Những đóng góp lớn của kịch Lưu Quang Vũ

30 năm nay dân tộc Việt Nam mất đi một nhà viết kịch đã dũng cảm vạch ra những cái xấu, cái ác đang tồn tại trong xã hội đương thời.

Tác giả Cao Minh và nhà viết kịch Lưu Quang Vũ tại căn phòng 8m2 của anh chị Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh, 96 phố Huế, năm 1987

Từ 30 năm trước, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã chỉ ra con người đang hủy hoại hoàn cảnh sống; và, môi trường sống đang hủy hoại nhân cách con người.

Ở tầm triết lý khái quát, 30 năm trước Lưu Quang Vũ đã nhìn thấy và chỉ ra 1/3 nhân loại đang sống trong cảnh hồn nọ xác kia (Hồn Trương Ba, da hàng thịt).

Một nhà viết kịch chỉ ra được những vấn đề cốt lõi của cuộc sống, con người với ngôn ngữ của kịch, thông qua hệ thống những mâu thuẫn, xung đột kịch đa tầng đa nghĩa. Một nhà viết kịch dám dũng cảm phơi trần, vạch mặt cái xấu, cái ác đang hoành hành xã hội với nguy cơ ngày càng trầm trọng hơn. Và, qua toàn bộ những tác phẩm kịch của mình, đặc biệt đỉnh cao với vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt”; nhà viết kịch ấy đã đi trước thời đại, bằng tác phẩm đã dự báo xã hội rất sâu sắc đầy tính nhân văn. Điều này chỉ có ở những tài năng lớn và không phải bao giờ cũng xuất hiện. Những tài năng lớn chỉ xuất hiện trong một thời điểm, thời gian nhất định của lịch sử nhân loại, lịch sử mỗi dân tộc. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được chọn để thực hiện những điều anh đã làm cách đây hơn 30 năm.

Để thấy được tầm vóc lớn và những đóng góp lớn của kịch Lưu Quang Vũ đối với Sân khấu Việt Nam nói riêng, văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung, cần có những nghiên cứu sâu và toàn diện, đồng thời cần có cái nhìn khách quan, nhiều chiều, không chỉ trong phạm vi quốc gia….

Với tư cách là người cùng thời (kém anh gần chục tuổi) với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, từng thân với anh và gia đình, từng viết nhiều bài về kịch Lưu Quang Vũ và sân khấu Việt Nam, tôi chỉ nêu một số vấn đề mang tính chủ quan.

1- Kịch Lưu Quang Vũ đề cập khá toàn diện cuộc sống đương thời và những vấn đề đương thời

Một nhà văn hay nhà viết kịch thường trung thành và sở trường với một vài mảng đề tài. Lưu Quang Vũ không thế, trong hơn mười năm viết kịch với hơn 50 vở kịch đã viết và được dàn dựng, anh đã khai thác nhiều đề tài khác nhau: Công nhân, công chức trong các nhà máy, xí nghiệp ( vở: Tôi và chúng ta, Nếu anh không đốt lửa, Khoảnh khắc và vô tận ); lịch sử hiện đại với những lớp thanh niên yêu nước (vở: Sống mãi tuổi mười bảy, Hẹn ngày trở lại, Chết cho điều chưa có, Nữ ký giả, Vách đá nóng bỏng); đời sống người thành phố (vở: Người tốt nhà số 5); quân đội (vở: Lời thề thứ 9); nông dân (vở: Muối mặn đời em); lịch sử, dã sử (vở: Nàng Si- ta, Ngọc Hân công chúa, Vua hóa hổ); giả tưởng (vở: Hoa cúc xanh trên đầm lầy); thói xấu xã hội (vở: Bệnh sĩ ); ngành y tế (vở: Nguồn sáng trong đời, Hạnh phúc của người bất hạnh); giáo dục (vở: Mùa hạ cuối cùng); dự báo xã hội (vở: Điều không thể mất)...

