Những dòng thác chỉ xuất hiện trong một thế giới sau Cách mạng Tháng Mười

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, có 3 'dòng thác' tạo thành cách mạng thế giới chỉ có thể xuất hiện trong một thế giới sau Cách mạng Tháng Mười.

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Anh Thơ

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Anh Thơ

Tròn 100 năm trôi qua kể từ năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra. Đến nay, dù lịch sử đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng nhìn dưới góc độ nào, giá trị của cuộc cách mạng vẫn còn nguyên vẹn.

Nhà thơ Xô Viết Mayakovski từng viết: Người ta không thể nhìn hết được nhau khi mặt đối mặt, người ta chỉ có thể thấy nhau nhiều hơn khi đứng cách nhau một khoảng cách. Nay, chúng ta đứng cách sự kiện vĩ đại này đúng 100 năm, vậy theo ông giá trị lớn nhất cho tới nay là gì?

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo: 100 năm đã trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Mười nổ ra và thành công. Thế giới có rất nhiều những đổi thay, thậm chí đảo lộn, nhưng chính thực tiễn lịch sử thế giới phức tạp đầy thay đổi 100 năm qua ngày càng chứng minh rõ rệt những giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, có thể khái quát thành mấy giá trị và ý nghĩa sau.

Với thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) Tháng Mười Nga, một nhà nước công nông đầu tiên trong lịch sử loài người, một chế độ XHCN đầu tiên trong lịch sử loài người đã được ra đời. Điều này chấm dứt thời đại trên dưới 300 năm độc tôn của chủ nghĩa tư bản (CNTB) trên thế giới, CNTB bắt đầu từ năm 1640, trong suốt mấy thế kỷ đó là thế lực độc tôn. Bắt đầu từ thời điểm này (1917), CNTB phải cùng tồn tại với CNXH, phải tìm cách chung sống hòa bình với CNXH, phải biết cách “ăn ở” hòa bình với CNXH. Lần đầu tiên nhân dân lao động trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Chế độ XHCN này mới đầu ở nước Nga, sau đó được xây dựng trong liên bang CHXH Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô) từ năm 1922.

Như chúng ta biết, sau chiến tranh thế giới thứ 2, hàng loạt nước XHCN được ra đời, đã trở thành một hệ thống trên thế giới bao gồm 15 quốc gia ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Đây là sản phẩm trực tiếp của Cách mạng XHCN tháng Mười Nga.

Lịch sử đã chứng minh, trong nhiều thập kỷ của thế kỷ 20, CHXH là một trong những lực lượng quyết định những xu hướng vận động của lịch sử, của thế giới. Không phải yếu tố duy nhất, nhưng rõ ràng là một trong những yếu tố quyết định.

Bởi vậy, giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Mười là sự kiện mở đầu thời đại mới, thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH, thời đại chủ nghĩa thực dân đế quốc bị tấn công, thời đại nhân dân lao động vùng lên làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Về giá trị thứ hai, theo tôi, Cách mạng Tháng Mười và CNXH là chỗ dựa, là thành trì, là nguồn cảm hứng cho phong trào cách mạng thế giới. Điển hình là qua hai dòng thác cách mạng: Dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc, hai là dòng thác của cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước TBCN phát triển.

Nhìn về dòng thác đầu, sau năm 1945, 1954, hơn 100 quốc gia dân tộc vốn trước kia là thuộc địa của thực dân đế quốc đã vùng lên đấu tranh giải phóng, giành được độc lập, trở thành những quốc gia dân tộc trên bản đồ thế giới. Thập kỷ 60 của châu Phi, 70 của Mỹ La-tinh, thập kỷ 80 là những thuộc địa cuối cùng giành được độc lập. Hệ thống thuộc địa của thực dân đế quốc vô cùng rộng lớn, có thời kỳ đỉnh điểm chiếm tới hơn 2/3 diện tích toàn cầu, chỉ trong 5 thập kỷ, dưới sức công phá của phong trào giải phóng dân tộc trong thời đại của cách mạng vô sản làm sụp đổ hoàn toàn. Thuộc địa cuối cùng là Namibia giành độc lập năm 1989. Nhân dân các thuộc địa vùng lên giải phóng trở thành các quốc gia dân tộc có chủ quyền.

