Những dòng sông 'oằn mình' cõng hàng nghìn nguồn thải

Hàng nghìn nguồn thải trong đó nhiều nguồn thải không qua xử lý được đổ ra các dòng sông mỗi ngày khiến nước bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Đoạn sông Nhuệ chảy qua 2 xã: Tiền Phong và Hiền Nhân, thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Nước đen ngòm, rác thải trôi nổi trên mặt sông và ứ đọng hai bên bờ…

Hơn 40 năm sống tại đây, ông Nguyễn Văn Năng đã quá quen thuộc với dòng sông bốc mùi và nỗi ám ảnh, lo sợ nước con sông này ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của người dân trong vùng.

Ông Nguyễn Văn Năng – Thôn Nhân Hiền, Xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội: Nhà khoan giếng 50m nhưng nói chung lọc cát thường xuyên 1 tháng thay cát một lần các anh công ty điện phân thử đen như nước cống rãnh.

Ông Nguyễn Ngọc Thinh – Xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội: Trách nhiệm của xã thì rất cố gắng giải quyết ô nhiễm môi trường, hoạt động phụ thuộc vào nguồn nước mưa vì công ty bơm nước sông Nhuệ vào thì sông Nhuệ đặc quánh, cá trên sông, mương máng chết hết, không dùng nước đấy thì không có nước khác.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sông Nhuệ - Đáy chảy qua địa phận của 5 tỉnh, thành phố và phải chịu gần 2000 nguồn thải đổ ra, trong đó nhiều nguồn thải không qua xử lý. Tương tự sông Nhuệ Đáy, dòng sông Cầu hàng chục năm nay hàng ngày phải oằn mình cõng hơn 4000 nguồn thải. Từ năm 2016, Bộ TNMT đã có kết luận chỉ ra cụ thể nguyên nhân ô nhiễm sông Cầu, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp triệt để nào được đưa ra.

Bà Đặng Thị Nguyệt – Tỉnh Bắc Ninh: Chúng tôi không biết phải gửi bao nhiêu lá đơn kêu cứu nữa mới được giải quyết

Theo báo cáo, nguồn thải nguy hại nhất đầu độc các dòng sông, lưu vực sông chính là từ các nhà máy, khu công nghiệp. Một minh chứng cụ thể là mới đây nhất, dòng sông Cái Lớn thuộc tỉnh Hậu Giang bị ô nhiễm nghiêm trọng mà nguyên nhân được xác định là do hoạt động xả thải của nhà máy thuộc Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát.

Ông Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT: Cần tăng cường thanh tra công bố công khai các nhà máy xả thải ra các dòng sông

Bên cạnh thực trạng phải tiếp nhận hàng nghìn nguồn thải thì một nguyên nhân khác cũng khiến các dòng sông, lưu vực sông chết mòn. Đó là tình trạng cha chung không ai khóc, sông chảy qua nhiều địa phương, nhưng khi ô nhiễm thì các địa phương lại đùn đẩy lẫn nhau, địa phương ở hạ du đổ lỗi cho vùng thượng du.

Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường: Trong thời gian tới có mấy đề xuất; tăng cường giám sát xuyên tỉnh. Người nào thải ra thì người đó phải xử lý, tăng cường giám sát nguồn thải, những nguồn do bộ ngành quản lý thì sẽ xem xét, phải đổi mới công nghệ, nếu k thì phải buộc đóng cửa nhà máy...

Để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm,các Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông đã được thành lập với sự tham gia của Chủ tịch UBND các tỉnh có chung dòng sông. Tuy nhiên, theo đánh giá, các tổ chức này hoạt động chưa mấy hiệu quả, các kết luận giải pháp của mỗi cuộc họp chủ yếu mang tính khuyến nghị. Rõ ràng, những thách thức đối với môi trường nước các lưu vực sông vẫn là bài toán khó cho các cơ quan quản lý có liên quan. /.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/nhung-dong-song-oan-minh-cong-hang-nghin-nguon-thai