Các tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ xây dựng nên một không gian nhân vật rộng lớn của thời đại. Hầu hết các lĩnh vực quan trọng của cuộc sống đều có trong kịch của anh. Đây cũng là một hiện tượng cần có sự nghiên cứu. Tại sao Lưu Quang Vũ không chuyên chú và đi sâu vào một vài đề tài mà anh yêu thích? Có những nhà viết kịch cả cuộc đời chỉ viết kịch lịch sử hoặc dã sử; hoặc chuyên tâm vào một vài đề tài hiện đại. Lưu Quang Vũ lại khác, anh viết như thể cuộc sống đang đòi hỏi, đang thúc giục anh phải đến và viết về nó. Khi còn sống chưa bao giờ Lưu Quang Vũ đề cập đến chuyện này, và hình như anh coi là công việc tất yếu của mình.

Những vấn đề đương thời đang là những ẩn ức tâm lý của xã hội khi ấy, hoặc những vấn đề xã hội còn đang dạng manh nha đã như tìm được đến nơi cần đến để phơi bày, lý giải căn nguyên, gốc rễ…. Đó là tâm hồn vô cùng nhạy cảm của một nhà thơ đang viết kịch Lưu Quang Vũ.

2- Kịch Lưu Quang Vũ tác động lớn vào xã hội đương thời

Lưu Quang Vũ có một khả năng quan sát, nắm bắt những vấn đề nóng bỏng của đời sống một cách nhanh nhạy, sắc sảo và tinh tế cùng với tri thức giàu có về nhiều mặt. Lưu Quang Vũ rất tài trong việc đưa những chi tiết có thật trong cuộc sống trở thành những chi tiết nghệ thuật mang sức khái quát, có ý nghĩa mà không sống sượng; đồng thời đưa tác phẩm nghệ thuật phổ biến vào đời sống một cách thoải mái như cuộc sống đang được trung thực tái hiện lại.

Kịch của Lưu Quang Vũ, ngoài sự phát hiện, xây dựng nên những nhân vật mang dáng nét con người mới hôm nay và ngày mai, tác giả còn không ngần ngại phê phán các kiểu nhân vật tiêu cực có thật trong đời sống, thuộc đủ mọi giai tầng. Những nhân vật trước kia người ta thường né tránh.

Thế giới nhân vật kịch của Lưu Quang Vũ rộng lớn. Từ cổ tích, dân gian như: Lời nói dối cuối cùng, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Linh hồn của đá.... Từ lịch sử, dã sử như: Nàng Si- ta, Ông vua hóa hổ, Ngọc Hân công chúa hay lịch sử hiện đại như Sống mãi tuổi 17, Hẹn ngày trở lại, Chết cho điều chưa có, Nữ ký giả, Vách đá nóng bỏng...

Nhưng chủ yếu nhất vẫn là những tác phẩm về đề tài hiện đại. Vở kịch Tôi và chúng ta là quá trình đấu tranh tìm ra chỗ đứng chân chính của mỗi người trong cuộc sống. Tiếp theo mạch Tôi và chúng ta là Khoảnh khắc và vô tận, đây là một vở kịch có dung lượng đời sống được dồn nén, ắp đầy. Sân khấu thành diễn đàn, diễn viên và khán giả trở thành cử tọa và khán giả; nội dung vở diễn trở thành vấn đề diễn thuyết, trao đổi về sự bức thiết và nóng bỏng của cuộc sống đang thay đổi. “Khoảnh khắc” nào sẽ đi qua, cái “ vô tận ” nào là vĩnh cửu...!