Dòng thác thứ hai đã phát triển rất mạnh mẽ với những cuộc đấu tranh như Mùa xuân Paris năm 1968, cách mạng Hoa cẩm chướng ở Bồ Đào Nha… Dưới áp lực của cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân này mà CNTB đế quốc đã phải chấp nhận rất nhiều yêu sách đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động trong cải thiện dân sinh, dân chủ, quyền sống, quyền lao động…

Hai dòng thác này cùng với CNXH tạo thành 3 dòng thác lớn của thời đại, là những bộ phận cấu thành của cách mạng thế giới. Những dòng thác này tạo thành cách mạng thế giới như thế chỉ có thể xuất hiện trong một thế giới sau Cách mạng tháng Mười.

Cuộc cách mạng này là nguồn cảm hứng, là ngọn cờ dẫn dắt soi đường, là động lực thúc đầy hàng tỉ con người trên trái đất này vùng lên đấu tranh giải phóng, vùng lên đấu tranh chống CNTB đế quốc.

Có thể người ta không hiểu CNXH là gì hoặc vì không hiểu nên không đồng tình ủng hộ CNXH bằng xương thịt.

Thực tế thì cũng có người không hiểu hoặc không chịu hiểu. Theo số liệu cuộc thăm dò của Quỹ Ý kiến công luận (FOM) của Nga, 22% người Nga tin tưởng rằng Cách mạng Tháng Mười đã mang lại lợi ích nhiều hơn, trong khi đó, quan điểm ngược lại được 23% ủng hộ. Ông nhìn nhận thế nào về số liệu này?

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo: Thăm dò dư luận xã hội là một kênh tham khảo, nhưng nhìn vào thực tế đời sống nhân dân Nga hiện nay, thì ai cũng phải thừa nhận, nhiều giá trị dân chủ, nhiều quyền dân chủ, nhiều quyền con người vốn trước kia trở thành cái rất bình thường ở Liên Xô, ngày nay trở thành giấc mơ của nhân dân Nga.

Ví dụ, trong Hiến pháp Liên Xô ghi: Quyền của nhân dân Xô Viết là quyền có nhà ở, có việc làm, không ai thất nghiệp, không ai là không có nhà ở, dù là mấy chục mét vuông chung cư, điều tưởng như là rất giản dị, nhưng Liên Xô trước kia trong hoàn cảnh rất khó khăn, ghi được vào trong Hiến pháp của mình, tôi cho rằng, đây là điều nhân văn nhân ái, phải nói là hoàn bị, cao cả. Hiểu theo nghĩa đó, đến bao giờ chính quyền Nga hiện nay, xã hội Nga, nhân dân Nga sẽ lại có quyền ấy được hiến định trong hiến pháp.

Liên Xô ngày trước đời sống xã hội lành mạnh, không ăn mày ăn xin, tội phạm rất ít, quan hệ xã hội nhân ái, nhân văn.

Tôi không học ở Liên Xô, tôi chỉ đi qua đất nước Xô Viết trên đường đi học ở nước ngoài, tôi vẫn nhớ sâu sắc cảm nhận của mình ở đấy, con người rất nhân văn nhân ái, cuộc sống hòa bình, yên bình, thanh thản, không căng thẳng, không đầy nguy cơ xung đột, mất an ninh.

Có thể tuổi trẻ nước Nga, tuổi trẻ trên thế giới chưa hiểu thật đầy đủ, thật đúng đắn về Cách mạng Tháng Mười, nhưng sự thật lịch sử vẫn là như thế.

Tôi cho rằng, với dòng chảy của lịch sử, càng ngày bản thân người dân Nga sẽ là những người đánh giá chân xác nhất những giá trị to lớn vĩnh hằng của Cách mạng Tháng Mười đã đem lại cho nhân dân Nga cũng như nhân dân lao động toàn thế giới.

Có ý kiến cho rằng, Liên Xô tan rã là lỗi của giới tinh hoa, chứ ý nguyện của người dân vẫn muốn hiện hữu một cộng đồng trong mơ (như lời của Jacques Delors - cha đẻ của EU ngày nay) mà ở đó có 1 hiến pháp chung, đồng tiền chung, sức lao động tự do di chuyển. Một sự liên kết bền vững hơn hẳn EU hiện nay. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo: Liên Xô tan rã, không nên đổ lỗi hoặc là cho giới tinh hoa hoặc là cho quần chúng nhân dân. Mà chúng ta phải xác định đúng đắn hơn, khoa học hơn, nghiêm túc hơn những nguyên nhân trực tiếp dẫn Liên Xô tới tan rã.

