàng, năm súng các loại, hai quả lựu đạn và nhiều tài sản có giá trị khác.

Riêng địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng bọn chúng đã thực hiện 43 vụ. Trong giai đoạn đầu, Nguyễn Ngọc Sang cầm đầu đã chỉ huy thực hiện 40 vụ cướp, bản thân Sang được chia số tiền 55 triệu đồng, 29 đồng hồ các loại...

Ngày 16/11/1993, trong một lần đi cướp trên quốc lộ 1A ở tỉnh Tiền Giang, Sang đã bị công an Tiền Giang bắn chết vì chống người thi hành công vụ. Sau khi Sang chết, Đỗ Thái Bình lên thay, tiếp tục chỉ huy hơn 20 vụ cướp bóc trên quốc lộ 1A ở các tỉnh miền Trung. Khi Bình bị công an Quảng Nam-Đà Nẵng bắt, Nguyễn Thanh Phương lên thay.

Vì Bình đã bị bắt nên để không bị lộ, Phương đổi địa bàn hoạt động vào phía Bình Thuận - Đồng Nai. Để gây án, băng cướp bịt mặt này đã sử dụng 2 khẩu K54, 2 khẩu Colt 45, 1 khẩu Vonte, 2 quả lựu đạn, nhiều dao Thái Lan và các phương tiện, dụng cụ khác.

Các tên Nguyễn Ngọc Sang, Đỗ Thái Bình, Hồ Thanh Sơn, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thanh Phương, Võ Thanh Sơn, Võ Văn Bình, Phan Ngọc Mới đều là những đối tượng đã có tiền án, tiền sự về các tội trộm cắp tài sản.

Tuy được học tập, giáo dục và cải tạo nhưng bọn chúng vẫn không cải tà quy chánh, ngược lại càng liều lĩnh, manh động hơn. Trần Xuân Ba tuy không có tiền án tiền sự, có nghề buôn bán ổn định nhưng khi nghe Nguyễn Thanh Phương xúi giục đi cướp, vì tham tiền mà đã đồng ý bước chân vào con đường tội lỗi.

Chính Ba đã mượn súng, đạn của Châu Thành Văn (1966, Đăk Tô - Kon Tum) rồi lấy đó làm phương tiện để gây án. Xét tính chất, mức độ và hậu quả mà các bị cáo đã gây ra, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: Đỗ Thái Bình, Nguyễn Nhung (tức Minh), Nguyễn Thanh Phương, Hồ Thanh Sơn mức án tử hình; Trần Xuân Ba chung thân; Võ Thanh Sơn 30 năm tù; Võ Văn Bình 30 năm tù; Phan Ngọc Mới 15 năm tù; Châu Thành Văn 3 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Hà 4 năm tù; Đặng Thị Phương 3 năm tù...

Đó là phiên tòa “lịch sử” nhất khu vực miền Trung trong thời điểm đó, với 4 án tử hình và hàng trăm năm tù cho các bị cáo. Ngay tại phiên tòa, những tên tướng cướp tàn bạo trên vẫn không một chút ăn năn hối lỗi. Ngược lại, chúng vẫn giữ nguyên vẻ mặt dương dương tự đắc coi trời bằng vung.

Tên Hồ Thanh Sơn còn cười ngạo ngễ, mặc cho phía dưới, hàng trăm ánh mắt căm giận của người dự khán đang chĩa về hắn.

Sau khi Tòa tuyên án, Đỗ Thái Bình, Nguyễn Nhung, Nguyễn Thanh Phương, Hồ Thanh Sơn gửi đơn xin ân giảm hình phạt tử hình. Nhưng với những gì chúng đã gây ra cho nhân dân, xét cần phải loại chúng ra khỏi đời sống xã hội nên Chủ tịch nước đã bác đơn.

Gửi thư cho mẹ trước giờ tử hình

Rạng sáng ngày 6/7/1995, phòng biệt giam của tử tù Đỗ Thái Bình mở. Toàn thân tên tử tù run lẩy bẩy, bởi hắn biết giờ khắc khủng khiếp nhất của cuộc đời mình đã đến. Cán bộ quản giáo mang vào cho hắn một mâm cơm nóng, có thịt, có trứng, một ly nước lọc và một điếu thuốc. Nhưng hắn nào còn tâm trí để ăn với uống.

Trời về sáng lạnh vậy mà cả người hắn toát hết mồ hôi. Hắn cố ăn bữa cơm cuối cùng trong đời mà nghẹn đắng nơi cuống họng. Lần trước, khi bị kết án chung thân, hắn cứ nghĩ, “cầm bằng cái chết”. Để rồi bằng mọi cách hắn vượt ngục. Lần này, hắn không còn có cơ hội “chung thân”, mà là án tử. Hắn mới 35 tuổi, chưa được nửa đời người…

Một cán bộ quản giáo hỏi hắn có nhớ nhà không. Hắn trả lời có, rồi toàn thân run bần bật. Hắn sinh ra trong gia đình có 4 người con, bố mất sớm, mẹ hắn phải vất vả gồng gánh nuôi các con ăn học. Vì gia đình chỉ có mình hắn là con trai nên mẹ và các chị rất thương yêu hắn. Thế nhưng hắn lại không chăm lo học hành để trả ơn dưỡng dục của cha mẹ và tình yêu thương của các chị mà từ nhỏ hắn đã hư hỏng, quậy phá.