Những vấn đề bức thiết của cuộc sống, có thể nói chưa bao giờ được Lưu Quang Vũ đưa lên sân khấu ào ạt như trong năm 1988. Chỉ trừ có Ngọc Hân công chúa là soi vào lịch sử, còn mọi vở diễn đều mang hơi thở cuộc sống được trình diễn, xem xét ở những bình diện khác nhau. “Quyền được hạnh phúc” tập trung những tư tưởng dân chủ cao nhất của Lưu Quang Vũ, được xây dựng bằng những chuyện có thật trong cuộc đời. “Ông không phải bố tôi” là sự đan xen xót xa giữa quá khứ ấu trĩ vừa qua và hiện tại cuộc sống hôm nay. Ai đã từng xem “Lời thề thứ chín ” mà không khỏi băn khăn trước cuộc sống hiện tại. Mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương, người lính đang cầm súng bảo vệ tổ quốc và gia đình của người lính... chỉ đến vở “Lời thề thứ chin ” mới được nhìn nhận một cách khá toàn diện, xác thực.

Vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” là đỉnh cao trong kịch Lưu Quang Vũ, và có lẽ cũng là đỉnh cao của kịch nói nước nhà cho đến hôm nay. Vở được Lưu Quang Vũ xây dựng bằng phương pháp ẩn dụ. Ý nghĩa câu chuyện không được trình bày thẳng băng, cụ thể; mà thông qua cuộc đấu tranh hết sức khốc liệt, phức tạp giữa phần hồn và phần xác; tác giả muốn đề cập đến vấn đề mang tầm khái quát cao, đó là: sự tha hóa của con người tốt trong môi trường xấu. Có thể thấy một điều: con người đang làm hỏng dần cuộc sống và đối lại, cuộc sống đang hủy diệt những phần tốt đẹp của con người. Vở kịch triết lý sâu sắc về cuộc sống ở mọi tầng ý nghĩa của nó.

Nắm bắt được những vấn đề bức thiết của đời sống, do vậy, kịch của anh phản ánh được những vấn đề thời sự nóng bỏng trong cuộc sống, cũng như nhìn thấy những mâu thuẫn đang tồn tại, nên kịch Lưu Quang Vũ đã nói được nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân.

Khi nghệ thuật đồng hành được cùng “tâm trạng xã hội ” thì tác dụng của nó đối với đời sống to lớn biết chừng nào. Lưu Quang Vũ đã làm được điều ấy. Ngành sân khấu Việt Nam lúc ấy có 156 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, đêm đêm khoảng 40, 50 đoàn diễn vở của Lưu Quang Vũ cho khoảng hơn 20 vạn khán giả xem. Qua đó thấy sự tác động của kịch Lưu Quang Vũ đến đời sống nhân dân thật hết sức lớn lao.

3- Sự đa dạng về phong cách kịch, uyển chuyển, giàu chất thơ về ngôn từ

Trong nghệ thuật sân khấu muốn cách tân thì người đầu tiên phải là những nhà viết kịch. Tài năng của nhà viết kịch là yếu tố quan trọng thứ nhất để có một tác phẩm sân khấu hay, hấp dẫn. Sân khấu kịch nói Việt Nam trước Lưu Quang Vũ giọng điệu chủ yếu là chính luận (tính từ năm 1954) mang âm hưởng ngợi ca. Trước sự xuất hiện của Lưu Quang Vũ vài năm, sân khấu lúc này đi tiên phong trong các ngành văn hóa nghệ thuật, đã có những vở diễn đề cập đến những vấn đề nóng của xã hội như vở: “Mùa hè ở biển” của tác giả Xuân Trình. Đặc biệt vở “Nhân danh công lý” của Võ Khắc Nghiêm do Doãn Hoàng Giang đạo diễn đã tạo nên những dư chấn xã hội đáng quan tâm. Tuy nhiên, phải đến khi vở kịch “ Tôi và chúng ta ” do đoàn kịch nói Hà Nội trình diễn, phong cách kịch chính luận qua cách viết của tác giả Lưu Quang Vũ mới thực sự chấn động dư luận sân khấu và xã hội. Và đoàn kịch nói Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội) nổi danh một thời qua các vở kịch chính luận của Lưu Quang Vũ như: “ Nếu anh không đốt lửa ”, “ Khoảnh khắc và vô tận ”.

