Những động cơ vĩnh cửu 'ngớ ngẩn' trong lịch sử

Động cơ vĩnh cửu là loại máy móc do con người tưởng tượng ra, nó có thể hoạt động liên tục và không cần cung cấp năng lượng. Trong lịch sử đã có không ít những 'nhà khoa học nghiệp dư' cất công tìm kiếm loại động cơ này, nhưng chưa một ai thành công.

1. Những động cơ vĩnh cửu “ngớ ngẩn”

Thiết kế động cơ vĩnh cửu của Hauneike.

Thiết kế động cơ vĩnh cửu của Hauneike.

Ý tưởng về một chiếc máy có thể hoạt động liên tục mà không cần phải có bất kỳ một nguồn năng lượng nào đã được những người Ấn Độ nghĩ ra đầu tiên. Sau đó, ý tưởng này lan truyền tới các quốc gia Hồi giáo và đến phương Tây vào thế kỉ XII.

Phương án thiết kế động cơ vĩnh cửu đầu tiên được ghi nhận là của một người Pháp tên Hauneike. Thiết kế của ông ta có thể hiểu đơn giản là khi bánh xe quay, các thanh sắt mang quả nặng ở bên phải sẽ dài hơn các thanh sắt mang của quả nặng bên trái, điều này làm cho bên phải có momen quán tính lớn hơn, cứ như thế bánh xe sẽ quay mãi mãi.

Rất nhiều người đã làm theo thiết kế của Hauneike nhưng chiếc máy của họ chỉ quay được một lúc rồi dừng lại. Nếu chúng ta phân tích tỉ mỉ hơn sẽ thấy rằng, tuy momen do mỗi quả nặng bên trái là ít hơn bên phải nhưng khi bánh xe quay, bên trái sẽ có nhiều quả nặng hơn. Điều này làm cho bên phải và bên trái bánh xe có momen bằng nhau. Như thế, bánh xe không thể nào tự quay được.

Năm 1717, một tiến sĩ Pháp tuyên bố đã phát minh ra một loại động cơ vĩnh cửu bằng "bánh xe tự động". Tuy nhiên, chính người hầu gái của vị tiến sĩ này đã tố giác ông là kẻ lừa đảo. Thực ra “bánh xe tự động” của ông ấy được đặt trong căn phòng có tường kép. Chỉ cần một người ở trong bức tường kéo dây là chiếc máy sẽ “tự động” chạy.

2. Vì sao không thể chế tạo được động cơ vĩnh cửu

James Joule là người đầu tiên làm thí nghiệm chứng minh định luật bảo toàn năng lượng.

Tới giữa thế kỷ 19, định luật Bảo toàn và chuyển hóa năng lượng ra đời. Khi đó mọi người mới hiểu ra rằng: “Năng lượng không tự sinh ra và mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, từ vật này qua vật khác”. Tức là để một chiếc máy có thể hoạt động, chúng ta bắt buộc phải cung cấp cho nó dạng năng lượng nào đó sức kéo của động vật, than, xăng, dầu, năng lượng hạt nhân...

Bảo Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/nhung-dong-co-vinh-cuu-ngo-ngan-trong-lich-su-1306791.tpo