Trong khi mẹ và các chị hàng ngày lam lũ lo miếng cơm manh áo thì hắn lại tụ tập bạn bè bất hảo rượu chè, bài bạc, đánh nhau. Không có tiền tiêu, hắn sinh tật trộm cắp. Từ đầu làng cuối xóm, thấy hắn ai cũng ngán ngẩm.

Năm 1985, hắn thật sự bỏ nhà đi bụi đời. Mẹ hắn vì buồn phiền mà bệnh tật liên miên. Các chị hắn cũng nhiều lần đi tìm và van xin hắn trở về nhà. Nhưng về được ngày trước thì ngày sau hắn lại đi. Một năm sau đó, hắn bị công an bắt về tội trộm cắp và bị kết án 3 năm tù giam. Những tưởng với ngần ấy tháng ngày ngồi tù, hắn sẽ tỉnh ngộ và cải tà quy chánh.

Nào đâu, vừa bước ra khỏi trại giam Kim Sơn (Bình Định), hắn liền sa chân vào con đường cũ. Nhưng lần này, hắn lại liều lĩnh, gian manh hơn. Bình tập hợp những kẻ đã từng vào tù ra khám để thành lập băng cướp do hắn làm thủ lĩnh.

Đêm khuya, hắn và đồng bọn ra đường quốc lộ chặn xe và cướp bóc. Hễ ai chống cự, bọn chúng sẵn sàng chém giết không thương tiếc. Băng cướp của Đỗ Thái Bình đã thực hiện hàng loạt vụ cướp trên Quốc lộ 1A tại Bình Định - Phú Yên khiến người dân nơi đây căm phẫn. Ngày 4/10/1990, Bình và đồng bọn bị Công an tỉnh Bình Định bắt và bị TAND tỉnh Bình Định tuyên án chung thân.

Ngày 6/12/1991, hắn được chuyển đến trại giam Gia Trung (Gia Lai) để thi hành án. Trong những ngày ngồi trại giam, hắn nhớ và thèm khát cảnh làm đại ca tung hoành. Hắn nghĩ, chung thân thì đời hắn xem như đã hết. Thế là hắn lập mưu tính kế để trốn khỏi trại giam.

Ngày 28/4/1993, Bình báo ốm nên được nằm ở bệnh xá, không đi lao động. Lợi dụng lúc đi vệ sinh, hắn đã chui qua hàng rào dây kẽm gai và trốn khỏi trại giam Gia Trung, đón xe về Quy Nhơn. Trốn về Quy Nhơn được hai hôm, hắn gặp lại Hồ Thanh Sơn, một “đồng nghiệp” trộm cướp trước đây.

Sơn rủ Bình ra Đà Nẵng tìm Nguyễn Ngọc Sang, một tướng cướp đang làm bá chủ quốc lộ 1A bấy giờ. Và cũng bắt đầu từ ngày đó, Bình tiếp tục con đường cướp bóc, gieo rắc kinh hoàng cho nhân dân, nhất là tài xế và hành khách đi trên con đường quốc lộ qua các tỉnh Miền Trung.

Theo nhiều nhân chứng, trong giờ phút ngắn ngủi còn lại của cuộc đời, Bình nhớ mẹ da diết. Mẹ hắn, hai chị và em hắn cả đời lam lũ, cực khổ nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo nàn. Khi đến tuổi lao động, có thể đỡ đần được cho gia đình thì hắn bỏ nhà đi biệt. Tiền bạc hắn cướp được nhiều vô kể, nhưng mà, đã bao giờ hắn gửi về cho mẹ.

“Của thiên trả địa”, tiền của người ta hắn cướp rồi cũng trôi theo các sòng bạc, các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Nhưng nỗi đau hắn để lại cho gia đình là vô tận… Tội lỗi nhiều, chữ nghĩa ít, hắn muốn tâm sự nhiều với mẹ nhưng cuối cùng lại không biết viết gì.

Bức thư của hắn chỉ ngắn gọn mấy dòng, “Hôm nay con có mấy dòng chữ gửi cho má, chị hai, chị ba, em Loan cùng mấy cháu. Con không có gì hơn cầu mong gia đình mình mạnh khỏe là con mừng. Con chỉ có mấy dòng chữ cho gia đình”.

Ngày 6/7/1995, Đỗ Thái Bình, Nguyễn Nhung, Nguyễn Thanh Phương, Hồ Thanh Sơn đã bị đưa ra pháp trường xử bắn. Sau bao ngày gieo rắc kinh hoàng cho người dân, những tên cướp khét tiếng đã phải trả giá cho những tội ác mình gây ra.

Nam Phương

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/nhung-dong-thu-cua-ke-troi-dat-khong-so-chi-sam-hoi-truoc-me-gia-d81159.html