Ngọn bút Lưu Quang Vũ như cây bút thần, đụng đến đâu nơi đó phát sáng. Anh viết chính luận song song, đồng hành với hiện thực phê phán, hiện thực giả tưởng, rồi ẩn dụ, rồi hài…Một số vở kịch của anh hội tụ nhiều phương pháp thể hiện nhằm chuyển tải thông điệp tác giả muốn nói. Nếu nhà viết kịch Lưu Quang Vũ còn sống, tôi tin chắc chắn rằng anh sẽ là người cách tân sân khấu kịch nói Việt Nam.

Những ai đã từng xem kịch của Lưu Quang Vũ đều có cảm nhận: Dù đang nói về vấn đề nào đó rất gay go, phức tạp, mâu thuẫn và xung đột kịch đang được đẩy lên cao; nhưng ngôn ngữ các nhân vật kịch không dung tục, tầm thường hay chát chúa, lên gân…Sự uyển chuyển, linh hoạt, nhiều mảng diễn hoặc phảng phất tổng thể vở diễn còn giàu chất thơ. Có lẽ đây là một đặc điểm của kịch Lưu Quang Vũ.

4- Tầm tư tưởng và chất nhân văn

Cách đây 30 năm, để nói được những điều như trong kịch của Lưu Quang Vũ đã nói thật không đơn giản. Tuy rằng từ năm 1986 là giai đoạn “cởi trói” cho văn nghệ. Vì sao đã 30 năm mà kịch của Lưu Quang Vũ vẫn tồn tại trong lòng công chúng? Chính điều này đã khẳng định tầm tư tưởng, tính thời đại và chất nhân văn trong các tác phẩm kịch của nhà viết kịch tài năng Lưu Quang Vũ.

Vở kịch “ Tôi và chúng ta ” không phải đề cập đến câu chuyện làm ăn của một nhà máy, xí nghiệp; cao hơn ẩn chứa phía sau câu chuyện kịch là ý thức hệ đương thời, là sự đi ngược quy luật tồn tại và phát triển tự nhiên của cộng đồng xã hội. Vở kịch “Ông vua hóa hổ” mượn tích câu chuyện xưa chuyển tải một thông điệp: cái ác luôn luôn tồn tại trong mỗi con người, càng ở vị trí cao cái ác nếu không được chế ngự sẽ là tai họa lớn…Vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” là vở kịch xuất sắc nhất của Lưu Quang Vũ. Anh mượn câu chuyện dân gian hồn nọ xác kia để gửi vào đó tư tưởng đi trước thời đại của mình. 30 năm trước để lý giải ngọn ngành thời đại mình đang sống đã mấy ai có tầm được như Lưu Quang Vũ. Câu chuyện ông nông dân thật thà, chất phác Trương Ba bỗng một ngày do sự tắc trách của quan thiên đình trở thành anh hàng thịt. Hồn thì vẫn thuần phác nông dân nhưng mọi biểu hiện bên ngoài đã ra anh hàng thịt lỗ mãng… Ngoài tầng ý nghĩa, con người đang bị tha hóa trong hoàn cảnh hiện tại; tầng sâu tư tưởng kịch ở đây là hồn nọ xác kia của con người hiện hữu, không chỉ phạm vi quanh ta…Và một sự giả dối đang che đậy, đang thống trị xã hội, con người…

Nhà tư tưởng, triết học cổ đại Hy lạp Aristot đã nói: “Bi kịch nhằm tẩy rửa tâm hồn”. Kịch Lưu Quang Vũ cho dù ngợi ca hoặc phê phán cái xấu, cái ác vẫn đau đáu nỗi niềm về con người và những triết lý về con người và cuộc sống.

Hà Nội, 0h30, ngày 29-8-2018

Cao Minh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-dong-gop-lon-cua-kich-luu-quang-vu-63553