Những đồng cảm của một thầy giáo phạm tội lừa đảo

Tâm sự với chúng tôi về bài dự thi cảm nhận về sách do Tổng cục Trại giam (C10) Bộ Công an tổ chức mà Chiến đạt giải cao, phạm nhân Nguyễn Văn Chiến, SN 1970, thành thật: 'Tôi đã đặt mình vào vị trí của họ, hiểu được những trăn trở, lo lắng, suy tư và cả những dằn vặt mà hầu hết người lầm lỗi nào cũng có tâm trạng đó, thay họ viết ra thôi'. Hiện Chiến đang cải tạo ở đội trực sinh, phân trại 1 trại giam Tân Lập.

Vụ án của 2 năm trước

Từng là giáo viên giỏi, sau đó là một nhà quản lý tốt vậy mà Nguyễn Văn Chiến lại trở thành kẻ lừa đảo khi nhận tiền lo chạy công chức cho 2 người mà không làm được. Những ngày sống trong trại giam là quãng thời gian để Chiến hiểu hơn về thế giới của những người phạm tội, một thế giới mà trước đây Chiến chỉ biết đến qua sách báo.

Nước da trắng và cách ăn nói gãy góc, gọn gàng, phạm nhân Nguyễn Văn Chiến gây thiện cảm với chúng tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Không rào trước đón sau, Chiến kể ngay về tội trạng của mình bằng giọng nói hết sức nhẹ nhàng.

“Tôi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, án 10 năm. Với một người có thâm niên hàng chục năm đứng trên bục giảng, thật chẳng hay ho gì nhưng đó là sự thật và tôi phải chấp nhận”, Chiến thẳng thắn bộc bạch.

Từng là niềm tự hào của gia đình, Chiến được nhiều đồng nghiệp ngưỡng mộ bởi có một gia đình hạnh phúc với 2 cô con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn, học giỏi. Ngay cả khi nhắc đến vợ Chiến, ai cũng biết đó là một cô giáo dạy giỏi và xinh xắn. Chiến bảo ngày xưa phải kiên trì theo đuổi mãi mới làm cô bạn đồng nghiệp xiêu lòng và cả hai đã có thời kỳ 3 năm yêu nhau mới tiến tới hôn nhân.

“Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ rất quan tâm tới chuyện học hành của con cái. Các anh chị tôi đều có việc làm, thu nhập ổn định. Tôi lại là con út nên ít nhiều cũng được ưu tiên, chiều chuộng”, Chiến kể.

Chọn con đường làm giáo viên, Chiến nộp hồ sơ thi sư phạm để rồi sau khi tốt nghiệp, trở vê quê hương công tác. Vợ Chiến cũng là giáo viên tiểu học mà theo lời Chiến tâm sự thì cả hai đã có hơn hai chục năm làm đồng nghiệp của nhau, từng nhiều lần sát cánh trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

“Tôi đã 27 năm công tác, vợ tôi bây giờ cũng bằng năm công tác của tôi rồi. Cô ấy luôn đạt giáo viên giỏi. Chúng tôi gặp nhau, yêu nhau từ thời còn là sinh viên nên rất đồng điệu và thấu hiểu nhau”, Chiến kể. Tuy nhiên, trước câu hỏi của chúng tôi về việc anh ta nhận hồ sơ, nhận tiền chạy việc cho một số người thì vợ có hay biết không, Chiến đã im lặng. Hỏi anh ta đã dùng số tiền đó vào việc gì, Chiến ậm ừ một lúc rồi khẽ nói: “Thì cũng chi tiêu chút đỉnh cho bản thân còn lại thì đi nhờ vả cho người ta nhưng không lo tới, tiền không đòi được nên rước họa vào thân”.

Theo hồ sơ phạm nhân, Nguyễn Văn Chiến tự nhận có khả năng xin vào biên chế trong ngành giáo dục tại tỉnh Phú Thọ với giá 300 triệu đồng/ 1 suất biên chế. Tin tưởng Chiến nên hai ông Vũ Mạnh Tuyền và Phùng Văn Sơn đã đưa tổng cộng 570 triệu đồng cho Chiến, nhờ xin cho con cái mình được vào biên chế ngành giáo dục. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Chiến không có động thái gì tác động tới việc tuyển vào biên chế của hai hồ sơ trên, chính vì thế mà bị bắt về tội lừa đảo.

“Xin việc cho người ta thì số tiền ấy cũng phải đem đến những chỗ quan hệ để nhờ vả chứ. Có điều tiền mình cầm của người cần việc thì phải làm giấy biên nhận nhưng tiền đưa đi, chỉ có mình biết, người nhận biết. Có ai đi xin việc, đưa phong bì mà bắt viết giấy nhận tiền bao giờ đâu”, Chiến nói như thanh minh cho việc làm của mình.

Điều mà Chiến không ngờ tới chính là có ngày phải ra đứng trước vành móng ngựa, chịu những lời chỉ trích, coi thường của những người dân mà mới trước đó không lâu mỗi khi gặp Chiến còn chào hỏi anh ta với thái độ kính trọng.

Bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Chiến về trại giam Tân Lập cải tạo. Do có trình độ, lại từng đứng lớp dạy học sinh tiểu học nên thời gian đầu, Chiến được tham gia đứng lớp, hỗ trợ cán bộ giáo dục tại các lớp xóa mù chữ cho phạm nhân.