Trước hết phải hiểu nguyên nhân nào dẫn Liên Xô tới khủng hoảng. Đương nhiên, đây là do những chính sách phát triển kinh tế-xã hội không phù hợp hoặc không còn phù hợp nhưng chậm được nhận thức và chậm được sửa chữa khắc phục. Thực ra trong xây dựng đất nước, trong lãnh đạo điều hành quốc gia thì không tránh khỏi những chính sách chủ trương không đúng đắn, không phù hợp, thậm chí sai lầm. Không phải chính sách sai lầm nào cũng đưa đất nước đến khủng hoảng, mà chỉ có những chính sách sai lầm không được nhận thức, không được sửa chữa thì mới đưa đất nước tới khủng hoảng.

Chúng ta đúng là cũng phải thừa nhận trong quá trình xây dựng CNXH, nhà nước Liên Xô duy trì quá lâu những chủ trương, chính sách vốn trước kia rất tích cực, tạo động lực phát triển mạnh mẽ, nhưng về sau này nó không còn giá trị tạo động lực nữa, thì rất chậm được sửa chữa, bổ sung, điều chỉnh.

Nguyên nhân tan rã của Liên Xô là do đường lối cải tổ sai lầm về chính trị, sai lầm về tư tưởng và sai lầm về tổ chức.

Sai lầm về chính trị là đánh mất quan điểm lập trường trong cải tổ phát triển đất nước.

Sai lầm về tư tưởng là cho rằng CNTB và CNXH giống nhau ở điểm này, điểm kia, bằng những giải pháp của CNTB vẫn có thể cứu được CNXH, mất phương hướng, lẫn lộn lợi ích, mục tiêu.

Sai lầm về tổ chức nghiêm trọng nhất là gì, trong công tác xây dựng Đảng, Đảng không còn là bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức, không phải là tinh hoa, không còn là đạo đức, là văn minh. Trong này có cả cái trượt dài trong những sai lầm của chóp bu lãnh đạo Đảng cộng sản Liên Xô. Nếu hiểu giới tinh hoa là chóp bu lãnh đạo thì cũng được, trượt dài trong những sai lầm hữu khuynh, cuối cùng dẫn đến phản bội lại toàn bộ sự nghiệp. Thì đúng là như người ta bình luận, đây là lỗi của giới tinh hoa.

Từ hiện thực của CNXH nhân 100 năm Cách mạng Tháng Mười nổ ra và thành công, chúng ta thấy những bài học kinh nghiệm rất đắt giá, bài học về vừa kiên định mục tiêu, lý tưởng lại vừa chủ động sáng tạo trong chiến lược, sách lược. Bản thân Lenin chỉ trong vài năm sau khi điều hành lãnh đạo sự nghiệp xây dựng CNXH nói đã đến lúc chúng ta phải thay đổi một cách căn bản nhận thức của chúng ta về CNXH, mới có chính sách kinh tế mới. Đây là tấm gương sáng tạo, đổi mới không ngừng. Sự nghiệp cách mạng là như thế, cách mạng là sáng tạo, chân lý là cụ thể.

Tổng thống Nga V. Putin từng nói: Nếu ai vẫn còn hy vọng Liên Xô sẽ khôi phục như cũ thì người đó không có khối óc, còn nếu không xót xa vì Liên Xô sụp đổ thì không có trái tim. Ông nghĩ gì về câu nói này?

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo: Phía không xót xa, tôi hoan nghênh, còn đương nhiên không ai ấu trĩ tới mức mơ về một ngày nào đó một xã hội Liên Xô trước kia được khôi phục nguyên vẹn. Khôi phục lại là khôi phục gì? Là khôi phục một chế độ xã hội cho nhân dân lao động. Có thể chế độ này trong tương lai có những mô hình có nhiều điểm khác so với mô hình Xô Viết trước kia, còn nếu dập khuôn nguyên thì đúng là sự ấu trĩ lớn nhất trong lịch sử.

Nhưng khôi phục lại một chế độ xã hội cho người lao động, cho nhân dân lao động dựa trên những giá trị của hòa bình, dân chủ, công bằng, nhân văn thì đây vẫn là những khát vọng rất lành mạnh, đúng đắn. Và nhất định loài người sẽ phải đi đến những giá trị đó.

Theo tôi cần phải hiểu như thế, ta mới hiểu được đúng đắn lịch sử đã qua và xu hướng sắp tới.

Diệu Hương-Anh Thơ

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/nhung-dong-thac-chi-xuat-hien-trong-mot-the-gioi-sau-cach-mang-thang-muoi/320956.vgp