“Tôi chỉ tham gia giúp cán bộ khi trại tổ chức được lớp học xóa mù chữ còn ngày thường thì công việc chính của tôi là trực sinh, trực buồng. Những khi đó, tôi lại ngồi sắp xếp lại tủ sách trong buồng giam và dành hầu hết thời gian rảnh rỗi để lên thư viện đọc sách”, Chiến kể về việc bén duyên với cuốn “Gửi lời xin lỗi” do một số phạm nhân chắp bút.

Phạm nhân Nguyễn Văn Chiến mong có cơ hội sửa sai lầm mình gây ra. Ảnh: Nguyễn Vũ

Phạm nhân Nguyễn Văn Chiến mong có cơ hội sửa sai lầm mình gây ra. Ảnh: Nguyễn Vũ

Những cảm thông, thấm thía

Bị kết án 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đầu năm 2018, Chiến về trại giam Tân Lập cải tạo lao động, sau gần nửa năm nằm trại giam cứu. Hỏi Chiến cảm giác ở trại tạm giam với trại cải tạo có khác nhau nhiều không, anh ta cười cười: “Khác nhau nhiều chứ. Một đằng là giam mình trong bốn bức tường, đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn vì không biết mình sẽ bị xét xử thế nào, án bao nhiêu năm, bồi thường bao nhiêu và đi cải tạo ở đâu. Còn khi về trại cải tạo thì thoải mái hơn nhiều, ngày hai buổi đi làm, được xem tivi, nghe thời sự và có ngày nghỉ để tiếp cận với sách báo, chơi thể thao, văn nghệ. Mục tiêu là cải tạo tốt để được giảm án nên ai cũng cố gắng phấn đấu”.

Hỏi về hai cô con gái, Chiến hồ hởi: “Tôi may mắn được hai đứa con ngoan và học giỏi. Cả hai đứa đều đã có nghề nghiệp và đi làm”.

Hai con đi làm cho một Cty liên doanh ở Từ Sơn, Bắc Ninh nên vài tháng một lần, chúng mới thu xếp vào trại giam thăm bố. Chiến bảo niềm an ủi của anh ta chính là hai cô con gái. Bố con gặp nhau lần nào, Chiến cũng được nghe lời động viên của hai con, được nghe chúng thủ thỉ chuyện công tác, chuyện học hành. Chiến mừng lắm bởi dù là người có tội ở ngoài xã hội thì với các con, anh luôn là một người cha, được chúng kính trọng.

“Tôi có một cái may mắn hơn người khác là khi tôi bị bắt, cả hai đứa con gái đều đã trưởng thành. Chúng hiểu và thông cảm cho những vấp váp của tôi. Mặc dù thế song việc vợ con không đả động gì tới tội lỗi do mình gây ra cũng làm tôi suy nghĩ. Tôi thấy mình có tội với con, nợ vợ con ân tình mà kiếp này khó trả nổi”, Chiến tâm sự.

Nói về những cảm nhận của mình khi đọc cuốn “Gửi lời xin lỗi”, Chiến bảo để hiểu được một cách sâu sắc những day dứt, ân hận, nuối tiếc của tác giả những bài viết đó thì cách tốt nhất là phải biết đặt mình vào vị trí , hoàn cảnh của họ mới hiểu được tâm trạng giằng xé trong lòng những phạm nhân này. Chiến đã viết như thế này: “Cuốn sách “Gửi lời xin lỗi” là một phương pháp giáo dục kiểu mới mà thông qua cuốn sách này, các phạm nhân có dịp trải lòng, nói lên lời xin lỗi và mong được tha thứ. Những lời xin lỗi ấy mộc mạc, chân thành và đi kèm với nó là những giọt nước mắt ân hận, ăn năn hối cải. Họ không biết mình có được tha thứ hay không nhưng sau khi trải lòng, nói ra hết được những uẩn ức trong lòng, họ sẽ có cảm giác nhẹ nhàng hơn… Những dằn vặt, giày vò trong tâm trí, chập chờn trong giấc ngủ sẽ từng bước được gỡ bỏ để có được một giấc ngủ bình yên”.

Là người có trình độ và ý thức chấp hành tốt nên từ ngày vào trại giam Tân Lập cải tạo, Chiến luôn được cán bộ tin tưởng, giao việc quản lý các buồng giam và kiểm tra việc giữ gìn vệ sinh khu vực phân trại và nơi làm việc… Bất cứ công việc nào, Chiến cũng hoàn thành một cách xuất sắc.

“Tôi xác định muốn về sớm chỉ có cách duy nhất là phải cải tạo tốt. Phải nỗ lực, cố gắng hết mình để mọi người nhìn ra sự hối lỗi của tôi”, Chiến nói.

Hỏi anh ta có dự định gì cho tương lai, kể cả việc bồi hoàn cho hai bị hại, Chiến thẳng thắn: “Tôi rất muốn trả xong món tiền đã nợ nhưng chắc phải đợi tới khi ra trại mới làm được điều đó. Tôi cũng đã đề đạt nguyện vọng của mình với vợ con và nhận được sự ủng hộ, vấn đề là thời gian mà thôi”.

Trước khi chia tay chúng tôi để trở về phân trại, tiếp tục công việc đi kiểm tra buồng giam của mình, nam phạm nhân này nhắn nhủ: “Ân tình nợ mọi người thì không bao giờ trả hết được. Chỉ mong sao mọi người hiểu cho hoàn cảnh của tôi, hãy cho tôi một cơ hội để sửa sai”.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-dong-cam-cua-mot-thay-giao-pham-toi-lua-dao-154430.html